Cập nhật lúc 25/05/2011 06:07:00 AM (GMT+7)
Tờ Philstar hôm qua (24/5) đưa tin, Trung Quốc đã thiết lập các đơn vị đồn trú và tiền đồn quân sự ở quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông.
Các tài liệu và hình ảnh mà News5 có được cho thấy, các đơn vị đồn trú và tiền đồn quân sự đã được thiết lập ở sáu bãi đá ngầm trong Nhóm đảo Kalayaan. Chính quyền của Tổng thống Aquino đã và đang thúc đẩy các giải pháp ngoại giao để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Philippines đang tuyên bố chủ quyền với Nhóm đảo Kalayaan (một phần của quần đảo Trường Sa).
Chuẩn bị vào đảo Đá Đông, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Chu Thanh Vân |
Các tài liệu và hình ảnh cho thấy, các đơn vị đồn trú và tiền đồn quân sự mà Trung Quốc xây dựng thuộc về các bãi đá ngầm gồm: Kagitingan, Calderon, Gaven, Zamora, Chigua và Panganiban.
Tại bãi đá ngầm Kagitingan, Trung Quốc đã xây dựng trạm thông tin liên lạc thường xuyên và đài quan sát hàng hải có thể chứa 200 quân. Họ còn xây dựng một bãi đáp cho trực thăng, một doanh trại hai tầng và cầu tàu dài 300 mét cho phép các tàu hậu cần và tàu tuần tra cập bến. Trung Quốc coi Bãi đá ngầm Kagitingan như khu vực chỉ huy chính với hệ thống rađa, các súng hải quân hỏa lực mạnh…
Các tài liệu cũng cho thấy Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở của họ tại Bãi đá ngầm Panganiban. Năm 1995, Manila và Bắc Kinh đã có tranh cãi ngoại giao khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng các kết cấu trên bãi đá này. Khi ấy, Trung Quốc tuyên bố đó là những công trình giúp ngư dân trú ẩn nhưng sự hoài nghi đặt ra ngày một lớn khi những khu vực trú ẩn ấy được trang bị hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh và radar.
Ngoài các đơn vị đồn trú, Trung Quốc còn tích cực thúc đẩy những dự án hàng hải quy mô lớn nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của họ với Trường Sa. Đó là các dự án xây dựng cầu cảng, sân bay, hải đăng, đài quan sát hải dương và mạng lưới khí tượng học hàng hải.
Đấu khẩu
Gần đây, Tổng thống Philippines đã đề cập tới ý tưởng của các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông về việc cùng phát triển tài nguyên vùng biển và cùng chia sẻ lợi nhuận.
Ngày 5/4, Philippines đã gửi thư ngoại giao phản đối việc Trung Quốc đưa ra bản đồ đường lưỡi bò tuyên bố chủ quyền với toàn bộ Biển Đông bao gồm cả quần đảo Trường Sa - khu vực giàu tài nguyên dầu khí đang tranh chấp giữa Philippines, Trung Quốc và ba quốc gia khác.
Sau đó, ngày 14/4, Trung Quốc đã có động thái tương tự đáp trả Philippines. Nước này tuyên bố: "Kể từ những năm 1970, Philippines đã bắt đầu xâm lấn và chiếm đóng một số đảo cũng như vỉa đá ngầm tại quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc gọi tên quần đảo Trường Sa) và đưa ra các tuyên bố chủ quyền liên quan, điều mà Trung Quốc mạnh mẽ phản đối".
Một ngày sau khi Trung Quốc đưa ra bản đồ chín đoạn (còn gọi là đường lưỡi bò) lên một ủy ban của LHQ tháng 5/2009, Việt Nam và Malaysia đã đệ đơn phản đối. Indonesia, tuy không phải là bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, cũng phản đối bản đồ của Trung Quốc năm ngoái. Tuy nhiên, trong cả bốn thư ngoại giao đệ trình lên LHQ chống lại bản đồ chín đoạn của Trung Quốc, chỉ có thư phản đối của Philippines khiến Bắc Kinh gửi công hàm đáp trả lên Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon.
Trung Quốc tuyên bố trong công hàm gửi LHQ rằng: "Cái gọi là quần đảo Kalayaan mà Philippines tuyên bố chủ quyền là một phần của quần đảo Nam Sa của Trung Quốc".
Về phần mình, trong công hàm gửi tới Ban phụ trách các vấn đề Đại dương và Luật biển của LHQ, Philippines tuyên bố, nhóm đảo Kalayaan là một phần không tách rời của Philippines, và nước này có chủ quyền với vùng biển xung quanh hoặc tiếp giáp với mỗi đặc trưng địa chất trong Nhóm đảo Kalayaan theo quy định của luật pháp quốc tế, cũng như theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS).
Giải pháp hòa bình
Hôm 23/5, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Philippines Benigno Aquino III và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, Manila và Bắc Kinh đã nhất trí tiến hành đối thoại về vấn đề tranh chấp quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Trả lời báo chí sau cuộc gặp trên, người phụ trách truyền thông Philippines Ricky Carandang nói: “Hai bên nhất trí không để những vụ việc xảy ra trong vài tháng qua gây khó khăn cho quan hệ song phương”. Carandang đề cập tới vụ việc hồi tháng 3 khi hai tàu Trung Quốc quấy nhiễu một tàu thăm dò Philippines tại khu vực thuộc Biển Đông mà Manila tuyên bố chủ quyền.
Carandang mô tả cuộc gặp giữa Tổng thống Philippines và ông Lương là “thân mật, hòa giải và hiệu quả”. Ông nói: “Trong cuộc gặp này, hai bên đã tái khẳng định quan điểm đàm phán hòa bình về vấn đề có thể không thường nhất trí”.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines và người đồng cấp Trung Quốc Lương Quang Liệt đã cam kết tránh “các hành động đơn phương có thể gây báo động và tập trung vào một giải pháp hòa bình” cho tranh chấp ở Biển Đông.
Trong một tuyên bố, Philippines cho hay: “Hai bộ trưởng bày tỏ hy vọng về các chỉ dẫn thực thi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 sẽ sớm hoàn thành và thống nhất, góp phần giữ ổn định khu vực và các bên cùng làm việc cho một giải pháp hòa bình”.
Ông Lương Quang Liệt đã tới thăm Singapore và Indonesia trước khi tới Philippines. Ông sẽ trở về Trung Quốc vào thứ hôm nay.
- Thụy Phương (Theo Philstar, Inquirer)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét