Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Tìm cơ hội từ chuỗi giá trị “made in China”

Năm nay, ước tính 99% nhập siêu là từ Trung Quốc. Tiếp tục tăng tốc xuất khẩu, đồng thời hạn chế nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chính là tâm điểm để có thể kiềm chế được nhập siêu vẫn còn rất lớn hiện nay.

Theo tổng cục Hải quan, đến giữa tháng 12, do xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng khá, trong khi nhập khẩu vẫn được hạn chế, cho nên kim ngạch nhập siêu vẫn được kiềm chế dưới ngưỡng 12 tỉ USD, còn tỷ lệ nhập siêu vẫn chỉ dừng lại ở mức 17,4%.


Thành công với thế giới


Do vậy, nếu như mọi thứ đều dừng lại ở mức như nửa đầu tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ vượt qua ngưỡng 71 tỉ USD, tăng 24,4%, còn nhập khẩu đạt gần 83,8 tỉ USD, tăng 19,8%, cho nên nhập siêu sẽ là 12,78 tỉ USD, còn tỷ lệ nhập siêu cũng chỉ nhích lên 18%, vẫn thấp hơn khá nhiều so với chỉ tiêu dưới 20%.

Còn theo ước tính mới nhất của tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu cả năm 71,629 tỉ USD, còn nhập khẩu 84 tỉ USD, cho quy mô và tỷ lệ nhập siêu còn “đẹp” hơn nữa.

Như vậy, thành công nổi bật trong năm nay của Việt Nam trong thương mại quốc tế là kiềm chế nhập siêu ở mức dưới 20% như mong muốn (năm 2007 nhập siêu 29,1%; năm 2008: 28,8%; năm 2009: 22,5%).

Tuy nhiên, trong bức tranh rất đẹp này của năm nay, Trung Quốc lại là thị trường mà chúng ta mới chỉ thành công trong xuất khẩu, còn quy mô nhập siêu và tỷ lệ nhập siêu đều đạt kỷ lục mới.

Buôn bán với Trung Quốc: cần hướng đi mới

Số liệu của tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu sang thị trường này 11 tháng đã đạt kỷ lục 6,286 tỉ USD và nếu tháng 12 đạt được như tháng 11 thì cả năm sẽ vượt qua ngưỡng 7 tỉ USD, tăng vọt 46% so với năm 2009.

Trong khi đó, do nhập khẩu 11 tháng từ thị trường này đã đạt kỷ lục mới 17,864 tỉ USD (cả năm 2009 đạt 16,441 tỉ USD), cho nên nếu tháng 12 này đạt trên 1,95 tỉ USD như tháng 11, thì cả năm sẽ gần chạm ngưỡng 20 tỉ USD (19,82 tỉ USD), mặc dù chỉ tăng 20,5%.

Buôn bán với Trung Quốc, nhập siêu đã liên tục tăng từ 4,15 tỉ USD năm 2006 và liên tục đạt kỷ lục mới, năm nay ước lên tới 12,65 tỉ USD. Về tỷ lệ so với tổng nhập siêu từ thị trường thế giới, nếu như con số này năm 2006 đã lên tới 81,9%, hai năm tiếp theo liên tục giảm và chạm đáy với 61,7%, năm 2009 lại vọt lên 89,7%, thì năm nay ước đạt kỷ lục 99%. Đây có lẽ là con số “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử quan hệ ngoại thương của nước ta với các quốc gia đối tác trong 25 năm đổi mới vừa qua.

Nói cách khác, bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu, trong khi chúng ta nỗ lực phấn đấu hạn chế nhập khẩu để kiềm chế nhập siêu từ thị trường thế giới, nhưng nhập khẩu và nhập siêu từ thị trường Trung Quốc vẫn là ngoại lệ và có ý nghĩa quyết định đến cán cân thương mại vẫn còn thâm thủng quá lớn hiện nay.

Nếu nhìn vào danh mục hàng hoá buôn bán với thị trường này trong 11 tháng qua, có thể thấy rất rõ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó.

Trước hết, bước tiến đáng khích lệ trong việc xuất khẩu sang thị trường này là do tỷ trọng của ba mặt hàng nguyên liệu cao su, than đá và dầu thô trong 11 tháng qua đã giảm rất mạnh xuống chỉ còn 37% (năm 2004 đạt kỷ lục 71,8% và năm 2009 vẫn còn là 45,9%), trong khi tỷ trọng của các mặt hàng còn lại đã tăng rất mạnh lên 63% (năm 2004 ở mức “đáy” chỉ với 28,2% và năm 2009 cũng chỉ mới đạt 54,1%).

Mặc dù vậy, vẫn phải nói rằng, các nguyên liệu thô xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn còn quá lớn, bởi trong danh mục này còn có thêm mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn lên tới 442,4 triệu USD, cũng như các loại quặng và khoáng sản khác, khiến cho nên tỷ trọng này vẫn lên tới 45,3%, còn các mặt hàng khác vẫn chỉ chiếm 54,7%.

Nói cách khác, xuất khẩu các mặt hàng chế biến và chế tạo, cũng như các sản phẩm trung gian sang thị trường này cho đến nay vẫn còn là vấn đề nan giải của các doanh nghiệp nước ta.

Trong khi đó, rổ hàng hoá nhập khẩu của nước ta từ thị trường này tăng quá nhanh là do trong 11 tháng qua đã có đại bộ phận trong 24 mặt hàng (trong danh mục rất dài hàng chế biến, chế tạo và các sản phẩm trung gian) vượt rất xa ngưỡng 100 triệu USD và chắc chắn sẽ có năm mặt hàng vượt qua ngưỡng 1 tỉ USD trong năm nay.

Do vậy, nếu muốn hạn chế nhập siêu từ thị trường này, điều kiện tiên quyết chính là tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp nguyên liệu, đặc biệt là các ngành công nghiệp phụ trợ để giảm mạnh nhập khẩu. Đồng thời tiếp tục mở rộng quy mô xuất khẩu các mặt hàng hiện có và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo mới, đặc biệt là tìm kiếm cơ hội hợp tác để có được vị trí trong các chuỗi giá trị “made in China” đang khuynh đảo thị trường thế giới. Malaysia và Thái Lan đã làm điều này thành công, dù quy mô buôn bán hai chiều với Trung Quốc của họ hiện khoảng gấp đôi nước ta nhưng cán cân thương mại vẫn cân bằng.

Nguyễn Đình Bích - SGTT

Không có nhận xét nào: