Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

Chết bởi cái thói vô trách nhiệm

Nhà báo Mạnh Quân
imageĐầu năm đến nay, có bao nhiêu cái chết đau đớn bởi cái thói vô trách nhiệm. Có những cái chết tức tưởi bởi thói vô trách nhiệm của người có chức quyền, có những cái chết khốn khổ bởi chính sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của chính người gặp nạn.

Vụ chìm tàu ở vịnh Hạ Long làm chết 12 người, trong đó có chục chú Tây ba lô mấy tháng trước, có cả sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chức trách về quản lý tàu thuyền ở vịnh Hạ Long, của cơ quan quản lý du lịch: sao để cho một công ty du lịch (AZ Queen) kinh doanh lữ hành quốc tế trái phép? Hướng dẫn viên thì không có thẻ, tàu ra khơi thì không có cái áo phao nào, chủ tàu thì vô trách nhiệm đến tệ hại khi không đóng van để nước chảy vào trong thuyền, bỏ trực… Sau vụ đắm làm chết bao người như thế, người ta mới đi kiểm tra mà phát hiện ra còn gần 40 tàu du lịch khác lúc nào cũng có khả năng đắm vì những lỗi đại loại như: các vách chắn thủy chưa kín, hệ thống bơm cứu đắm, cứu hỏa không đạt yêu cầu... Thế thì nếu không có vụ đắm trên, một lúc nào đó một vụ đắm tương tự, có thể gây chết người nhiều hơn, hoặc ít hơn hoàn toàn có thể xảy ra. Thế mà đến giờ, cũng không có chắc là tình trạng trên đã được chấn chỉnh.
Mấy hôm nay thì bà con khắp nơi, kể cả ở cơ quan mình cũng thấy rên rỉ, xót thương cho số phận của 16 người, trong đó chủ yếu là những người trong cùng một gia đình, dòng họ chết đuối tức tưởi theo con tàu Dìn Ký. Cái thói vô trách nhiệm đến rợn người lại thấy ở đây khi người ta phát hiện được ngay ra là con tàu hết hạn kiểm định, khu vực bến tàu lại không có giấy phép hoạt động. Với những lỗi như thế, mà không được tổng kiểm tra, chấn chỉnh nghiêm ngặt, được một thời gian, mọi thứ sẽ lại đâu vào đấy. Rồi thì các vụ tương tự như tàu Dìn Ký, như con tàu du lịch Vịnh Hạ Long lại cứ liên tiếp xảy ra. Mạng người cứ như là cỏ rác.
Mà chẳng cứ mấy cái vụ đắm tàu, ở đâu cũng thế, hoạt động nào cũng thế. Trong vô vàn các vụ tai nạn giao thông làm chết gần 13-14 ngàn người một năm, có biết bao nhiêu vụ là do cái thói vô trách nhiệm của tài xế cứ liều băng qua đường sắt, của chính sự liều lĩnh của bao người tham gia giao thông? Rồi trong lĩnh vực y tế, xây dựng, môi trường... đâu đâu cũng thấy sự hiện hữu của thói vô trách nhiệm đến cùng cực. Thỉnh thoảng thì lại thấy một vụ người chết vì dây điện thả rơi giữa đường, vài tháng lại nghe có vụ trẻ em rơi vào hố ga quên đậy nắp... mà sau cũng không thấy ai bị xử lý, chí ít là cách chức, đuổi việc. Người ta biết chắc mất rừng thì có lũ lớn, có thể làm chết hàng ngàn, vạn người, thổi bay biết bao nhà cửa, ruộng vườn ở hạ lưu nhưng người ta vẫn cứ phá rừng làm mấy cái thuỷ điện be bé, người dân ngay chính vùng đó vẫn hàng ngày vào cưa, chặt cây cối, đốt cả khu rừng để kiếm một khoảnh trồng cái gì đấy. Thế nên nói, chẳng có mấy lĩnh vực nào mà ở đó mọi việc người ta làm có quy chuẩn, có trách nhiệm cao, thậm chí có quy chuẩn thì coi như chẳng có nên cái gì cũng vô cùng tệ hại: môi trường ô nhiễm mọi nơi; thực phẩm ăn gì cũng nơm nớp lo ngộ độc, nền giáo dục nghèo nàn, tệ hại... chẳng cái gì ra cái gì hết.
Có ai đó đã từng nói: cái thói vô trách nhiệm là căn bệnh đã thâm căn cố đế trong tính cách người Việt nói chung? Và cái thói vô trách nhiệm ấy lại càng nặng nề trong một xã hội luật pháp, việc thực thi luật pháp, trách nhiệm người thực thi, giám sát luật pháp… cũng không ra gì. Có đúng không nhỉ? Nếu như những người lãnh đạo trong một bộ máy mà có có đạo đức, có trách nhiệm cao nhất thì tự khắc họ sẽ thay đổi được thói quen của dân chúng chứ? Nếu đổ cho dân chúng tất thảy đều vô trách nhiệm chẳng phải cũng vô lý lắm hay sao?
Mà cái đang làm mình mơ hồ khiếp sợ hơn nữa là những công trình to lớn mà nhà nước đã, đang và sẽ đổ hàng núi tiền ra để làm. Mấy cái hồ chứa bùn bauxite ở Tây Nguyên có chắc sẽ không thể vỡ một khi có động đất, thiên tai, mưa bão lớn không? Người ta nói đủ các kiểu để trấn an nhưng mà tớ thì tớ không dám chắc đâu nha. Chẳng có cái gì là tuyệt đối cả, huống hồ mấy cái công trình có mấy thằng tàu khựa tham gia. Rồi thì các đập thuỷ điện lớn như Hòa Bình, Sơn La, có anh mấy anh tiến sĩ khoa học về địa chất nói rằng: lo lắm vì cái đập có phải bê tông 100% như các nước đâu mà có công trình thực chất vẫn là đập đất đấy. Cho nên mỗi lần đọc báo, nghe tin có động đất vùng đó lại thấy một nỗi lo mơ hồ, khủng khiếp.
Rồi các công trình nhà máy điện hột nhưn Ninh Thuận? Ở Nhật Bản, trình độ công nghệ, quản lý công nghệ của nó thuộc loại nhất rồi mà đến khi có thảm họa, người ta cũng vỡ lẽ ra là những người Nhật tưởng chừng rất khoa học, trách nhiệm với chất lượng công trình, sản phẩm một cách ngặt nghèo… hoá ra cũng vẫn chưa thực sự trách nhiệm lắm. Chính phủ Nhật chẳng phải đã nhận trách nhiệm là chọn chiến lược đầu tư năng lượng điện hạt nhân là sai đó ru? Thủ tướng còn từ chối nhận lương những tháng này. Thế thì ở Việt Nam, khi trình độ công nghệ, khả năng nắm bắt, quản lý công nghệ thua xa người Nhật không biết là bao nhiêu mà vẫn tiếp tục lao vào đầu tư cho các công trình ấy thì cái nỗi lo tái diễn đại thảm hoạ ở Nhật tưởng phải ghê gớm lắm? Nhưng kỳ thực, qua quan sát trên cả báo chí, ngoài đời thì dường như chẳng thấy gì. Chưa thấy một hội thảo, một cuộc họp bàn nghiêm túc, đáng kể nào về việc có nên tiếp tục đầu tư điện Hạt nhân Ninh Thuận sau thảm hoạ hạt nhân ở Nhật hay chí ít cũng là bàn rút kinh nghiệm, học hỏi thế nào?
Thế cho nên khi xem, đọc mấy vụ chết người hàng loạt, tang tóc ngập tràn như ở vụ chìm tàu Dìn Ký, chìm tàu Hạ Long muốn chảy nước mắt ra thật nhưng nhìn rộng ra, xa hơn, lại càng thấy khiếp sợ. Cái thói vô trách nhiệm ngút trời ấy mà chẳng thể thay đổi được thì nào chỉ có những vụ chết mươi, mười lăm người đó là thôi đâu? Rồi đây có thể còn có những vụ chết hàng ngàn, vạn người lắm ấy chứ, không phải lo hão! Cho nên, có nhiều người nước ngoài khi về nước, hỏi điều gì nhớ mãi về Việt Nam, họ hay nói: cứ mỗi ngày ở Việt Nam – cái xứ coi mạng người như cỏ rác ấy – qua đi mà vẫn thấy sống khoẻ là đã cảm thấy may mắn lắm, về được đến nhà là cả niềm hạnh phúc. Ấy là họ cũng không phải là nói chơi đâu vậy.
M. Q.

Không có nhận xét nào: