Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Câu chuyện giấy khai sinh của ông Obama

 Nguyễn Văn Tuấn

clip_image002
Báo Tuổi trẻ chạy một bản tin ngằn về việc Nhà Trắng công bố giấy khai sinh của ông Obama.  Câu chuyện bên Mĩ tưởng chừng như chẳng có dính dáng gì đến Việt Nam, nhưng nghĩ kĩ thì có ...
Ngay từ trong thời gian tranh cử, giới báo chí đã đề cập đến nghi vấn ông Obama không phải sinh ra ở Mĩ. Nếu điều này đúng thì theo luật pháp Mĩ, ông không đủ tư cách để ứng cử và làm Tổng thống Mĩ.
Đến khi ông Obama đắc cử và làm Tổng thống mà dư luận vẫn còn râm ran về nơi sinh của ông.
Theo truyền thống minh bạch, ông Obama nhờ Luật sư cá nhân của ông là bà Judith Corley đi Hawaii để sưu lục lại giấy khai sinh và đem về Nhà Trắng cho ông.  Ngày hôm kia, Nhà Trắng cho công bố giấy khai sinh.  Giấy khai sinh cho thấy ông sinh ngày 4/8/1961 tại đảo Oahu, Honolulu.  Giấy khai sinh còn ghi rõ cha ông lúc đó 25 tuổi là sinh viên ở Hawaii, và mẹ là Ann Stanley Dunham.
clip_image003
Giấy khai sinh của ông Barack Obama
Thế là những thuyết âm mưu (conspiracy) về nơi sinh của ông tan thành mây khói, và những thế lực chống ông một phen bẽ mặt. Ông Obama nổi nóng nói rằng những kẻ đứng đằng sau chuyện phao tin giả về nơi sinh của ông là “carnival barkers”, có lẽ tạm dịch là những kẻ ăn thịt hay sủa (haha, ông này dùng chữ hay!) Dù không nói ra ai, nhưng ai cũng hiểu ông ám chỉ Donald Trump, một tỉ phú Mĩ nổi tiếng ăn thịt đỏ.
Đó là chuyện bên xứ người, còn chuyện bên xứ ta thì sao?  Nước ta không thiếu những huyền thoại, nghi vấn, và lời đồn về đời tư và nhân thân của giới lãnh đạo.  Nhưng hình như các Chính phủ nước ta, hết thời này sang thời khác, không có truyền thống minh bạch hóa, nên những nghi vấn và huyền thoại vẫn cứ là… nghi vấn.  Có khi ngay cả cá nhân lãnh đạo cũng không minh bạch hóa, hay chẳng có động thái nào xóa tan đám mây mù chung quanh nhân thân của mình.  Người đã qua đời thì cũng khó tự mình minh bạch hóa, nhưng điều đáng nói là người còn sống cũng không.  Chẳng hạn như ngài nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh lúc trả lời phỏng vấn cho một tờ báo Mĩ thì nói rằng thân mẫu của ngài là bà Hoàng Thị Nhình, nhưng theo một bài báo trên tờ Thế giới mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì thân mẫu của ngài là bà Nông Thị Trưng.  Không thấy ngài nói đến thân phụ.  Không nói đến thân phụ nhưng ông có nhắc đến cụ Hồ: "Tôi nói rằng tất cả người dân Việt Nam ai cũng là con, cháu của Bác Hồ. Chúng tôi đều coi ông là người cha già của dân tộc Việt Nam.” Tôi nghĩ câu đầu (tất cả người dân Việt Nam ...) hình như không đúng. Còn câu sau thì là đề tài bàn tán trong dân gian. Nhưng ngài im lặng, và sự im lặng chỉ có hiệu quả tăng cường độ của đồn đại.  Nhưng đó không phải là trường hợp cá biệt, vì còn rất nhiều huyền thoại và nghi vấn khác, mà cho đến nay cũng chẳng có ai biết rõ hơn là chính đương sự.
Chính phủ Mĩ dù thỉnh thoảng có làm nhiều chuyện xấu xa động trời, nhưng phải phục và công nhận tính minh bạch của họ.  Tôi nghĩ tính minh bạch có giá trị khoa học.  Thử tưởng tượng trong tương lai, thế hệ sau sẽ viết sử sách và tìm hiểu những gì xảy ra trong quá khứ, những thông tin được bạch hóa hiện nay sẽ giúp cho họ rất nhiều.  Đó là những fact.  Mà, fact hay dữ liệu thật thì rất quan trọng cho nghiên cứu khoa học xã hội.  Nhưng ở nước ta, thế hệ sau (thật ra thế hệ này cũng vậy) tìm hiểu và viết sử sẽ rất gian nan vì họ thiếu fact, và phải dựa vào những câu chuyện truyền miệng, nhưng folklore (kiểu như cuốn Trong Cõi của GS Trần Quốc Vượng), mà những câu chuyện như thế thì có tính tin cậy thấp hơn là fact. Hệ quả là một phần của quốc sử vẫn còn đắm chìm trong những sương mù dày đặc.
N.V.T.
 

Không có nhận xét nào: