Vị trí dự kiến xây dựng đập Xayaburi. Ảnh: Asia News |
Nước nào hưởng lợi?
Theo ông Đào Trọng Tứ, ủy viên ban cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), thủy điện Xayaburi và 11 công trình khác có thể được xây dựng sau đó trên dòng chính hạ lưu vực sông Mekong, sẽ ảnh hưởng to lớn đến nguồn nước không thể thay thế và mang ý nghĩa quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với hơn 20 triệu dân cư.
Tất cả 12 bậc thang thủy điện dự kiến đều không điều tiết nước mà chỉ có mục đích duy nhất là phát điện; không có tác dụng giảm lũ mùa mưa và tăng dòng chảy mùa khô, làm căng thẳng thêm nguy cơ thiếu nước ở hạ lưu trong mùa khô. 12 đập này cũng sẽ biến hơn một nửa chiều dài sông Mekong ở hạ lưu thành các vùng hồ nước, dòng chảy chậm, khiến lượng phù sa chảy về các châu thổ sông Mekong ở Campuchia và ĐBSCL giảm mạnh, đe dọa sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực.
Theo bà Ạme Tranden, Tổ chức sông ngòi quốc tế, báo cáo đánh giá tác động môi trường của đập Xayaburi do các nhà đầu tư lập rất sơ sài, chỉ xem xét tác động trong vòng bán kính 10km kể từ chân đập trở xuống, bỏ qua những tác động xuyên biên giới và đối với vùng hạ lưu. Trong khi đó, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Ủy hội sông Mekong đã đưa ra các bằng chứng khoa học cho thấy công trình này không thực sự cấp thiết đối với Lào, chưa kể những tác động vô cùng lớn của nó đối với nguồn cá ở lưu vực sông Mekong, nơi chỉ đứng sau Amazon về nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến sinh kế của hơn 60 triệu người.
Bản thân Lào cũng vừa hưởng lợi khiêm tốn, vừa có nguy cơ gánh chịu nhiều rủi ro khi phát triển thủy điện. Do Lào không tự xây dựng các đập này, mà để các công ty tư nhân và tập đoàn nhà nước của các quốc gia khác đảm nhận theo phương thức BOT, phần lớn lợi nhuận sẽ không về tay Chính phủ và nhân dân Lào. Theo thông tin ông Tứ đưa ra tại cuộc tọa đàm, Trung Quốc sẽ xây dựng 4-5 nhà máy, Thái Lan 4 nhà máy...
Trung Quốc, nước đang có 8-15 hồ chứa lớn trên dòng chính thượng nguồn Mekong, nay lại tiếp tục xây dựng, nắm giữ và vận hành 4-5 nhà máy thủy điện trên dòng chính hạ lưu vực, sẽ chiếm lợi thế toàn diện về kinh tế, tầm ảnh hưởng, khống chế nguồn nước và tác động môi trường đến các quốc gia hạ lưu, đặc biệt là ĐBSCL.
Nguồn: VietNamnet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét