Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010

Một ngày qua 5 dòng sông

Một tour du lịch mới mở sau chuyến đi qua 5 dòng sông, xuất phát từ sông Hàn vào Cẩm Lệ, qua sông Vĩnh Điện, xuôi theo Thu Bồn rồi về đến sông Hoài…


MỚI sớm mai, nắng vàng trải trên bến sông. Đó là khoảng không gian mà người mẹ Thu Bồn chia đôi dòng chảy để cùng trôi về Cửa Đại qua khúc sông Hoài. Nguyễn Đình Tiến, một người làng Thanh Nam sinh ra ngay trên thuyền chài, làm tài công đưa chúng tôi từ Cẩm Châu qua cầu Cẩm Nam ngắm phố.
alt
Nhịp cầu trên sông.
Không hiểu hàng dừa trên bến Bạch Đằng đã rụng bao nhiêu tàu lá mà dáng dong dỏng cao nhìn phố xá ngả đầu vào nhau trong nắng sớm. Xa xa hướng hòn Đền lấp ló sau ngọn buồm treo dọc. Dường như những ngọn gió chính là hơi thở của dòng sông, góp phần đưa những chàng trai cô gái ven sông lại qua nơi bến bờ nhân ngãi. Nguyễn Đình Tiến kể: “Năm xưa, gia đình tôi ngược nguồn buôn cá mắm, cứ nương gió mà chèo với 5 mặt con. Chừ mà chèo chi nổi, sông chừ rộng và chảy xiết hơn”.
Qua khỏi làng Thanh Hà, bóng hòn Đền đã rõ như núi. Vừa tới cầu Câu Lâu có tiếng gọi “Mua cá không mấy ông ơi!”. Đó là một mớ cá úc tươi trắng vừa được hai vợ chồng ông Hai bủa câu. Nguyễn Đình Tiến biết rất rõ đôi vợ chồng già này ở An Hội, Minh An. Họ theo nghề từ khi cha mẹ đẻ ra trên sông đến nay. Vừa bán mớ cá, họ vừa chỉ cho chúng tôi chỗ vào “dòm” để qua sông Câu Nhí.
Khi nồi cá úc luộc bia bằng bếp ga vừa tỏa lên ít khói, lão tài công cất giọng hò khoan khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên với câu ca dao vào thế kỷ XIX: "Từ ngày Tây lại cửa Hàn/Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bông Miêu". Thì ra, sông này có khá nhiều tên: Câu Nhí, Nhị Hà, Vĩnh Điện. Mới vào “dòm”, chiếc cầu tre bắc ngang cho thấy sự hiện diện của những ngôi làng trù mật quanh thành La Qua ghi dấu một thời cha ông mang gươm đi mở cõi.
alt
Bến sông Hoài.
Lê Hồ Phước Vĩnh, Giám đốc Lê Nguyễn Travel, băn khoăn: “Theo sông mà không dừng ở làng nào khì khó thành tour đấy. Có chuyện kể về làng với sông không?”. Trong “Đại Nam nhất thống chí” quyển 7 có chép: “Sông ấy khuất khúc, lâu ngày bị bồi đắp, năm Minh Mạng thứ 3 (1822)... nhân sông cũ mà đào từ xã Câu Nhí đến xã Cẩm Sa...”. Đặc biệt, sông này cũng như cảng Đà Nẵng đã được khắc hình tượng vào Cửu Đỉnh ở kinh thành Huế.
Ca dao địa phương có câu: “Dù xa chỗ ngõ cũng xa/Dù gần Vĩnh Điện - La Qua cũng gần”. Tất cả chỉ thực gần khi đặt chân lên những bến sông lát đá rợp mát hàng tre của sông Vĩnh Điện - thành La Qua một thuở. Theo Bảo tàng Điện Bàn thì La Qua hay La Thành có “chu vi 489 trượng, cao 1 trượng 2 thước linh, mở bốn cửa, hào rộng 4 trượng 5 thước, sâu 7 thước linh... Năm Minh Mạng thứ 14 dời trụ sở đến xã La Qua, thuộc huyện Diên Phúc, thành đắp bằng đất...”.
alt
Vợ chồng ông Hai bủa câu.
Trên con sông dài qua cái tỉnh thành “ở ngang một bề” như sách xưa đã chép, làng mạc khít bám lấy nhau sau những rặng tre. Lê Hồ Phước Vĩnh hồ hởi với những chuyện trên bờ được kể dưới nước. Anh đề xuất chương trình cụ thể: “Sẽ chọn một làng ven sông trong 1 giờ để kể cho du khách câu chuyện thành quách xa xưa cùng làng quê Điện Bàn. Chương trình tour làm ngược lại từ sông Hàn vào Cẩm Lệ, qua sông Vĩnh Điện, xuôi Thu Bồn để khi tới sông Hoài sau 4 giờ, du khách sẽ có mặt tại Cửa Đại khi chiều về ”.
QUỐC HẢI

Không có nhận xét nào: