Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010

Thư gửi học trò cũ

Ánh Hồng thân mến,
Nhận thư và thiệp chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam của em, thầy cảm thấy ấm lòng khi biết rằng dù đã 28 năm trôi qua kể từ ngày tốt nghiệp trở thành cô giáo em vẫn dành cho người thầy năm xưa những tình cảm trân trọng đầy thương kính.  

Nhưng thầy cũng thấy trong thư em, những nỗi buồn rất riêng và cũng rất chung. Buồn là vì hình ảnh tươi đẹp của ngày mới vào đời không như ý. Dù đã rời xa bục giảng 22 năm, thầy vẫn dõi theo tình hình giáo dục của đất nước vì mối quan tâm ấy đã nằm trong máu thịt, trong từng suy nghĩ của một nhà giáo mà buổi vào đời  đã chọn  nghề sư phạm như em.
Nhớ có lần thầy đã đọc một bài thơ trong lớp:
“… Viên phấn nào vẽ con đường tôi đi
Trước cửa tương lai , chọn nghề thầy giáo
Không vì hư danh, không vì cơm áo,
Chỉ để làm người cho đi, cho đi…”.
Nhưng em ạ, trong thư, ngoài những trăn trở em còn yêu nghề lắm. Vẫn còn đó những trăn trở của người trí thức trong em! Thầy hiểu, dù thế nào đi nữa, 28 năm qua với em cũng là một đoạn đời dài đầy kỷ niệm buồn vui và em vẫn còn gắn bó với nghề. Em đã là cánh chim đầu đàn trong tổ bộ môn của mình, đã là cô giáo được đồng nghiệp và học sinh cũng như phụ huynh quý trọng. Điều gì làm nên sự khác biệt ấy? Ken Bain trong một cuốn sách của mình (What the Best College Teachers Do) đã tìm hiểu về một số sinh viên và những nhà giáo ưu tú, những người mà phong cách giảng dạy cũng như bài giảng của họ đã ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời sinh viên. Tác giả nhận thấy rằng những nhà giáo ưu tú (không cần ai phong tặng) này có ba điểm chung. 
Thứ nhất, họ luôn tìm phương pháp thúc đẩy việc học của sinh viên, luôn tìm phương pháp mới mẻ để tạo hứng thú cho sinh viên. Em hãy nhớ nếu không đem lại niềm vui trong giờ giảng, không giúp học sinh đưa bài giảng áp dụng vào thực tế thì thầy cô giáo còn “thua” computer có bộ nhớ bé nhất. Thứ hai, họ không bao giờ đổ lỗi cho sinh viên những khó khăn hay trở ngại mà họ gặp phải. Nếu sinh viên thi rớt hay làm bài không đạt, họ đều cảm thấy trách nhiệm thuộc về mình. Thứ ba, họ luôn duy trì sự trao đổi với đồng nghiệp về việc giáo dục thế nào là hiệu quả nhất  và không bao giờ tự mãn hay hài lòng với những gì đã đạt được.
Em có còn tra cứu những phương pháp giảng dạy ngoại ngữ hữu hiệu nhất trên mạng, trong sách không?  Em có còn dằn vặt về việc học sinh học 7 năm vẫn không nói được ngoại ngữ không? Hãy nhận trách nhiệm về mình, em ạ! Như ngày xưa khi thầy đứng trên bục giảng trong lớp của em, có đêm thầy trằn trọc mất ngủ vì đã giải thích  sai một từ trong lớp, để rồi sáng hôm sau điều đầu tiên phải làm là đính chính ngay. Làm điều đó, thầy muốn duy trì sự tôn trọng nơi học sinh, và cũng xuất phát từ sự liêm chính trong tri thức. Nhưng trên hết vẫn là trách nhiệm, là lương tâm chức nghiệp dành cho học sinh của mình. Thầy vẫn còn nhớ lời của một giáo sư ngày xưa: Một ông bác sĩ tồi giết chết một bệnh nhân; một ông kỹ sư dốt làm hỏng một cái máy; nhưng một thầy giáo kém phẩm chất tàn hoại  một thế hệ.
Thầy nghĩ, ngày nào còn yêu thương học sinh, em hãy hiểu rằng niềm tin còn đó. Nói như một tác giả  thì “…nếu ta có thể đặt niềm tin vào mọi đối tượng bằng trái tim rộng mở thương yêu mà không cần đòi hỏi phải được hưởng thụ thì ta sẽ không lo sợ niềm tin bị sụp đổ… Càng tin tưởng vào con người và cuộc đời thì ta càng có mặt trong con người và cuộc đời bằng những hóa thân của mình” (Minh Niệm - Hiểu về trái tim). Theo tuệ giác của Đức Phật thì đó chính là “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (kinh Kim Cang). 
Thầy vẫn tin lớp trẻ hôm nay không xấu, không suy đồi, bạo lực. Hãy thắp lại ngọn đèn của trí tuệ và từ ái, vì không một dân tộc nào có thể vững mạnh phát triển mà thiếu đi  những phẩm chất ấy - những phẩm chất mà em và những thầy cô hôm nay đang sở hữu.
Hãy vui cùng học sinh trong Ngày Nhà giáo Việt Nam, có người gọi  đó là Lễ Tạ ơn thầy cô. Và giữ niềm tin yêu vào công việc (nếu không muốn gọi là sự nghiệp), vào sứ mệnh của một người “lái đò tri thức”…
NGUYỄN CẨN

Không có nhận xét nào: