Phạm Trần
Những vấn đề: Dân chủ đã có nhưng chưa đủ; khó khăn trong công tác lập pháp; nhiều việc làm hợp lòng dân đã bị Luật tổ chức Quốc Hội chặn đứng; Vai trò giám sát của Quốc Hội vẫn còn bị lu mờ; Việc “quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, nhiều việc Quốc Hội vẫn chưa kiểm soát được”.Đó là những điều ưu tư của Đại biểu Quốc Hội Việt Nam, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, đơn vị Lạng Sơn, trong cuộc phỏng vấn bằng thư riêng của tôi trong thời gian gần đây.
Cuộc phỏng vấn này cũng được tôi cho phổ biến trong chương trình hàng tuần “Những Vấn Đề Việt Nam” của Bản tin Hoa Thịnh Đốn do tôi phụ trách trên Hệ thống Truyền hình SBTN (Saigon Broadcasting Television Network).
Lý do tôi thực hiện cuộc phỏng vấn Đại biểu Thuyết là nhằm làm sáng tỏ ba điểm:
Thứ nhất, tìm hiểu tại sao sau 8 năm làm Đại biểu Quốc Hội của hai nhiệm kỳ Khoá XI và XII, ông là một trong số rất ít Đại biểu - trong tổng số 493 người - đã để lại nhiều gương tốt của một nhà lập pháp và được dự luận trong và ngoài nước ca ngợi là người can đảm, dám đưa ra những đòi hỏi hợp lòng dân nhưng trái ý đảng, không thuận lòng nhà nước lại không ra ứng cử vào Quốc Hội Khoá XIII sẽ bầu vào ngày 22/05/2011?
Thứ hai, căn cứ vào đâu mà Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội lại có quyền bác bỏ những đề nghị của ông Thuyết yêu cầu Quốc Hội cần “thẩm tra” Dự án khai thác Bauxite và thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ con tàu chìm phá sản Vinashin để sau đó “bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan” ?
Thứ ba, tại sao kế hoạch làm đường tàu xe lửa xuyên Á của Trung Hoa đi qua lãnh thổ Việt Nam mà Quốc Hội không có ý kiến gì, nhất là trong tình hình liên lạc ngoại giao giữa hai nước có nhiều điều phức tạp không thuận lợi cho quyền lợi và an ninh của Việt Nam?
Trước hết, hãy nghe ông nói sau câu hỏi: “Sau 8 năm làm Đại biểu Quốc Hội, những việc gì đã làm ông vui và liệu có những công tác lập pháp nào đã làm cho ông buồn?”
Ông nói:“Điều làm tôi vui nhất là sinh hoạt của Quốc Hội ngày càng dân chủ hơn, có hiệu quả hơn, được người dân quan tâm hơn, đồng tình hơn. Dân chủ là xu thế không thể đảo ngược vì đó là đặc trưng quan trọng nhất của cơ quan đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, là xu thế của thời đại và đã được khẳng định trong đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
|
ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết |
Đặc biệt nếu trong dân có người đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp để xoá quyền độc tôn lãnh đạo đất nước của đảng, đòi dân chủ đa nguyên, đa đảng thì lập tức bị trù dập, bị bắt bỏ tù như đã xảy ra cho Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, Linh mục Nguyễn Văn Lý, ông Vi Đức Hồi và những thanh niên trí thức trẻ như Trần Huỳnh Duy Thức (44 tuổi), Nguyễn Tiến Trung, Luật sư Lê Công Định (42 tuổi) và Lê Thăng Long (43 tuổi) v.v.
Do đó nếu nói xu thế dân chủ của thời đại cũng đã được “khẳng định trong đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam” thì tôi thấy chưa phù hợp với tình hình thực tế khi quyền làm chủ đất nước của người dân vẫn tiếp tục bị nhà nước vi phạm trong nhiều lĩnh vực, nếu không muốn nói là toàn diện ở Việt Nam.
Nhưng cũng có thể vì Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết là người trong cuộc nên ông đã nhìn thấy rõ hơn người ngoài cuộc về những diễn biến theo xu thế dân chủ đang diễn ra trong nội bộ đảng chăng?
Còn điều buồn của Tiến sĩ Thuyết, sau hai khoá làm Đại biểu Quốc Hội đơn vị 1 của tỉnh Lạng Sơn thì sao?
Ông trả lời: “Điều tôi buồn nhất là đóng góp của mình chưa nhiều, hiệu quả hoạt động của mình chưa cao, mặc dù đã hết sức cố gắng thực hiện bổn phận với cử tri. Còn nói về công việc chung thì trong xây dựng pháp luật, Quốc Hội vẫn chưa khắc phục được tình trạng luật thiếu quy định cụ thể, nhiều quy định chưa phù hợp với thực tế, luật đã có hiệu lực thi hành vẫn phải chờ nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ. Trong công tác giám sát, hiệu quả, hiệu lực giám sát của Quốc Hội vẫn không cao. Trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, nhiều việc Quốc Hội vẫn chưa kiểm soát được. Tôi mong trong nhiệm kỳ tới, các đại biểu thấy rõ những hạn chế của chúng tôi trong khoá XII này, có nhiều nỗ lực để phát huy quyền năng của Quốc Hội trong việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân”.
Lý do không ra tranh cử nữa
Nhưng tại sao một người năng động và có nhiều uy tín, được lòng cử tri như ông lại không ra tranh cử nữa?
Ông nói lý do: “Quốc Hội VN có đại biểu chuyên trách (chiếm khoảng 30%) và đại biểu không chuyên trách. Quyền hạn của hai nhóm đại biểu này như nhau, nhưng đại biểu chuyên trách được biên chế vào Văn phòng Quốc Hội và về hưu theo chế độ công chức (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi). Nếu đại biểu đến tuổi về hưu mà chưa hết nhiệm kỳ hoạt động của khoá Quốc Hội đương nhiệm thì tiếp tục làm việc cho đến hết nhiệm kỳ. Là đại biểu Quốc Hội chuyên trách, tôi thuộc biên chế của Văn phòng Quốc Hội, không còn ở trường đại học nữa. Quốc Hội khoá XII sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối tháng 7 sắp tới, lúc đó tôi đã trên 63 tuổi nên được nghỉ theo chế độ. Về nguyện vọng cá nhân, sau hai khoá liên tục hoạt động ở Quốc Hội, tôi cũng muốn được nghỉ, nhường chỗ cho người trẻ hơn. Trong trường hợp Quốc Hội có yêu cầu, tôi có thể tiếp tục đóng góp với tư cách một chuyên gia ở Viện Nghiên Cứu lập pháp của Quốc Hội (vì theo quy định hiện hành, tôi có học hàm giáo sư, có thể được kéo dài thời gian công tác nhưng không được giữ chức vụ quản lý)“.
Theo tài liệu phổ biến, Giáo sư, Tiến sĩ ngôn ngữ học Nguyễn Minh Thuyết sinh năm 1948, tại Gia Lâm, Hà Nội, hiện là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội. Ông từng là Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn.
Nhưng tại sao ông lại là Đại biểu Quốc Hội của tỉnh tuyến đầu Lạng Sơn, là nơi từng bị quân Tàu đánh phá bình địa trong cuộc chiến tranh biên giới giữa hai nước năm 1979?
Ông tiết lộ với phóng viên Đoan Trang của báo Tuần Việt Nam (đăng ngày 16/07/2009) vì đó là do “Cơ cấu ứng viên của mỗi địa phương do Hội nghị Hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc làm”.
|
…đã có đảng lo cả rồi… |
Tôi hỏi ông: “Vậy sau hai nhiệm kỳ làm Đại biểu cho tỉnh tuyến đầu biên giới với Trung Hoa là Lạng Sơn, ông đã làm được những việc gì cụ thể để giúp cải thiện cuộc sống cho đồng bào tỉnh này kể từ sau cuộc chiến biên giới đã gây thiệt hại nặng nề về người và của cho đồng bào tỉnh nhà năm 1979 ?”
Đại biểu Thuyết đáp: “Từ sau năm 1979 đến nay, Lạng Sơn khôi phục và phát triển với tốc độ rất nhanh. Năm 2002, khi tôi bắt đầu nhận nhiệm vụ đại biểu Quốc Hội của tỉnh, tổng thu ngân sách của tỉnh mới đạt trên dưới 600 tỷ đồng; nay, đã đạt 2000 tỷ đồng. Giao lưu kinh tế phát triển, đời sống của người dân nhìn chung được cải thiện rõ rệt. Đó là kết quả của đường lối, chính sách chung, trong đó có đường lối, chính sách đối ngoại, và là kết quả lao động cần cù, sáng tạo của đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Về phần mình, tôi không có đóng góp gì cụ thể vào sự phát triển nói trên của tỉnh mà chủ yếu làm nhiệm vụ đại diện cho cử tri góp phần xây dựng chính sách chung ở Quốc Hội, trong đó có chính sách phát triển miền núi, chính sách đặc thù đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo v.v. Tôi cho rằng Nhà nước còn phải có những chính sách, giải pháp hữu hiệu hơn nữa để phát triển miền núi, nhất là phát triển giao thông, công nghiệp để hỗ trợ sản xuất, giao lưu hàng hoá và cải thiện đời sống người dân”.
Cũng nên biết, trong số 6 tỉnh dọc biên giới bị quân Tàu tiến đánh năm 1979 mà Đặng Tiểu Bình, lãnh tụ Trung Hoa lúc bấy giờ, gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học”, hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn đã chịu số thương vong và thiệt hại tài sản nặng nề nhất. Trên 40 ngàn thường dân và quân lính Việt Nam được ước tính thiệt mạng hay mất tích và trăm ngàn người khác bị thương. Nhiều khu vực cho đến nay, 32 năm sau, vẫn chưa được tái thiết.
Ít người phát biểu
Tôi hỏi tiếp: “Thưa ông, Quốc Hội Khoá XII có 493 Đại biểu mà tôi chỉ thấy có chừng vài chục đại biểu, nhiều khi ít hơn số này (nhưng luôn luôn có ông và đại biểu Dương Trung Quốc của tỉnh Đồng Nai) đã lên tiếng về những vấn đề "gai góc" mà người dân quan tâm, đặc biệt là các vấn đề: Khai thác bauxite trên Tây Nguyên; Vấn đề cho người ngoại quốc thuê đất trồng rừng kỹ nghệ ở ít nhất 8 tỉnh đầu nguồn; Dự án làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam; Vụ thua lỗ của Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Vinashin.
Câu hỏi của chúng tôi với ông là: Tại sao lại có quá it đại biểu lên tiếng về những vấn đề dư luận quan tâm và quan trọng đối với đất nước và đời sống người dân như thế ? Có phải họ "không dám nói" hay vì "sợ trách nhiệm" mà không lên tiếng?
Giáo sư Thuyết trả lời: “Ngoài những vấn đề Ông đã nêu, còn nhiều vấn đề bức xúc khác đã được các đại biểu đặt lên bàn nghị sự ở Quốc Hội, như: vấn đề thu hồi đất của dân làm các công trình giao thông, kinh tế, sân golf; giá thu mua lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long; ô nhiễm môi trường; lạm phát v.v. Thường thì mỗi đại biểu tuỳ môi trường sinh sống, làm việc, tiếp xúc cử tri của mình mà lên tiếng về những vấn đề mình quan tâm và có hiểu biết sâu. Những vấn đề khác, tuy đại biểu không lên tiếng nhưng họ có thể tỏ thái độ của mình khi biểu quyết. Việc phần lớn đại biểu Quốc Hội biểu quyết không thông qua Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam là một ví dụ”.
Trong cuộc bỏ phiếu của Quốc Hội ngày 19/06/2010, có tới 208 đại biểu không tán thành, 185 đại biểu tán thành và 34 đại biểu không biểu quyết. Do đó kế họach này phải tạm hoãn. Nhưng đảng, đứng đầu bởi Nguyễn Sinh Hùng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực, vẫn có ý đưa kế họach làm đường cao tốc trở lại Quốc Hội sau khi bầu xong Quốc Hội Khoá XIII ngày 22/05/2011.
Trong cuộc thảo luận tại Quốc Hội ngày 08/06/2010, ông Thuyết là một trong số Đại biểu đã nghiêm khắc lên án dự án này không thực tế, tốn phí vô ích.
Ông nói: “Thứ nhất, về sự cần thiết xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam, đọc Báo cáo của Chính phủ, các Tờ trình và những văn bản kèm theo, tôi có nhận thức là âm hưởng chủ đạo của tất cả văn bản ấy là bác bỏ mọi giải pháp phát triển giao thông, mọi giải pháp phát triển đường sắt để áp đặt vị trí độc tôn của dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Nhưng những lập luận trong các Tờ trình và các báo cáo đó theo tôi rất nhiều lập luận thiếu sự thuyết phục…”
Ông nói tiếp: “Chúng ta cũng thấy đồng bào ở nhiều nơi còn gặp rất nhiều khó khăn về giao thông đường bộ, trong đó có đồng bào Kom Tum còn phải đánh đu qua sông để đi qua con sông Pôcô chảy siết rất nguy hiểm. Tôi không biết những người viết những báo cáo và tờ trình này ngồi ở đâu, sống ở đâu, có sống ở đất nước Việt Nam không mà nhận định là chúng ta đã quá tập trung về phát triển đường bộ”.
Đường sắt xuyên Á
Vậy còn đường sắt xuyên Á của Trung Hoa đi qua lãnh thổ Việt Nam thì sao?
Tôi hỏi ông: “Căn cứ theo báo chí Trung Quốc thì một đường tàu cao tốc xuyên qua lãnh thổ Việt Nam để nối với Kampuchea trong kế hoạch hệ thống đường sắt xuyên Đông Nam Á của Bắc Kinh sẽ được thực hiện trong tường lai không xa. Vậy, với tư cách một thành viên của Quốc Hội, ông có biết chuyện này không ? Nếu có thì từ bao giờ ? Nếu không thì tại sao một việc trọng đại có liên quan đến chủ quyền quốc gia mà Chính phủ lại không trình với Quốc Hội?”
Đại biểu Thuyết trả lời: “Theo tôi biết thì đường tàu xuyên Á đó không phải đường sắt cao tốc. Báo chí Việt Nam dẫn lời ông Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết đây là đường sắt nối 7 nước ASEAN với Trung Quốc được thống nhất tại Hội nghị Bộ trưởng Giao thông – Vận tải các nước ASEAN năm 2000 và đã được Chính phủ phê duyệt trong Chiến lược phát triển đường sắt đến năm 2020. Để nối vào hệ thống đường sắt này, Việt Nam sẽ xây dựng thêm hai tuyến mới là:
- Tuyến TpHCM - Lộc Ninh nối với Kampuchea, chiều dài khoảng 130km, khổ đường sắt 1m.
- Tuyến Vũng Áng - Mụ Gia nối với Lào, chiều dài khoảng 119km, khổ đường 1m”.
Tôi vẫn thắc mắc nên hỏi tiếp: “Nhưng thưa ông, dù đường xe lửa xuyên Á này không phải là “đường tàu cao tốc” chăng nữa, nhưng một khi đã băng qua lãnh thổ của Việt Nam thì Quốc Hội cũng phải có quyền được biết và có ý kiến phải không ạ?”
Ông giải thích: “Tôi được biết từ thời Pháp thuộc đã có đường sắt nối Việt Nam với Trung Quốc. Sau năm 1954, nước ta có đường sắt liên vận Hà Nội – Bắc Kinh – Moscow. Việc kết nối hệ thống đường giao thông, trong đó có đường sắt giữa các nước là một việc phổ biến trên thế giới, giúp phát triển giao lưu kinh tế – văn hoá – du lịch. Cho nên, theo tôi, kế hoạch kết nối đường sắt giữa các nước ASEAN và Trung Quốc không có gì là đặc biệt. Theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Đường sắt Việt Nam thì thẩm quyền phê duyệt chiến lược phát triển đường sắt thuộc Chính phủ”.
Thường vụ Quốc Hội
Về câu hỏi tại sao Quốc Hội là Cơ quan quyền lực cao nhất nước mà không thể quy trách nhiệm, hay có khả năng bất tín nhiệm Chính phủ hoặc cách chức các Bộ trưởng dù biết họ có trách nhiệm liên quan đến sự mất mát tài sản của nhân dân như trong vụ con tàu chìm Vinashin bị tiêu tán 86,000 tỷ đồng bạc, và có thể cao hơn nhiều ?
Ông Thuyết giải thích: “Cho đến kỳ họp cuối cùng của Quốc Hội vừa rồi, tôi và một số đại biểu khác vẫn tiếp tục đề nghị lập Uỷ ban lâm thời của Quốc Hội để điều tra về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ làm ăn thua lỗ của Vinashin. Tuy nhiên, đề nghị của chúng tôi không được Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội tán thành.
Đúng như Ông nói, Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội chỉ là cơ quan thường trực và điều phối hoạt động của Quốc Hội, nhưng theo quy định của pháp luật hiện hành, đại biểu cũng không có điều kiện đề nghị Quốc Hội xem xét, quyết định về ý kiến của UBTV. Theo Điều 23, Luật Tổ chức Quốc Hội thì “khi xét thấy cần thiết, Quốc Hội thành lập Uỷ ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định”. Nhưng Luật không quy định cụ thể trình tự, thủ tục lập Uỷ ban lâm thời thế nào. Thành thử, mọi việc phụ thuộc vào quyền tổ chức, chủ trì, đảm bảo việc thực hiện chương trình kỳ họp của UBTV theo quy định tại Điều 8 (Luật Tổ chức Quốc Hội). Ngay việc bỏ phiếu tín nhiệm (thực ra là bỏ phiếu bất tín nhiệm) đối với những người giữ các chức vụ do Quốc Hội bầu hoặc phê chuẩn cũng khó thực hiện.
Theo Điều 50 của Luật Tổ chức Quốc Hội, đại biểu Quốc Hội chỉ có quyền “kiến nghị với Uỷ ban thường vụ Quốc Hội xem xét trình Quốc Hội” việc này. Và theo Luật thì UBTV chỉ trình Quốc Hội xem xét, quyết định “khi có kiến nghị của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc Hội hoặc kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Uỷ ban của Quốc Hội”.
Về lý do bác đề nghị của chúng tôi, trong cả hai lần, UBTV Quốc Hội đều nói rằng đang có những cơ quan khác điều tra việc này”.
À thì ra thế. Chính Luật của Quốc Hội đã bó tay các đại biểu Quốc Hội. Nhưng mà cũng oái oăm thay, chính các đại biểu đã thông qua Luật này, dù chưa chắc đã do các Nhà Lập pháp sọan ra mà lại do Đảng đem qua cho Quốc Hội bỏ phiếu chấp thuận để đến lúc chính mình bóp cổ mình mới biết mình hớ thì đã qúa muộn !
Bauxite có lợi không?
Ngoài những điều trao đổi với Đại biểu Thuyết, ai cũng biết ông còn là một trong số nhỏ nhoi đại biểu đòi làm cho ra nhẽ Dự án khai thác bauxite tại hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông tại phiên họp Kỳ 5 của Quốc Hội ngày 26/05/2009.
Ông chỉ trích Nhà nước đã cố ý chia Dự án tốn phí qúa lớn ra làm nhiều dự án nhỏ để “lách luật” và qua mặt quyền kiểm soát của Quốc Hội.
Ông nói: “Trước hết tôi xin khẳng định là tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương phát triển công nghiệp khai khoáng bauxite và chế tạo nhôm kim loại. Tuy nhiên đọc báo cáo của chính phủ thì tôi thấy chưa tự giải đáp được ba vấn đề mà dư luận nhân dân đang rất quan tâm. Đó là hiệu quả kinh tế, tác động đến môi trường tự nhiên và xã hội và đảm bảo an ninh- quốc phòng.
Có thể nói dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên là một đại dự án liên quan đến rất nhiều vùng và liên quan đến rất nhiều ngành, với số tiền rất là lớn. Theo quyết định 167 của Chính phủ thì dự án này từ đây đến năm 2025 sẽ cần huy động vốn đầu tư là 190 nghìn cho đến 250 nghìn tỉ đồng Việt Nam. Và có hàng loạt cụm mỏ, cụm nhà máy. Riêng Đak nông là có đến 4 nhà máy Alumin đánh số từ 1 cho đến 4, các nhà máy này trải dài ra ở tất cả 4 tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Đắc Nông và Bình Phước.
Thêm vào đó thì có rất nhiều công trình phụ trợ. Chúng ta phải xây dựng một đường xe lửa dài vào khoảng 300 km - 270 km, với độ chênh của các điểm là đến 700m, với địa hình hết sức phức tạp, quanh co. Tính ra là phải tiêu tốn 3,1 tỷ đô la Mỹ.
Tôi cũng không biết là cái đường xe lửa như thế thì xe lửa sẽ đi như thế nào. Nếu ô tô còn có thể đi được, còn xe lửa thì không biết đi thế nào. Và nếu được mời đi trên đường xe lửa chênh vênh như thế thì tôi cũng không biết mình có đủ dũng cảm để đi không. Nhưng mà tiền thì rất là tốn. Đồng thời chúng ta phải làm cái cảng ở Hòn Kê Gà hoặc là Hòn Gió”.
Đại biểu Thuyết cảnh giác tiếp: “Nếu như tiền này mà tính vào sản phẩm Alumin thì giá rất cao, và như thế hoàn toàn không lãi. Còn nếu như không tính vào sản phẩm Alumin mà coi là công trình dân dụng thì có thể nói: vô hình trung chúng ta đã lấy tiền thuế của dân để làm lợi cho doanh nghiệp. Chỗ này chúng tôi cho là phải hết sức là tính toán.
Hiệu quả rất là thấp, giá Alumin chỉ bằng 12% của giá nhôm thành phẩm thôi. Chúng tôi cũng xin lưu ý là Đại hội (Đảng) X cũng xác định: hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô, mà Alumin là khoáng sản thô. Giá Alumin và nhôm đang xuống rất là thấp, các đồng chí cũng biết cả rồi, chúng tôi xin không nói nhiều.
Tại sao chúng ta lại phải đi vay vài đến trăm triệu đô la để làm những cái nhà máy như ở Tân Rai hay Nhân Cơ trong khi mà nền kinh tế của chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn mà lãi thì chưa nhìn thấy đâu?
Ngay đồng chí chủ tịch hội đông quản trị TKV (Công ty Than Khoáng sản Việt Nam) cũng nói là năm mươi ăn, năm mươi thua. Nếu mình bỏ tiền túi mình ra, có bao giờ mình kinh doanh theo cái kiểu:chưa nhìn thấy lãi mà đã kinh doanh không? Cho nên chúng tôi xin đề nghị hết sức cân nhắc chuyện này.
Bây giờ xử lý như thế nào? Tôi xin đề nghị phải coi đây là công trình quan trọng quốc gia. Bởi vì nó tiêu một số tiền… cả cái cụm ấy nó tiêu một số tiền gấp 10 lần tiêu chí tiền cho một công trình quan trọng quốc gia.
Chúng tôi đề nghị phải đưa vào công trình quan trọng quốc gia, Quốc Hội thẩm tra và cuối năm nay chúng ta sẽ xem xét quyết định.
Nếu chúng ta không tính cả cụm dự án mà làm như Khí điện trạm Cà Mau, cứ tách từng dự án ra để nói rằng nó chưa đến số tiền Quốc Hội yêu cầu đưa vào công trình trọng điểm quốc gia, chúng tôi cho như thế là lách luật”.
Sau kỳ họp 5, Quốc Hội cũng cử vài phái đoàn đi xem hai Nhà máy ở Tân Rai (Lâm Đồng ) và Nhân Cơ (Đắk Nông) làm ăn ra sao, nhưng họ đi làm việc mà như đi “cưỡi ngựa xem hoa” nên không nên cơm cháo gì.
Nhà nước vẫn làm việc của nhà nước còn Quốc Hội khoá XII sắp hết nhiệm kỳ vào tháng 7/2011, nhưng hai nhà máy khai thác bauxite vẫn tiếp tục công việc của họ, cho dù những cam kết bảo vệ an toàn các hồ chứa chất độc bùn đỏ chưa làm ai an lòng.
Ông Thuyết cũng đã cảnh cáo trong bài phát biểu của ông: “Vấn đề thứ hai là bùn đỏ. Xin báo các đồng chí: với lượng Alumin chúng ta sản xuất ra thì từ 2015 mỗi năm nó thải ra 10 triệu tấn bùn đỏ, hết đời dự án này sẽ thải ra 1,5 tỉ tấn. Và đấy là những quả bom bùn … những quả bom bùn…treo trên cao- trên đồng bằng Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Chỗ này phải tính”.
Nhưng ai sẽ tính? Người đòi tính là ông thì ông sẽ không làm đại biểu Quốc Hội nữa.
Đại biểu Thuyết cũng đã nói với tôi: “Tôi mong trong nhiệm kỳ tới, các đại biểu thấy rõ những hạn chế của chúng tôi trong khoá XII này, có nhiều nỗ lực để phát huy quyền năng của Quốc Hội trong việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân”.
Nhưng liệu lời kêu gọi chí tình của ông có được ai trong số 494 Đại biểu Quốc Hội khoá XIII nghe không, hay cũng lại như nước đổ lá khoai như trăm chuyện của các Khoá Quốc Hội đã yêu cầu Nhà nước phải làm mà họ có làm đâu ?
Bằng chứng như trong Kết luận của Bộ Chính trị đối với vụ làm ăn thua lỗ của con tàu chìm Vinashin đã được Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng thường trực, báo cáo tại kỳ họp thứ 9 của Quốc Hội khai mạc ngày 21/03/2011.
Báo cáo viết: “Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ đã kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu đối với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận và kiến nghị với Bộ Chính Trị: các đồng chí nêu trên có thiếu sót, khuyết điểm nhưng đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xét thấy chưa đến mức phải thi hành kỷ luật…”
Với chức năng là chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước đối với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số thành viên Chính phủ đã có những thiếu sót khuyết điểm, Bộ Chính Trị đã thảo luận, cân nhắc kỹ trên nhiều mặt và bỏ phiếu việc thi hành kỷ luật đối với tập thể và cá nhân các đồng chí có liên quan. Căn cứ kết quả kiểm phiếu và theo quy định của Điều lệ Đảng, Bộ Chính Trị đã quyết định không xử lý kỷ luật đối với các tập thể và cá nhân…”
Trước quyết định “khôi hài” không làm ai cười nổi này, Đại biểu Thuyết đã đòi Quốc Hội cần phải “lập Uỷ ban lâm thời để điều tra về trách nhiệm của các đồng chí trong Chính phủ và có một kết luận để cho nhân dân tán thành, người ta được yên tâm”.
Rất tiếc, đề nghị chính đáng này của Đại biểu Thuyết, một lần nữa đã bị Ban Thường vụ Quốc Hội vứt vào sọt rác như tuyên bố ngày 28/03/2011 của Phó Chủ tịch Quốc Hội Uông Chu Lưu: “Thường vụ QH đã họp, thảo luận và cân nhắc đề xuất của một số ĐB về việc thành lập uỷ ban lâm thời điều tra, xử lý các sai phạm ở Vinashin. Theo đó, “vấn đề này đã và đang được các cơ quan có trách nhiệm của Đảng và Nhà nước xem xét xử lý giải quyết theo thẩm quyền. Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ QH đề nghị QH không lập uỷ ban lâm thời để điều tra”.
Như vậy cái vòng luẩn quẩn giữa Quốc Hội và Hành pháp của Việt Nam là như thế này: Cơ quan Lập pháp chỉ có quyền trên giấy còn thực quyền vẫn nằm trong tay Đảng, Nhà nước và Ban Thường vụ Quốc Hội.
Giấc mơ và kỳ vọng đặt vào Quốc Hội khoá XIII của Đại biểu nghỉ hưu Nguyễn Minh Thuyết sẽ có thành sự thật không là điều chỉ có tương lai mới trả lời được.
Nhưng trước khi ông Thuyết vào Quốc Hội khoá XI năm 2002 thì đã có đại biểu nghỉ hưu nào có giấc mơ giống như ông bây giờ không, hay cũng có người đã thất vọng về những người đến sau như ông sẽ thất vọng sau này?
Phạm Trần
© Thông Luận 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét