Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010

Điều gì tạo ra một quốc gia tham nhũng?

Tham nhũng là một thực tế của sự phát triển kinh tế. Nó không chỉ là bệnh của các quốc gia nghèo nhất và thực dụng nhất, mà cả ở những nước tăng trưởng nhanh nhất như BRIC



Quốc hội Mỹ được sự đồng ý của lưỡng đảng đã quyết định hoãn thi hành luật cải cách tài chính, và đề nghị các công ty dầu khí và khai mỏ công khai mọi khoản thanh toán cho các chính phủ nước ngoài. Nhưng các nỗ lực như vậy có giúp chặn cơn thủy triều tham nhũng hay không?
Phân tích của tôi cho thấy trước khi chúng ta có thể bài trừ được tệ tham nhũng một cách có hệ thống này, chúng ta phải đối diện với thực tế là nó không diễn ra một cách đơn lẻ - đây là triệu chứng của các căn bệnh xã hội và kinh tế đã bắt rễ sâu.
Chú thích: Chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2010
(theo số liệu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế)
Bản đồ trên đây cho thấy Chỉ số Nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2010 các quốc gia trên thế giới thông qua các hoạt động hối lộ, đút lót, lại quả, tham ô và các hình thức tham nhũng khác của các chính phủ. Nước tham nhũng ít nhất thế giới là Đan Mạch, theo sau lần lượt là New Zealand, Singapore, Phần Lan, Thụy Điển và Canada. Mỹ đứng thứ 22. Các quốc gia thuộc nhóm BRIC - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc - đứng thứ ba từ dưới lên, dù đây là những nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Các nước như Angola, Somalia, Afghanistan và Iraq nằm ở tốp dưới cùng.
Tôi và đồng nghiệp Charlotta Mellander đã so sánh mối tương quan giữa thứ hạng của một quốc gia về chỉ số tham nhũng với vị trí của nước đó trong một loạt các thước đo tiêu chuẩn khác như sự phát triển kinh tế (sản lượng trên đầu người), mức độ chuyển đổi sang nền kinh tế dựa trên tri thức (nguồn nhân lực và tỷ lệ tầng lớp sáng tạo trong lực lượng lao động), độ khoan dung của xã hội (theo xếp hạng của cuộc thăm dò do Viện Gallup về thái độ đối với người đồng tính và các dân tộc và sắc tộc thiểu số), và mức độ hài lòng về cuộc sống hay cảm giác hạnh phúc (hầu hết dựa theo các số liệu thăm dò của viện Gallup). Phân tích của chúng tôi chỉ có thể nhận dạng mối tương quan giữa các biến số khác nhau, chứ không hàm ý quan hệ nhân quả nào.
Chú ý là CPI sắp xếp các nước theo một trật tự đảo ngược, quốc gia càng ở thứ hạng cao hơn là quốc gia càng tham nhũng nhiều.
Tham nhũng và mức độ phát triển kinh tế: Tham nhũng được gắn liền với mức độ phát triển chung của nền kinh tế: Quốc gia càng giàu có thì càng ít tham nhũng. Trong bảng trên, các nước giàu có hơn và tiên tiến hơn tập trung ở phía trên, trong khi các nước nghèo hơn và kém phát triển hơn thì tập trung ở phía dưới.
Tham nhũng và tầng lớp sáng tạo: Các nền kinh tế dựa trên tri thức tham nhũng ít hơn. CPI có liên quan nhiều đến nguồn nhân lực và đặc biệt là tỷ lệ tầng lớp sáng tạo trong lực lượng lao động.
Tham nhũng và độ khoan dung của xã hội: Các quốc gia tham nhũng cũng có xu hướng là những nơi ít khoan dung với người xung quanh. CPI có liên quan đến thái độ đối với các dân tộc thiểu số hoặc các nhóm sắc tộc thiểu số, và đặc biệt là đối với người đồng tính nam và đồng tính nữ.
Tham nhũng và hạnh phúc: Các quốc gia tham nhũng có xu hướng cảm thấy ít hạnh phúc và ít hài lòng với cuộc sống hơn. CPI có liên quan mạnh với mức độ hài lòng với cuộc sống nói chung.
Lên án tham nhũng dễ hơn nhiều khắc phục tệ nạn này. Phân tích của tôi cho thấy việc trừng phát các công ty đút lót mới chỉ là điều trị một triệu chứng mà không chẩn đoán đúng, khiến cho căn bệnh tham nhũng trở nên trầm trọng và khó chữa hơn.
Tham nhũng là một thực tế của sự phát triển kinh tế. Nó không chỉ là bệnh của các quốc gia nghèo nhất và thực dụng nhất, mà cả ở những nước tăng trưởng nhanh nhất như BRIC. Các quốc gia tham nhũng thường có những cấu trúc kinh tế truyền thống hơn, dựa trên sản xuất hoặc khai thác tài nguyên thiên nhiên; chưa chuyển sang các nền kinh tế dựa trên tri thức. Các nước tham nhũng cũng có vẻ ít khoan dung hơn, công dân các nước này không chỉ chịu đựng mức sống thấp hơn mà còn ít hạnh phúc hơn và không hài lòng về cuộc sống.
Nếu chúng ta thực sự muốn đấu tranh chống tham nhũng, cần phải giải quyết các thách thức lớn hơn và khó khăn hơn nhiều là phát triển kinh tế. Khi các nước kém phát triển bắt đầu tạo đòn bẩy cho tri thức, năng lực và nguồn nhân lực của mình để nâng cao sản lượng kinh tế, mới có thể thực sự chiến thắng trong cuộc chiến này.
Quốc Thái theo theatlantic.com

1 nhận xét:

Tú Quì nói...

Việt Nam không có tham nhũng thì không phải là nước mình nữa rồi. Nhà cầm quyền cứ hô hào chống tham nhũng nhưng xem ra bất lực. Chắc phải nhờ chuyên gia quốc tế giúp, cho dân chúng đỡ khổ.