Nhiều đại biểu chưa nhả vụ Vinashin và bất bình trước kết luận không kỷ luật Thủ tướng cùng các thành viên chính phủ của Bộ Chính trị. Phiên họp cuối, không chất vấn, không truyền hình trực tiếp. Nhưng vẫn hâm nóng bởi câu chuyện cũ Vinashin và ý kiến đòi tiếp tục thành lập Ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm các thành viên Chính phủ.
Xin lược ghi vài ý kiến của một số đại biểu trong ngày thảo luận hôm qua 26-3: TDN
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền ( Lâm Đồng) ôn tồn:
“... về xử lý trách nhiệm của Chính phủ liên quan đến vụ Vinashin thì cử tri không đồng tình, họ nói như thế nào là chưa đến mức phải xử lý, phải chăng đối với cấp trên thì chúng ta chưa đến mức, còn cấp dưới là đến mức? cho nên tôi đề nghị vấn đề này mà cử tri cho rằng chúng ta chống tham nhũng thì như quét cầu thang phải quét từ trên xuống chứ không phải quét từ dưới lên”.
Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) mỉa mai hơn:
“...Tôi chuyển ý kiến của cử tri khi tôi đi họp, họ nói rằng: "Ông đến Quốc hội nói rằng chúng tôi là những người nông dân làm dự án để vay nuôi bò, nuôi lợn nhưng không may gặp thiên tai, gặp dịch bò chết, lợn chết, chúng tôi vẫn phải trả nợ ngân hàng, thậm chí nếu không tìm cách đảo nợ thì bị siết nợ. Trong khi đó việc khoanh nợ, giãn nợ cho Vinashin, nếu đem so sánh mà trong Báo cáo của Chính phủ không xử lý kỷ luật ai thì tôi nghĩ là điều khó hiểu".
Đại biểu Đặng Như Lợi ( Cà Mau) thì khá thẳng thắn và quyết liệt, như không muốn “nhả” chuyện này:
“Cách đây 5 tháng tại kỳ họp thứ 8, Chính phủ báo cáo tình hình của Vinashin có nêu ra kết luận trong thông báo 81 của Bộ Chính trị là tình hình của Vinashin khá nghiêm trọng, trong đó có trách nhiệm của các cấp quản lý... Trong nguyên lý Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân kiểm tra, tôi có đọc lại Điều 4 của Hiến pháp, phần đầu của điều lệ Đảng cộng sản, Khoản 2, Điều 17, Điều 32 và Khoản 2, Điều 41 nêu rất rõ về nguyên tắc lãnh đao và hoạt động của Đảng và các cơ quan của Đảng. Ở đây, về nguyên tắc là Đảng không làm thay Nhà nước, nên những vấn đề của ta nêu ra thuộc về lĩnh vực quản lý Nhà nước, trách nhiệm của quản lý Nhà nước trong chuyện này phải rõ.
Trong báo cáo này tôi thấy còn nhiều tâm tư của nhiều đại biểu, đối với cử tri và nhân dân cả nước khi đọc được báo cáo sẽ cho là không ổn về vấn đề nguyên tắc, mặc dù các văn bản quy định khá rõ. Nếu giao cho Thanh tra Chính phủ làm, theo Luật thanh tra, Thanh tra cũng chỉ là một cơ quan của Chính phủ để giúp Chính phủ quản lý về vấn đề thực thi pháp luật. Rõ ràng ở đây là chức năng kiểm tra như thế nào phải là cơ quan Nhà nước có chức năng về vấn đề này. Đó là vấn đề ta nên xem xét lại báo cáo trong vấn đề này.
... Tôi đề nghị về Vinashin như sau: Tôi vẫn đề nghị như ý kiến trước đây của nhiều đại biểu nêu ra là: Thành lập Ủy ban lâm thời về vấn đề này. Sau đó có năng lực chuyên môn kiểm tra cho đến bao giờ xong có thể báo cáo Quốc hội vì chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm kỳ vào tháng 7 khi kỳ họp thứ nhất Quốc hội XIII”
Trong khi Vinashin chưa gỡ xong, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) lại lo ngại về một Vinashin 2, đó là Tập đoàn Dầu khí và câu chuyện 3.500 tỷ “để lại” cho tập đoàn này:
“... Trong báo cáo lần đầu của dầu khí thì dầu khí định đưa 3.500 tỷ này vào 3 dự án. Nhưng sau đấy Bộ Công thương có báo cáo là đưa vào một dự án, qua đấy tôi cũng nhận thấy rằng cơ chế sử dụng cũng như kế hoạch sử dụng không đồng nhất và có một sự khá là tùy tiện trong việc sử dụng các nguồn ngân sách để lại như thế này. Thứ hai là trong báo cáo của dầu khí thì tôi được biết rằng năm 2011 Tập đoàn dầu khí dự định đầu tư 105.000 tỷ, tôi xin hỏi ai là người duyệt danh mục đầu tư này và tổng đầu tư này cho dầu khí. Bởi vì nếu chúng ta so sánh thì ta thấy tập đoàn Vinashin cho đến hiện nay đầu tư 86.000 tỷ và đã để lại một tình trạng như vậy, mỗi một năm lãi suất ngân hàng của 86.000 tỷ hiện nay lên đến 15.000 tỷ. Vậy trong một năm Tập đoàn dầu khí đầu tư 105.000 tỷ thì thử hỏi lãi suất ngân hàng của số đó như thế nào và hiệu quả đầu tư của nó như thế nào, ai là người quyết định danh mục đầu tư và số đầu tư đó. Chúng ta không thể nói Tập đoàn dầu khí là doanh nghiệp thì anh tự đầu tư, muốn đầu tư như thế nào cũng được bởi vì Tập đoàn dầu khí là tập đoàn của nhà nước, số tiền đó đầu tư nhà nước phải chịu trách nhiệm, cuối cùng thì nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm và ảnh hưởng đến nhân dân bởi vì tiền đó là tiền của dân”
Cuối cùng, một ý kiến tôi muốn được đăng nguyên văn, đó là bài phát biểu của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn):
“Kính thưa Quốc hội,
Các đại biểu phát biểu trước tôi đã đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội và sự điều hành của Chính phủ trong năm 2010, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế trong điều hành và kiến nghị những giải pháp, vấn đề cần quan tâm. Tôi nghĩ ở đời có hai đối tượng rất dễ bị chê một cách nghiêm khắc. Một là chồng bị vợ chê. Hai là Chính phủ bị Quốc hội chê. Không có ai thương yêu chồng hơn là vợ nhưng vì muốn ông chủ gia đình thật tốt nên vẫn phải chê. Nhưng không ai thương yêu Chính phủ hơn đại biểu Quốc hội. Nhưng muốn có một Chính phủ tốt thì cứ phải chê.
Thứ hai, theo tôi có 2 đối tượng cũng dễ bị khen một cách ngoại giao. Một là phụ nữ cũng dễ bị khen một cách ngoại giao lắm, không ai chê phụ nữ bao giờ. Thứ hai là lãnh đạo được cấp dưới khen hay được các nhà ngoại giao khen thì cũng phải sàng lọc. Tôi tin Chính phủ sẽ sàng lọc những cái gì chê là đúng, cái gì khen là đúng để tiếp tục phấn đấu.
Trong Báo cáo của Chính phủ tôi thấy có rất nhiều điều tán thành, nhiều điều chia sẻ. Nhưng có một điều mà nó át tất cả những tán thành, những chia sẻ ấy chính là về vụ Vinashin. Có thể nói sau khi công bố Báo cáo của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng rất nhiều cử tri gọi điện cho tôi, người ta đặt những câu hỏi mà tôi thấy rất khó trả lời.
Câu hỏi thứ nhất là tại sao Bộ Chính trị lại kết luận như vậy trước khi có kết luận thanh tra, đành là cái nhìn của Đảng rộng hơn thanh tra nhiều lắm, nhưng ít nhất phải có cơ sở kết luận của thanh tra đã.
Thứ hai, tại sao Bộ Chính trị thông báo với Quốc hội không ký một văn bản để thông báo, mà lại thông báo qua đồng chí Phó Thủ tướng thường trực qua Báo cáo của Chính phủ.
Thứ ba, cử tri cũng muốn biết đồng chí A, đồng chí B trong Chính phủ có những hạn chế gì, có những ưu điểm gì trong điều hành Vinashin, trên cơ sở đó cử tri người ta dễ nhất trí nếu như mình thấy rằng không đến mức phải kỷ luật. Tôi cho chỗ này nên công bố một cách rất rõ ràng như thế. Nếu không cử tri rất buồn, người ta rất phân vân và Quốc hội chúng ta không hoàn thành được nhiệm vụ với cử tri, Chính phủ cũng không hoàn thành được nhiệm vụ với cử tri.
Lúc nãy phát biểu trước tôi đại biểu Đặng Như Lợi có kiến nghị Quốc hội cần hoàn thành nốt món nợ với cử tri, từ nay đến tháng 7 cũng cần phải lập Ủy ban lâm thời để điều tra về trách nhiệm của các đồng chí trong Chính phủ và có một kết luận để cho nhân dân tán thành, người ta được yên tâm.
Trước đây tôi có đề nghị vấn đề này, nhưng sau khi nhận được ý kiến của Thường vụ trả lời thì tôi cũng nhất trí, bởi vì tôi nghĩ thời điểm rất tế nhị, đấy là thời điểm trước Đại hội Đảng, nếu không khéo thì mình lại nghĩ có ý này, ý khác. Nhưng bây giờ Đại hội xong rồi, kết quả tốt đẹp, bây giờ tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể làm vấn đề này một cách đàng hoàng để cho nhân dân không băn khoăn, thắc mắc gì cả. Chúng tôi xin đề nghị Thường vụ cân nhắc và cho ý kiến sớm về vấn đề này.
Vấn đề thứ hai, vấn đề rất thời sự hiện nay đó là việc đối phó với thảm họa thiên tai. Từ hôm 11/3 đến giờ không phải chỉ người Việt Nam, mà nhân dân toàn thế giới hết sức quan tâm đến diễn biến thiên tai ở Nhật Bản, chia sẻ sâu sắc đến những mất mát của nhân dân Nhật Bản, đồng thời bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với cách giải quyết, cách khắc phục thiên tai của Chính phủ Nhật và của nhân dân Nhật. Tôi cũng đặt câu hỏi tại sao người Nhật có cách hành xử được ngưỡng mộ như vậy? Tôi tự trả lời không biết có đúng không?
Trước hết là dịch vụ công của họ rất tốt, hàng chục nghìn người tạm trú trong nhà tạm lánh đều được chăm sóc y tế, thức ăn có thể phải xếp hàng nhưng không thể có ai đói, người ta có Chính phủ quan tâm, sắp xếp như vậy thì làm sao người ta phải nhốn nháo, tranh cướp nhau.
Thứ hai nữa là nền văn hóa cao nhưng nguyên nhân quan trọng nhất cho cách ứng phó của Nhật Bản thành công là người Nhật đã được chuẩn bị rất kỹ để sống chung với động đất, với sóng thần, từ thiết kế các nhà, sử dụng các vật liệu nhẹ đến kết cấu thích hợp với việc chống động đất đã làm giảm thiểu thiệt hại. Nữa là người dân được dạy từ bé cách chống động đất, tránh sóng thần như thế nào nên ứng phó được.
Ở nước ta, là một nước lúc nào cũng có mùa rét, thậm chí rét đậm, rét hại nhưng năm nào cũng chết trâu, chết bò, lúc nào cũng có bão, lũ lụt, không có năm nào không cả nhưng năm nào cũng có người chết, các đồng chí từ lãnh đạo đến nông dân hết sức vất vả để chống chọi. Vậy tại sao chúng ta không nghiêu cứu những phương thức để chống rét, chống bão lụt mà rất đơn giản là cấp thuyền cho người ta, tôi nghĩ sắp tới cần nghiên cứu thêm vấn đề này.
Thứ hai, cần rà soát lại độ an toàn của tất cả công trình hiện nay, nhất là thủy điện, điện hạt nhân. Về điện hạt nhân Quốc hội đã biểu quyết rồi, chúng ta thấy các đồng chí làm công trình này khẳng định yên tâm, nhưng chúng tôi mới nhận được thông tin Tập đoàn năng lượng nguyên tử Nga có chỉ ra những nhược điểm của những điểm mà mình đã chọn, có địa điểm thì nó có độ địa chấn cao thì nó nằm ngay ở đường đứt gãy, thậm chí nằm gần tam giác của 3 đường đứt gãy, có địa điểm thì nằm ở sát ven biển khó mà có thể chống được sóng thần, những chuyện này là mình đã có kinh nghiệm ở Dung Quất rồi mình điều tra không kỹ cho nên khắc phục rất mệt. Tôi đề nghị là các cơ quan giúp việc của Chính phủ phải điều tra hết sức cẩn thận, chứ không thể chủ quan được. Vì chúng ta không thể tưởng tượng được, tuy nhiên sẽ đàm phán thế nào, riêng trận động đất ở Nhật người ta tính ra là sức phá hoại của nó gấp 1.000 lần toàn bộ bom hạt nhân ở trên trái đất này, ở tất cả các nước. Đấy là điều mình không thể tưởng tượng được, nếu bây giờ mình cứ chủ quan, mình nói là yên tâm, chúng ta thế hệ 3 rồi nền đất ở đấy thế này, thế kia sợ đến lúc mình hối không kịp thì đấy là những điều chúng tôi rất mong được Quốc hội, được Chính phủ quan tâm. Xin cảm ơn Quốc hội”.
Bạn đọc có thể xem toàn bộ nội dung các ý kiến đại biểu tại địa chỉ này: Biên bản của Văn phòng quốc hội.
Chịu khó đọc kỹ sẽ đoán ra ngay ai là người sẽ ở lại trong nhiệm kỳ quốc hội tới và ai là người sẽ nói lời chia tay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét