Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

Con đường ký ức của một phóng viên chiến trường

Tác giả: Huỳnh Phan

Con số phóng viên quốc tế và bản địa bị giết ở trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ 2 trên đất Campuchia có thể đã lên tới 40, nếu ba phóng viên đầu tiên không may mắn rơi vào tay bộ đội Bắc Việt, vào những ngày đầu tiên của cuộc chiến. Một trong số họ đã có mặt trong lễ cầu siêu ở Wat Po. Đó là Mike Morow - người cho đến bây giờ vẫn bị trói buộc với Việt Nam bởi nhiều ký ức vui buồn khác nhau.


>> Bài 1: Tìm lại đồng đội đã ngã xuống
Kết thúc cuộc Hội ngộ Phnom Penh, vào sáng 24.4.2010 Mike Morrow cùng với ba đồng nghiệp khác lên chiếc xe buýt của hãng Caravan về TP. HCM để gặp gỡ với một nhóm phóng viên khác trong cuộc Hội ngộ Sài Gòn. Chốc chốc, ông lại ngó ra bên ngoài cửa kính xe, vẻ mặt đầy ưu tư.
Mike Morow cho biết sở dĩ ông đều từ chối lời mời tham dự những lần hội ngộ trước đó của các cựu phóng viên chiến trường ở Sài Gòn (1995, 2000 và 2005), do bị ám ảnh bởi quá khứ quá nặng nề. Năm 1990, ông đã bị trục xuất khỏi Việt Nam, trong khi đang nỗ lực đóng góp vào việc cải thiện quan hệ, không chỉ về kinh tế, giữa hai cựu thù. Cho tới bây giờ, Mike vẫn chưa biết đích xác tại sao ông lại bị cư xử như vậy. (Tuần Việt Nam sẽ kể lại câu chuyện này trong một số tới.)
"Nhưng lần này, tôi đã không từ chối Carl Robinson nữa. Bởi cuộc hội ngộ lại bắt đầu ở Campuchia - mảnh đất có một hấp lực đặc biệt với tôi, hay, nói cách khác, đối với tôi điều kỳ diệu đã xảy ra", Mike nói.
"Tôi là một trong những phóng viên đầu tiên bị bắt ở Campuchia, trong cuộc chiến kéo dài năm năm này", Mike nói. Hai người còn lại là Richard Dudman của St Louis Post-Dispatch và Elizabeth Pond của Christian Science Monitor.


Không có nhận xét nào: