Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

Tại sao Đài Loan lại tái tuyên bố chủ quyền?

Cơ sở của Đài Loan trên đảo Ba Bình, Trường Sa

Mới đây, Đài Loan có những động thái khá mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, gây chú ý của dư luận.

Hành động của Đài Loan xảy ra trong bối cảnh Biển Đông lại đang nóng dần, với Philippines, Trung Quốc và cả Việt Nam đều tham gia diễn đàn chủ quyền đối với vùng biển được cho là giàu tài nguyên thiên nhiên này.
BBC đã hỏi chuyện nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, hiện giảng dạy tại Khoa Đông Nam Á học, ĐH Mở TP Hồ Chí Minh về chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa.
Trước hết, ông Phúc cho biết một số chi tiết lịch sử liên quan tới tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và Đài Loan (kế thừa chế độ Trung Hoa Dân quốc).
Ông Đinh Kim Phúc: Trước hết, cần nhắc lại rằng trước năm 1918, tức là trước khi Thế chiến I chấm dứt, thì Trung Quốc chỉ có yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà thôi, chứ không hề nhắc tới quần đảo Trường Sa.
Đến cuộc chiến tranh Thái Bình Dương thời kỳ Thế chiến II thì Nhật Bản đã tiến đánh và kiểm soát các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa, lập căn cứ quân sự để xâm chiếm khu vực Đông Nam Á và châu Đại dương.
Cũng chính vào thời kỳ này, tầm quan trọng của hai quần đảo đã làm thức tỉnh nhà cầm quyền Trung Quốc. Chính vì vậy, sau khi Chiến tranh thế giới chấm dứt, vào năm 1947, Trung Hoa Dân quốc đã lợi dụng nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật Bản ở Đông Nam Á để đưa quân ra chiếm đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình trên quần đảo Trường Sa.
Đến khi Cộng sản Trung Quốc chiến thắng ở đại lục thì quân đội Trung Quốc đem quân tiếp tục chiếm đóng đảo Phú Lâm, còn quân đội Tưởng Giới Thạch của Đài Loan thì tiếp tục đóng quân trên đảo Ba Bình cho tới ngày hôm nay.
Đài Loan, là một trong các quốc gia đòi hỏi chủ quyền, đã thiết lập sự hiện diện quân sự và sử dụng quyền pháp lý hữu hiệu tại Trường Sa kể từ khi Thế chiến II chấm dứt. Trung Quốc thì chậm chân hơn, bởi vậy họ đã khởi sự cuộc chiến trên đảo Đá Chữ thập của Việt Nam năm 1988.
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc
Ông Đinh Kim Phúc tại một hội thảo về Biển Đông ở Hoa Kỳ
Nhìn lại chính sách của Đài Loan trong những năm trước đây, thì trong những năm 1970-1990, Đài Loan tỏ ra tự kiềm chế và ôn hòa trong vấn đề Biển Đông. Khi có va chạm chủ quyền đối với các lãnh thổ mà Đài Loan cưỡng chiếm, thì không có động thái quân sự cụ thể mà chỉ đơn giản là đưa công hàm ngoại giao để kháng nghị những hành động mà họ cho là xâm phạm lãnh thổ của họ.
Một điều làm cho các nhà quan sát quốc tế ngạc nhiên là trong hai năm 1999-2000, thì họ tuyên bố sẽ giảm hiện diện quân sự trên đảo Ba Bình, mà lúc cao điểm lên tới 500 quân, và Đông Sa.
Từ tháng 2/2000, quyền quản lý các đảo trên được chuyển từ cơ quan quốc phòng sang cơ quan tuần duyên và sau đó chính quyền cắt giảm bớt tàu thuyền đóng tại đây, đồng thời tăng số lượng nhân viên dân sự.
BBC: Vậy theo ông, tại sao gần đây Đài Loan lại lên tiếng mạnh mẽ hơn trong vấn đề Biển Đông?
Ông Đinh Kim Phúc: Nói về trước đây, thì Đài Loan tỏ ra thiếu vắng một chiến lược tổng thể đối với khu vực Biển Đông và một cấu trúc phòng thủ hợp lý.
Chính vì vậy mà các nhà hoạch định chính sách an ninh Đài Loan đã kịch liệt công kích chính phủ và hối thúc chính phủ phải phát triển chính sách đối với Biển Đông mà họ cho rằng Đài Bắc đã có sai lầm.
Từ phản ứng của giới quân sự, nó đưa lên đỉnh điểm là khi ông Trần Thủy Biển trở thành Tổng thống Đài Loan, nhất là trong nhiệm kỳ hai của ông, năm 2006, Đài Loan đã đưa ra báo cáo về an ninh quốc gia, lần đầu tiên nhấn mạnh về tầm quan trọng của vấn đề an ninh trên biển.
Chính từ đó đã dẫn tới các thay đổi về bố phòng trên biển, cũng như trên các hải đảo mà Đài Loan chiếm đóng từ trước tới nay.
Trong những tháng gần đây, với việc Philippines phản đối Trung Quốc sau vụ tàu Trung Quốc gây hấn trên bãi Cỏ Rong và chính phủ Philippines gửi văn kiện lên LHQ bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc thể hiện bằng đường lưỡi bò, một việc khác cũng khiến Đài Loan quan ngại là mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo tôi, dù là Đài Loan hay là Trung Quốc, tàu lạ hay tàu quen thì vẫn là tàu. Tất cả những hành động tuyên bố chủ quyền của Đài Loan đối với Hoàng Sa-Trường Sa, cũng như hành động quân sự của họ trên Biển Đông chẳng qua là ăn theo Nhà nước Trung Quốc mà thôi.
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc
Trong chuyến thăm Việt Nam của ông Quách Bá Hùng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, hai bên đưa ra một số khẳng định về hợp tác tìm cách giải quyết vấn đề Biển Đông, khiến Đài Loan lo lắng.
Đài Loan đã có một số hành động như tái vũ trang trên đảo Ba Bình và đóng chiến hạm mới để tuần tra trên biển.
Chính sự thỏa thuận giữa hai chính phủ Việt Nam-Trung Quốc làm Đài Loan thấy rằng, mặc dù có sự thiếu vắng trong các thỏa thuận hợp tác chính thức giữa các nước có yêu sách chủ quyền tại Trường Sa, nay Đài Loan muốn trở thành một bên tham dự và ký kết vào Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) mà Trung Quốc và các nước Asean đang hướng tới.

'Tuy hai mà một'

BBC: Thưa ông, ước muốn của Đài Loan có thể trở thành hiện thực hay không, nếu như đa số các quốc gia, kể cả Việt Nam, không công nhận Đài Loan với tư cách một quốc gia độc lập?
Ông Đinh Kim Phúc: Tất cả các nước có quan hệ chính thức với Trung Quốc đều không quan hệ chính thức với Đài Loan và Đài Loan cũng ý thức như vậy.
Chính bởi thế, chúng ta phải xem xét quan hệ Trung-Đài trong vấn đề Biển Đông.
Nhiều thập niên trước, giới học giả Trung Quốc đã nhiều lần phát biểu không chính thức rằng họ đánh giá cao Đài Loan trong việc bảo vệ đảo Ba Bình bằng cách duy trì hoạt động tuần tra tại Biển Đông khi mà Bắc Kinh chưa có hiện diện thường xuyên tại Trường Sa.
Việc Đài Loan ngày càng biến đảo Ba Bình thành căn cứ quân sự để thực hiện mưu đồ tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông cũng như các hoạt động khác nói chung không gây quan ngại cho Trung Quốc.
Vào các năm 2000-2005-2008, Tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển ba lần ra thăm Trung Sa và Trung Quốc chỉ phản ứng nhẹ nhàng, tránh bình luận trực tiếp về các chuyến thăm này.
Tại sao vậy? Vì Trung Quốc giữ một quan điểm khiêm tốn không đặc trưng đối với việc Đài Loan duy trì các căn cứ quân sự trên Biển Đông với tính toán rằng các căn cứ này sẽ gián tiếp trợ giúp cho sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực, đối mặt với các nước Asean đang có yêu sách chủ quyền tại đây.
Một điểm nữa, gần đây Trung Quốc đã thiết lập một học viện nghiên cứu về Biển Đông đặt tại tỉnh Hải Nam để làm trung tâm liên hệ cho mọi quan hệ đối tác, mọi thảo luận trong vấn đề Biển Đông với Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc trường Đại học Quốc gia Chengchi ở Đài Loan.
Các học giả hai bên đã thường xuyên thăm viếng, trao đổi quan điểm và giữa họ không có các khác biệt gây quan ngại lớn trong vấn đề Đài Loan xây căn cứ quân sự trên đảo Ba Bình.
Nhìn lại lịch sử, Việt Nam cũng cần nhớ một vài sự kiện. Thí dụ khi Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, Đài Loan không những đã phụ họa với Trung Quốc trong việc đòi chủ quyền của họ mà còn cho quân chiếm đóng một vài hòn đảo nhỏ trên quần đảo Trường Sa.
Một bài học lịch sử khác vẫn đang diễn ra trước mắt chúng ta là trước đây, khi Hong Kong, Macau chưa về với đại lục, người Đài Loan, người Hong Kong, ngời Macau đã ngồi cùng chiến thuyền với người Trung Quốc ra quần đảo Shenkaku (Trung Quốc gọi là Điếu ngư Đài), để đấu tranh chủ quyền với Nhật Bản.
Theo tôi, dù là Đài Loan hay là Trung Quốc, tàu lạ hay tàu quen thì vẫn là tàu.
Tất cả những hành động tuyên bố chủ quyền của Đài Loan đối với Hoàng Sa-Trường Sa, cũng như hành động quân sự của họ trên Biển Đông chẳng qua là ăn theo Nhà nước Trung Quốc mà thôi.
BBC: Thưa ông, nhắc tới các vấn đề Biển Đông, người ta hay nghe thấy cụm từ 'làm phức tạp thêm tình hình". Liệu các hành động mới rồi của Đài Loan có nguy cơ làm phức tạp thêm tình hình hay không ạ?
Ông Đinh Kim Phúc: Nhiều lần chính phủ Việt Nam đã lên tiếg phản đối mạnh mẽ và cứng rắn việc Đài Loan tuyên bố chủ quyền tại Hoàng Sa-Trường Sa, nhất là biến đảo Ba Bình thành căn cứ quân sự.
Lính thủy quân lục chiến Đài Loan
Đài Loan chuẩn bị điều thủy quân lục chiến ra Biển Đông
Năm 2008, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lúc đó là ông Lê Dũng đã đánh giá hành đông của Đài Loan là "leo thang cực kỳ nghiêm trọng, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, gây căng thẳng trong khu vực".
Quan điểm của Việt Nam thì như vậy, nhưng quan điểm của Philippines thì lại khác. Manila cho việc Đài Loan trang bị quân sự trên đảo Ba Bình chỉ là vấn đề mang tính ngoại giao-chính trị hơn là quân sự.
Tuy nhiên theo tôi, tất cả các hành động của Đài Loan nếu nhìn trên tổng thể bàn cờ chính trị-chiến lược-quân sự khu vực, chẳng qua chỉ là miếng đệm giữa Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á mà thôi. Do đó, chúng cũng không thể đẩy mạnh hơn các xung đột đã sẵn có trên Biển Đông.
Bài phỏng vấn phản ánh quan điểm của ông Đinh Kim Phúc, nhà nghiên cứu hiện sống ở TP Hồ Chí Minh. Bấm Quý vị bấm vào đây để chia sẻ ý kiến về chủ đề này.

Không có nhận xét nào: