Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Đơn khiếu nại của một người giới thiệu người khác tự ứng cử đại biểu Quốc hội

 

imageTự ứng cử dại biểu QH là điều hết sức lạ lùng trong ý nghĩ của BVN chúng tôi, trong một xã hội như xã hội chúng ta đang sống kể từ khi nó bắt đầu ra đời đến nay, cho nên lẽ ra chúng tôi không đăng đơn khiếu nại này.
Nhưng đọc vào nội dung, thấy những thành tích của nhà khoa học Nguyễn Phúc Giác Hải thật đáng nể, trong đó có những việc ông đã thành tâm vì Đảng mà cố gắng “dùng hiểu biết về Thiên văn lịch pháp tìm ra những sự trùng hợp của sinh nhật Đảng 3-2 vào 30 Tết Nhâm Thân năm 1992, và mồng 1 Tết Nguyên đán 2011 vừa qua”, thế mà Đảng vẫn không chiếu cố, đánh hỏng ông trong cuộc họp Tổ dân phố bằng những tiểu xảo không bình thường - tất nhiên chưa đến nỗi tệ như tiểu xảo đối với LS Lê Quốc Quân. Thế thì đáng khiếu oan cho ông biết chừng nào!
Muốn đấu tranh dân chủ hóa đất nước cố nhiên là không được nhưng muốn nhiệt tình theo Đảng mà Đảng không cho theo cũng không xong, chết dở cho anh trí thức là ở chỗ ấy đấy. Âu đây cũng là một phép thử rất hay về bước tiến của sinh hoạt dân chủ trong xã hội XHCN như TS Cù Huy Hà Vũ đã thử nhiều năm trước, và cũng vì nóng lòng đưa ra những cách thử táo bạo với nồng độ acide cao hơn cách thử hiền lành là tự ứng cử, nên TS Vũ đã được nếm mùi hệ lụy.
Tuy nhiên, dõi theo nội dung lá đơn này thì người gửi đơn vẫn còn đặt hy vọng ở sự kiểm tra công minh, nghiêm túc của Đoàn giám sát bầu cử tại Hà Nội do Chủ tịch Hội đồng bầu cử Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng đoàn, đối với trường hợp oan sai đáng tiếc của ông Nguyễn Phúc Giác Hải. Bởi vậy, xin trân trọng giới thiệu lá đơn cùng bạn đọc.
Bauxite Việt Nam


Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---***---
ĐƠN KHIẾU NẠI CỦA CÔNG DÂN
LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC LẤY Ý KIẾN CỬ TRI NƠI CƯ TRÚ CỦA
ỨNG CỬ VIÊN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI NGUYỄN PHÚC GIÁC HẢI
Kính gửi: Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư,
Chủ tịch Quốc hội,
Chủ tịch Hội đồng Bầu cử khóa 13
Đồng kính gửi: Các cơ quan có trách nhiệm giải quyết
khiếu nại của công dân liên quan đến Bầu cử Quốc hội.
Tôi là Lê Cường, 64 tuổi, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hiện là Ủy viên Hội đồng biên tập Tạp chí Quê hương thuộc Bộ Ngoại giao, làm đơn này gửi tới các cơ quan xét khiếu nại về bầu cử sự việc như sau:
1. Tôi là một người quen biết Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải hàng chục năm nay, và là người vận động ông ra tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 13 này. Bản thân tôi cũng đã từng được cơ quan giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 10 năm 2000, và cũng có ý định tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa này nhưng sau đó đã rút. Tuy nhiên khi ra lấy hồ sơ ứng cử tại Sở Nội vụ Hà Nội (ở 18 Lê Thánh Tông), tôi có xin thêm một bộ hồ sơ cho ông Hải thì được các đồng chí trong Ban tiếp nhận hồ sơ tỏ ý rất hoan nghênh nếu ông Nguyễn Phúc Giác Hải ra tự ứng cử. Tôi đã truyền đạt lại ý kiến trên cho ông Nguyễn Phúc Giác Hải và vận động ông ra tự ứng cử. Sau khi xem xét, ngày cuối cùng 17/2/2011 ông Nguyễn Phúc Giác Hải đã đi cùng với tôi ra Sở Nội vụ Hà Nội nộp hồ sơ tự ứng cử.
2. Sau khi ông Nguyễn Phúc Giác Hải được thông qua danh sách ở Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, rất nhiều mạng thông tin điện tử đã phỏng vấn ông về việc ông tự ứng cử với tư cách ông là người cao tuổi nhất trong danh sách các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa 13 này. Những bài trả lời của ông trên các mạng điện tử của Vietnamnet, VNExpress, VTCNews, báo Lao động, Nông thôn ngày nay,… cho thấy ông là người có hiểu biết sâu sắc, đầy đủ sức khỏe và rất có trách nhiệm đối với việc tự ứng cử của mình để mang kiến thức đóng góp cho đất nước. Phóng viên các mạng nói trên đã đánh giá rất cao tinh thần của ông với những lời như “Tuổi tác đã không ảnh hưởng gì đến sức khỏe và sự minh mẫn của nhà nghiên cứu này”. Người ta cũng biết rằng ông được 100% cử tri nơi ông công tác là Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người ủng hộ việc tự ứng cử của ông. Các báo điện tử và bạn bè ông chăm chú theo dõi việc lấy ý kiến cử tri nơi ông cư trú.
3. Tối 29/3/2011 có Hội nghị của Mặt trận Tổ quốc phường Chương Dương, Quận Hoàn Kiếm để lấy ý kiến cử tri nơi cư trú của ông. Tôi cùng một số bạn bè của ông đã đến để theo dõi buổi lấy ý kiến công khai này tiến hành tại trụ sở của một phòng Văn hóa phường, ở số nhà 675 đường Bạch Đằng. Tôi chỉ dự phần đầu nên không rõ đoạn sau ra sao. Về sau ông Hải cho biết “việc này rất phức tạp không thể nói bây giờ được”.
Sau này như Vietnamnet đã đưa tin, “có những ý kiến phát biểu vô tình hoặc hữu ý”, khiến các cử tri nơi cư trú không hiểu đúng về ông nên ông Hải chỉ được số phiếu thấp, không vượt được “cửa ải” này. Đó chính là nội dung của bài viết dưới đầu đề “Cửa ải cuối cùng khó vượt qua” của Vietnamnet được cập nhật lúc 6h 05 phút AM, ngày 5/4/2011.
4. Sau buổi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú nói trên, ông Hải cho tôi biết cơ quan ông đã gửi một kháng thư lên các cấp có thẩm quyền liên quan đến bầu cử: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội, Văn phòng Quốc hội (từ 2/4/2011), tiếp đó là gửi tới Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử Phạm Minh Tuyên (từ 8/4/2011). (Mới đây ông có cho tôi các bản sao). Trong các văn bản này, các đại diện của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người tới dự buổi lấy ý kiến nói trên đã viết:
Tất cả những điều đó cho thấy việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi ứng cử viên cư trú này là không dân chủ, không minh bạch, không công bằng. Điều đó gây ra những nghi vấn về sự trung thực của việc lấy phiếu tín nhiệm. Bởi thế chúng tôi đề nghị Ban tổ chức bầu cử xem xét lại việc bỏ phiếu tín nhiệm này” .
Tất cả các thư nói trên đều gửi dưới hình thức thư chuyển phát nhanh và có biên lai, nhưng tất cả đều chưa được trả lời. Chính vì thế ngày 17/4/2011, ông Hải đành gửi thư trực tiếp đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử kiêm Trường đoàn giám sát bầu cử tại Hà Nội. Trong thư này ông nêu rõ:
Đây là một cuộc Hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú để Hội đồng bầu cử hiểu biết thêm về nét sinh hoạt của tôi tại địa phương, và sẽ là một cuộc lấy ý kiến công bằng dân chủ, nhưng rất tiếc là không phải như vậy:
- Không mời những cử tri của các hộ liền kề nơi cư trú của ứng cử viên.
- Mời quá nhiều những cử tri không ở nơi cư trú của ứng cử viên mà không rõ nguồn gốc.
- Bố trí những người phát biểu xuyên tạc về lý lịch và hoạt động khoa học của ứng cử viên.
- Ứng cử viên không được trả lời những phát biểu xuyên tạc.
- Phát hành số phiếu quá nhiều so với thông báo ban đầu .
- Quyết định bỏ phiếu ngay lập tức sau khi đã xuyên tạc về ứng cử viên mà ứng cử viên không được trả lời.
- Ban kiểm phiếu không kiểm phiếu trước mặt Hội nghị mà mang nhau sang buồng riêng, nên không thể rõ sự minh bạch của những phiếu này.
- V.v…”
Ông Hải tỏ ý hy vọng rằng với những cương vị trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là người có thẩm quyền nhất để giải quyết vấn đề của ông.
Khi tôi nói với ông Hải liệu Thư ký của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyển thư đến ông Trọng hay không thì ông Hải cho biết: ngày 21/4/2011, ông đã gửi thư cho Ban thư ký của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị chuyển thư của ông và hồ sơ về vụ việc của ông và báo cáo nội dung sự việc với Tổng bí thư. Ông Hải có sao cho tôi bức thư này, trong thư có nói nếu đến 18h ngày 26/4/2011 mà cơ quan ông cũng như bản thân ông không nhận được hồi âm thì bức thư gửi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được gửi dưới hình thức Thư công khai tới một số cơ quan truyền thông.
Ông Hải cũng cho tôi biết ông đã trao đổi với phóng viên của VNExpress là ông muốn làm rõ sự việc này để bảo vệ sự trong sáng của cuộc bầu cử. Theo ông việc tổ chức bầu cử đã được tiến hành rất tốt, nhưng sự việc làm với ông là chưa đúng theo luật và các hướng dẫn về bầu cử.
5. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải là người đã có nhiều đóng góp cho khoa học và cho xã hội. Bức thư của GSTS Khoa học Phan Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người gửi các cơ quan thuộc Hội đồng bầu cử có nêu các thành tích của ông:
- Ông đã là người tìm ra “Nguồn gốc tên nước Việt Nam”, chứng minh tên nước Việt Nam không phải là do phong kiến Trung Quốc nhà Thanh đặt cho nhà Nguyễn Gia Long vào năm 1804.
- Là người cùng với Cơ quan Bảo hộ quyền tác giả, bảo vệ sự trong sáng của bàiTiến quân ca”, nhờ đó bài hát này lại được đưa trở lại thành Quốc ca trong Hiến pháp 1992, mà báo chí lúc đó đã đưa tin.
- Tháng 8/ 2005, ông đã sang London tìm tấm bản đồ của Trung Quốc có ghi Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Sự kiện này đã được nêu trong các báo và truyền hình.
- Ông đã là người dùng hiểu biết về Thiên văn lịch pháp, tìm ra những sự trùng hợp của sinh nhật Đảng 3 – 2 vào 30 Tết Nhâm Thân năm 1992, và mồng 1 Tết Nguyên đán 2011 vừa qua. Sự kiện này đã được báo Đại biểu nhân dân của Quốc hội đưa tin, và truyền hình phát sóng. Qua đó làm cho khẩu hiệu Mừng Đảng – Mừng Xuân đặc biệt có ý nghĩa.
- Ông đã được coi là “người của công chúng” qua rất nhiều chương trình truyền hình phổ biến khoa học cho nhiều tầng lớp.
- Và nhiều công trình khác nữa. (xin xem bản thành tích chi tiết của ông đính theo)(1)
Tất cả những cống hiến đó còn lớn hơn rất nhiều so với việc Trung tâm
NCTNCN đề nghị cấp trên tặng Huân chương Lao động hạng 3 cho
ông trong dịp Tổng kết đầu năm 2011 này.
Rất tiếc bản lý lịch công tác quá sơ sài đọc trước cử tri đã không đủ để cho cử tri nơi cư trú đánh giá về ông. Và ông cũng không được trình bày về hoạt động khoa học và đóng góp của mình đối với đất nước để cử tri nơi ông cư trú hiểu rõ, cũng như để đính chính một số điều phát biểu sai lệch của cử tri trong cuộc họp. Chính vì thế kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm của cử tri nơi ông cư trú đã không phản ảnh đúng sự đánh giá đối với ông .
Chúng tôi cũng xin thêm rằng mới đây ông vừa nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những đóng góp của ông đối với “Tổng tập 1000 năm Văn hiến Thăng Long góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
Tất cả những điều đó cho thấy ông xứng đáng là một Đại biểu Quốc hội, nhưng rất tiếc là ông đã không có tên trong danh sách chính thức của cuộc Hiệp thương lần 3.
Điều 49 của Luật bầu cử và điểm a khoản 2 của điều 10 của Nghị quyết số 1020/2011 ngày 14/02/2011 đã nói về việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân liên quan đến việc bầu cử, trong đó có việc “khiếu nại, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử với Ban Bầu cử, Ủy ban bầu cử, Hội đồng bầu cử”.
Là người đã vận động Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải tự ứng cử Đại biều Quốc hội, chúng tôi gửi khiếu nại này tới các cơ quan nói trên để xem xét và đưa tên Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải trở lại danh sách chính thức của các ứng cử viên Đại biểu Quốc Hội khóa 13 này.
Thư này cũng được sao gửi cho ứng cử viên Nguyễn Phúc Giác Hải để ông tiện sử dụng trong các hồ sơ về việc ứng cử Đại biểu Quốc hội của mình.
Rất mong bức thư này dưới một hình thức nào đó sẽ được gửi đến các cơ quan có trách nhiệm.
Xin chân thành cảm ơn.
Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 2011
clip_image002
Lê Cường
Công dân nước CHXHCNVN
Ủy viên Hội đồng biên tập Tạp chí Quê hương
(Bộ Ngoại giao)
Điện thoại: 0904415442
Địa chỉ: 63 Trần Quốc Toản, Q. Hoàn Kiếm, HN

Không có nhận xét nào: