Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

Câu chuyện về những đứa con của người Cha Giàu - Ngô Quang Hùng

 
“Cho đi điên cuồng” là một trong những triết lý đã giúp anh Ngô Quang Hùng - nhân vật trong bài viết “Trở thành doanh nhân vì không bằng một con bò” - thành công như ngày hôm nay. Cũng với triết lý ấy, anh không chỉ cung cấp giải pháp tài chính cho cá nhân và doanh nghiệp thông qua dịch vụ Tài chính 115 mà còn “cho đi” không ngại ngần tất cả kiến thức, kinh nghiệm, bài học mà mình đã đúc kết được trong suốt hơn 20 năm lăn lộn trên thương trường. Điều đó lý giải tại sao rất nhiều người thuộc đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề lại trân trọng tôn vinh anh là người Thầy, người Cha giàu, người Bạn lớn dẫn đường cho họ đến gần với thành công.
Phần 1: Bài viết về anh Ngô Quang Hùng

Trở thành doanh nhân vì "không bằng" một con bò


Trong khuôn khổ phần 2 của bài viết, Ban biên tập Học làm giàu trân trọng giới thiệu tới bạn đọc câu chuyện về một số người học trò của anh Hùng cùng những bài học sâu sắc mà họ đã được học từ người Thầy, người Cha giàu của họ.

Làm theo lời khuyên của Cha giàu và kiếm được hơn 100 triệu đồng trong tháng đầu tiên
“Chúng ta cần phải vượt qua nỗi sợ  nếu cảm thấy mình thật sự chắc chắn và tin tưởng vào nó nếu không thì chẳng bao giờ thành công vì thành công chỉ học qua những thất bại mà thôi”.

“Tất cả những thành công em có ngày hôm nay và cả sau này nữa đều là do anh đã truyền nhiệt huyết cho em, tạo động lực mỗi khi em cảm thấy buồn, luôn quan tâm, chăm sóc cho em, lo lắng mỗi khi em gặp khó khăn”.

(Trích thư của Nguyễn Thị Huế gửi người Thầy, người Cha giàu Ngô Quang Hùng)

Bắt đầu bước chân vào lĩnh vực bất động sản - cuộc chơi vốn chẳng hề dễ dàng ngay cả đối với những người trường vốn và “có sỏi trong đầu”, Nguyễn Thị Huế - cô sinh viên trẻ măng vừa mới tốt nghiệp trường ĐH Ngoại thương chẳng hề có một chút kinh nghiệm hay một mối quan hệ thân quen nào. "Số vốn" lớn nhất của Huế lúc ấy là những lời động viên, khuyến khích và những chỉ dẫn tận tình của người Thầy - anh Ngô Quang Hùng. Một chiến lược giúp Huế tiếp cận môi trường kinh doanh bất động sản đã được anh Hùng tư vấn một cách chi tiết và nhiệm vụ của Huế là nỗ lực hết mình để thực hiện bất chấp nỗi sợ hãi.

"Số vốn" lớn nhất của Huế khi tham gia vào lĩnh vực bất động sản là những lời động viên,
khuyến khích và những chỉ dẫn tận tình của người Thầy - anh Ngô Quang Hùng.

Bước đầu tiên, Huế đăng ký tham gia một khóa học  Môi giới - Định giá và Quản lý sàn không chỉ nhằm lấy chứng chỉ mà còn để tạo cầu nối xây dựng các mối quan hệ. Tính chuyên nghiệp, đó là yêu cầu đầu tiên mà anh Hùng yêu cầu Huế phải thực hiện bằng được khi tham gia vào lớp học này. Chuyên nghiệp từ trang phục, tác phong, cách nói chuyện cho đến cả chi tiết nhỏ nhất là tấm cardvisit. Cộng thêm sự năng nổ, nhiệt tình, Huế được các giảng viên và mọi thành viên trong lớp rất quý mến và bày cho nhiều kinh nghiệm khi kinh doanh bất động sản. 

Bước thứ hai là lựa chọn và học theo người giỏi nhất. Để làm được điều này, Huế đã dành rất nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu, nghiên cứu về các sàn giao dịch, các văn phòng bất động sản có tiếng nhất tại Hà Nội để chọn ra một sàn có thương hiệu tốt nhất, có sản phẩm tốt nhất và có người lãnh đạo giỏi nhất. Thông qua sự giới thiệu của giáo viên lớp bất động sản, Huế xin được số điện thoại của anh Tổng Giám đốc sàn đó nhưng gần 2 tuần trôi qua Huế vẫn chưa dám gọi vì sợ bị từ chối.

Huế kể, mãi đến một hôm vô tình đi ngang qua sàn bất động sản đó, gặp một bạn trạc tuổi mình đang tới nộp hồ sơ xin việc, Huế mới bừng tỉnh: “Tại sao bạn đó làm được mà mình không làm được. Nếu mình tiếp tục chần chừ thì cơ hội sẽ đến với bạn đó chứ không phải là mình”. Vậy là Huế quyết tâm nhấc điện thoại lên để gọi cho anh Tổng Giám đốc, bày tỏ mong muốn được học hỏi kinh nghiệm từ anh. Đổi lại cho cái sự “liều mạng” ấy, Huế đã được anh Tổng Giám đốc hẹn gặp tại một buổi hội thảo tổ chức ngay sau khi kết thúc khóa đào tạo về bất động sản mà Huế tham gia.  

Tại buổi hội thảo, niềm đam mê kinh doanh bất động sản cộng với cách thể hiện chuyên nghiệp đã giúp Huế ghi điểm. Khi anh hỏi Huế có nghĩ mình thực sự phù hợp với ngành bất động sản không, Huế đã tự tin trả lời: “Một người muốn thành công phụ thuộc 70% vào ý chí, 26% vào kỹ năng và 4% là kiến thức. Cái em thiếu chỉ có 30% thôi”. Câu trả lời của Huế đã khiến vị Tổng Giám đốc vốn nổi tiếng khó tính khi tuyển người thực sự ấn tượng và Huế là nhân viên đầu tiên bước chân vào sàn giao dịch của anh mà chưa hề có một chút ít kinh nghiệm nào.

Tháng 3/2010, Huế chính thức vào làm việc tại sàn bất động sản và ngay trong tháng đầu tiên, nhờ chăm chỉ làm việc và thực hiện nghiêm túc mọi lời khuyên, mọi bài học mà anh Hùng chỉ dạy, Huế đã đạt được mức thu nhập hơn 100 triệu đồng - khoản tiền mà chỉ 2 tháng trước đó, có nằm mơ Huế cũng không dám nghĩ tới. 
“Hiện nay em đang ở trong một căn chung cư đầy đủ tiện nghi, có lương hơn 100 triệu/tháng đầu tiên, đầu tư được 1 căn chung cư. Trước đó chỉ có hai tháng, em vẫn đang sống trong tình cảnh rất khó khăn, ở trọ trong căn nhà hay bị bà chủ mắng.  Hàng ngày ở nhà nấu cơm, các món ăn thì cực kỳ đơn giản, có hôm chỉ ăn với mỗi xì dầu. Đi ăn ngoài và ăn phở là món ăn xa xỉ đối với chúng em. Có thời gian ngày nào cũng ăn mì để tiết kiệm chi phí. Khi đi mua xăng cũng phải rụt rè mua ít thôi vì sợ mai muốn mua gì đó lại không có tiền để mua…”.  

(Trích thư của Huế gửi người Cha giàu Ngô Quang Hùng)

Bước thứ ba mà anh Hùng chỉ dẫn cho Huế là biến mỗi khách hàng thành một người bạn thân thiết của mình bằng sự-quan-tâm-chân-thành. Những hành động tuy nhỏ nhưng nếu được làm bằng tất cả tấm lòng thì sẽ đi thẳng từ trái tim đến trái tim. Ví dụ như, khi tiễn khách hàng, Huế thường tiễn họ ra đến tận cửa, cúi đầu chào họ theo kiểu người Nhật để tỏ thái độ tôn trọng và dặn dò như một người thân: “Anh/Chị về cẩn thận!”. Hay sau mỗi giao dịch thành công, Huế thường nhắn tin cảm ơn khách hàng - điều mà ít người bán hàng nghĩ tới. Huế cũng hay gọi điện chia sẻ niềm vui với khách hàng khi bán được một sản phẩm căn hộ nào đó, hay khi dự án có thông tin tốt từ thị trường - vừa giúp họ thấy rằng họ đã đầu tư đúng hướng vừa làm cho họ nhớ tới mình hơn. Nếu khách hàng giới thiệu khách hàng mới, Huế sẽ dành tặng họ những món quà để cảm tạ, không nhất thiết phải là tiền mà có thể là một bữa ăn dành cho hai người, một đôi vé đi xem hòa nhạc,…

Nhờ cách chăm sóc khách hàng đặc biệt này mà khi giao dịch Huế rất được khách hàng tin tưởng, yêu quý và đã có rất nhiều người giới thiệu khách hàng mới cho Huế. Huế bảo rằng hạnh phúc lớn nhất là được khách hàng yêu quý và tin tưởng, giới thiệu người thân, bạn bè của họ mua sản phẩm của mình. Đó là niềm hạnh phúc lớn hơn cả niềm hạnh phúc khi có tiền.  

Chỉ sau chưa đầy 1 năm chính thức bước chân vào lĩnh vực bất động sản, Huế đã trưởng thành lên rất nhiều khi tự mình rút ra được thêm nhiều bài học để trở thành một người bán hàng tuyệt vời:
  • Tìm cho mình một “ngách riêng” trong thị trường bất động sản, chuyên một loại sản phẩm nào đó hoặc chuyên một dự án nào đó. Kiểm định thông tin thật kỹ lưỡng: thông tin về dự án, chủ đầu tư, tiến độ, thông tin thị trường, thông tin khách hàng,…
  • Trong bán hàng, để trở thành người bán hàng thành công thì mình chỉ cần bán hàng cho một người thật tốt rồi từ người đó sẽ lan tỏa ra nhiều người khác.
  • Khâu quan trọng là mình chăm sóc khách hàng như thế nào để họ sẽ nhớ đến mình chứ không quan trọng là họ mua nhiều hay mua ít.
  • Không phải là khách hàng sẽ mua sản phẩm của mình mà quan trọng là khách hàng mua sản phẩm của mình về sau.
Hiện nay, Huế đã tách ra làm riêng và chuyển sang đầu tư để chuẩn bị thành lập công ty (dự kiến vào năm 2011). Huế chia sẻ với tôi: em đặt mục tiêu kiếm được 1 triệu $ đầu tiên vào năm 27 tuổi nhưng còn một mục tiêu xa hơn mà em sẽ cố gắng hết sức để thực hiện, đó là trở thành “người phụ nữ giàu nhất Việt Nam” như lời chúc mà người Cha giàu đã viết khi tặng em cuốn sách Tư duy thịnh vượng.
“Em luôn tự hào khi mình được phong tặng câu nói đó, mỗi lần em đi đến đâu, nói chuyện với ai em rất tự tin khi nói rằng: “Thầy em tặng em câu đó và em quyết tâm để đạt được điều đó”.   (Trích thư của Huế)
 
 “Thành công lớn nhất là vượt qua chính mình”
“Khán giả hài lòng, ban giám khảo hài lòng, nỗi lo lắng của em cũng vơi đi được phần nào. Mặc dù biết đội còn nhiều thiếu sót, chưa thực sự xuất sắc nhưng cái mà em vui nhất đó chính là bọn em đã thật sự gây được ấn tượng mạnh đến ban giảm khảo. Họ nhớ từng thành viên trong đội em. Đó là phần thưởng lớn nhất mà không đội nào có được”.

Linh cùng các bạn đang thuyết trình tại cuộc thi SIFE Vietnam 2010

Đó là một đoạn ngắn trong lá thư mà bạn Phương Linh - Sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Thăng Long, Hà Nội gửi cho anh Hùng sau khi trở về từ cuộc thi SIFE Vietnam 2010. SIFE (Students In Free Enterprise) là một tổ chức phi chính phủ với sự tham gia của lãnh đạo các doanh nghiệp và hơn 1.400 trường đại học trên 40 quốc gia nhằm hỗ trợ sinh viên đại học hoạch định và thực hiện các dự án kinh tế có lợi cho cộng đồng. Tại cuộc thi, các đội tuyển SIFE thi tài bằng việc trình bày hoạt động các dự án vì cộng đồng bằng tiếng Anh và ban giám khảo sẽ đánh giá thông qua các tiêu chí: kinh tế thị trường, kĩ năng thành công, nhận thức tài chính, tinh thần doanh nhân, tính bền vững của môi trường và đạo đức kinh doanh.

Bạn Phương Linh kể lại, mấy ngày trước khi bước vào cuộc thi, bạn luôn ở trong trạng thái hoang mang, lo lắng vì bao nhiêu cố gắng, bao nhiêu nỗ lực của cả đội trong một năm sẽ chỉ được trình bày qua một bài thuyết trình vỏn vẹn trong 24 phút. Làm thế nào để gây được ấn tượng mạnh cho ban giám khảo - câu hỏi đó đã khiến Linh mất ăn mất ngủ, đầu óc lúc nào cũng rối tung trong mớ bòng bong với những con số, những chữ cái trong bản thuyết trình.

Đúng trong hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng” ấy, thì tình cờ, Linh được một người bạn giới thiệu gặp anh Hùng để nhờ anh tư vấn. Lúc mới gặp anh, Linh vẫn giữ cảm giác ngượng ngùng và sợ sệt - nỗi sợ khi phải đối diện với một người có tầm tư duy khác biệt hoàn toàn với mình, sợ mình sẽ nói sai điều gì đó. Nhưng chính sự cởi mở, thân thiện của  anh Hùng đã giúp Linh vượt qua sự ngại ngùng ban đầu đó để tự do chia sẻ tất cả những khó khăn của mình và nhận lại từ anh những lời khuyên hữu ích.

Biết được dự án của nhóm Linh là giúp đỡ những phụ nữ bị bạo hành, anh Hùng đã tư vấn cho Linh mở đầu bài thuyết trình của mình bằng 3 câu hỏi tác động mạnh vào tâm lý của ban giám khảo cũng như khán giả, khơi gợi sự đồng cảm và mong muốn giúp đỡ trong mỗi người. Linh bảo cứ lên giường là bạn lại lẩm nhẩm đọc lại và thử diễn 3 câu hỏi đó. Đến tận trước giờ thi, Linh vẫn bắt các bạn trong nhóm tập đi tập lại chỉ một động tác giơ tay lên, bỏ tay xuống, mặc cho các đội khác cười thầm, nghĩ rằng nhóm Linh thật ngớ ngẩn khi cứ làm đi làm lại mãi một động tác như vậy.
Bài thuyết trình của nhóm Linh đã tạo được ấn tượng mạnh cho BGK và khán giả
nhờ cách mở màn với 3 câu hỏi xúc động

Và khi lên sân khấu, 3 câu hỏi - 3 câu “thần chú” ấy đã phát huy sức mạnh kỳ diệu của mình. Câu hỏi thứ nhất - các thành viên trong ban giám khảo tỏ ra vô cùng ngạc nhiên, câu hỏi thứ hai - họ tỏ ra vô cùng hồ hởi và tò mò về bài thuyết trình và đến câu hỏi thứ ba thì mọi người đều cười rất tươi và giơ ngón tay cái lên, gật đầu tán thưởng. Cả khán phòng lúc đó dường như mất đi cái không khí căng thẳng lúc trước mà thay vào đó là không khí thực sự náo nhiệt và sôi động hơn rất nhiều.

Bài thuyết trình diễn ra suôn sẻ. Mặc dù đội của Linh không đạt được chức vô địch SIFE Vietnam 2010 nhưng lại là đội gây ấn tượng mạnh nhất và vinh dự ẵm giải thưởng Spirit Award. Linh bảo bài học lớn nhất mà anh Hùng đã dạy cho bạn là bài học vượt qua chính mình, phải luôn tin rằng mình sẽ làm được, phải tạo cho mình cảm giác chiến thắng từ bên trong để có sức mạnh vượt qua mọi nỗi sợ hãi đang chế ngự mình. Khi đó, cảm xúc và năng lượng sẽ được giải phóng để mình theo đuổi đến cùng những mục tiêu đã tạo ra. Theo lời Linh, những kiến thức mà mình nhận được từ anh Hùng vô cùng quý báu mà ngay cả ở trường đại học cũng như tại gia đình mình không dễ dàng có được.
Tại cuộc thi này, nhóm của Linh đã đạt được giải thưởng Spirit Award

Hiện nay, Linh đang tiếp tục giữ cương vị là Chủ tịch của Dự án giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành. Không dừng lại ở một bài thuyết trình, dự án của Linh đã triển khai nhiều hoạt động thực tế để giúp đỡ họ. Ví dụ như bán đấu giá đồ handmade do các chị em làm; bước đầu liên hệ với một cơ sở sản xuất mây tre đan ở Thường Tín để đào tạo tay nghề cho các chị em có nhu cầu, đồng thời bao tiêu toàn bộ số sản phẩm do chị em sản xuất ra và tiến tới sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra nhiều nhóm hơn.

Bán đấu giá các sản phẩm handmade để hỗ trợ cho nhóm phụ nữ bị bạo hành

Ngoài việc tham gia vào Dự án giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành, Linh còn đang thử sức với vai trò là nhân viên kinh doanh tại công ty Skyquestcom chuyên về đào tạo online. Linh kể anh Hùng cũng chính là người đã đánh thức niềm đam mê kinh doanh trong Linh. Trước kia, Linh suy nghĩ rất đơn giản: đi học, ra trường và theo sự xếp đặt của cha mẹ vào làm một cơ quan nhà nước nào đó, bằng lòng với cuộc sống công chức an phận thủ thường. Chỉ đến khi được nghe những lời khuyên của anh Hùng, được anh tận tình chỉ bảo những kỹ năng về kinh doanh, bán hàng, Linh mới bắt đầu thay đổi tư duy, tự đặt ra cho mình mục tiêu trở thành người giàu có. Việc tham gia làm việc tại Skyquestcom ngoài việc kiếm thêm thu nhập cũng là cách để Linh dấn thân vào thương trường, tôi luyện những kỹ năng cần thiết của một người làm kinh doanh.

“Quan sát và lắng nghe nhu cầu khách hàng” - bài học vỡ lòng về cách bán hàng hiệu quả mà anh Hùng chỉ dạy đã được Linh áp dụng triệt để vào công việc kinh doanh của mình tại Skyquestcom. Không bao giờ Linh hỏi trực tiếp khách hàng muốn mua sản phẩm gì, muốn tham gia khóa đào tạo nào mà thông qua những câu chuyện với khách hàng, Linh tự tìm ra nhu cầu thật sự của họ để tư vấn cho họ sản phẩm phù hợp nhất.

Linh tâm sự, sau khi tích lũy đủ kiến thức, Linh sẽ mở cho mình một doanh nghiệp riêng. Mục tiêu của Linh là đạt được 1 triệu $ đầu tiên vào năm 35 tuổi. Linh đã viết trong bức thư gửi người Thầy, người Cha giàu của mình: “Em nghĩ em đã chọn đúng con đường của mình. Anh hãy chờ và xem nhé!”. Đó giống như một lời hứa mà tôi tin rằng Linh sẽ thực hiện được.

Qua câu chuyện về quá trình lập nghiệp của anh Ngô Quang Hùng hay câu chuyện của những bạn trẻ như Huế và Linh, có thể thấy rằng rõ ràng có những bí quyết chung để trở nên thành công và giàu có. Bạn cũng có thể làm được điều đó nếu học theo cách nghĩ, cách làm của những người thành công, tất nhiên là không thể vận dụng một cách máy móc, khiên cưỡng mà phải tự bản thân chiêm nghiệm, điều chỉnh và sáng tạo cho phù hợp với hoàn cảnh của chính mình. Bởi lẽ, Học mới chỉ là 1 phần, phải dám Hành động, dám Làm thì mới có thể thực sự trở nên Giàu có.

Không có nhận xét nào: