Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

Biển Đông phủ bóng sứ mệnh của Đô đốc Mỹ

Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - Ảnh: foreignpolicy.

Tâm điểm Biển Đông


Mỹ đang cố gắng thúc đẩy thêm nhiều cuộc diễn tập đa phương với các đồng minh châu Á. Tuy nhiên, quan chức Mỹ khẳng định, sự kiện mà Nhật Bản thông báo “không hề nhằm gửi tín hiệu gì” tới Trung Quốc. "Đây là cuộc tập trận thông thường mà chúng tôi thực hiện ở vùng biển quốc tế”, một quan chức quốc phòng nói. "Không một quốc gia nào nên phật ý vì cuộc diễn tập thông thường, quy mô nhỏ này”.

Tuy nhiên, thậm chí trước khi kế hoạch tập trận hải quân chung giữa ba nước được thông báo, thì các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh cho hay, họ tin là vấn đề Biển Đông sẽ là tâm điểm trong chuyến thăm của ông Mullen.

Ông Mullen là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đầu tiên tới Trung Quốc kể từ năm 2004, và là vị quan chức quân sự cấp cao nhất thăm Trung Quốc kể từ khi ông Robert Gates – vị bộ trưởng quốc phòng vừa mãn nhiệm – tới Bắc Kinh hồi tháng 1, đúng vào dịp Trung Quốc tiến hành bay thử máy bay tàng hình đầu tiên mang tên J-20.

Chuyến công du 5 ngày của Đô đốc Mullen diễn ra sau chuyến thăm Mỹ của Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức. Khi ấy, ông Trần đã cố gắng đảm bảo với người đồng cấp Mỹ rằng, Trung Quốc không phải là một mối đe dọa quân sự.

Đô đốc Mullen dự kiến cũng sẽ truyền tải bức thông điệp tích cực khi đến Trung Quốc, ông sẽ thăm một số địa điểm quân sự, gặp gỡ các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự Trung Quốc trong đó có cả phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và có bài phát biểu với sinh viên nước này.

Nhưng kể cả khi hai bên nỗ lực tái thiết quan hệ quân sự (vốn chỉ được nối lại trong tháng 1 sau cả một năm căng thẳng khi Bắc Kinh đã ngừng mọi tiếp xúc quân sự với Washington để phản đối việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan) thì căng thẳng lần nữa lại gia tăng xung quanh vấn đề Biển Đông. Các chuyên gia cho rằng, căng thẳng có thể bao gồm cả những giá trị dầu khí trong vùng biển này.

Căng thẳng gia tăng


Một số nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đã tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ kể từ khi Trung Quốc đưa ra các tuyên bố cứng rắn về chủ quyền lãnh thổ trong khu vực này kể từ năm ngoái. Trong khi đó, Trung Quốc thì cáo buộc Mỹ can thiệp vào vấn đề khi Ngoại trưởng Hillary Clinton năm trước tuyên bố rằng, Mỹ có lợi ích trong bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông – vùng biển với những lộ trình vận chuyển rất quan trọng của thế giới.

Những tranh chấp ở Biển Đông đã lắng dịu vào đầu năm nay, nhưng lần nữa bùng nổ trở lại gần đây với hàng loạt vụ việc trên biển. Việt Nam và Philippines đã mạnh mẽ phản đối việc tàu Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí, quấy nhiễu và làm hư hỏng tàu thăm dò, tàu cá, bắn vào ngư dân ở những khu vực thuộc phạm vi chủ quyền hai nước tại Biển Đông.

Trung Quốc đã phủ nhận mọi cáo buộc mà hai nước đưa ra đồng thời tái khẳng định chủ quyền của họ với hầu hết Biển Đông.

Theo hãng tin AP, quan chức Philippines trong tuần này cho hay, họ đã cấm một quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc tham gia các cuộc họp vì thái độ hung hăng của ông này trong thảo luận về Biển Đông với quan chức nước chủ nhà. Bộ Ngoại giao Philippines nói, Bí thư thứ nhất Lý Vĩnh Thịnh, người phụ trách bộ phận chính trị của Đại sứ quán Trung Quốc, đã cao giọng với một nhân viên ngoại giao Philippines trong một cuộc họp thảo luận về việc Manila cáo buộc tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển của Philippines.

Biển Đông được cho là tâm điểm cuộc thảo luận giữa ông Albert del Rosario – Ngoại trưởng Philippines và người đồng cấp Dương Khiết Trì khi họ gặp nhau hôm thứ Sáu ở Bắc Kinh. Nhưng thông cáo báo chí đưa ra công khai sau đó chỉ nói rằng, hai bên “sẽ có những nỗ lực chung để gìn giữ hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.

Vấn đề Biển Đông có thể cũng là chủ đề chính tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Bali, Indonesia vào tuần tới với sự tham gia của ngoại trưởng 10 nước ASEAN và 17 quốc gia khác (trong đó có Ngoại trưởng Mỹ Clinton).

Thái An (Theo WSJ)

Không có nhận xét nào: