Cuộc không kích của một số nước phương Tây chống lại Libya đã vấp phải sự chỉ trích rộng rãi trong báo chí Ảrập cho dù tuần trước, 22 thành viên Liên đoàn Ảrập đã ủng hộ việc áp đặt vùng cấm bay.
Báo Achourouk của Tunisia quan ngại rằng, sự can thiệp quân sự của phương Tây có thể khiến lợi thế nghiêng về Gaddafi. "Nước ngoài can thiệp làm lu mờ cuộc chiến chống lại chế độ tham nhũng của người dân Libya”, tờ báo nhấn mạnh. “Cuộc không kích của phương Tây có nguy cơ biến khu vực trở thành một nơi căng thẳng”.
Tunisia là nơi bắt đầu làn sóng biểu tình trong thế giới Ảrập dẫn tới việc lật đổ Tổng Zine El Abidine Ben Ali vào tháng 1. Tháng trước, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak cũng chịu chung số phận sau 30 năm cầm quyền trong những cuộc biểu tình tương tự.
Báo Assabah cho hay, cuộc can thiệp quân sự lớn nhất của Phương Tây tại thế giới Ảrập kể từ năm 2003 "làm dấy lên nhiều lo lắng và khiến ký ức về những gì xảy ra tại Iraq trở lại”. Tờ báo bình luận: “Không còn nghi ngờ rằng, các lợi ích vật chất là động lực chính cho sự can thiệp quân sự này và nó bắt đầu từ dầu mỏ”.
Tờ Le Temps tiếng Pháp khẳng định, họ ủng hộ hành động của phương Tây “sau rất nhiều do dự” nhưng nhấn mạnh rằng, hành động ấy cần giới hạn trong các điều khoản của Nghị quyết 1973 mà Hội đồng Bảo an thông qua về việc áp đặt vùng cấm bay và hành động khác để bảo vệ dân thường Libya. “Toàn khu vực cần có một kết quả tích cực tại Libya để cho phép chúng ta tránh được những rủi ro của bất ổn chính trị, khủng hoảng nhân đạo, an ninh không đảm bảo…những gánh nặng mà Tunisia vẫn tiếp tục chịu đựng”, tờ báo viết.
Hàng chục nghìn công nhân di cư và những người nước ngoài đã xuyên qua biên giới Libya để đổ vào Tunisia kể từ khi cuộc nổi dậy bắt đầu vào tháng trước.
Tại Algeria, tờ báo bán chạy hàng đầu El Khabar đăng bài bình luận trang nhất tiêu đề “khi dầu trộn lẫn với máu người Libya”. Tờ báo khẳng định “sự bất đồng quốc tế - về việc can thiệp quân sự - là kết quả của một cuộc chạy đua giành mỏ dầu Libya” và rằng, Pháp – một nước thực dân cũ ở cả Algeria và Tunisia – đã “khoanh vùng phần của sư tử” sau khi dẫn đầu hành động quân sự và thực hiện không kích vào Libya. "Cuộc chiến thực sự là về dầu mỏ, chứ họ không có gì để làm với người Libya”, tờ báo cho biết.
Tờ báo tiếng Pháp El Watan thậm chí còn chế nhạo việc Phương Tây can thiệp vào Libya trong khi không có hành động nào với sự đàn áp biểu tình tại Bahrain – căn cứ Hạm đội Năm của Mỹ hay Yemen – một đồng minh của Mỹ.
Chỉ ở vùng Vịnh, nơi Qatar đang tham gia vào hành động quân sự, mới xuất hiện những mong muốn có phương Tây can thiệp. "Ngăn chặn lực lượng Gaddafi hôm nay, không phải ngày mai”, một bài báo đăng trên nhật báo Tin tức vùng Vịnh của Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất xuất bản vài giờ trước khi cuộc không kích bắt đầu.
Một số chính phủ Mỹ Latin cũng cho rằng, cuộc không kích nhằm vào Libya thực sự là để kiểm soát trữ lượng dầu mỏ giàu có của nước này. "Họ muốn nắm giữ dầu của Libya”, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez nói trên truyền hình. Ông cho rằng, hành động quân sự là “tắc trách” và không có gì hơn là “can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác”.
Còn nhà lãnh đạo cách mạng Cuba Fidel Castro thì đặt câu hỏi về sự hữu ích của Hội đồng Bảo an LHQ khi cho phép “sử dụng mọi biện pháp cần thiết” chống lại Libya trong một nghị quyết thông qua hôm thứ Sáu.
Tại La Paz, Tổng thống Bolivia Evo Morales cũng đưa ra quan điểm tương tự như ông Chavez khi nói: “Cuối cùng họ quan tâm là kiểm soát dầu Libya”. Ông Morales phản đối mạnh mẽ sự can thiệp của nước ngoài tại Libya.
- Thái An (Theo timesofmalta, brecorder)
Mỹ cảnh báo bế tắc trong cuộc chiến tại Libya Đô đốc Mike Mullen của Mỹ thừa nhận rằng, cuộc can thiệp quân sự vào Libya có thể dẫn tới một sự bế tắc tại quốc gia Bắc Phi này. Ông Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nói trong một cuộc phỏng vấn hôm qua (20/3) rằng, chiến dịch quân sự của phương Tây có thể kết thúc trong bế tắc với nhà lãnh đạo lâu năm của Libya Muammar Gaddafi. Chỉ huy quân sự hàng đầu của Mỹ còn nhấn mạnh rằng, kết thúc của hành động quân sự tại Libya là “rất không rõ ràng”. Tuyên bố của ông Mullen được đưa khi khi các lực lượng của Mỹ và châu Âu bắt đầu cuộc không kích và tấn công tên lửa hành trình chống lại lực lượng trung thành với lãnh đạo Libya Gaddafi. Theo ông Mullen, hành động quân sự có một phạm vi rõ ràng và giới hạn. Ông cũng không thể dự đoán sự can thiệp có thể diễn ra trong bao lâu và kết quả sẽ là thế nào. Trong cuộc không kích vào Libya, Pháp dẫn đầu, vài trờ trước khi tàu chiến và tàu ngầm của Mỹ và Anh nhập cuộc. Nhiều thông tin cho hay, tên lửa đã đánh trúng vào sân bay Tripoli và nhằm vào các mục tiêu tại thành phố phía tây Misratah. 19 máy bay Mỹ trong đó có ba máy bay ném bom B2 đã tham gia cuộc tấn công. Không ít người, trong đó có dân thường đã thiệt mạng trong các vụ tấn công này. Trung Quốc, Nga, Liên đoàn Ảrập và Liên minh châu Phi đã chỉ trích cuộc không kích. Trong khi đó, ông Gaddafi thề sẽ trả đũa, và tuyên bố mở kho vũ khí trang bị cho người dân trong cuộc chiến chống lại Mỹ và liên minh phương Tây. "Chúng tôi sẽ đáp trả bằng cuộc chiến lâu dài, không giới hạn”, Gaddafi nói trên truyền hình. Đây là cuộc can thiệp quân sự lớn nhất của phương Tây vào thế giới Ảrập kể từ cuộc chiến Iraq năm 2003. Các chuyên gia cho rằng, động cơ chính đứng sau cuộc tấn công của phương Tây là trữ lượng dầu mỏ phong phú tại quốc gia Bắc Phi này. (Theo presstv)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét