Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

Hội An: làm sao thu hút khách du lịch cao cấp?

Vũ Hoàng,

Hồi đầu tháng ba, một tạp chí du lịch của Anh đã xếp phố cổ Hội An vào vị trí thứ 2 trong 10 thành phố du lịch hàng đầu trên thế giới, với 96% số phiếu bầu.
AFP PHOTO
Phố cổ Hội An.


Khu đô thị cổ Hội An – một di sản văn hóa thế giới, tiếp tục được thế giới đánh giá cao là một điều đáng khích lệ cho hoạt động du lịch Việt Nam.

Vũ Hoàng tìm hiểu thêm hoạt động kinh doanh cũng như phương thức bảo tồn khu phố cổ Hội An, và tường trình những thông tin liên quan trong phần sau.

Nét hấp dẫn của Hội An

Sự nổi tiếng của phố cổ Hội An không phải chờ đến bây giờ, mà khu đô thị này đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1999.
Theo bình chọn của Wanderlust vừa được đưa ra thì bầu chọn 10 thành phố du lịch hàng đầu thế giới, thì phố cổ Hội An được vinh dự đứng thứ hai, vượt qua cả thành phố San Franciso của Hoa Kỳ và Tokyo của Nhật Bản, chỉ sau Luang Prabang của Lào.
Hội An được hình thành cách đây khoảng 3 thế kỷ, nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn. Trước đây, Hội An là thương cảng quốc tế nhộn nhịp, là địa điểm đầu tiên của Việt Nam tiếp xúc với thương lái các nước phương Tây như: Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh, Pháp và sau đó là Trung Quốc, Nhật Bản.
Đô thị cổ Hội An ngày nay là một điển hình đặc biệt vể cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn khá nguyên vẹn.
Hiến pháp Việt Nam quy định công dân Việt Nam, kể cả nước khác, họ có quyền đi tới bất cứ chỗ nào họ không bị cấm chứ, thì làm sao mình có thể bán vé một điểm tham quan.
Ô. Nguyễn Văn Mỹ
Một điều khá đặc biệt khác nữa về cảnh quan đô thị Hội An là mặc dù khu vực nông thôn, nằm ngay liền kề khu phố cổ, nhưng nhiều vùng nông thôn không bị đô thị hóa ồ ạt, không làm hỏng phong cách riêng có của Hội An. Nông thôn và đô thị tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh và hỗ trợ cho nhau.
Nhận xét về khu phố cổ này, ông Nguyễn Văn Mỹ, Ủy viên BCH Hiệp hội Du lịch TPHCM cho biết:
“Hiện nay có thể nói một cách khiêm tốn rằng, Hội An lâu nay được xem là một phố cổ đẹp của Châu Á và ít bị xâm hại bởi làn sóng đô thị hóa. Hội An luôn có những cái mới riêng của mình để hấp dẫn du khách và những vệ tinh của những điểm xung quanh. Tôi cho rằng Hội An đi đúng hướng rồi. Kết quả mà Hội An đạt được như hôm nay là có sự nỗ lực rất lớn của mọi người, trong đó có ngành du lịch, của những người dân tham gia và các lãnh đạo của Hội An, họ có tầm nhìn xa hơn và rất đáng trân trọng so với nhiều địa điểm du lịch của Việt Nam.”

Số lượng hay chất lượng?


VIETNAM_TOURISM_HOI_AN_LANTERNS250.jpg
Một tiệm bán lồng đèn tại Phố cổ Hội An. AFP PHOTO.
Ngoài những giá trị văn hóa thể hiện qua những kiến trúc cổ kính, tinh hoa, Hội An vẫn giữ được những nét văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú, được thể hiện qua những sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa và các làng nghề truyền thống. Điển hình là nếu du khách đến Hội An vào ngày rằm hoặc mùng một thì sẽ được đắm chìm trong một không gian với lung linh sắc đèn lồng đủ màu của đêm phố cổ, trải dài khắp các con phố.

Tuy nhiên, theo lời nhà văn Nguyên Ngọc thì nét đặc trưng nhất của Hội An lại là những con người sinh sống tại đây. Ông nhận xét:
“Đặc điểm lớn nhất của Hội An, cái hấp dẫn nhất của Hội An chính là con người ở đấy. Con người ở đấy rất là bặt thiệp, văn minh, năng động nhưng đồng thời  họ vẫn giữ được sự chất phác, thật thà. Buôn bán ở Hội An lạ lắm, nhiều người nước ngoài tới Hội An ngạc nhiên lắm, buôn bán nhưng hết sức thật thà, khác hẳn với buôn bán thị trường lạnh lùng. Theo tôi, nét hấp dẫn nhất của Hội An chính là cái đó.”
Theo lời nhà văn Nguyên Ngọc thì trong nhiều năm qua, đời sống của người dân ở thành phố đã khá giả lên rất nhiều, nhờ kinh doanh du lịch và các dịch vụ đi kèm nhưng họ không mất đi bản chất thật thà, chất phác.

SAHK991208739560-250.jpg
Phố cổ Hội An mùa lũ lụt trước đây. AFP PHOTO.
Tuy thế, hiện nay, Hội An cũng còn nhiều khó khăn, đó là bài toán làm sao để tiếp tục duy trì nét cổ của khu đô thị này. Vì nằm ở vùng lũ, nên mỗi năm một lần, những ngôi nhà cổ ở đây phải gánh chịu sự phá huỷ của nước ngập lụt, vì thế việc bảo tồn và sửa chữa nhà cửa cũng là vấn đề mà không chỉ người dân mà cả chính quyền địa phương phải lo ngại. Nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ thêm:

“Việc giữ các nhà cổ cũng là một thách thức rất lớn. Ở Hội An năm nào cũng có lụt, mà mỗi khi lụt là gần như khu phố cổ bị ngập, đến nỗi hàng hóa ở tầng dưới phải đưa lên trên gác, và mùa lụt như vậy thì uy hiếp nhà cổ rất nhiều mà chưa nói đến quy luật thời gian cũng làm hư hỏng các ngôi nhà. Bây giờ mà tu sửa theo hướng hiện đại bằng bê tông, xi măng thì rẻ hơn rất nhiều, còn nếu tu bổ đúng theo như ngày xưa bằng gỗ mộc thì tốn tiền hơn rất nhiều.”
Liên quan đến công việc tu bổ các ngôi nhà cổ, vấn đề chi phí cũng đáng quan tâm, theo ông Nguyễn Văn Mỹ, cần có chính sách phân chia trách nhiệm rõ ràng giữa người dân và Nhà nước. Ông Nguyễn Văn Mỹ cho biết thêm:
“Về vốn, cũng phải quy định rõ ràng hơn, vì nhà của anh, anh làm anh chỉ đóng thuế cho Nhà nước thôi, còn lời anh giữ hết, thì anh phải bỏ tiền ra anh sửa chữa chứ. Còn nếu anh không có tiền sửa, thì Nhà nước nên có chính sách vay với chế độ ưu đãi. Nếu không được nữa, thì Nhà nước sẽ cùng hùn bỏ tiền ra với anh để sửa sang lại. Nhưng tôi có cảm nhận là lâu nay Việt Nam, có lẽ là bao cấp mà, cho nên dân hơi ỷ lại vào chuyện xuống cấp mình không có tiền sửa, thì mình cứ để thế, càng để càng xuống cấp thì không chỉ gia đình họ thiệt hại vì buôn bán ế ẩm, mà ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hội An nói riêng cũng bị ảnh hưởng.”
Làm thế nào để thu hút khách du lịch chất lượng cao, họ thậm chí nghĩ đến chuyện cấp quota cho du lịch, hạn chế bớt du lịch.
Nhà văn Nguyên Ngọc
Một điểm bất cập tại Hội An mà lâu nay báo chí thường lên tiếng là việc thu phí tham quan du lịch. Vấn đề này đã được nêu lên nhiều nhưng vẫn chưa có biến chuyển. Ông Mỹ nhận xét:
“Trở lại vấn đề bán vé, tôi nói thật, tôi đã phản đối chuyện này từ lâu rồi. Tôi nhắc lại, Hiến pháp Việt Nam quy định công dân Việt Nam, kể cả nước khác, họ có quyền đi tới bất cứ chỗ nào họ không bị cấm chứ, thì làm sao mình có thể bán vé một điểm tham quan, chứ không thể bán vé cả một thành phố được. Cho nên theo tôi phương án như một số phố cổ làm là chúng ta miễn vé vào cửa để chúng ta có một lượng khách nhiều hơn.”
Khi đặt câu hỏi về những biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, nhằm tránh hiện tượng báo chí nước ngoài phê bình như bãi biển Nha Trang bẩn cách đây không lâu. Nhà văn Nguyên Ngọc đưa ra một ý kiến khá mới mẻ, ông nói:
“Có lẽ một trong những vấn đề của Nha Trang là vấn đề số lượng, thì Hội An hiện đang suy nghĩ một vấn đề không phải là số lượng mà là chất lượng. Làm thế nào để thu hút khách du lịch chất lượng cao, họ thậm chí nghĩ đến chuyện cấp quota cho du lịch, hạn chế bớt du lịch.”
Hi vọng rằng, bằng sự nỗ lực bảo tồn những khu nhà cổ từ cả 2 phía người dân và chính quyền; thay đổi hình thức thu phí tham quan hay thu hút khách du lịch không dựa trên con số mà dựa trên chất lượng dịch vụ sẽ là những biện pháp mà Hội An không những tiếp tục duy trì được vị thế của một di sản văn hóa thế giới, có thứ hạng cao trong các danh sách bình chọn quốc tế, mà còn là một niềm tự hào cho người Quảng Nam nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Không có nhận xét nào: