Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

Bài viết của thầy trò

Tâm sự của thầy Trần Đình Lộc
Lạnh lạnh lá vàng
Sáng nay lạnh lạnh lá vàng
Tự nhiên buồn ngẩn, buồn ngang là buồn
Lá rơi tưởng đám chuồn chuồn
Quê xưa thơ ấu chưa buồn thu sang
Rồi ngày chinh chiến tràn lan
Rừng thu lá thắm nhuộm vàng yêu thương
Rồi ngày trở lại phố phuờng
Quê hương hai mảnh thu sương nhạt nhòa
Rồi ngày rời bỏ quê nhà
Quê hương hai ngã lệ nhòa thu sang
Nát đêm thâu, nát tâm cang
Thu sang, Đông tận tan hoang nỗi niềm ./.
Trên đường đi làm Okc. sáng sớm 28-10-2010
22-9 Năm Canh Dần . TĐL.

 
Người đi rồi mãi đi luôn.

Gần hai năm dưới mái trường
Khóa một Tư Pháp thân thương thủơ nào
Bốn tám năm, giấc chiêm bao
Vũng Tàu còn đó, hư vô chập chùng
Lá rơi bãi trước thu sang
Bao mùa thay lá cây bàng nhớ không
Người đi còn mãi mênh mông
Gặp nhau đất khách lệ lòng rưng rưng
Buồn đâu chợt đến bão bùng
Có bạn vĩnh viễn về vùng hư vô
Hồn thiêng sông núi quan san
Vũng Tàu còn đó lá bàng rơi rơi
Dấu xưa cọn đọng cát vàng
Hàng bàng bãi trước thu sang có buồn
Người đi rồi mãi đi luôn
Sinh ly, tử biệt lệ tuông đoạn trường ./.
Oklahoma
 Sáng thứ bảy 30-10-2010 . 23-9 Năm Canh Dần . TĐL.    

Nỗi nhớ của người xa quê
Thầy Trần Đình Lộc 


Cơn mưa đầu thu .
Giọt mưa rỉ rả nhớ Thu về
Ba mấy năm rồi bóng dáng quê
Nắng rụng đủ vàng vườn xóm vắng
Mưa rơi vừa ướt cỏ bên lề
Đầu làng quán nhỏ người thầm thỉ
Cuối xóm chợ chiều kẻ tỉ tê
Hàng xén vài cô buồn vớ vẩn
Xa xăm dõi mắt đợi ai về ./.
Oklahoma City, Chủ nhật 12-9-2010-
Cơn mưa đầu Thu Ngày mùng 5 tháng 8 Năm Canh Dần .
TĐL.

Ta có quá nhiều lỗi lầm mà không biết
 
Có bao giờ ta ngờ rằng  mình đã có quá nhiều sai lầm trong cuộc đời? Xin hãy xem câu chuyện sau đây.
Cái hộp đựng giầy.
                                                
  Hai ông bà cụ nọ ,đã sống vơi nhau hơn 60 năm. Họ chia xẻ ngọt bùi ,dủ mọi thứ. Duy chỉ có cái hôp đựng giầy  mà bà cụ để ở  dưới gầm tủ là ông cụ không hề biết trong đó đựng cái gì. Và cũng tôn trọng riêng tư của bà,ông chẳng bao giờ hỏi tới  cái hôp đó.

Năm  này qua năm nọ,một ngày kia cụ bà bổng bệnh nặng.Biết vợ mình không qua khỏi ,cụ ông chợt nhớ tới  cái hộp giầy bí mật.Bèn lấy đem đến bên giường cụ bà,cụ bà cũng đồng ý  cho ông mở cái hộp ra.
                                                  Khi chiếc hộp được mở ra,bên trong chỉ vỏn vẹn  có hai con búp bê bằng len nhỏ va một số tiền là 95.500 đô-la. Ông cụ ngạc nhiên hỏi vợ" Thế này là sao?"
    "Khi chúng ta mới lấy nhau", cụ bà nói" Bà nội của em có dặn em rằng: Bí quyết để giữ hạnh phúc gia đình là đừng bao giờ cãi nhau.Nếu lỡ chồng con có làm  điều gì  khiến con bực mình,tức giận. Con nên im lặng và bình tỉnh,đi ra chỗ khác  lấy len đan một con búp bê nha con".Và anh thấy đó...
      Cụ ông  không cầm được nước mắt. Cả suốt cuộc đời sống chung với nhau, người vợ thân yêu của mình chỉ giận mình chỉ có hai lần thôi ư? Ông cảm thấy  hạnh phúc vô cùng.

      "và còn món tiền lớn nay thì sao?" Ông cụ hỏi.
  Cụ bà mắt đỏ hoe trả lời:" .Và đó là.. số tiền  em đã bán những con búp bê mà em đã đan.." -- oh oh, my honey.

Tâm sự của Thanh Hựu
Thanh Hựu.

 
Cảm Xúc
Thời gian trôi thật nhanh, mới đây mà đã hơn năm mươi năm kể từ ngày tôi bước chân vào trường tiểu học Lộc Phước, ngôi trường đã đong đầy trong tôi biết bao kỷ niệm khó quên.
Hôm nay, tôi đã được trở về thăm lại trường xưa để gặp lại các thầy và những khuôn mặt bạn bè thân thương thường đánh nẻ, nhảy dây bên trường ngày cũ.
Vừa bước chân vào hiên trường, lòng tôi cảm thấy bồn chồn xao xuyến. Trước mắt tôi hiện ra một ngôi trường mầm non khang trang đẹp mắt. Tất cả bạn bè ngày xưa đã có mặt tự bao giờ nhưng chẳng nhận ra nhau. Tôi chỉ nhớ man máng một vài người bạn, nhưng những ông thầy khả kính đã ươm cho tôi những hạt kiến thức đàu tiên thì tôi chẳng thể nào quên được.
Vào đến hội trường, niềm vui của tôi càng nhân lên gấp bội khi thấy các thầy đã hiện diện trước băng ghế đầu tiên. Các thầy không còn trẻ trung như hồi còn đứng trên bục giảng nhưng đẹp lão và sang trọng. Sau những lời giới thiệu của anh Hải và chị Nguyên, thầy Lộc và thầy Ngộ ung dung bước lên phát biểu cảm tưởng của mình. Thật xúc động khi nhìn thấy những giọt nước mắt của các thầy lăn dài trên má. Không phải những giọt nước mắt của các cô cậu học trò bé tí của chúng tôi ngày xưa mà đó chính là những giọt nước mắt đậm đà tình nghĩa thầy trò sau bao năm dài xa cách. Thưa thầy, chúng em cũng xúc động không kém gì thầy khi hiện hữu nơi đây, nơi em đã cất tiếng khóc chào đời bên dòng sông Vu Gia êm đềm thơ mộng, nơi em đã lớn lên bằng lời ru của mẹ, lời giáo huấn cả thầy và tình yêu thương mộc mạc của người dân lao động, những người đã chiến đấu ngoan cường, anh dũng hy sinh để giành lại độc lập tự do, bảo vệ xóm làng để cho chúng ta có được một cuộc hội ngộ ngày hôm nay.
Lời thầy vừa dứt, chúng tôi được đi tham quan trường, tìm lại những hình ảnh quen thuộc ngày xưa nhưng tất cả chỉ còn trong kỷ niệm.
Vào lại hội trường ăn trưa hát hò, trông ai cũng trẻ ra như thời còn cắp sách, như các thầy bây giờ cũng có những bài thơ "tếu" đáng yêu.
Mặt trời bây giờ đã ngả về chiều. Những giọt nắng vàng mùa xuân dìu dịu hòa lẫn những ngọn gió đồng quê mơn man như mời mọc, níu bước chân chúng tôi lâu hơn trong ngày gặp mặt thân thương này.
Thế nhưng, không muốn rồi cũng phải ngậm ngùi chia tay. Dù chúng ta chỉ gặp nhau một ngày nhưng niềm vui còn kéo dài cho cả nghìn sau.
"Gặp nhau đây rồi chia tay
Ngày vàng như đã vụt qua trong phút giây
Niềm hăng say còn chưa phai
Đường trường sông núi hẹn mai sum vầy"
Thật vậy, hẹn mùa xuân tới chúng ta sẽ gặp lại nhau các bạn nhé.
Thanh Hựu
Gặp mặt Mùa Xuân 2010
                                                                                   
 
Nhớ Trường
Mình về thăm lại trường xưa
Nắng vàng rải nhẹ gió đưa hương nồng
Bàn chân quen với mặt đường
Đường quen nhớ bước tôi thường đi qua
Bạn bè ngày ấy chia xa
Bây giờ gặp lại tóc đà điểm sương
Thầy ơi thương quá là thương!
Bảng đen phấn trắng vẽ đường cho em
Những lời giáo huấn êm đềm
Thầy cho em cả trái tim vào đời
Nhớ bạn từng buổi rong chơi
Nhớ thời đánh nẻ nhảy dây sân trường
Nhớ con chim én lượn vòng
Đậu vào cửa lớp ngỡ ngàng rồi bay
Em ôm hết cả tháng ngày
Dệt bao kỷ niệm trao tay bạn bè
Hôm nay về dưới nắng quê
Cùng thầy cùng bạn mải mê tâm tình
Bao năm xa cách quê mình
Võ vàng thân xác mưu sinh tháng ngày
Ngậm ngùi rồi cũng chia tay
Mình về mình nhớ...bạn về nhớ ai?

Thanh Hựu
Gặp mặt Xuân 2010

Thơ của các thầy
 
 Xướng :   
           LEO NÚI NGŨ HÀNH (Ngũ Hành Sơn)
Quá cổ lai hy vẫn cố trèo
 Ngũ hành năm cụm đá cheo leo
 Non Bồng lắc lẻo giang tay bám                           
 Hang thẳm mập mờ nống gậy chèo
 Đôi cẳng nhọc nhằn thương tuổi hạc
 Con tim hồi hộp tủi thân bèo                                   
 Trắng phau thạch nhủ xiêu lòng khách 
 Dứt bỏ không đành tiếc gắng đeo ./.  
 Đà-Nẵng 23-3-2010
Văn Nguyễn- Nguyễn-Văn-Mẫn .
 Họa 1 :              VẪN HAM TRÈO. .

 Ngày xưa tuổi trẻ lẽ ham trèo
 Nay đã lên già lại muốn leo
 Chót vót tầng cao hao sức rướn
 Dọc dài dốc dựng mỏi chân chèo
 Ngũ hành rêu phủ xao lòng lão
 Huyền động thâm u xót phận bèo
 Hang gió vi vu hồn phách lạc
 Cổng trời lồng lộng thỏa lòng đeo
 23/3/2010
Giang Đại Lâm-Du khách .
 
Họa 2 :              LEO NÚI ĐỨNG.

 Núi dựng già gân thử sức trèo
 Còn ham,còn hứng lão còn leo
 Lên dương tóc vướng dường mây phủ
 Xuống động chân run tợ đá chèo
 Vượt dốc bò càn gai mắc cỡ
 Vào hang dẫm nát cỏ lông bèo
 Đường trơn đất trụt coi chừng trợt
 Đứng xéo, tay ghìm mỏm đá đeo .
Orlando March 25-2010 .
Đạt Nhân Lê-Văn-Thuận .
 
Họa 4 & 5 :              HÃY CỨ TRÈO

Còn vững vàng chân hãy cứ trèo
Núi cao núi thấp thấy là leo!
Lối danh lối lợi không cần bám
Đường nghĩa đường nhân vững mái chèo...
Sống để mà mơ nương cánh hạc
Chết đi chắc hẳn tựa rêu bèo!
Mong sao không bận lòng ai cả
Vách đá lạnh lùng mặc cỏ đeo!
Người nuôi cao vọng mới ham trèo
Muốn thấy trời cao cứ cứ leo!
Lên được một tầng...mây vẫn lượn
Xuống sâu ba tấc...nước xoay chèo...
Trời sinh vạn vật khoe hoa cỏ
Đất nứt muôn sông chở rác bèo
Nếu sợ hang sâu mà mất vía
Thì Thơ với Rượu chớ quên đeo!
03/24/2010 - San Jose
Huệ Thu

 
Họa 6 :              NGẠI CHI TRÈO

 Còn gân,còn sức ngại chi trèo
 Dốc ngược,gò xuôi cũng cố leo
 Hang Gió trùng trùng ghì thật chặt
 Cổng Trời điệp điệp thắt tay chèo
 Đường lên tiên cảnh bao hùng dũng
 Bước xuống huyền không rạt cánh bèo
 Chân hạc rã rời đường cát bụi
 Ngũ Hành năm cụm mãi còn đeo .   
OKC. 25-3-2010 TĐL.

 
Họa 7 :              VẪN MUỐN TRÈO..
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo
Dù  cho núi   đứng cũng ham  leo
Lên      gò   vệ    nữ      đưa   tay     bám
Xuống suối tiên nương xoạc cẳng chèo
Vượt dốc  Vu  Sơn tìm    nhụy mật
Vào hang Cắc Cớ  vạch rêu    bèo
Gió  mưa một trận  tràn khe lạch
Nhìn lại rừng cây lá  chẳng đeo !
ĐNG, 26-3-2010 -
Trúc Đình.
  
                                          

Tâm tư Nguyễn Hữu Thụy

LỤC BÁT VỀ LÀNG
                            Tặng làng Phúc Khương Quảng Nam
              Nguyễn hữu Thụy
Bao đời làng đã có tên
Cây sung già cỗi đứng bên ngôi đình
Hữu hình giữa cõi vô hình
Tự trong sâu thẳm tâm linh mỗi người
Những mùa lễ hội yên vui
Những mùa cày cuốc vun bồi phù sa
Mồ hôi pha máu ông cha
Cho bầu sữa Mẹ làng ta ngọt ngào
Giằng co giữa cuộc binh đao
Làng ta xẻ những chiến hào dọc ngang
Một vùng B trắng tan hoang
Kẻ đi người ở họ hàng rẽ chia
Gối đầu thao thức sao khuya
Nhớ về một thưở đứt lìa cuống nhau
Đất làng bồi lở về  đâu
Níu kè đá dựng xanh màu sông quê
Làng xa hút bóng đường về
Xót thân chiến bại ngựa què chân bon
Nghe trong tiếng gió gọi hồn
Tên làng gợi lại nỗi buồn Phúc Khương
KÍ ỨC PHƯƠNG NAM
                            NGUYỄN HỮU THỤY
Không bỏ xứ cũng có ngày bỏ mạng
Đi- là phóng ra đường nhắm mắt - dông!
U ám Trường Sơn Tây mờ mịt Trường Sơn Đông
Cơn lũ nộ cuồng Cà Tang núi lở *
Dòng sông đang xanh giữa ngày hóa đỏ
Nước ngập bàn thờ chó nhảy lên trang
Tiếng cú kêu đêm át tiếng phượng hoàng
Thuỷ hoả thiên tai a dua đạo tặc
Ơn chúa Nguyễn Hoàng khi xưa mở đất
Đời chúng con được hưởng xái chút tình
Cuối đường cong chữ S đã tượng hình
Có khoảng trời xanh ngoi lên để thở
Bốn ngàn năm nhớ vua Hùng giỗ tổ
Nửa đời ta ghi nợ  đất phương này
Rượu đế Gò Đen tản mạn cơn say
Đứt ruột câu thơ tím màu hoa dại
Mây trắng thượng nguồn trắng trời biên tái
Mơ hồ xa kí ức tuổi thơ buồn
Đi- là dứt tình bó chiếu đem chôn
Tấm giấy khai sinh lận lưng làm chứng
Phương Nam xuôi dòng dân tình rộng lượng
Lý lịch ba đời còn chỗ dung thân
Lem luốc họ tên làm phó thường dân
Mừng thoát nạn qua tai trời ách nước
Phương Nam đổi đời thương người lỡ bước
Bà con xa xúm xít láng giềng gần
Bỏ nương dâu canh cửi với nong tằm
Lại ngày đứng đêm nằm nghe tiếng dệt!
Tứ tán phương Nam nhớ không kể hết
Bạn bè ta thất lạc tận nơi đâu
Những mảnh đời như cái kiến con sâu
Sau trận bão giông lần xây tổ mới
Chúa có lòng lành nghe ta - rửa tội
Phật có từ bi chỉ lối - ta về
Sách đạo - đường đời giảng  nghĩa so le
Đi hết tương lai vẫn chưa động tĩnh
Ta hành phương Nam khác thời Nguyễn Bính
Giấc mộng đương thời so cũng khác xưa
Chí lớn không cùng đợi buổi gặp nhau
Đành mai một khi trời chiều bóng xế
Gốc quê chay thấm nhuần từ Mẹ đẻ
Tình phương Nam như Mẹ kế đỡ đần
Sống hoà mình cùng bá tánh lê dân
Trầm tích đau thương trổ màu tóc bạc.
                                          Sài Gòn 08/2009
* Trận lụt năm Nhâm Thìn 1964


Tâm sự của Trương Thị Nguyên
Tâm sự của bạn Trương Thị Nguyên, hiện đang sống ở Daklak
Cảm xúc sau cuộc họp mặt

Kính gởi: Quí Thầy,các anh chị các bạn cựu học sinh trường Tiểu học Lộc Phước

Tôi là Trương thị Nguyên học sinh của trường niên khóa 62-63. Nếu các anh chị học trước có lẽ lớn hơn một chút, còn khóa 63-64 thì xấp xỉ bằng tôi.
Vừa rồi tôi cũng được về tham dự cuộc gặp mặt tại trường mẫu giáo Mầm non ngày nay-ngày xưa là trường Tiểu học Lộc Phước, chúng ta được đi học ở đó, lúc bấy giờ chúng ta còn tuổi ngây thơ hồn nhiên và trong sáng của những cô cậu học trò tinh nghịch .             Hôm nay , trở lại đây tôi thấy mình trẻ lại ở độ tuổi ấy , trẻ trung hồn nhiên vô cùng , nhớ lại bao kỷ niệm đẹp của tuổi học trò - chỗ đặt tượng Thánh Gióng đây chính là cây cột cờ ngày xưa , mỗi sáng nghe trống đánh chúng ta sắp hàng chào cờ - nhớ và nhớ lắm , nhớ giờ ra chơi , giờ nghỉ trưa nhà thì gần nhưng cơm đùm cơm gói ở lại chơi giỡn nô đùa , con trai thì chơi bi , chơi u - con gái thì đánh nẻ , đá kiện , tập múa , tập hát vui ơi là vui , cứ thế mà lần lượt hiện ra trước mắt tôi , gặp Thầy , gặp các anh chị , các bạn nửa mừng , nửa vui muốn òa lên khóc .
            Các anh chị ơi ! vì cuộc sống chúng ta phải xa nhau đi mỗi người một phương trời xa thẳm , biền biệt tin tức , người thì sang nước ngoài , người ở trong nước tản mác trên khắp các nẻo đường đất nước để sinh sống , chúng ta chưa một lần gặp nhau , thật buồn phải không các anh , các bạn ?
            Bữa ni Thầy trò chúng ta hội ngộ tuy không được đông đủ , biết nhau , thấy mặt nhau , trông già nhiều quá nhưng cũng nhận ra nhau thật vui mừng khôn xiết .
            Tôi có nhận xét dù các anh chị ở bên này hay bên kia cũng đều chung một dân tộc Việt nam , máu đỏ da vàng , đều con Hồng cháu Lạc , chúng ta có ở nơi đâu cũng đều nhớ về quê cha đất tổ , cũng hướng về cội nguồn phải không các anh?
            Tôi thấy cuộc gặp mặt này có ý nghĩa vô cùng vì trên 50 năm chúng ta mới gặp lại nhau , tổ chức như vậy cũng quá đơn giản nhưng tình cảm thầy trò đậm đà sâu sắc đó chứ. Sự thành công này có sự tích cực của anh Mai , anh Hải và sự cộng tác của thầy Ngộ Thầy rất nhớ thương học sinh chúng ta, Thầy đã gắn bó với trường của chúng ta qua bao niên khóa , nhiều kỷ niệm đẹp đó , Thầy muốn gặp lại học sinh một lần cho thỏa lòng ước nguyện .
            Các anh không khen mà có ý kiến nhiều quá, có vẻ đụng chạm nhau nhiều đó nghen, tôi có đọc hết thư của các anh và các thầy suy nghĩ trả lời cho các anh ,tôi thấy buồn , các anh làm thầy suy nghĩ giảm tuổi thọ của thầy nữa rồi.
            Hồi nớ con gái đi học rất ít , mỗi lớp chỉ có 7-8 đứa .Các anh quên hết bọn con gái chúng tôi rồi - buồn ghê đó .
            Các anh ơi ! Cuộc gặp gỡ nầy tôi thấy vô tư đó chứ , đâu có phân biệt giữa nhà quê hay thành phố , Việt kiều hay ngoại quốc , tâm niệm của thầy mong muốn toàn học sinh trên mọi miền đất nước về quây quần bên thầy bên trò để tâm sự  vui buồn trong quãng thời gian xa cách và gắn chặt tình thầy trò, đâu có phân biệt giàu nghèo , ai khá hơn thì tự nguyện xung phong đóng góp nhiều hơn một chút để gánh cho anh chị khó khăn hơn , ai không có trơn thì cũng đến để gặp nhau cho thỏa lòng nhung nhớ.
            Nhưng cuộc gặp ngắn ngủi quá chỉ có mấy giờ đồng hồ , gặp nhau ôm nhau mừng mừng tủi tủi chưa nói hết những gì mình muốn nói , chỉ bâng quơ vài câu rồi chia tay.Chia tay mà bùi ngùi luyến tiếc quá các anh nợ .
            Thôi các anh hãy tìm những gì vui , tốt đẹp hoặc những gì khó khăn trong cuộc sống , thông tin cho nhau để cùng nhau chia sẻ và mong cho nhau sống  lâu , sống khỏe để có ngày hạnh ngộ như hôm nay .
            Em cũng kính chúc quí thầy và gia đình thầy vui khỏe hạnh phúc và sống mãi mãi cho các em được gặp thầy nhiều hơn .
            Tôi chúc các anh các chị , các bạn hạnh phúc và thành công trong cuộc sống. Hẹn ngày gặp lại.
                                                                        Kính chào
                                                                        Nguyên
Hắn
 
Trân trọng giới thiệu bài viết của Đỗ Xuân Quí về một lần trở lại cố hương:


Hắn
(riêng tặng các bạn xứ Quảng như hắn).

        Sau nhiều lần bị trì hoãn, cuối cùng hắn cũng được lên đường về thăm quê nhà .Vé máy bay gia hạn cũng đến ngày chót rồi còn gì !
        Chuyến đi lần này hắn không lê mê hành lý, chỉ vỏn vẹn có hai cuốn sách và bốn viên thuốc ngủ tự tay lo liệu, còn lại vài ba bộ quần áo vợ hắn đã lo.
        Hai giờ trưa máy bay đáp xuống sân bay Tân sơn Nhất , ngày đầu năm Dương lịch, không tấp nập như ngày cận Tết, nên không có sự chờ đợi làm cho hắn bực mình như những lần về trước .Sân bay vừa mới làm xong ,rộng rãi ,được xây dựng qui mô hơn ,không khí thoáng mát ,những hàng bông cúc vàng và vài chậu hoa mai thoang thoảng hương thơm chuẩn bị đón Tết ở quê nhà .
        Khi đẩy xe ra khỏi cánh cửa chính của sân bay, lóng ngóng một hồi mới thấy em của hắn đứng chờ ở cuối rừng người.
Ra khỏi cổng sân bay, thành phố khu Lăng Cha Cả bụi mịt mù ,nhà cao , nhà thấp, người đông đúc ,xe cộ tấp nập nối đuôi nhau không ngớt ,mọi người đi xe đội nón bảo hiểm đủ màu sắc ,nhấp nhô làm hắn liên tưởng đến những đàn ong rực rỡ trong phim hoạt hình mà con hắn thường xem vào ngày cuối tuần ở Mỹ .
        Về đến nhà đúng ba giờ chiều, Cha con mừng nhau, cha của hắn có phần khỏe hơn lần về trước. " Cậu chờ con về ăn cơm". Trên bàn đã có món canh chuối hột hay gọi chuối chát theo người Quảng Nam, nấu với sườn heo ,là món ruột mà mẹ thường nấu cho hắn khi bà còn sống .
Cha hỏi về việc làm ăn của hắn và mấy đứa cháu nội của ông, hắn hỏi cha về tình hình sức khỏe và mộ của mẹ , qua loa mấy câu rồi hắn muốn ông đi nghỉ để tối nói chuyện tiếp.
Hắn đang nói chuyện với Thu Sương qua điện thoại, cùng lúc Bửu Ấn đến, thoạt nhìn hắn tưởng là anh xe thồ với chiếc nón bảo hiểm ở đầu hẻm đi tìm người anh cả. Những năm sau 1970 hắn thường gặp Bửu Ấn ở khu Vườn Xoài, Sài Gòn rồi sau đó mạnh đường ai nấy đi. Bửu Ấn rủ hắn đi nhậu tại một cái quán trên đường Phan Thanh Giản, một quán khá đẹp và đông nghẹt người.
        Nguyễn văn Tiến đón hắn trước cửa quán, Tiến bây giờ tóc dài, muối tiêu râu lốm đốm bạc. Trông Tiến giống hệt như đạo diễn Đoàn châu Mậu ngày xưa! hắn đã không gặp, không tin tức về Tiến gần bốn mươi năm, nhưng hắn không quên cái tình mà Tiến đã giúp hắn học thêm toán ở năm đệ nhị B. Gặp lại Tiến tay bắt mặt mừng, nụ cười thiện cảm vẫn như ngày xưa.Trong bàn tiệc, cách nói chuyện của Tiến có đượm một chút buồn và u uất nhưng Tiến luôn cười và vẫn uống với hắn một cách nhiệt tình. Kế đếnNguyễn đức Qúy, người bạn cùng tên với hắn mà bọn hắn thường gọi là Qúy da trâu, vẫn ít nói như hồi còn đi học nhưng bây giờ Qúy uống rất chửng trong bọn. Thái Thiệt Trí, anh chàng này dân Sài gòn ra PTG học và có máu mủ Quảng Nam giống hắn, rồi sau này Trí cùng học Canh Nông Minh Đức như hắn. Sau buổi tối mini hội ngộ, bọn hắn chia tay và hẹn gặp lại ngày mai có Thu Sương đến đón hắn đi thăm Thầy Văn , hắn rất vui được đi với các bạn ,ba mươi tám năm xa cách, mất mát, cầu kỳ, kiểu cách thêm được gì!
        Điện thoại reo, Thu Sương cho biết đến đón hắn còn có Phạm Thị Nguyệt lớp nhị A, đường sá đông đúc kẹt xe nên trể hơn dự tính. Nhận ra Thu Sương ngay từ lúc đầu nhưng cô bạn cứ chơi trò ú tim "Mình là Nguyệt còn bạn đó là Thu Sương " may thay, nay đã khôn ra cho nên hắn không bị lừa vào tròng của cô bạn rất nghịch trong lớp Nhị B ngày nào. Hắn bắt tay Thu Sương một cách thân mật ,nàng hoa khôi của lớp hắn đây rồi !..
        Đến thăm nhà thầy Đoàn thế Đức, cô Ái đang bận bịu với cháu ngoại từ xa về. Nguyệt sắp trái cây lên bàn thờ, hắn thắp nén nhang.Trên di ảnh Thầy vẩn nụ cười hiền hoà, bao dung như ngày nào. Hắn ngậm ngùi, lòng rưng rưng.Thầy ơi hắn về quá muôn màng. Chia tay cô Ái, tiếp tục đi thăm thầy Lê quang Văn. Hình ảnh oai nghiêm của thầy Hiệu Trưởng năm xưa cứ hiện về, hắn nôn nao...Thầy ngả lưng trên chiếc ghế bố, dáng mệt mỏi, chỉ bọc thuốc tây to bên cạnh .Với chất giọng Huế, Thầy khôi hài" Thầy chưa chệt!". TS giới thiệu hắn với Thầy.Thầy nhíu mày nhớ lại. Giới thiệu tiếp vợ hắn" dạ, còn đây là cô dâu PTG", Thầy như nghe chưa rõ gật gù hỏi hắn" con dâu lớn hả?", cả nhóm cười ồ, Nguyệt đính chính " nàng dâu chứ không phải con dâu Thầy ạ", "úi cha, mậy đựa ni!".Câu chuyện dần rôm rả, Thầy vẫn tinh anh, giọng ôn tồn vui vẻ. Căn bịnh như chào thua Thầy, hắn ôm chặt vai Thầy lòng càng kính yêu hơn, chụp chung với Thầy vài tấm ảnh và cũng đến lúc chia tay.....
        Tại nhà hàng Ba Miền có một phòng TSương đặt sẵn để các bạn cùng gặp nhau với vợ chồng hắn. Thầy Bùi Ngoc Cẩn và nhóm bạn PTG71 ở Sai Gòn đã đến, hắn được ngồi gần Thầy. Tóc Thầy bạc trắng nhưng đôi mắt sáng , Thầy nhìn hắn một cách đăm chiêu như cố nhớ lại ngày xưa trong lớp hắn ngồi ở bàn nào?. Hôm đó còn có Kim Trang, cô bạn bỏ bọn hắn qua trường nữ Trung Học từ năm đệ tứ nay thì đã tung cánh chim về đây theo tiếng gọi bầy.Bọn hắn hàn ôn chuyện cũ và mới, rôm rả nói cười vui quá là vui.
        Lớp nhị B có năm cô học trò nữ, một cô đã bỏ lớp khi bọn hắn còn tập tò đi mua giấy, chép nhạc tặng người muốn yêu hay chưa biết yêu, cuối tuần còn mặc quần xà lỏn, bơi lổm chổm ở chân cầu đen bên kia sông Hàn. Thế mà sau ba tháng tựu trường Nguyễn Thị Quýt đã bỏ bọn hắn, mặc áo cưới thay cho chiếc áo dài trắng học trò lên xe hoa và nghe đâu một năm sau đã làm mẹ. Bích Hoàng đã biệt tăm sau mùa hè năm ấy. Kiều Nga người nho nhỏ, tóc tém, ngắn hơn tóc của Thái Thiệt Trí hồi đó. Hắn không nhớ Kiều Nga có mặc áo dài được mấy lần! Kiều Nga học rất giỏi và nghe đâu cũng rất thành công trong lớp của hắn sau nầy. Kiều Nga ngồi gần Mai Thi Út, nhà Út trên đường Võ Tánh. Út học giỏi, thương bạn hơn thương mình, Út chơi rất thân với TSương, hồi đó hắn không thân TSương như bây giờ, vì cô nàng là con cưng của các Thầy, giỏi môn văn, nên thường làm báo, tham gia các việc của trường, đi học được miễn phí và "bị" rất nhiều bạn của hắn yêu thầm, thương trộm, phần hắn biết được sơ sơ có năm bạn vì TSương là hoa khôi trong ba nàng còn lại kia mà!....
        Đến Đà Nẵng buổi tối mùa Xuân, sân bay của một thành phố nhỏ và đơn sơ. Ra sân bay đón hắn có Mai thị Út, Nguyễn văn Sưu, Nguyễn anh Tú và Ngô quang Liêm. Bàn tính một hồi lâu, các bạn đưa hắn vào môt quán nhậu trên con đường nào đó mà cho đến bây giò hắn vẫn còn tự hỏi: đường gì? bởi Đà Nẵng bây giờ lạ hoắc, khu nầy không có trong trí nhớ của hắn. Đà Nẵng là thành phố hắn đã lớn lên, mối tình đầu đời của hắn, hắn nhớ tên từng con đưòng, góc phố, từng ngõ hẻm, bởi hắn đã từng chở bạn đi tránh những điểm kiểm tra mỗi khi về phép trễ ngày trở ra đỏn vị.Thế mà bây giờ nó quá xa lạ, hắn như kẻ lạc đường, như một người vừa mới đến từ một làng quê nào đó, tất cả đều thay đổi.
Buổi gặp nhau đầu tiên của hắn mới tới Đà Nẵng thật vui, gặp lại Đỗ Bá Nam đã ngà ngà say. Huỳnh Phạm Công Chánh mới vừa qua khỏi tai nạn xe và Phạm văn Thành nhà vẫn còn ở trên đường Phan Chu Trinh, cuộc sống của Thành sau nầy nghe đâu cũng thư thả lắm.
Nguyễn văn Sưu người Hoà Vang, ngồi chung bàn với hắn, học giỏi, hát rất hay..Những tối Sàigòn nóng oai ả của năm đầu Đại Học, nghe Sưu vừa đàn vừa hát "Như CánhVạc Bay" trong con hẻm đường Trương Minh Giảng làm nhớ về Đà Nẵng và người yêu của hắn. Sưu kể cho hắn sự thoát chết trên chuyến tàu lửa tốc hành từ Huế về Đà Nẵng sau lần đi chấm thi về, với những chi tiết li kỳ nhưng hắn biết Sưu vì tính mê gái, đi ngắm hai cô đầm đang nằm phơi nắng ở toa bên cạnh mà Sưu đã thoát nạn (?)...!
Trong nhóm bạn thân còn thiếu Hoàng văn Lũy hắn đã nhiều lần tìm kiếm mà chưa có tin tức, nhưng hắn tin sẽ tìm được. Một lần tình cờ, trên đường trở lại Sài Gòn hắn gặp Nguyễn Quang Điền ở văn phòng Hàng Không Việt Nam trên đường Độc Lập, Điền ngồi cùng bàn và chơi thân với hắn, nghe đâu sau nầy Điền đã đi vào quân đội.
Lớp của hắn có Diệp long Hiến nhà ở đường Lý Thường Kiệt trong khu Hội Thánh Tin Lành, đậu xong Tú tài phần một Hiến vào học Sư Phạm Qui Nhơn và sau nầy hắn có gặp Hiến một lần ở Saigòn.
        Ngồi kể lại tất cả kỉ niệm lớp Nhị B của hắn sẽ chẳng biết chừng nào xong, hắn mong gợi lại cái thời mà bạn cùng hắn mài nhẵn mông quần ở cái phòng cuối dãy lầu hai có cánh cửa sổ nhìn xuống đường Duy Tân và chùa Tân Ninh. Hắn không nhớ nhà sư Đoàn Kiệm có trù trì ở Tân Ninh hay không nhưng hắn nhớ rất rõ Bửu Ấn hay thò tay qua chiếc áo dài màu khói lam bóp vế Sư Kiệm để tìm sự thật! Qua khỏi chùa Tân Ninh, bên tay trái có nhà bạn Nguyển trung Trực. Trực chơi rất thân và có rất nhiều kỉ niệm với hắn từ thời còn đi học cho đến khi Trực vào trường Bộ binh Thủ Đức. Tiếc thay Trực vừa lìa bỏ cuộc chơi, xa lìa hắn và các bạn để về với bạn Đặng Lê Ngọc Anh...... mong các bạn thắp một nén nhang để sưởi ấm tình bạn Trực, Ngọc Anh thân thương trong những ngày đầu Xuân rét lạnh ở quê nhà.
        Trời Đà Nẵng bắt đầu vào Xuân, lạnh đối với các bạn của hắn, thế nhưng thật mát và rất lý tưởng cho vợ chồng hắn. Hai vợ chồng hắn thả bộ dọc sông Hàn, tìm ly cà phê nóng trước khi lên đường về quê thăm mộ mẹ. Gió nhẹ từ Hà Thân thổi qua, mùi nước sông thoáng đãng, thơm, trong lành, cái sảng khoái mà hắn đã không tìm thấy sau ba mươi tám năm sống ở quê người. Bến Sông Hàn đẹp hơn cả Bến Bach Đằng Sài Gòn hay bãi biển Nha Trang.
        Từ quê trở ra trễ hơn dự định, Trần Sĩ Dụng từ Quảng Trị vào đón hắn, ngồi chờ khá lâu; gần bốn mươi năm mới gặp lại nhau thế mà Dụng vẫn không quên" đưa tau rờ cái đầu của mi xem có còn méo như hồi xưa không?" Hiện giờ Dụng sống với gia đình tại Quảng Trị, nghe đâu cuộc sống của Dụng không được may mắn,có phần vất vả, Dụng đã bỏ lại một phần thân thể của anh trên chiến trường miền Tây trong những năm chiến tranh khói lửa mù mịt. Dụng là mẫu người đứng đắn, đàng hoàng, ít nói với nụ cười rạng rỡ, dễ thương và Dụng ngạc nhiên khi nghe hắn nhắc đến mối tình thuở học trò của Dụng một cách thật rõ ràng.
        Hắn kể cho Sưu và Dụng về các bạn trên quê người, có anh bạn chín mươi chín kí Quách hoà Đạt đang ở Nữu Uớc và đã về hưu non. Bạn Gịp A Ửng đang ở vùng Los Angeles và vùng Hoa Thịnh Đốn có Lê văn Chiếu. Xứ hoa Florida có bạn Dương Tấn Bình. Vùng đảo Hạ uy Duy là anh trưởng lớp Lao Lai Trân. Nhớ Trân làm hắn hồi tưởng lại khi còn nhỏ, trước khi vội vã đón chuyến xe tốc hành đầu tiên của mỗi sáng về quê đám giổ, cha hắn không quên ghé lại cái quán cà phê Xướng ở giửa lòng chợ Cồn mua cho hắn một ly sữa nóng với cái bánh tiêu của ông Ba Tàu béo phì, vạm vỡ làm hắn tự hỏi " có phải ông nầy là Cha của anh bạn trưởng lớp ngày xưa?" vì nhà của Trân ở gần chợ Cồn; Lớp nhị B của hắn có gần tám mươi học sinh, thế mà một anh nhỏ con nhất làm trưởng lớp, điều đó tự nói lên anh bạn của hắn cũng thuộc hạng nặng cân trong đám học trò giỏi rồi, nghe đâu anh trưởng lớp cũng có yêu thầm nhớ trộm cô bạn trong lớp của hắn nữa kia!. Khu thủ phủ nắng ấm Cali có bạn Trương Tấn Tân, Vùng thung lũng hoa hồng có người bạn cùng làng, rất thân và cùng ở bên kia sông như hắn, bạn Huỳnh Thụy Phong rất là mẫu mực, nhiệt tình, không những nhớ tên mà còn nhớ những cá tinh riêng biệt của từng bạn. Khu thủ đô tị nạn có Trương công Danh và nghe đâu sau cuộc bể dâu bạn Lâm Hiệp đã dọn về vùng cao bồi Texas cùng với Lê công Đông. Phạm Ngọc Lân con của thầy Phạm Ngọc Vinh, cao dong dỏng, rất thích đi "Bum" và được bọn hắn gọi là "Lân Tè". Cách đây hơn mười năm hắn có gặp Lê Trọng Toản một lần, rồi thôi.Toản ngồi đầu bàn cùng với Phạm văn Thành. Toản chơi rất tốt với bạn bè và hắn. Hồi đó nhà Toản ở đường Ông Ích Khiêm, giàu có nhưng nghe đâu sau 1975 gặp nhiều điều kém may mắn. Vùng lạnh Đông Âu có Lục Thiên Minh, Nguyễn đình Huy và Trần văn Trị.
        Buổi tối hôm đó Mai thị Út mời gọi các bạn họp mặt đầu năm ở một quán trên đường Núi Thành thay hắn. Trong buổi tiệc có Phương Hồng, Phan thị Quảng, Hoàng Độ, Ngọc Sương, Lê đình Quát, Quang Chí Sanh, Mai Khanh, lẽ ra hắn nhắc đến Mai Khanh từ đầu, Khanh ngồi gần Trân, nhỏ con và luôn khoanh tay trước ngực. Khanh có nụ cười tươi trẻ và rất dễ gây thiện cảm. Nguyễn Đức Hiền, Trần Hữu Cảnh, Phạm Trung, Nguyễn anh Tú cùng Nguyễn đức Thiện(Lợi). Mừng vui quá chừng, Nhị A và Nhị B tíu tit cụng ly, chúc mừng sức khoẻ, hàn huyên chuyện xưa, nay.....hạnh ngộ đại hạnh ngộ.
        Ngày hôm sau, ghé lại quán cà phê Khúc Thụy Du cùng Trần hửu Cảnh, Mai Khanh, Mai thị Út thăm niên trưởng Nguyễn Tăng Miên, anh cũng là phu quân của Trịnh Thị Hải, lớp nhị A. Được anh cho thưởng thức thơ "rặn" của anh mà lòng hắn kính phục.
        Vợ chồng hắn trở lại Sai-Gòn buổi sáng sớm hôm sau để kịp cúng mãn tang cho mẹ hắn, hắn có mời được vài bạn thân Nguyễn Văn Mẩn, Phan văn Nghị khoá 3 CNMĐ và rất vui mừng là hắn có chào hỏi Thầy Bùi Văn Trợ qua điện thoại của bạn Mẩn.
        Đền tối ngày hôm sau cả nhóm nhị B cua Hắn họp mặt tại nhà Thu Sương,các bạn thiết đãi hắn các món ăn đặc sản Quảng Nam, Nguyệt là đầu bếp chính ,nàng là cô giáo hiền thục đảm đang nghe đâu đã từng đọat giải trong các cuộc thi ca hát , nấu ăn trong những dịp Ngày Quốc Tế Phụ Nữ do nhà trường tổ chức .Hắn cũng gặp lại Huỳnh văn Xin, vẫn đạo mạo như ngày nào. Hăn còn nhớ, ngày xưa Xin "bận" áo quần rất chỉnh tề, mang đôi dép nhựa đen, viết chử đẹp, chậm rãi, vở, viết Xin luôn luôn bỏ vào chiếc cặp da, đen lánh, cẩn thận cài ngang trên sườn của chiếc xe đạp cũ kĩ đến trường. Vì bận công chuyện, Xin chia tay vợ chồng hắn sớm hơn dự định. Thật cảm động, bùi ngùi khi Mai Thị Út bay từ Đà Nẵng vào để tiễn đưa vợ chồng hắn ngày mai trở về Mỹ.
        Sau khi thưởng thức các món ăn ngon miệng, bọn hắn làm một chương trình văn nghệ bỏ túi, hát cho nhau nghe,với cây đàn Guitar cũ mèm có lẽ từ thời Hồng Bàng để lại cho cậu con trai Thu Sương nhưng Mai thi Út đàn hay và vợ chồng Nguyệt -Nguyên hát, miệt mài hát và hát. Cuốn hút đam mê, kỷ niệm xưa kéo về không ngừng nghỉ. Lòng hắn nghe hoà nhịp với con tim người hát. Hắn thích nghe hơn là thích hát nhưng thấy các bạn hát, hát hay, làm hắn nổi hứng " Hát chơi trong cái nghĩa vui thôi mà", nên hắn nhắm mắt tham gia, hát, hát xong chỉ có vợ hắn vò đầu khen hay! Mèo khen mèo dài đuôi;"Hát hay không bằng hay hát" phải không các bạn?
        Chấm dứt trong tình lưu luyến, các bạn bịn rịn chia tay, những cái bắt tay ấm áp, hẹn hò có ngày gặp lại.Ngày vui qua mau; cuộc vui nào cũng tàn... xưa như trái đất nhưng bao giờ cũng đúng. Bọn hắn đã không quên chụp thêm vài tấm hình và đặc biệt tấm hình cả nhóm đội nón bảo hiểm đứng tại cổng nhà TSuong trước khi lên xe gắn máy cùng vẫy tay chào , đã hơn 11gio đêm !!.
        Sáng hôm sau, vợ chồng hắn làm một vòng chót qua phố Sai Gòn, ghé lại quán bò bía và nước mía trên đường Lê Văn Duyệt ăn một bụng đã thèm, bù trừ cho những tháng ngày không có ở trên đất người. Vợ hắn cũng không quên, mình nên mua cho chị TSương một ít bò bía, chỉ tiếc bây giờ tìm đâu ra đậu phụng da cá và ly chanh muối của quán bà Bu sau lưng trường cho đủ bộ.
        Vợ chồng hắn rời Sài Gòn đúng bốn giờ chiều, máy bay cất cánh, lòng buì ngùi, nhoài người nhìn ra cửa sổ, quê hương của hắn đã bỏ lại sau lưng, rồi hắn lịm dần trong giấc ngủ khi nào không biết. Ra khỏi sân bay Los Angeles, bước chân xuống đường tới bãi đậu xe, mỏi mệt, hắn như hụt hẫng, chơ vơ, quay đầu nhìn quanh không tìm thấy cảnh rừng người đứng đón, đưa như ỏ quê nhà...Về đến nhà, ba đứa con của hắn vui mừng, vợ hắn vừa trao qùa cho con vừa kể:     Dad gặp lại rất nhiều bạn vui lắm, phần đông đã trở thành ông, bà nội hay ngoại hết!
    Cô con gái lớn xen vào:
    Già như Grandma and có white hairs không mom?
    Vợ hắn chưa kịp trả lời; Cô gái út thêm:
    Bạn daddy có black teeth and ăn a greenleaf như grandma mình không mom?...
Hắn!
Cali ngày 3 thang 2 năm 2008
Đỗ Xuân Qúy

Thế thái nhân tình

Trân trọng giới thiệu bài thơ của thầy Nguyễn Văn Ngộ

THẾ THÁI NHÂN TÌNH
Do ta làm những chuyện bao đồng
Khiến bạn chí  thân phải bận lòng
Chẳng giận người dưng quên kính lão
Mà hiềm thân thuộc thiếu nhường ông
Hư danh che khuất  điều nhân nghĩa
Giả cuộc xóa mờ chuyện cảm thông
Dẫu biết nhân tình thường ấm lạnh
Mà sao lòng vẫn buồn mênh mông.
16-3-2010 - Trúc  Đình
Tâm sự của Đỗ Văn Quí với thầy bạn
 
Bài viết của Đỗ Văn Quí gửi thầy bạn:
Mất hay Còn!
Lộc phước ngày xưa...ngày cuối hè năm 1963 cuả cậu bé mười một tuổi vừa học xong tiểu học trường làng, vai mang gạo, vở cặp bên hông, lội bộ băng nà, xuống đò, qua sông, trọ đêm để sáng mai đi thi vào đệ thất trường công lập ở quận.
Bài luận văn " Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người" đã không cưu mang cho môn toán buổi sáng..., nổi buồn đầu đời: Thi Rớt! cùng nhiều lần không thuộc bài bị thầy Hiệu Trưởng khẻ bàn tay, quỳ xơ mít, hoặc đứng dang tay sau những lần chơi trò chia ranh giới với thằng bạn ngồi bên cạnh. Nỗi sợ hãi khi  Bác Miên cai trường bắt gặp bọn tôi hay" tè" lên luống khoai, giồng rau, giàn cà của Bác ở sau nhà nghỉ. Những hồi trống thanh thản, nhịp điệu của Bác thôi thúc vang lên xóm dưới, dội vào làng trên thúc dục chúng tôi đến giờ vào lớp. Hồi  trống ấy cắt ngang trò chơi bắn bi của bọn tôi gần đến lúc phân chia thắng bại....Những mùa hè rạ khô nằm trơ gốc, đất nẻ; đông về mưa dầm, thối đất, bảo lụt ngập nhà...có ngôi trường tiểu học Lộc Phước được chia ra năm lớp, cửa sổ cái mất cái còn, lớp năm nối liền với nhà lợp tranh làm nơi nghỉ của các Thầy, bàn ping-pong củ mền không biết từ đâu đưa đến, nằm giữa nhà mà tôi đã thèm chảy mép mong được rờ vào chiếc vợt, giành nhau lượm banh, chép miệng trầm trồ với những đường banh xoáy ngược của quí Thầy. Bọn tôi có thầy Hiệu Trưởng nhà ở tận bên kia sông, xa lắm; mùa mưa cởi ngựa, lúc nắng trời đạp xe đầm chạy nhanh như gió!...hai hàng hoa dâm bụt, cột  cờ, cổng chào và con đường "cái quan" trước mặt mà anh, chị chúng tôi đã đi...tưởng chừng như mới ngày hôm qua! Bổng chợt giật mình nhớ lại; Lộc Phước bây giờ chỉ còn trong ký ức! Lộc Phước của ngày xưa...thời dĩ vãng.
Trường tiểu học Lộc Phước ...Ôi tuổi học trò thời ấu thơ trường làng của tôi hồn nhiên, vô tư, nghịch ngợm! hồi tưởng về trường xưa với những rung cảm, ngậm ngùi, nhạt nhoà, đầy vơi nhưng hạnh phúc vô cùng. Những lần cùng anh tôi về thăm quê nhà; chổ nầy là nhà thờ, đầu kia là trường tiểu học, kế bên Hội đồng xã. Nhìn theo tay của người anh, tôi gật gù  mà lòng bồi hồi, xúc động muốn khóc, gắng gượng hình dung đâu là con đường đê, bờ ruộng đưa tôi mỗi ngày đến bên hàng dâm bụt, rồi chạy nhảy, đánh vòng trên con đường "cái quan" của tôi mà không sợ trượt chân rớt xuống bờ ao, mương xe, thửa rộng...để rẽ vào trường , chổ đó là trường học? chân tôi đây, đất Ô Gia đó, trường đâu rồi, ngậm ngùi tôi tự hỏi...
Lộc Phước bây giờ...mất tên, rồi qua bao nhiêu đổi thay, thời thế, thiên tai, các học trò thuở nào đã khôn lớn, vì mưu sinh và qua bao thăng trầm của cuộc sống kẻ ở người đi, người ở đã chứng kiến bao nhiêu đổi thay, bao nhiêu cơ cùng khổ cực, sự sống và chết, đùa giởn với bom đạn chiến tranh, đội đầu với những thiên tai bảo lụt, dấu vết ngôi trường chôn vùi trong kí ức, kẻ đi ra tỉnh,người xuôi Nam, rẽ Bắc hoặc có những bạn đi xa nữa vòng trái đất. Và đau xót hơn có những Thầy, bạn tan trường rồi đi biền biệt, vĩnh viễn**. Không về thăm lại bạn xưa, kể về trường cũ của mình, nhắc, nhớ đến kỉ niệm thời ấu thơ dù chỉ một lần!
Sau bao nhiêu năm mất dấu, trường xưa nằm im trong kí ức của những cô, cậu học trò tuổi đời chồng chất, bọn tôi như chiéc lá úa, vàng mùa Thu bổng dưng trồi xanh hé nụ, gọi nhau, thư thăm hỏi, email tìm kiếm, từ quê nhà đến bên kia bờ Đại Dương như mới ngày nào còn ở trong quê, cuốn qu‎ýt tìm nhau để cùng hẹn hò ngày trở lại. Trò mời gọi, Thầy đóng góp, Trò viết bài, Thầy chỉnh câu văn, chính tả...tinh thần "Tôn sư trọng đạo" xưa nay...Trường tiểu học Lộc Phước còn đây...
Ngày gặp nhau trở lại đầy hứa hẹn, hẹn kể cho nhau nghe chuyện ngày xa xưa ấy...những chuyện đã bỏ lại sau lưng bốn, năm mươi năm về trước,  chuyện đã chôn vùi tận cùng trong quên lãng, nhưng không; nó đã hiện về rành rạch, ngày áo tơi, nón cời chân bùn tay xách dép, biết phượng nở, nghe ve kêu đón hè về...rỏ nét hơn cả những mực đen lưu bút hè xưa.
Nhưng bọn tôi tuổi đời đã về chiều, rời trường, xa cách, phiêu bạc, quê người, quê nhà, ba chìm bảy nỗi không biết có còn nhận ra nhau thời cùng chung trường, chung lớp, chung tình bạn... ở truờng tiểu học Lộc Phước ngày xưa hay không!
Đỗ Văn Quí.
West Lafayette, IN Feb, 2010.
**Nhớ về bạn Tín-Thầy Uyển(?)

Thư Hồ Thị Bích Hà
Chào a. Hai hí !
 Biết buổi họp mặt vào ngày 6.3.2010 tổ chức tại ngôi trường mà ngày xưa còn bé tí chúng em đã được thầy, cô dạy cho những chữ cái đầu tiên.Tự dưng những hình ảnh về ngôi trường bỗng hiện ra trước mặt. Nhớ thầy hiệu trưởng ngồi trên yên ngựa mỗi khi đến trường, hàng dâm bụt bên tay phải , con đường mòn dẫn bước chân những cô cậu học trò nhí đi ngõ bên hông trường, những lúc trời mưa cả bọn con Hà, Thu, Mười ... phải nhờ đến Mười Một, anh Hường, anh Phúc... dẫn qua mương nhỏ để đi đến lớp...Tất cả đã rời xa từ khi chúng em chưa tròn 10 tuổi.Sau bao nhiêu năm quên lãng bi chừ các anh tổ chức cuộc gặp gỡ các thầy cô và các anh chị tại ngôi trường LỘC PHƯỚC làm chúng em rất nôn nao,nhớ trường, nhớ lớp, nhớ quê mình chi lạ, nhưng rất tiếc trong thời gian nầy em không sắp xếp về dự được , các anh cho em gởi lời kính thăm các thầy cô, các anh chị va các bạn.  trước thềm năm mới kính chúc ĐẠI GIA ĐÌNH LỘC PHƯỚC dồi dào sức khỏe,hạnh phúc và VẠN SỰ NHƯ Ý.Em cũng có chút quà nhỏ trong ngày hội ngộ của trường sẽ chuyển cho anh sau hi. Xin chào và chúc buổi họp thành công tốt đẹp nì.

Hồ Thị Bích Hà
bichha159@yahoo.com
Thư Đỗ Thị Như Linh
Email của Đỗ Thị Như Linh (Đỗ Thị Mười)

Anh Hai!
 Nhan duoc thu anh, biet duoc anh va moi nguoi dang lo to chuc cuoc hop mat cua HS truong Loc Phuoc ngay xua . That su ,da goi lai trong toi mot que huong binh yen, mot tuoi tho hon nhien... ma cho du o dau va lam gi mot khi nghe nhac den se khong khoi nhung cam xuc goi nho ve mot vung que em a  va con hon the nua do chinh la que huong cua minh.
 Rat tiec! toi khong tham du duoc cuoc hop mat nay de duoc nhin lai mai truong xua cung nhu gap lai cac Thay va cac Ban. Hy vong nam sau!
De dong gop cho ngay vui do , toi cung goi  moi it de goi la...cung chung vui voi cac Thay va cac Ban. Mong duoc don nhan.
   Nhan dip nam moi toi kinh chuc Quy Thay va cac Ban mot nam moi :
                                       AN KHANG-THINH VUONG.
 Mot ngay hoi ngo Thanh cong va Tot dep!

                                                                   Do Thi Nhu Linh,
                                                           (  Cuu HS Truong Tieu hoc Loc Phuoc)
                                                                      minhlinhtuantu@gmail.com
 
Xướng:                  THẦY TRÒ HẠNH NGỘ.
(Kính tặng thi huynh Trần Đình Lộc nhân ngày họp mặt Thầy  Trò 
      Trường Tiểu học Lộc Phước các niên khóa 1959 đến 1964
                         vào đầu Xuân Canh Dần - 2010)

Thầy     về   thăm lại mái trường xưa
Đồng nghiệp - môn đồ đợi  đón  đưa
Thầy đã tám mươi   từ      tốn        kể    
Trò đà sáu chục khiêm nhường  thưa
Năm mươi năm trước tình khôn  cạn
Một  buổi  hôm nay   nghĩa khó  vừa
Khoa giáo ngày xưa:"TIÊN HỌC LỄ
Tôn   Sư  Trọng Đạo    mãi   còn   lưa.

      
San Antonio,              Jan 19, 2010
      Đạt Nhân
  
                
                                      
Họa 1:             ÂN TÌNH.
Bao  năm  dâu    bể  bóng  trường  xưa
Vạn  dặm  thời  gian   có      đẩy    đưa
Vẫn    nhớ   dáng thơ   lời    gọi       dạ  
Còn thương tuổi ngọc tiếng vâng thưa
Ân      tình  trò   cũ   đong   không   hết
Nghĩa cử   thầy xưa  biết     mấy     vừa
Hội     ngộ     hôm    nay    rơi   giọt   lệ
Sông  ngăn,   biển    cách   há    nào lưa.

Oklahoma City, đêm Thứ Ba, 19-01-2010 -
Trần Đình Lộc

Họa 2 :     NGHĨA TÌNH XƯA.

Thầy    đến,  trò   chờ  rộn      đón   đưa
Âm hưởng trống trường vang tiếng  gọi         
Rù      rì       lời      trẻ     rộn   rang thưa
Bao   năm   tái    ngộ  mừng  khôn   xiết
Một   sớm  chia  tay   tiếc     chẳng  vừa
Kỷ  niệm   ngày   thơ   chừng   vẫn    đóChuyến  về   gợi  nhớ  nghĩa  tình   xưa
Ơn  thầy    thắp   sáng     hãy     còn  lưa.

     Utah, 20-01-2010         Trần Đình Nga              
            

Họa 3 :    MỪNG HỌP MẶT THẦY TRÒ CŨ.
Kỷ     niệm  dâng  tràn   ký   ức   xưa
Mừng sao    bao    kẻ   đón người đưa
Thân thương biết mấy:"Chào Thầy a!"         
Đáng mến     làm  sao:" Dạ kính thưa"
Thầy  cũ   uy  nghiêm,  nay  vẫn   thế
Trò  xưa khuôn   phép, mãi chưa vừa
Bao      năm    xa   cách,  tình son  sắt
Truyền thống TÔN SƯ,  mãi mãi  lưa.
Đà Nẵng, 21-01-2010
Văn Nguyễn       Nguyễn Văn Mẫn

Họa 4 :    TÌNH SƯ ĐỆ.
Bởi   nhờ  đạo   học  của   ngày  xưa
Xảy  gặp  thầy  về    kịp   đón    đưa
Trò    đã    nên ông,  tay  khúm  núm     
Thầy vừa vượt  lão,  tóc    lưa    thưa
Tình     sâu, biển sánh không sao  đủ
Nghĩa nặng, non cân chẳng mấy vừa
Năm  chục  năm  dư   dù   cách   biệt
Công  ơn    dạy    dỗ   vẫn  còn    lưa.

Đà Nẵng, 10-02-2010 -                  
Thảo Nhĩ  Bùi Thanh Nhung
           

Họa 5 :    CƠM CHA, ÁO MẸ, CHỮ THẦY
Mừng vui thầy gặp    lại     trò     xưa
Họp Mặt tưng bừng cảnh   đón   đưa
Thưở trước ấu  thơ  luôn  tiếng    DẠ                    
Bây   giờ thành đạt  vẫn   lời  THƯA
Sinh thành công nặng tình khôn sánh
Giáo  dục    ân   sâu nghĩa chẳng vừa
Áo     mẹ, cơm cha   lòng  mãi     nhớ
Chữ thầy: dâu   bể    vẫn  hoài     lưa.

 Đà Nẵng,14-02-2010 (01-01-Canh Dần)
      Trúc Đình Nguyễn Văn Ngộ

 

Họa 6 :    MỪNG HỘI NGỘ .
Nhớ về     trường  cũ     thưở xa   xưa
Rợp bóng thùy  dương  nhạc gió  đưa
Bạn   mến     tình thân  đâu   dễ     lợt
Thầy thương đức trọng há    nào thưa?          
Âm    vang lời    giảng nghe  còn   đó
Văng vẳng tiếng vâng tưởng mới vừa . . .
Hình ảnh  ân   sư   người   mẫu   mực
Giò  đây  hội  ngộ    vẫn     còn     lưa.

Phố cổ Hội An, đầu xuân Canh Dần - 2010    
Bùi Thị Trọng Cơ
          

Họa 7 :    SƯ ĐỆ TÌNH THÂM.
Lộc  Phước trường làng học thưở  xưa
Năm mươi  năm     cách tợ   thoi   đưa
Thầy  nay  kém  mắt   xem   mờ       tỏ          
Trò    cũ    bạc    đầu   điểm  nhặt  thưa
Tái     ngộ cười nhiều chừng chẳng hết
Trùng phùng nói mấy cũng không vừa
Hàn huyên, tâm   sự      bao  tha    thiết
Sư   đệ        tình   thâm  cứ    mãi     lưa.

Phố cổ Hội An, đầu Xuân Canh Dần - 2010     
Nguyễn Công Trợ

Bài viết của thầy Lê Phước Thành
TRƯỜNG LÀNG TÔI
          Trường làng tôi mở năm 1930, chậm hơn các trường trong phủ, sớm hơn trong vùng tổng Quảng Hòa, Phú Mỹ, An Lễ.
          Làng tôi ngăn cách bởii hai con sông, phía Nam là sông Thu Bồn, phía Bắc là sông Vu Gia chảy giáp nhau về phía đông ngăn cách cả hướng nầy, chỉ còn hướng tây là đất liền chạy dài lên tổng Phú Mỹ, An Lễ (ngày nay là các xã Đại Cường, Đại Minh, Đại Phong) và vùng rừng núi điệp trùng.
          Làng tôi giao thông cách trở, xa huyện lỵ, tỉnh lỵ, xa ánh sáng văn minh, việc tiếp thu tân học rất hạn chế. Các bậc thành danh thành nhân từ năm 1900 trở về trước hầu hết là Hán học, chưa biết Tân học là gì. Từ năm 1900 về sau, ngọn gió Tân học thổi vào quê tôi còn quá khiêm tốn, các ông theo học chữ Hán thi cử không đỗ đạt về làng muốn làm thầy đồ dạy trẻ phải học chữ quốc ngữ biết đọc, biết viết, có bằng tuyển sinh mới được nhà nước bảo hộ công nhận. Chỉ có thầy Giáo Đóa và thầy giáo Phán làng ta lúc bấy giờ có bằng tuyển sinh mà thôi.                                                   
          Nhờ ngọn gió tân học nầy mà các nhà Hán học Quảng Đại có điều kiện đã ý thức được tầm quan trọng của nền văn hóa Tân học cho con em theo học chữ Quốc ngữ, chữ Tây cũng nhiều và hầu  hết đã thành trí thức. Từ đó việc xin mở trường Tân học đã bắt đầu hình thành vào năm 1932. Bảng hiệu trường mang tên : École publique de Quảng Hòa, dạy sơ cấp chữ Quốc ngữ và chữ Tây cho trẻ em trong làng và trong tổng.
          Từ năm 1932 đến năm 1937 trường làng tôi là ngôi Chùa trong khu Đình làng Quảng Đại do Tổ tiên xây dựng vào thời Tự Đức. Bảy năm liền nhờ ngôi chùa nầy đã khai trí và đầu tư kiến thức cho đa số con em trong làng, trong tổng, tạo đà cho họ tiếp tục học hành trở thành những hương sư, giáo viên, viên chức có địa vị xã hội.
                                         Thầy Cù Đình Qúy,      
                           Vị thầy giáo đầu tiên của làng Quảng Đại                                    
Trường làng tôi không những có cây đa bóng mát, hàng tre xanh biếc mà có cả hàng cổ thụ bao quanh vườn Đình rợp bóng quanh năm, quang cảnh tĩnh lặng, sân chơi rộng rãi, thoáng mát, rất lý tưởng cho học đường.
          Vị thầy đầu tiên được cử về dạy tại trường làng tôi vào năm 1932 là thầy Cù Đình Qúy, bà con Quảng Đại gọi là thầy giáo Qúy một cách trân trọng và kính nể. Thầy giáo Qúy dạy được ba năm thì được nhà nước thuyên chuyển về nơi gần nhà theo yêu cầu của thầy và bổ nhiệm thầy Nguyễn Lâm tức thầy giáo Lâm thay thế. Thầy giáo Lâm lớn tuổi, hiền hòa, nhã nhặn, dạy học chu đáo nên học sinh tiếp thu dễ dàng. Thầy được đông đảo bà con qúi mến. Thầy dạy tại (Chùa) trường làng tôi đến năm 1939 thì đến tuổi về hưu. Thầy giáo Qúy và thầy giáo Lâm là hai vị thầy đã dày công đào tạo văn hoá Tân học trước tiên cho quê tôi, phần đông học trò của thầy đã thành trí thức có ích cho quê hương, cho xã hội.
          Năm 1939, ngôi trường mới xây dựng ở đầu làng được khánh thành trọng thể, có quan công sứ, quan phủ và hàng tổng tham dự. Bảng hiệu École publique de Quảng Hoà nổi bật trước cổng trường. Thầy giáo được vinh hạnh về dạy tại trường mới nầy là thầy Hồ Hiệp, người Phú Mỹ. Thầy dạy chỉ một năm rồi đổi về trường Gia Cốc.
          Thay thế thầy giáo Hiệp là thầy Nguyễn Liễn người làng Mỹ Xuyên, huyện Duy Xuyên. Thầy giáo Liễn bình dân, dạy giỏi, vui tính, mến học trò. Rất tiếc thầy chỉ dạy tại trường làng tôi có hai năm thì xin đổi về Duy Xuyên.
          Thầy gíáo Liễn thuyên chuyển thì thầy giáo Hợi thay thế, thầy giáo Hợi dạy được hai năm thì đổi thầy Lê Binh (ông Giáo Binh) người trong làng về dạy cho đến cách mạng tháng 8 năm 1945.
          Sau cách mạng tháng 8 chẳng bao lâu thì quân đội Pháp tái chiếm đất nước, trường làng tôi phải  di dời nhiều nơi nhưng việc học cho con trẻ không hề lơi lỏng.
          Năm 1950 quân đội Pháp rút bỏ các đồn Phú Thuận, Phú Mỹ, ngôi trường ở đầu làng bị đổ nát, nhân dân quảng Đại lại xây ngôi trường mới gồm có 3 phòng ngay trên khu đất của ngôi Chùa trong khu Đình làng Quảng Đại. Các thầy dạy tại đây từ năm 1950 gồm có :
Thầy Lê Binh, người trong làng làm Hiệu trưởng
Thầy Đàm Thanh Xuân, quê ở Đại Hòa giáo viên
Thầy Hoàng Lâm do Ty Học chánh Quảng Nam điều động về, trường mở thêm lớp Nhì.
Lớp học lại phải gián đoạn một thời gian vì chiến tranh. Sau tháng 7 năm 1954, chính quyền Quảng Đại cho mở lại lớp học. Ngôi trường làng trong khu Đình Quảng Đại bị hư hại vì đạn bom. Chính quyền phải mượn nhà dân và nhà thờ tộc Trần để kịp khai giảng niên khóa 1954-1955. Thầy Lê Phước Hanh dạy lớp Ba, tôi Lê Phưóc Thành dạy lớp Tư.
Từ niên khóa 1955-1956 trở đi (trường đã được tu bổ) gồm có các thầy :
1955-1956 Thầy Hồ Hiệt, người Quảng Huế (dạy một niên khóa, do xã trả luơng)
1955-1956 Thầy Nguyễn Tấn Ích, người ở trong làng dạy tiếp nhiều năm, do xã trả lương.
1955-1956 Thầy Hồ Văn Liễn, quê ở Gia Cốc (giáo viên do Ty Tiểu học Quảng Nam tuyển dụng, dạy một niên khóa)
1956-1957 Thầy Trương Đắc, quê ở Cù Bàn, huyện Duy Xuyên, giáo viên do Ty Tiểu học Quảng Nam tuyển dụng, dạy một niên khóa)
1957-1958 Thầy Đặng Xuân Chí, người Hòa Mỹ, huyện Đại Lộc, giáo viên do Ty Tiểu học Quảng Nam tuyển dụng, dạy một niên khóa.
          1958-1959 Thầy Trần Đình Lộc, người làng Gia Cốc, giáo viên do Ty Tiểu học Quảng Nam tuyển dụng về dạy và mở lớp Nhì. Lúc bấy giờ trường tại Quảng Đại đổi tên là Trường Lộc Phước.
          Đầu năm học 1959-1960 xã Lộc Phước xây xong ngôi trường gồm 5 phòng tại làng Ô Gia. Thầy Nguyễn Văn Ngộ được Ty Tiểu học Quảng Nam cử về làm Hiệu Trưởng trường Tiểu học Lộc Phước. Từ đó trường làng tôi tại Quảng Đại đuợc di dời đến trưòng mới tại Ô Gia chỉ còn để lại lớp Năm và Tư và (tức lớp Một và Hai).
          Trường làng tôi đã trải dài một chuỗi thời gian từ quân chủ sang dân chủ, từ thời chiến cho tới thời bình, đã khắc ghi bao kỷ niệm thiết thân, kính qúi vào tâm khảm của nhiều lớp người đã trải qua thời gian học tập tại đây.
          Tôi tự hào :
- Làng tôi, làng Quảng Đại có truờng cho con em học tập sớm nhất trong vùng, mặc dù có chiến tranh nhưng trường vẫn được tiếp tục việc dạy dỗ cho con em.
- Truờng Quảng Đại là tiền thân của trường Tiểu học Lộc Phuớc. Học sinh lớp Nhì của Thầy Trần Đình Lộc, lớp Ba của Thầy Nguyễn Tấn Ích tiếp tục học ở trường mới Tiểu học học Lộc Phuớc tại thôn Ô Gia, nơi trung tâm của xã rồi sau đó học lên trung học, đại học nay dã có nhiều em thành danh và bay xa khắp mọi miền đất nước góp phần xây dựng quê hương.
Tôi thầm biết ơn Tổ Tiên đã lo nghĩ dến sự học vấn của con em trong làng, lo mở trường lóp để nâng cao trình độ dân trí theo kịp đà tiến của đất nuớc.
                                      San José 21 tháng 2 năm 2010
                                                Lê Phuớc Thành                                
                                     
Bài viết của thầy nguyễn Văn Ngộ về ngôi trường xưa
NGÔI  TRƯỜNG  LÀNG
                          Thân tặng : Quý vị phụ huynh học sinh , quý vị giáo viên
                                               và các học sinh Trường  Lộc Phước năm xưa.

          Tôi tốt nghiệp Sư Phạm Huế Khoá V vào hè 1957 và được Bộ Giáo Dục phân bổ về phục vụ tại Ty Tiểu Học Quảng Nam .
         
Trường Lộc Phước tọa lạc tại thôn Ô Gia , trung tâm của xã Lộc Phước (nay là xã Đại Cường) gồm có các thôn : Quảng Đại , Khánh Vân , Thanh Đơn, Trang Điền , Ô Đà, Ô Gia và Mỹ Hiệp (Phúc Khương & Phúc Mỹ) . Lúc bấy giờ , trừ thôn Quảng Đại có Trường Sơ Cấp (Năm ,Tư , Ba) , các thôn khác chỉ có Hương Trường hoặc các Tư Thục dạy các lớp mẫu giáo và lớp Năm (lớp 1 bây giờ) . Niên khoá 1958-1959 , Trường Sơ Cấp Quảng Đại có thêm lớp Nhì nên được chuyển đổi thành Trường Tiểu Học Vị Thành do thầy Trần Đình Lộc làm Hiệu trưởng . Niên khoá 1959-1960 , trường có thêm Lớp Nhất nên được đổi thành Trường Tiểu Học và di dời địa điểm về ngôi trường mới của xã tại thôn Ô gia lấy tên là Trường Tiểu Học Lộc Phước .
         
Tôi về nhận nhiệm vụ Hiệu Trưởng Trường Lộc Phước (do Thầy Lộc bàn giao) vào tháng 11-1959 , tức vào khoảng tháng 10 âm lịch . Trường hiện đang tạm dạy trong một trại bằng tranh tre , có lớp đang dạy tại nhà dân. Trường mới xây dựng còn trống trơn , chưa có cửa cũng như rào giậu chung quanh . Bàn ghế mới đóng còn đang để tại thôn Quảng Đại . Thế là thầy trò chúng tôi thực hiện việc chuyển vào ngôi trường mới qua các công đoạn sau đây :
         
•1-     Di chuyển bàn ghế :
Thầy trò chúng tôi chuyển bàn ghế từ thôn Quảng Đại về trường mới như đàn kiến tha mồi về tổ , hoàn toàn bằng sức của đôi tay và đôi vai , tuyệt nhiên không có một phương tiện thô sơ nào (như xe bò) trợ lực . Cứ 2 em  nhỏ khiêng một cái ghế , 4 em lớn hoặc 2 giáo viên : 1 cái bàn . Khi nào mệt thì dừng lại nghỉ . Công việc rất nặng nhọc đối với các em và ngay cả với người lớn chúng tôi nữa . Tuy nhiên , với niềm háo hức được học và dạy  trong ngôi trường mới , thầy và trò đều quên hết mệt nhọc . Phải mất gần 3 ngày thầy trò chúng tôi mới chuyển xong bàn ghế về trường mới .
         
•2-     Tổ chức lớp học và phân công nhân sự : 
Niên khóa nầy Trường có 5 lớp : Thầy Nguyễn Văn Yểng (Trang Điền) phụ trách lớp Năm , thầy Lê Hoài Bích (Khánh Vân) lớp Tư , thầy Đỗ Tẩn (Ô Gia) lớp Ba,  thầy Trần Đình Lộc (Gia Cốc) lớp Nhì và tôi , Nguyễn Văn Ngộ (Quảng Huế) lớp Nhất . Qúy thầy Tẩn , Lộc và tôi ăn lương của Ty Tiểu Học , qúy thầy Yểng và Bích ăn lương của xã . Ngoài 5 thầy nêu trên còn có bác Phan Miên là phu trường , cũng ăn lương của xã .
         
•3-     Làm đẹp trong và ngoài lớp học :
Giáo viên và học sinh lớp nào có nhiệm vụ làm đẹp lớp ấy . Trước mỗi lớp , trên hiên , có đặt một cái giá để học sinh treo mũ nón . Ở hai đầu trường có đặt 2 cái ảng lớn đúc bằng xi-măng để chứa nước rửa chân tay . Vào đầu ngày , trước giờ vào lớp , các học sinh lớp Nhì và Nhất được phân công khiêng nước đổ đầy ảng . Tiết tháng mười , trời hay mưa dầm nên đường sá lầy lội , các em đến trường chân lấm đầy bùn . Nhờ có nước trong ảng, các em rửa chân tay sạch sẽ trước khi vào phòng học . Phía dưới hiên , trước mỗi lớp , các em lấy gạch làm một bồn hoa ( plate-bande ) cùng nhau chăm sóc hằng ngày .
         
•4-     Làm hàng rào chung quanh trường và trồng cây lấy bóng mát:
 Nhờ sự góp sức của phụ huynh học sinh và sự giúp đỡ của chinh quyền địa phương , trường có được một hàng rào bằng tre bao quanh tương đối chắc chắn . Để có một hàng rào sống mọc lên khi hàng rào tre mục nát , các lớp được phân chia một đoạn hàng rào để trồng cây dâm bụt . Cùng với việc trồng dâm bụt , các em cũng được phân công trồng cây dương liễu . Nhờ sự thi đua và chăm sóc tận tình của mấy em mà chẳng bao lâu hàng cây dương liễu đã lên cao cho bóng mát và hàng rào dâm bụt đã trở nên xanh tươi điểm tô những bông hoa đỏ thắm .
         
•5-     Làm sân bóng chuyền và nhà chơi (préau) :
 Trước sân , ở hai bên , thầy trò chúng tôi làm 2 sân bóng chuyền : một sân kích thước 7,5 x 15m cho học sinh và một sân kích thước 9 x 18 cho giáo viên cùng các thanh niên trong thôn xóm vui chơi sau giờ tan học . Để học sinh có chỗ chơi khi trời mưa , nhờ phụ huynh giúp sức , chúng tôi có được một nhà chơi (préau) bằng tranh tre (12x4m) đủ để một bàn bóng bàn cho học sinh vui chơi trong giờ nghỉ giải lao . Bàn bóng bàn nầy do tôi bỏ tiền ra sắm vào niên khóa đầu tiên khi tôi mới nhận nhiệm sở tại Trường Lộc Xuyên ( 1957-1958 ) . Khi tôi đổi lên Phước Thạnh , tôi đem bàn về nhà . Đến khi tôi về Trường Lộc Phước, tôi lại cho chuyển qua préau của trường . Nhờ có bàn bóng bàn nầy , các em học sinh lúc mới đầu chưa biết chi hết , nhưng đến gần cuối niên khóa các em đã chơi rất giỏi .  Có em Nguyễn Chín ở làng Thanh Vân, giao bóng rất xoáy , nếu đối thủ không cẩn thận khi đỡ bóng , thì bóng sẽ chui vào lưới . Quý thầy cũng rất say mê chơi bóng bàn . Thầy Trần Đình Lộc , hiện nay ở Mỹ , gửi thư  về thăm có nhờ tôi hỏi lại thầy Phan Hoài Trung là có còn nhớ đến mấy cú " tiu" thẳng của thầy Lộc đã từng làm cho thầy Trung xính vính không ? !  Những kỷ niệm mến yêu của ngày xưa thân ái ấy vẫn luôn lưu mãi trong tim của chúng tôi dù cách xa nhau nửa vòng trái đất .
          Tóm lại, ngoài việc dạy và học đạt được kết quả tốt, thầy trò chúng tôi chung tay xây dựng, tạo cho ngôi trường làng thân yêu của chúng tôi càng ngày càng trở nên xinh đẹp.  Cho nên sau nầy, sau bao nhiêu năm xa cách , thầy trò chúng tôi ai ai cũng đều nhớ đến ngôi trường xưa. Xin được phép trích đoạn bức thư của em Đỗ Đình Kháng , một học sinh cũ của trường hiện đang sống ở OHIO gửi về thăm thầy cũ :
          " Kính Thầy ,
       . . . Qua thư Thầy , bao kỷ niệm hiện về làm em quay quắt . Ngôi trường Tiểu Học Lộc Phước nhỏ bé ngày nào sao vẫn rõ nét trong em . Nó đã vượt trội lên trên những ngôi trường lớn hơn nó hàng trăm lần , biết bao kỷ niệm tuổi thơ của mình lần lượt quay về mỗi khi nghĩ đến nó .
     . . .  Em đã về thăm nhà hai lần . Năm ngoái (1999) em có về Ô Gia nhưng chẳng thấy dấu vết nào của ngôi trường xưa . Hỏi người quen thì được họ chỉ cho hướng tọa lạc của nó . Cái tâm trạng bồn chồn của lúc đi về chợt biến mất để chỉ còn lại một sự trống vắng trong tâm hồn . Có lẽ , em sẽ chẳng bao giờ dám tìm về nơi ấy . Em muốn những gì về dòng sông Vu Gia , về Khánh Vân , về Quảng Đại , Trang Điền và nhất là về ngôi trường xưa trong tâm tưởng mình vẫn còn đẹp như ngày nào . . . "  .
           Cảm xúc của em Kháng cũng giống như cảm xúc của tôi khi tìm về thăm trường cũ sau 1975 . Chỉ còn lại cái nền của cột cờ và cái giếng nước ngày xưa . Dẫu biết vạn vật vô thường , hữu hình hữu hoại , nhưng khi nhìn lại di tích của ngôi trường ngày xưa , lòng tôi không khỏi bùi ngùi thương nhớ .
x
x     x 
         
Cũng nhờ tình yêu ngôi trường xưa vẫn mâi mãi trong tim  mà 36 năm sau thầy trò chúng tôi , trong nước và ngoài nước đã cùng nhau đóng góp tiền để xây dựng một Thư Viện nằm trong Khu Văn Hóa của xã Đại Cường . Công lớn trong việc đóng góp ở nước ngoài là của Thầy Trần Đình Lộc . Không những chỉ có thầy và trò cũ của Trường Lộc Phước đang sống ở nước ngoài đóng góp mà còn có các bạn thân của thầy , tuy không phải là giáo viên và cũng không phải là đồng hương cũng nhiệt tình đóng góp nữa . Số tiền được Thầy Lộc gửi về là 1.850 USD . Buổi chiều trước ngày Khánh Thành Khu Văn Hóa - trong đó có Thư Viện - anh Nguyễn Hữu Mai đem ô-tô con về Đà Nẵng đón tôi về Đại Cường dự lễ . Trườc đó, anh Mai cũng đã gửi thư mời đến các cựu học sinh của trường hiện đang sống trong nước (những người đã liên hệ được) cùng về tham dự. Do đó, trong buổi lễ nầy, thầy xưa , trò cũ gặp lại nhau sau mấy chục năm trời xa cách , nói sao cho hết nỗi mừng vui !
Trong 5 năm dạy tại Trường Lộc Phước , có một vài kỷ niệm lưu lại trong ký ức của tôi :        
         
1-Tiếng trống của bác Miên :
Cứ mỗi sáng của ngày làm việc , cách giờ vào lớp khoảng một giờ , bác Miên bắt đầu đánh trống . Bác thong thả điểm từng tiếng một , tiếng trống vang xa khắp thôn xóm trong xã . Từ tiếng trống đầu tiên đến tiếng cuối cùng cũng phải mất 30 phút . Sau nầy khi gặp lại các học trò cũ ai cũng nhìn nhận rằng cách đánh trống của bác Miên thật là độc đáo
Bõng nhiên tôi lại nhớ đến mấy câu trong bài học thuộc lòng của Thanh Tịnh : " Tiếng trống mỗi lần vang dưới xóm /  Mẹ tôi đã bảo : Hãy đi nhanh ! " .
      
2-Nơi chôn nhau cắt rốn của con gái tôi:
Từ niên khoá 1960-1961 , tôi đem gia đình qua ở ngay tại đầu trường . Tôi mua lại căn nhà tranh nhỏ của bác Miên vừa để ở , vừa để quý thầy có chỗ ngồi uống trà trong giờ giải lao . Lúc bấy giờ tôi đã có hai con trai . Ngày 18-11-1961 , vợ tôi sinh  đứa con gái duy nhất được đặt tên là Thu Ba .
         
3-Con ngựa của tôi :
Sau năm 1961 , Thầy Mẹ tôi sức khoẻ yếu nên vợ tôi phải trở về Quảng Huế để lo cơm nước cho hai ông bà . Về mùa nắng , tôi đi dạy bằng xe đạp , nhưng về mùa mưa đường sá lầy lội phải đi bộ . Để đảm bảo việc đến trường của Hiệu trưởng trước 30 phút , tôi dự định dùng ngựa để thay thế xe đạp . Nhân  chú Hương Châu ở Giao Thuỷ có đem từ Phú Yên về một con ngựa tía với đầy đủ yên cương , Thầy tôi đến xem ngựa và bằng lòng mua với giá 5.000 đồng (Lúc bấy giờ giá vàng là 3000 đồng / lạng) . Thầy tôi , hồi Pháp thuộc , dạy học tại Trường Ngân Sơn - Phú Yên nên học được cách nuôi ngựa và cỡi ngựa rất giỏi . Ban đêm thầy tôi hay cho ngựa ăn và dạy cho tôi câu : " Mã vô dạ thảo bất phì " nghĩa là ngựa không ăn cỏ ban đêm thì không mập . Mà ngựa không mập thì chạy không có sức . Thầy tôi lại dạy :"Mã hành vô lực giai nhân sấu - Nhân bất phong lưu chỉ vị bần"  nghĩa là : ngựa gầy thì chạy không có sức - người không phong lưu được chỉ vì nghèo .      
         
Xã tôi cách xã Lộc Phước một con sông : Vu Gia . Hồi ấy chưa có cầu . Nối nhịp hai bờ là con đò ngang do gia đình chú Tiềm đưa đón . Khi cỡi ngựa tới bờ sông , tôi xuống ngựa , dắt nó đến sát con đò . Chiếc đò nầy tương đối lớn , có lát ván gỗ dày ở khoang giữa . Người chống đò ghìm sát  đò vào , tôi nhảy vào đò trước , tiếp theo là con ngựa nhảy vào . Nó nhảy rất gọn gàng , chụm cẳng đứng im thin thít trên sàn gỗ . Nó đứng chung với các quang gánh của các cô hàng bán cá đi chợ Phú Thuận Lúc đầu , các cô hàng cá sợ ngựa sẽ làm hư rỗ cá nhưng sau thấy nó hiền nên lại thương mến nó . Những buổi sáng , trừ chủ nhật , các cô hay mang theo đường táng để chiêu đãi nó . Khi đò cập bến , tôi nhảy xuống bến trước và nó nhảy tiếp theo sau .
Khi đến trường , lúc hoc sinh chưa vào lớp , nó đứng dưới bóng mát hàng tre bên trường . Lúc hoc sinh vào lớp xong , nó đủng đỉnh ra sân trường gặm cỏ . Đến trưa , lúc học sinh nghỉ học , nó lại đi vào đứng dưới bóng mát hàng tre . Ở đó có sẵn một bó cỏ lùng xanh tươi dành cho nó .( Để có được những bó cỏ như thế , tôi đã bồi dưỡng cho bác Miên 100 đồng / tháng .)  . Buổi chiều , khi học sinh đã vào lớp , nó lại ra sân trường ung dung gặm cỏ . Khi nghe tiếng trống tan học , nó lại đi vào đứng dưới bóng mát hàng tre  như cũ . Lúc học sinh ra về hết , tôi  mang yên cương thắng vào và chủ tớ lại cùng nhau trở về nhà. Nó mến thầy tôi lắm . Mỗi lần  cỡi ngựa là tôi phóc một cái lên yên , nhưng khi thầy tôi cỡi thì thầy tôi lại đặt chân vào pédale , hai tay nắm lấy yên rồi mới trèo lên . Vì vậy nên khi thầy tôi vừa cầm dây cương , chuẩn bị đặt chân vào pédale , nó xoạc hai chân trước ra để cho thầy tôi dễ dàng leo lên lưng nó . Khi đi đường nó chạy toàn nước kiệu êm ru không bao giờ chạy tế như khi tôi cỡi nó . Bởi vậy thầy tôi cưng nó lắm . Lần nào đi về ông cũng cho nó ăn đường hay đậu xanh để giải nhiệt. Người và vật  thương mến nhau vô cùng .
          Bây giờ, mỗi khi nhớ lại trường xưa, phần nhiều cựu học sinh hay nhắc đến con ngựa ấy. Trong thư gửi cho tôi, em Kháng có viết :
". . .Ba mươi lăm năm rồi Thầy ạ. Các thầy dạy ngày xưa chẳng biết nơi đâu. Thầy Cấn từ dạo ấy đã ra người thiên cổ. Bạn bè thơ ấu chẳng biết ai lưu lạc phương nào. Riêng Thầy, vị Hiệu trưởng ngày nào, em vẫn còn nhớ con ngựa thầy cỡi ngày xưa. Con ngựa - thầy có biết không - đã là một dấu ấn cho những đứa học trò nhỏ ngày ấy."
Trong thời gian 18 năm dạy học (sau 1975 tôi mất dạy), tôi đã dạy ở nhiều trường , nhưng không có nơi nào mà giáo viên và học sinh lại gắn bó mật thiết với nhau như ở trường Lộc Phước . Khi còn học ở trường các em kính trọng thầy đã đành , nhưng khi đã trưởng thành , đã có cuộc sống giàu có và địa vị rất cao sang trong xã hội hiện tại , mỗi khi gặp lại thầy cũ , các em vẫn giữ thái độ cung kính như lúc còn bé bỏng ngày xưa .
          Tôi xin cảm ơn các bậc phụ huynh đã sinh ra những người con có đạo nghĩa,  xin cảm ơn những học sinh thân yêu đã tặng cho thầy những đóa hoa hồng thơm tho và tinh khiết . Xin hãy gìn vàng giữ ngọc cho nhau mãi mãi .
Niên khoá đầu tiên - 1959-1960 - Trường Lộc Phước chỉ có 5 lớp và 5 giáo viên nhưng từ niên khoá 1960-1961 , do nhận học sinh từ các trường thôn chuyển lên nên phải mở thêm một lớp Ba nữa . Niên khoá nầy thầy Phan Hoài Trung (Quảng Đại) từ trường Lộc Quý tăng cường về phụ trách lớp mới . Số lớp học từ đó về sau không thay đổi , nhưng giáo viên lại có kẻ đến và người đi . Thầy Trần Đình Lộc đi , thầy Lê Phước Cấn đến , thầy Phan Hoài Trung đi , thầy Lê Phước Thành đến . Riêng thầy Lê Hoài Bích bị đi quân dịch . Như vậy số giáo viên phục vụ suốt từ niên khoá 59-60 đến năm 1964 chỉ có 3 người : thầy Tẩn , thầy Yểng và tôi . Đến giờ nầy điểm diện lại thì số người còn sống it hơn số người đã mất . Số người đã mất : Thầy Tẩn , thầy Cấn , thầy Bích , thầy Yểng và bác Miên . Số người còn sống : Thầy Lộcthầy Thành hiện đang ở bên Mỹ , thầy Trung và tôi hiện ở Đà Nẵng . Trong số 4 người còn lại , tôi là người nhỏ tuổi nhất mà năm nay (2006) cũng đã 72 tuổi rồi . Xin được ghi lại mấy câu thơ mà tôi đã gửi cho thầy Lộc nhân dịp Xuân về để thay cho lời kết :
                  
 " Chặng  đường  trước mặt  thâu  dần  lại
                       Mỗi  độ Xuân   về  mỗi  NHỚ THƯƠNG
                       NHỚ  đến trường xưa THƯƠNG bạn cũ
                       Kẻ   còn ,  người   mất ,   kẻ    ly    hương . . . "
                                Viết xong lúc 23 giờ ngày 10 tháng 5  năm  2006 tại Đà Nẵng
                                                                                        
                                                                   Nguyễn Văn Ngộ và Hà Thị Ngọc Sang
                                                                                   
Bài viết của anh Đỗ Xuân Quang
Thư về trường  tiểu học Lộc Phước

 Kính thưa Qúy thầy,
Thưa Qúy anh chị em,
Thưa Qúy bạn kính mến,
Thật,  không thể tưởng tượng nổi  !  Không thể hiểu nổi và cũng không có niềm hạnh phúc nào lớn trội hơn năm mươi mốt năm sau, kể từ năm học đầu tiên, niên khóa 1959-1960, tại làng Ô Gia tổ chức Ngày Hội Ngộ Thầy Xưa - Trò Cũ dưới tên mái trường đã dãi dầu theo năm tháng, qua một thời gian có tên gọi " Tiểu học Lộc Phước " ?  Câu trả lời đúng nhất, ý nghĩa nhất và sâu sắc nhất chắc phải chờ đến cuối giờ tao ngộ của ngày" lịch sử" mồng 6 tháng 3 dương lịch năm 2010 tới đây. Vâng, chỉ có ngày ấy mới toại nguyện trọn vẹn giờ phút trùng phùng kể từ khi chia tay nhưng quên hẹn lần tái ngộ cách đây đúng Mười Tám Ngàn, Sáu Trăm Mười Lăm Ngày Xưa Hòang Thị , (Chưa kể năm nhuần, tháng trội). 
Thói thường ở đời, việc gì rồi cũng tiềm ẩn những lý do sâu kín của nó. Vả chăng, tuổi thọ của trường chúng ta quá ngắn ngủi lúc bấy giờ nếu so với tuổi đời Qúy thầy ngày hôm nay vẫn còn lại hân hạnh đã ngoài " Thất thập cổ lai hy ", Qúy trò, trên " Tri thiên mệnh " ?  Và phải chăng, ngôi trường làng năm xưa tận quê nghèo tọa lạc giữa mái tranh, gốc rạ, cách Phố, xa Hàn đã lưu lại qúa nhiều ấn tượng và dẫy đầy những lưu bút ngày xanh trong kho tàng ký ức cuả mọi người, dù vĩnh viễn ra đi hay còn sống sót với bụi thời gian, cơ hồ theo năm tháng mỏi mòn.
 Đôi lúc, tôi thiển nghĩ như chuyện thần thọai Hy Lạp, nghìn lẻ một đêm không bằng.  Nhưng sự thật, đến độ kỳ thật sự phải xảy ra. Véo von như ai đó đã ví : " Xin cho một lần gặp mặt nhau thôi cũng đủ - Gặp lại nhau như kẻ được vàng" ! Lòng tôi lại nao nao ngày tháng cũ : " Ức như con cá ức nước " sau cơn nắng hạ cuối mùa. Biển rộng, sông dài, cá lội ngược dòng, sao cho về  kịp ?  Cơ hồ, niềm thương, nỗi nhớ khôn nguôi : Vỏn vẹn năm hay sáu năm thôi, ngôi trường xưa bạc mệnh, không còn sống để Qúy Thầy, Qúy Bạn và chúng ta cùng gìa như ngày hôm nay. Cây lụt năm Thìn lở núi Cà Tang, cuốn trôi tập vở học trò tận bến sông Hàn trong cơn sóng dữ. Sức cuồng nộ của đất trời, quê cha tan tác khói lửa chiến chinh, đồng hoang nhà trống ."  Từ bấy đến nay thế đời biến đổi  - Thầy trò ta, đành nghẽn lối quay về  -  Con cu đất thôi gầm gù hiên nắng trước - Mái tranh sau gãy nhịp tiếng trống trường -  Nhớ nuơng rau, thương luống cải trổ ngồng - Tết lấy giống, niên học sau gieo tiếp - Tiết lập Xuân, nén hương lòng tống biệt -  Cả mái trường, cả tiếng trống Phan Miên ! ".
Đúng vậy, chẳng phải năm hay bảy năm đếm trên đầu ngón tay, mà thời gian đằng đẵng tròn nửa thế kỷ đã ra đi biền biệt chưa một lần về dưới hàng dâm bụt rào thưa bên mái trường còn bay mùi tường vôi, ngói mới cho niên học đầu tiên năm nào. Tôi giữ mãi trong lòng như đinh đóng cột.  Rằm Trung Thu năm 1959,  sân trường rôm rả tiếng nói cười bạn mới thầy quen.  Ai còn nhớ và ai đã quên buổi đầu đời niên thiếu ?  Đêm lửa trại quây quần, mừng ngày mai khai giảng. Lời thầy Ngộ như còn vang vang trên bục giảng :"  Hôm nay ngày nhập học ". Tôi, lớp Nhứt, về đây trường Gia Cốc. -  Bạn lớp Nhì, lớp Bốn hay lớp Ba -  Ơn thầy Lộc, giữ bóng đa ôm Đình cũ. -  Nửa mái còn, thơm mùi rạ, quê cha - Tên Quảng Đợi, không ai chờ mà gặp -  Trường Ô Gia, chấm chung ngòi mực mới  -  Lớp học đầu xin chép :"  Tiên học lễ, hậu học văn ".
Năm học lớp Nhứt trôi qua êm ả.  Sân trường chưa có phượng vĩ nhưng lắm ve sầu . Giờ chia tay như còn bịn rịn trên sân ga đầy lưu luyến.  Mảnh bằng tiểu học đầu đời học sinh là phần thưởng dâng cho cha cho mẹ, cho thầy.  Bởi vì : " Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy - Nuôi con ăn học chờ ngày kịp khoa ". Những bậc phụ huynh đã một nắng hai sương đẫm đầy mồ hôi và nước mắt trên những giồng khoai bãi bắp để đổi lấy bát cơm manh áo cho con đến trường ăn học kiếm ba chữ bỏ bụng ngõ hầu mở mày, mở mặt với thiên hạ trong làng trong tổng.  Những bậc thầy cô ra công đèn sách, tận tụy với phấn trắng bảng đen sao cho học trò mình hanh thông hiển đạt không phụ lòng chữ nghĩa Thánh hiền. Chính vì vậy mà họ phải được hiểu đồng nghĩa như người thầy thuốc  : " Lương y như hiền  mẫu  ".  Sự thật chẳng sai, chẳng kém chút nào, phải không Thầy, phải không Bạn và Anh Chị Em  ?
Giờ đây, ngôi trường xưa yêu qúi chẳng còn đâu dù mái tranh hay mái ngói, dù Quảng Đợi hay Ô Gia đừng nói chi là Lộc Phước !  Có phải vậy mà thôi thúc trong lòng tôi, lòng bạn và Qúy thầy hằng trăn trở :" Xin cho một lần được nhắc tên nhau - Xin chỉ một lần được gọi tên nhau  -  Bởi ngày qua, nắng cháy cả hai miền " !  Như tên gọi học trò lớp Nhứt thuở xưa nào :  Thằng Bảng, thằng Huế, thằng Quang, thằng Phê, thằng Phú, thằng Chín rồi thằng Chi mặc quần đùi, ngồi đánh đáo, đánh bi . Dưới giàn leo bông giấy chớm trổ những nụ hồng :  Con Hai, con Hướng, con Giãng con Bốn tóc bỏ đuôi gà chưa chấm ngang lưng, tay xoe tròn bộ nẽ, chơi trò quay tơ dệt vải theo điệu  hát hò khoan lúc nhặt lúc vơi  :
"Sáng trăng, trải chiếu hai hàng
Cho anh đọc sách, cho nàng quay tơ
Quay tơ vẫn giữ mối tơ
Dù năm bảy mối, em chờ mối ai...? "  (Ca dao)
Để kết thúc tâm sư nầy, tôi xin chép ra đây bài thơ Nghỉ Hè của tác gỉa Xuân Tâm.  Xin thử sức Qúy bạn, ai còn thuộc bài hơn để trả lời cho thầy Nguyễn Văn Ngộ, Hiệu trưởng cũ :  ( Ước gì tôi về được để diễn ngâm bài thơ nầy cho thỏa lòng mong nhớ :  Thầy và Bạn ).  Bài thơ biểu lộ tâm tư người học trò thuở nhỏ ( như hầu hết chúng ta ) về quê nghỉ hè trong dịp bãi trường.  Lẽ đáng chúng ta đã đọc cho nhau nghe lúc bấy giờ trong ngày chia tay mùa hè 1960.  Nhưng, sự vô tình đã để lại chút vỏ sầu riêng sù sì, gai góc bén nhọn gặm nhấm trong tâm hồn,  cơ hồ, tôi vẫn còn nhớ mãi đến ngày hôm nay.
Quang cảnh mà Thầy và Bạn trong giờ tay bắt mặt mừng sẽ như người học trò ấy sung sướng được đoàn viên, sum vầy với gia đình nên chi : " Ăn chẳng được lòng nôn nao khó ngủ " hay " Một nét mặt, trăm tiếng cười rộn rã " -  "  Lời trên môi chen chúc nối nghìn câu " hoặc "  Rương chật rồi, khó nhốt cả niềm vui  "... Nơi đây, tôi đang hình dung ra hai hình ảnh, một đời học trò. "  Mừng ngày Hội Lớn cuả chúng ta và của cả trường Lộc Phước " !

                 NGHỈ  HÈ
  Sung sướng qúa, giờ cuối cùng đã hết
  Đoàn trai non, hớn hở rủ nhau về
  Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê
  Ôi tất cả mùa Xuân trong mùa Hạ
  Một nét mặt, trăm tiếng cười rộn rã
  Lời trên môi chen chúc nối nghìn câu
  Chờ đêm nay, sáng sớm bước lên tàu
  Ăn chẳng được lòng nôn nao khó ngủ
  Trong khỏanh khắc, sách bài là giấy cũ
  Nhắc làm chi, thầy me đợi em trông
  Trên vườn làng, huyết phựơng nở thành bông
  Và vườn rộng có nhiều trái cây ngon ngọt
  Kiểm sóat kỹ, những khi còn thiếu sót
  Rương chật rồi khó nhốt cả niềm vui
  Tay bắt tay hồn không chút bùi ngùi
  Các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng...
                                         Xuân Tâm
 Atlanta, Hoa Kỳ ngày 17 tháng 2 năm 2010
Từ người học trò cũ
Đỗ Xuân Quang (Tức Đỗ Quang) 
Thư của Đỗ Đình Kháng
Ohio, ngày 27 tháng 6 năm 2000
Kính Thầy,
Vừa rồi được đọc lá thư thầy gởi cho người anh của em - anh Bình - tự nhiên em thầy nhớ ngôi trường xưa thật nhiều.
Em chỉ học ở đó 3 năm thôi và rời trường khi chiến cuộc trở nên khốc liệt và ngôi trường xưa phải đổ nát. Vâng, chỉ 3 năm, nhưng những kỷ niệm của nó đã luôn đậm nét trong tâm tưởng của mình. Qua nhiều biến cố, em đã được ngồi trên ghế trong lớp học của những ngôi trường đồ sộ tại quê nhà hay trong những giảng đường lớn nơi xứ người. Thế nhưng không nơi nào có thể làm phai nhạt đi ngôi trường "Tiểu Học Lộc Phước" nhỏ bé của một vùng quê nghèo nàn năm xưa.
Ba mươi lăm năm rồi Thầy ạ. Các thầy dạy ngày xưa chẳng biết nơi đâu. Thầy Cấn, từ dạo ấy, đã ra người thiên cổ. Bạn bè thời thơ ấu chẳng biết ai lưu lạc phương nào. Riêng Thầy, vị Hiệu trưởng ngày nào, em vẫn còn nhớ con ngựa thầy cỡi ngày xưa. Con ngựa - thầy có biết không - đã là một dấu ấn cho những đứa học trò nhỏ của ngôi trường ngày ây.
Vào năm 74 và 75, em đã gặp thầy hai lần, khi thầy là Thanh Tra Tiểu Học, và em là người giáo làng trẻ, vừa ra trường Sư Phạm, dạy tại Hòa Lương - Hiếu Đức. Thầy và em đã nói chuyện về Ô Gia, về Quảng Đợi thật lâu. Bây giờ em vẫn mong có được ngày ấy, chúng ta sẽ nói chuyện về Trường Tiểu Học Lộc Phước thật nhiều.
Em xa quê đã gần hai mươi năm rồi. Hai mươi năm làm người viễn xứ. Thật có quá nhiều để suy tưởng, để nhớ. Hai mươi năm thật dài cho người ra đi, cho dù đủ đầy, nhưng chân mình không còn trên đất Tổ. Hai mươi năm quá dài cho những người ở lại lao động và ước mơ. Thôi em chẳng nên viết xa hơn..
Em viết thư nầy trong một tâm trạng thật xao xuyến nên không viết được chân phương, kính mong thầy bỏ qua cho.
Kính chúc Thầy luôn khỏe mạnh. Xin được gởi đến Thầy chút quà mọn để gọi là tình nghĩa Thầy Trò.
Kính chào Thầy
Ký tên: Đỗ Đình Kháng


Thư của Lê Đức Dậy gửi từ Sài Gòn cho Lê Hải:
Kính gửi: Quý thầy cô và các bạn cựu học sinh Trường Tiểu học xã Lộc Phước

Hôm này 7/2/2010 nhận được thư của Ban liên lạc lâm thời Cựu học sinh trường Tiểu học Lộc Phước (1959-1964) mừng quá- vội hồi âm cho bạn Lê Hải.
Trước thềm năm mới Canh Dần tôi kính chúc gia đình quí thầy, cô cùng gia đình các bạn - bà con quê hương xã Lộc Phước một năm An khang- Hạnh phúc và Thịnh vượng.
Kính thưa quí thầy cô cùng các bạn quí mến. Mới ngày nào mà bây giờ đã 50 năm rồi. Nhớ thầy cô, nhớ các bạn nhiều lắm. Chiến tranh ác nghiệt quá. Tuy tha hương nhưng nói về quê hương tôi nhớ từng con đường đi, từng lũy tre làng. Đến trương Tiểu học Lộc Phước tôi nhớ từng cây dương liễu, nhớ từng
liếp rau, luống cải sau trường. nhớ đòn roi thầy Ngộ hiệu trưởng- trợn trạo thầy Lộc. Nhớ huậy phá bị ông Miên phu trường la ré (xin phép hương hồn ổng). Ôi kỷ niệm, có chết mới hết quên.
Nhờ vậy mà hôm nay chúng ta nên người vui quá các bạn hỉ?
Tôi được may mắn xem thơ thầy Trần Đình Lộc gởi cho thầy Nguyễn Văn Ngộ cùng bài họa của hai thầy. Nhân dịp đầu xuân bạn Hải hãy cố gắng đọc cho các bạn cựu học sinh chúng ta nghe và học tập.

Tàn thu nhớ bạn
(Thân tặng bạn Nguyễn Văn Ngộ)

Bạn hỡi, tàn thu lại vấn vương
Bốn mươi năm trước một ngôi trường
Đầu xanh thuở ấy chưa thương nhớ
Tóc bạc bây giờ lắm nhớ thương
Nhớ bạn đã già nơi cố quận
Thương ta hết trẻ chốn tha hương
Lá vàng cuốn hút theo chiều gió
Để lại cây gầy với tuyết sương


Oklahoma City Dec.1.2005
Trần Đình Lộc

Bài họa:
Cảm ơn nghĩa hữu
Bao nhiêu kỷ niệm mãi còn vương
Khi sống bên nhau dưới mái trường
Nhớ bát cháo gà đầy trí tuệ
Nhớ tô mì quảng đậm yêu thương
Nhớ hồi giải trí làng Gia Cốc
Nhớ lúc họp trường quận Phú Hương
Thương nhớ, nhớ thương không kể hết
Bạn và ta đã tóc pha sương

Đà Nẵng 10.12.2005
Trúc Đình Nguyễn Văn Ngộ
Dù hoàn cảnh nào chúng ta vẫn tìm hiểu, thương nhớ quí thầy.
Bạn Hải quí mến. Nói về bản thân một tí nghe. Mình tên: Lê Đức Dậy, sinh ngày 5/1/1950 tại làng Thanh Vân, Xã Lộc Phước. Năm 1964 sau khi học hết lớp đệ tứ trường Ngô Đình Khôi, Đại Lộc, mình vào Sài Gòn tiếp tục đi làm và tự học. Mình có vợ và 6 con. Các cháu đều trưởng thành và ngoan hiền. Cháu nội, ngoại tổng cộng 8 cháu.
Các bạn ơi, chiến tranh, xa quê hương, tha phương cầu thực cho phép nào hơn.
Rất tiếc Đại hội học sinh kỳ này tôi về không được, vì công việc sinh kế. Kính mong quí bạn thông cảm cho. Cuối thư kính chúc quí thầy, cô trường thọ, các bạn cùng gia đình, gia quyến vạn sự như ý. Quê hương đổi mới giàu đẹp an lành.

Kính thư
Lê Đức Dậy

P.S:
Bạn Lê Hải nhận hộ mình 300.000 đ (ba trăm ngàn đồng) một phần đóng góp kỷ niệm. Thông cảm cho.

Thơ của chú Đạt Nhân Lê Văn Thuận và thầy Trần Đình Lộc
Thơ của hai nhà thơ "đối đáp" với nhau về Lộc Phước


THẦY TRÒ HẠNH NGỘ

           (kính tặng thi huynh Trần Đình Lộc nhân ngày
            họp mặt Thầy Trò trường Tiểu học Lộc Phước
            niên khóa 1959 - 1964)
                                                                       
                  Thầy về thăm lại mái trường xưa
                  Đồng nghiệp - môn đồ đợi,đón,đưa
                  Thầy đã tám mươi từ tốn kể
                  Trò đà sáu chục khiêm nhường thưa
                  Năm mươi năm trước tình khôn cạn
                  Một buổi hôm nay nghĩa khó vừa
                  Khoa giáo ngày xưa : tiên học lễ
                  Tôn sư trọng đạo há nào lưa

                              San Antonio  Jan 20.2010
                                            ĐẠT NHÂN
           
 Ân tình

Bao năm dâu bể bóng trường xưa
Vạn dặm thời gian có đẩy đưa
Vẫn nhớ dáng thơ lời gọi dạ
Còn thương tuổi ngọc tiếng vâng thưa
Ân tình trò cũ đong không hết
Nghĩa cử thầy xưa biết mấy vừa
Hội ngộ hôm nay rơi giọt lệ
Sông ngăn,biển cách há nào lưa ./.

Oklahoma City, đêm thứ ba 19-01-2010. TĐL.

 

Thư thầy Lộc
Thư của thầy Trần Đình Lộc gửi các thầy và anh chị em:
Vài dòng Thầy trò hạnh ngộ.
  Năm cùng tháng tận lại buồn buồn.   Gần đây, Thầy trò xưa và anh em cựu học sinh Trường Tiểu Học Lộc Phước lại gởi e-mails qua lại về việc họp mặt thầy trò ngay trên TTT/LP ngày xưa , nay là trưòng mầm non Xã Đại Cường .  Nửa thế kỷ dâu bể nhưng tình xưa, nghĩa cũ vẫn còn đây. Thật bồi hồi.

  Các Thầy nay chân đã vấp hoàng hôn. Mấy trò cũng nghiêng nghiêng bóng xế.  Kẻ còn ngậm ngùi nhớ thương người đã mất. Anh em từ khắp nẻo đường quê hương và nước ngoài , hơn nửa thế kỷ gặp lại nhau trong ngày hội ngộ đầu xuân năm Canh Dần tại ngôi trường xưa . Lòng rưng rưng , bút mực nào kể hết tâm tình .

 Bóng xế và hoàng hôn là thời gian lắng đọng tâm hồn ,buồn man mác nhưng êm dịu và đẹp vô cùng . Nhà thơ Xuân Tâm đã viết :

  Ta đổi hai mai lấy một chiều
  Để tìm trong đó ít lời yêu
  Ban ngày sáng quá ban đêm tối
  Tôi sợ không mơ tưởng được nhiều

  Tôi từ trường Tiểu Học Lộc Hòa đổi về Trường Tiểu Học Lộc Phước đầu niên khóa 1958-1959. Trường nằm trong khuôn viên đình làng Quảng Đợi ,có hai phòng đổ nát nửa ngói, nửa tranh . Tường miếng còn, miếng mất và cửa ra vào cũng như cửa sổ đều bỏ trống . Tấm bình phong giữa sân đình loang lổ dấu đạn bom,trơ trơ cùng tuế nguyệt như người dân quê chịu đựng tang thương trong thời chinh chiến . Tôi cũng từng ở trong hoàn cảnh nầy nên thật động lòng .

  Trường chỉ dạy đến lớp ba do thầy Nguyễn Tấn Ích người làng Quảng Đợi, giáo viên hương trường phụ trách và Xã Lộc Phước trả lương tháng . Tôi về, giữ chức vụ xử lý Hiệu Trưởng và mở thêm lớp nhì do Ty Tiểu Học Tỉnh Quảng Nam bổ dụng . Thầy Ích vẫn tiếp tục dạy ba lớp và chia làm hai buổi . Tôi phụ trách lớp nhì và học sinh học cả ngày .

  Những buổi chiều sau giờ học, tôi thường ở lại trường để tự học Anh văn .  L'anglais vivant. Viết hết trang giấy nầy đến trang giấy khác những từ mới học để quen mặt chữ , giống như hồi đi học chữ nho viết ôn vậy . Thời gian nầy phần thi trung học đệ nhất cấp vẫn còn hai sinh ngữ. Sinh ngữ chính có bài luận văn và sinh ngữ phụ chỉ chuyển dịch .

  Đôi khi buồn buồn nhìn ra cánh đồng xa mênh mông gốc rạ sau vụ gặt lúa tháng tám và hướng bùng dâu đang độ cằn cỗi vào đông , tình quê lại vời vợi . Bỗng dưng lại thương nghĩ đến những người vì thời cuộc phải kẻ vào trong Nam, người ra ngoài Bắc . Rời quê hương mà mấy kẻ được vui. Để nhớ, để thương cho người ra đi và người ở lại .

  Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám. Khi vừa biết yêu
  Tôi xa Hà nội năm em mười sáu . Trăng tròn đắm say ( nhạc Phạm Duy)

  Và : Em về xẻ tóc chẻ mây
        Buộc anh đứng lại bên cây sông Hàn ..... (nhà thơ Thu Bồn)

 Đến niên khóa 1959-1960, Thầy Nguyễn-Văn-Ngộ , người làng Quảng Huế, xuất thân khóa 5 Sư Phạm Huế về thay tôi làm Hiệu Trưởng và phụ trách lớp nhất .
  Xã Lộc Phước đã xây được ngôi trường mới , ngói đỏ tường vôi và có đủ năm phòng cho năm lớp . Có mái nhà tranh nho nhỏ cho ông phu trường được Xã trả lương để trông coi trường . Trường tọa lạc trên khu đất rộng rải thuộc làng Ô Gia, có vườn sau, sân trước và cổng ra vào gắn bảng : Trường Tiểu Học Lộc Phước .

  Trong niên khóa nầy :  Thầy Lê-Hoài-Bích phụ trách lớp năm
                                  Thầy Nguyễn-Văn-Yểng  .......  tư
                                  Thầy Phan-Hoài Trung     ........  Ba
                                  Thầy Trần-Đình-Lộc         .........Nhì.
                                  Thầy Nguyễn-Văn-Ngộ     ........ Nhất

 Đến niên khóa 1961 tôi đổi đến trường Tiểu Học Lộc Chánh . Trong ba năm dạy học ở Trường Lộc Phước là niềm vui nhất trong đời tôi . Tình đồng nghiệp, tình nghĩa thầy trò thật đậm đà . Tình quê hương thật thắm thiết . Các em học sinh có em còn phảng phất mùi bùn lầy đồng ruộng . Áo tơi , nón lá vất vả trong mùa đông giá buốt để đến trường nhưng đều chăm chỉ học hành để mong tương lai cho gia đình,cho làng xã và quê hương đất nước .  Ngày hôm nay các em đã thành công .

  Nửa thế kỷ đã trôi qua. Vật đổi sao dời nhưng tình nghĩa thầy trò và bằng hữu không dời đổi . Như em Lê Hải đã viết trong thư mời :

  Các thầy trai trẻ ngày nào nay đã thành ông cố. Những cô, cậu bé năm xưa đã có cháu gọi ông bà . Cuộc họp mặt thầy trò hôm nay và biết đâu cũng là lần cuối. Vậy chúng ta chia tay, góp sức lưu lại một kỷ niệm cho lớp sau . Một ý nghĩ thật khích lệ. Tôi cầu chúc các em thành công tốt đẹp và xin góp bàn tay già nua nhưng còn đầy nhựa sống để thắt chặt sợi giây tình nghĩa bất diệt .

                    Thầy Trần-Đình-Lộc. Gia-Cốc, Đại-Lộc .
                    Định cư tại Oklahoma City, Tiểu Bang Oklahoma-Hoa Kỳ .
                    Đầu Xuân Canh Dần - Tháng 2-2010 .

Không có nhận xét nào: