Chuyên gia năng lượng hạt nhân nói Việt Nam phải nghiên cứu kỹ sự cố hiện thời tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima ở Nhật Bản để rút kinh nghiệm cho kế hoạch của mình.
Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam Vương Hữu Tấn cho BBC hay rằng hôm thứ Tư 16/03, Bộ Khoa học-Công nghệ Việt Nam đã triệu tập một cuộc họp để xem xét thông tin về sự cố cháy nổ ở nhà máy Fukushima Daiichi và kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam.
Ông Tấn nói: "Các chuyên gia và cơ quan chức năng phải nghiên cứu thật kỹ những gì đang xảy ra tại nhà máy (điện nguyên tử) của Nhật".Trước đó đã có nhiều cảnh báo từ giới chuyên gia về các nguy cơ có thể nảy sinh khi xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Những gì đang diễn ra tại Fukushima cũng khiến cho người dân vô cùng lo lắng.
Tại cuộc họp của Bộ Khoa học-Công nghệ, các nhà quản lý khẳng định Việt Nam chưa bị ảnh hưởng của bụi phóng xạ từ Nhật Bản, đồng thời hứa sẽ công bố thông tin về phóng xạ hàng ngày.
Họ cho biết, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng hệ thống ứng phó khẩn cấp với sự cố hạt nhân "từ trung ương tới địa phương".
Tuy nhiên, cuộc họp không đưa ra khuyến cáo về tiến độ chuẩn bị xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam, mà trước đó các nhà hoạch định kế hoạch dự tính tới năm 2020 sẽ bắt đầu cung cấp điện.
'Công nghệ hiện đại an toàn hơn'
Tiến sỹ Vương Hữu Tấn nói trách nhiệm của các chuyên gia là phải cung cấp đầy đủ thông tin để người dân quyết định lựa chọn cho mình.Nhưng ông cũng khẳng định khả năng sử dụng công nghệ điện nguyên tử của Nhật Bản cho nhà máy của Việt Nam trong tương lai "không có vấn đề gì" vì "công nghệ hiện đại nay đã an toàn hơn rất nhiều".
Theo TS Tấn, lò phản ứng đang gặp sự cố tại Fukushima Daiichi thuộc thế hệ cũ, được xây dựng từ những năm 1966-1970, hệ thống an toàn phải do con người điều khiển.
"Công nghệ mới với hệ thống an toàn thụ động, tự phản ứng khắc phục sự cố, an toàn hơn rất nhiều."
Được biết lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ do Nga thiết kế và xây dựng.
Nhà máy điện Ninh Thuận 1 dự tính sẽ được xây dựng tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, cách trung tâm thành phố Phan Rang-Tháp Chàm của Ninh Thuận khoảng 20 km. Nhà máy Ninh Thuận 2 sẽ được xây tại xã Vĩnh Hải, huyện Thuận Bắc.
Tuy nhiên mới đây, lãnh đạo Ninh Thuận đã kiến nghị chính phủ dời địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân số hai với lý do muốn giữ đất để "phát triển du lịch".
Hôm 16/03, nước láng giềng của Việt Nam là Trung Quốc đã quyết định tạm ngừng cấp phép cho các dự án điện hạt nhân mới và rà soát lại các dự án đang thực hiện.
Nước này có 27 lò phản ứng đang được xây dựng và 50 lò phản ứng đang được lên kế hoạch xây dựng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét