Những diễn biến của vụ tàu Bình Minh 02 có thể làm người ta liên tưởng đến Vụ CGX năm 2000 tại Đại Tây Dương ngoài khơi Guyana và Suriname được đề cập dưới đây.
Vụ tàu Bình Minh 02
Ngày 27/5 vừa qua, một loạt các phương tiện thông tin đại chúng của cả Việt Nam lẫn nước ngoài đã đưa tin về việc tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu địa chấn Bình Minh 02 thuộc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (PVN) sáng sớm ngày 26 tháng 5 năm 2011 (sau đây gọi là Vụ tàu Bình Minh 02).[1] Những diễn biến chính của vụ việc này có thể tóm tắt như sau:
Tàu địa chấn Bình Minh 02 của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí thuộc PVN đang tiến hành thăm dò địa chấn trên thềm lục địa của Việt Nam thì phát hiện có ba tàu hải giám của Trung Quốc di chuyển rất nhanh về phía khu vực khảo sát mà không có cảnh báo. Khi tàu Bình Minh 02 tạm dừng hoạt động thì tàu hải giám của Trung Quốc đã chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp và cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02. Ba tàu hải giám Trung Quốc sau đó tiếp tục cản trở, thậm chí còn uy hiếp tàu Bình Minh 02 và cho rằng tàu Bình Minh đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Dù tàu Bình Minh của PVN không chấp nhận luận điệu của tàu hải giám Trung Quốc và khẳng định rằng mình đang nằm trong vùng biển của Việt Nam nhưng cũng không thể hoạt động được cho đến khi ba tàu hải giám Trung Quốc rời khỏi khu vực khảo sát sau đó gần 4 tiếng.
Những diễn biến của Vụ tàu Bình Minh 02 nói trên có thể làm người ta liên tưởng đến Vụ CGX năm 2000 tại Đại Tây Dương ngoài khơi Guyana và Suriname được đề cập dưới đây.
Vụ CGX năm 2000[2]
Guyana và Suriname là hai quốc gia nhỏ bé Nam Mỹ[3] bên bờ Đại Tây Dương. Do là hai quốc gia liền kề nên vùng biển, kể cả thềm lục địa, mà Guyana và Suriname được hưởng theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (Công ước Luật biển) chồng lấn lên nhau và cần phải phân định. Trong khi giữa hai nước chưa có một đường ranh giới trên biển rõ ràng, vào những thập niên cuối của thế kỷ XX, cả Guyana và Suriname đều lần lượt cấp phép cho các công ty dầu khí nước ngoài tiến hành các hoạt động thăm dò tại vùng biển chồng lấn.
Trong số các nhà thầu của Guyana có Tập đoàn Tài nguyên CGX (CGX Resources Inc. - gọi tắt là CGX) của Canada từ năm 1999 bắt đầu tiến hành thăm dò địa chấn tại khu vực tranh chấp. Tháng 5 năm 2000, Suriname nhiều lần yêu cầu Guyana chấm dứt việc thăm dò tại khu vực chồng lấn. Đặc biệt, ngày 31/5/2000, Suriname yêu cầu riêng CGX chấm dứt toàn bộ hoạt động thăm dò địa chấn vượt quá một đường được gọi là đường 10o được Suriname sử dụng làm ranh giới cấp phép dầu khí của mình dù Guyana không công nhận đường này.[4]
Đỉnh điểm của tranh cãi giữa hai bên là sự việc diễn ra ngày 03/6/2000 khi hai tàu hải giám của lực lượng hải quân Suriname tiến đến gần tàu C.E. Thornton của CGX (vụ việc này sau thường được biết đến là "Vụ CGX"), yêu cầu tàu này không được thăm dò địa chấn và áp giải tàu này rời khỏi khu vực mà CGX đã được Guyana cấp phép.
Năm 2004, Guyana đơn phương việc dẫn cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc theo quy định của Công ước Luật Biển để phân định vùng biển chồng lấn với Suriname. Một Tòa trọng tài gồm năm luật gia quốc tế nổi tiếng được thành lập để giải quyết tranh chấp phân định biển theo đề nghị của Guyana do cả Guyana và Suriname đều đã là thành viên của Công ước Luật biển và không quốc gia nào có bảo lưu việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc này. Tòa trọng tài đã ra phán quyết của mình tại La Hay ngày 17/9/2007 (án lệ Guyana - Suriname).
Điểm đáng chú ý trong án lệ Guyana - Suriname là ngoài việc yêu cầu Tòa trọng tài tiến hành phân định biển, Guyana cũng cáo buộc Suriname trong Vụ CGX đã vi phạm một số nghĩa vụ quốc tế. Cụ thể đó là Suriname đã sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ của Guyana và chống lại công dân cùng các pháp nhân đang hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Guyana. Theo Guyana, sự vi phạm này cũng dẫn đến việc Suriname vi phạm thêm các quy định của Công ước Luật Biển, Hiến chương Liên hợp quốc cũng như luật pháp quốc tế nói chung về việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Guyana cũng yêu cầu Tòa trọng tài ra phán quyết về trách nhiệm quốc gia, yêu cầu Suriname bồi thường thiệt hại nảy sinh sau Vụ CGX.
Tòa trọng tài bằng phán quyết ngày 17/9/2007 của mình cho rằng trong Vụ CGX, Suriname đã vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực theo Công ước Luật biển, Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế nói chung. Hơn nữa, Tòa cũng cho rằng việc vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực cũng dẫn đến việc vi phạm nghĩa vụ không được cản trở việc tiến đến thỏa thuận phân định cuối cùng theo quy định Điều 74(3) và 83(3) của Công ước Luật biển - còn được gọi là nghĩa vụ "tự kiềm chế". Tòa trọng tài cho rằng nghĩa vụ "tự kiềm chế" là một phần trong nghĩa vụ lớn hơn của các quốc gia thành viên Công ước Luật Biển theo Điều 74(3) và 83(3) về việc đạt được các thỏa thuận tạm thời có tính thực tiễn liên quan đến vùng biển tranh chấp trong khi hai bên chưa phân định. Cần nói thêm rằng thỏa thuận tạm thời có tính thực tiễn phổ biến nhất chính là thỏa thuận "khai thác chung".
Tuy nhiên, riêng đối với yêu cầu của Guyana về tránh nhiệm quốc gia liên quan đến Vụ CGX thì Tòa cho rằng vùng biển xảy ra Vụ CGX đã được phân xử là thuộc về Guyana nên đã bảo đảm rằng Suriname sau này sẽ không có các vi phạm nghĩa vụ quốc tế tương tự như Vụ CGX. Tòa sau đó thấy rằng yêu cầu về thiệt hại của Guyana liên quan đến Vụ CGX không được thành lập nên từ chối không ra phán quyết về việc việc bồi thường. Hơn nữa Tòa trọng tài cũng cho rằng bản thân Guyana cũng vi phạm nghĩa vụ về việc đạt thỏa thuận tạm thời có tính chất thực tiễn đối với khu vực tranh chấp, góp phần dẫn đến Vụ CGX.
Một điểm đáng chú ý khác trong án lệ Guyana - Suriname đó là Tòa đưa ra phân tích về tác hại của hoạt động thăm dò địa chấn đối với môi trường đáy biển và hệ quả của việc này đối với nghĩa vụ "tự kiềm chế" hay nghĩa vụ về việc đạt thỏa thuận tạm thời có tính chất thực tiễn. Tòa trọng tài nhắc lại án lệ trước đây của Tòa án công lý quốc tế cho rằng hoạt động thăm dò địa chấn sử dụng âm thanh nên không có tác động "cơ học" đối với đáy biển và do vậy không làm ảnh hưởng hay thiệt hại đối với quốc gia tranh chấp khác nếu như vùng biển được thăm dò sau đó có được phân định là thuộc về quốc gia tranh chấp khác đó. Nói cụ thể hơn, Tòa cho rằng việc thăm dò địa chấn là được phép tiến hành trong vùng biển thực sự có tranh chấp.
Nhìn vẻ bên ngoài, những diễn biến của vụ CGX có nhiều điểm đồng với Vụ tàu Bình Minh 02 và như thế phán quyết của Tòa trọng tài trong Án lệ Guyana - Suriname có thể áp dụng trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Nhưng ...
mọi sự so sánh đều là khập khiễng
Trước hết để biết phán quyết của Tòa trọng tài trong Án lệ Guyana - Suriname có áp dụng được với Trung Quốc và Việt Nam không cần hiểu bối cảnh của Vụ CGX và Vụ Bình Minh 02. Như đã trình bày ở trên, Vụ CGX xảy ra tại vùng biển thực sự có tranh chấp giữa Guyana và Suriname do đặc thù địa lý của hai quốc gia này là hai quốc gia liền kề và do đó các vùng biển của họ theo Công ước Luật biển cũng liền kề và chồng lấn lên nhau. Điều này bắt nguồn từ nguyên tắc: "đất thống trị biển" - nguyên tắc cơ bản trong việc xác định vùng biển theo pháp luật quốc tế. Nội hàm của nguyên tắc này đó là quốc gia nào có bờ biển ở đâu thì sẽ có vùng biển ở đó. Có thể minh hoạ một cách sinh động nguyên tắc này bằng "hình" và "bóng": không có hình (bờ biển) thì làm sao có bóng (vùng biển)?
Chỉ khi đáp ứng được tiêu chí đầu tiên và cơ bản nói trên, đó là có bờ biển, thì một quốc gia mới có thể nói đến chuyện có được các yêu sách vùng biển theo quy định của Công ước Luật biển - thông thường không quá 200 hải lý.[5] Với thực tế địa lý của mình (xem bản đồ bên dưới), Trung Quốc không thể có yêu sách về vùng biển theo quy định của Công ước Luật Biển tại khu vực xảy ra Vụ tàu Bình Minh 02, nơi cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 340 hải lý.[6] Thậm chí nếu Trung Quốc có sáng kiến cho rằng vị trí hoạt động của tàu Bình Minh 02 sáng ngày 26/5/2011 nằm trên thềm lục địa kéo dài vượt ra ngoài 200 hải lý thì cũng không phù hợp nguyên tắc đó là yêu sách về thềm lục địa kéo dài ngoài 200 hải lý không được chồng lấn lên vùng biển nằm trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia khác. Nguyên tắc này là nguyên tắc tiến bộ của của luật biển quốc tế hiện đại hình thành sau khi thông qua Công ước Luật biển - Công ước mà Trung Quốc cũng là một thành viên. Tính bất hợp lý của một yêu sách về thềm lục địa kéo dài (trên cơ sở đặc thù địa chất) để tạo tranh chấp tại một khu vực hoàn toàn nằm trong phạm vi 200 hải lý của quốc gia ven biển khác từ lâu đã được công nhận bởi Tòa án công lý quốc tế - cơ quan tư pháp uy tín nhất trên thế giới về pháp luật quốc tế. Cụ thể năm 1985, trong án lệ phân định thềm lục địa giữa Libya và Malta, Tòa đã bác bỏ lập luận của Libya cho rằng đường phân định cần tuân thủ tiêu chí về địa chất và cho rằng tiêu chí về khoảng cách, 200 hải lý, có giá trị cao hơn.[7]
Như vậy, điều quan trọng đó là cần xem xét thực sự vị trí hoạt động của tàu Bình Minh 02 khi bị cắt cáp sáng ngày 26/5/2011 là ở đâu? Theo các số liệu công bố trên phương tiện thông tin đại chúng thì nơi xảy ra Vụ tàu Bình Minh 02 nằm cách mũi Đại Lãnh không đến 120 hải lý.[8] Cần nhớ rằng mũi Đại Lãnh nằm trên bờ biển của Việt Nam và như vậy nếu có xác định các vùng biển của Việt Nam theo cách "khiêm tốn" đó là dùng đường cơ sở thông thường - tính theo ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển[9] - thì vị trí mà tàu Bình Minh bị cắt cáp vẫn hoàn toàn nằm trên thềm lục địa của Việt Nam theo giới hạn 200 hải lý - một thềm lục địa mà Việt Nam đương nhiên có mà không cần phải tuyên bố với bên ngoài theo quy định của Công ước Luật biển.[10]
Tuy nhiên, khác với vùng biển Đại Tây Dương ngoài khơi Guyana và Suriname, khu vực Biển Đông cũng có một đặc thù riêng và cần phải tính đến, đó là sự tồn tại của những nhóm đảo nhỏ giữa biển khơi, cụ thể là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quần đảo Hoàng Sa đang là đối tượng tranh chấp giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc còn quần đảo Trường Sa thì là đối tượng tranh chấp của năm nước, gồm Bru-nây, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Trung Quốc và Việt Nam. Tất nhiên, đối với Trung Quốc, họ sẽ nghĩ rằng họ có thể yêu sách các vùng biển tính từ các quần đảo này và thực tế họ cũng tuyên bố là các quần đảo này có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng.[11]
Tuy nhiên, dù sự sáng tạo tiếp theo này có đúng đi nữa - một điều thật khó xảy ra,[12] thì cần nhớ rằng một nguyên tắc trong phân định biển đó là một hòn đảo ngoài khơi không thể có nhiều vùng biển hơn bờ biển lục địa được như đã được thấy trong các án lệ và thực tiễn phân định biển, trong đó có cả thỏa thuận phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam năm 2000. Vị trí xảy ra Vụ tàu Bình Minh 02 vẫn nằm hoàn toàn bên phần biển Việt Nam ngay cả khi Việt Nam "hào phóng" đồng ý chia đôi vùng biển nằm giữa bờ biển của mình và quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam cũng yêu sách - một khả năng không thể xảy ra và chẳng thể hiện sự nghiêm túc xét từ góc độ khoa học pháp lý. [13]
Với những phân tích như trên, ngay cả những bộ óc giàu trí tưởng tượng nhất cũng khó có thể nghĩ ra được cơ sở nào trong pháp luật quốc tế hiện đại về biển mà dựa vào đó Trung Quốc có thể đưa ra một yêu sách đối với khu vực mà tàu Bình Minh 02 hoạt động sáng ngày 26/5/2011.
Về cái gọi là "yêu sách theo đường 9 đoạn"
Tháng 5 năm 2009, khi Malaixia và Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên Công ước Luật biển về việc đệ trình báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa của mình ở Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới ngoài Thềm lục địa, Trung Quốc đã ngay lập tức gửi hai công hàm để phản đối.[14] Trong hai công hàm này, Trung Quốc cho rằng mình có yêu sách về "chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và vùng nước phụ cận" và về "các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ở đó". Trung Quốc cũng tuyên bố rằng yêu sách này của mình "được biết đến rộng rãi trong cộng đồng quốc tế". Đi kèm với mỗi công hàm phản đối của Trung Quốc là một tấm bản đồ trong đó lần đầu tiên Trung Quốc giới thiệu công khai với cộng đồng quốc tế một đường đứt nét gồm 9 đoạn (thường được gọi là "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò") chạy sát bờ biển một số quốc gia ven Biển Đông. Nhưng cả hai công hàm cũng không giải thích rõ ràng đường 9 đoạn của Trung Quốc có ý nghĩa cụ thể gì đối với các yêu sách về biển nói trên của Trung Quốc.
Trước đây, đường 9 đoạn từng được lưu truyền trong các bản đồ nội bộ của Trung Quốc nhưng chưa bao giờ Trung Quốc nói rõ ý nghĩa của đường này. Điều này làm cho ngay cả các học giả Trung Quốc cũng tranh cãi lẫn nhau về giá trị pháp lý cũng như ý nghĩa của đường 9 đoạn này.[15] Giới học giả bên ngoài Trung Quốc thì có quan điểm chung đó là đường 9 đoạn không thể thể hiện bất kỳ một yêu sách hợp pháp nào về vùng biển hay quyền lợi liên quan đến biển của Trung Quốc tại Biển Đông.[16]
Dù thế nào đi chăng nữa, một nguyên tắc cơ bản để giải quyết tranh chấp quốc tế như đã được khẳng định ở nhiều phán quyết khác nhau của tòa án quốc tế đó là khi một bên tranh chấp tuyên bố rằng tồn tại một thực tế nào đó thì họ cũng có nghĩa vụ chứng minh thực tế đó thực sự tồn tại.[17] Trung Quốc tuyên bố rằng yêu sách của mình "được biết đến rộng rãi trong cộng đồng quốc tế" thì cũng có nghĩa vụ phải chứng minh điều đó. Và có lẽ, điều đầu tiên Trung Quốc cần làm để chứng minh điều họ cho là "thực tế đó" là nói rõ cho cộng đồng quốc tế hiểu mình định yêu sách gì, nếu có, bằng đường 9 đoạn. Chừng nào cộng đồng quốc tế vẫn còn "mơ hồ" về việc Trung Quốc định yêu sách gì trong đường 9 đoạn thì làm sao có sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế với yêu sách của Trung Quốc chứ đừng nói đến yêu sách đó có giá trị hay không.
Cuối cùng, nhìn vào lịch sử phát triển của luật biển có thể thấy, Công ước Luật biển - kết tinh của sự phát triển tiến bộ của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực này - đã mở rộng đáng kể các vùng biển của quốc gia với hai khái niệm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nhằm chấm dứt sự bất ổn định trong quan hệ quốc tế do những yêu sách đơn phương "quá đáng" của các quốc gia trước đây. Trung Quốc dường như cũng hiểu rõ điều này nên khi phê chuẩn Công ước Luật biển đã chỉ khẳng định họ được hưởng các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và thềm lục địa mà không đề cập gì đến những quyền lợi về biển không phù hợp với các quy định của Công ước.[18]
Như vậy, nếu đường 9 đoạn trong tấm bản đồ đính kèm công hàm của Trung Quốc tháng 5/2009 nói trên định thể hiện một yêu sách về vùng biển hay quyền lợi biển nào của Trung Quốc ở Biển Đông trái những tiêu chuẩn của Công ước Luật biển thì đó sẽ là một bước thụt lùi lạc lõng trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế hướng tới việc xây dựng một trật tự pháp lý thống nhất về biển và đại dương. Tất nhiên, bước thụt lùi đó không có giá trị pháp lý vì nó đi ngược lại tinh thần và quy định của Công ước Luật biển. Và để tránh những hiểu lầm sau này, các nước, dù có hay không có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, đã bày tỏ quan điểm của mình đối với đường 9 đoạn của Trung Quốc.[19] Đáng chú ý là dù các quốc gia có cách hiểu khác nhau về đường 9 đoạn, họ đều tìm được những cơ sở pháp lý để bác bỏ nó. Điều này một mặt thể hiện sự "mơ hồ" và mặt khác cũng thể hiện sự không giải thích nổi theo các quy định của pháp luật quốc tế của đường 9 đoạn.
Thay lời kết - quay lại vụ CGX
Quay lại với vụ CGX, một điều có thể nhận rõ đó là bối cảnh pháp lý của vụ việc này khác biệt hoàn toàn với bối cảnh pháp lý của Vụ tàu Bình Minh 02. Nói cụ thể hơn, khu vực xảy ra Vụ tàu Bình Minh 02 nằm hoàn toàn trên thềm lục địa của Việt Nam; Trung Quốc không thể có các yêu sách với vùng biển này theo đúng các tiêu chuẩn của Công ước Luật biển. Từ trước cho đến nay, Trung Quốc cũng chưa chính thức nói đến và do đó có thể coi là không tồn tại một yêu sách về vùng biển hay quyền lợi biển ở Biển Đông khác với những tiêu chuẩn của Công ước Luật biển.
Mặt khác, ở góc độ quan hệ quốc tế và pháp luật quốc tế,[20] quan hệ giữa Suriname và Guyan là giống quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Điều này bắt nguồn từ nguyên tắc tối cao, có tác dụng bảo đảm sự ổn định của trật tự thế giới đó là nguyên tắc "bình đẳng". Nguyên tắc "bình đẳng và cùng có lợi" là nguyên tắc cuối cùng trong năm nguyên tắc về cùng tồn tại hòa bình mà Trung Quốc là một trong những quốc gia khởi xướng đầu tiên.[21] Trong quan hệ với Việt Nam, năm nguyên tắc về cùng tồn tại hòa bình từ lâu cũng đã được được khẳng định trong quan hệ hai nước.[22]
Từ cơ sở trên, cả bốn nước Guyana, Suriname, Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên của Công ước Luật biển và đều được hưởng những quyền lợi cũng như cần thực hiện các nghĩa vụ thành viên của mình như nhau. Tất nhiên, vì Trung Quốc không công nhận cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước Luật biển[23] nên sẽ không có việc Việt Nam đem Vụ tàu Bình Minh 02 ra trước một cơ quan tài phán quốc tế giống như Guyana đã làm với Suriname. Cơ chế giải quyết những tranh chấp liên quan đến biển của Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu vẫn sẽ là đàm phán và có thể có sự hỗ trợ của ủy ban hòa giải theo quy định của Công ước Luật biển.[24] Tuy nhiên, việc thiếu một cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc không làm giảm giá trị của nghĩa vụ quốc tế của quốc gia khi mà nền tảng của luật pháp quốc tế là nguyên tắc thiện chí.
Cuối cùng cũng cần nhớ rằng, nếu Trung Quốc cho rằng mình "có quyền" đối với vùng biển mà tàu Bình Minh 02 hoạt động thì Trung Quốc cũng cần tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Luật biển và Hiến chương Liên hợp quốc. Chỉ khi đó nguyên tắc thiện chí mới có ý nghĩa và phát huy để góp phần duy trì bình ổn trong quan hệ quốc tế cũng như thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia. Ở góc độ này, phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong án lệ Guyana - Suriname sẽ là "chuẩn mực" để Trung Quốc hành xử trong các vấn đề mà họ cho rằng đang có tranh chấp, kể cả nghĩa vụ giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế và không sử dụng vũ lực trên biển.[25] Đặc biệt, phán quyết đó nói rõ những gì mà quốc gia có thể làm và không được làm để bảo đảm tuân thủ nghĩa vụ "tự kiềm chế" trong khi theo đuổi nghĩa vụ lớn hơn về việc đạt được thỏa thuận tạm thời có tính thực tiễn - nghĩa vụ mà Trung Quốc vẫn viện dẫn để thúc đẩy ý tưởng "gác tranh chấp, cùng khai thác" tại khu vực mà họ cho rằng có tranh chấp./.
* © Nguyễn Đăng Thắng, Nghiên cứu sinh luật tại Vương quốc Anh, Thành viên không thường trú, Trung tâm Nghiên tâm ngiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam. Tác giả xin cám ơn một số bạn bè và đồng nghiệp đã góp ý cho bản thảo ban đầu của bài viết. Bài viết này là bản chỉnh sửa và bổ sung từ của bài viết cùng tên đăng trên trang Nghiên cứu Biển Đông lúc 00:35 Chủ Nhật, 29 tháng 5 năm 2011. Tất cả các trang mạng trích dẫn trong bài đều hoạt động cho đến ngày 28 tháng 5 năm 2011.
Vụ tàu Bình Minh 02
Ngày 27/5 vừa qua, một loạt các phương tiện thông tin đại chúng của cả Việt Nam lẫn nước ngoài đã đưa tin về việc tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu địa chấn Bình Minh 02 thuộc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (PVN) sáng sớm ngày 26 tháng 5 năm 2011 (sau đây gọi là Vụ tàu Bình Minh 02).[1] Những diễn biến chính của vụ việc này có thể tóm tắt như sau:
Tàu địa chấn Bình Minh 02 của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí thuộc PVN đang tiến hành thăm dò địa chấn trên thềm lục địa của Việt Nam thì phát hiện có ba tàu hải giám của Trung Quốc di chuyển rất nhanh về phía khu vực khảo sát mà không có cảnh báo. Khi tàu Bình Minh 02 tạm dừng hoạt động thì tàu hải giám của Trung Quốc đã chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp và cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02. Ba tàu hải giám Trung Quốc sau đó tiếp tục cản trở, thậm chí còn uy hiếp tàu Bình Minh 02 và cho rằng tàu Bình Minh đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Dù tàu Bình Minh của PVN không chấp nhận luận điệu của tàu hải giám Trung Quốc và khẳng định rằng mình đang nằm trong vùng biển của Việt Nam nhưng cũng không thể hoạt động được cho đến khi ba tàu hải giám Trung Quốc rời khỏi khu vực khảo sát sau đó gần 4 tiếng.
Những diễn biến của Vụ tàu Bình Minh 02 nói trên có thể làm người ta liên tưởng đến Vụ CGX năm 2000 tại Đại Tây Dương ngoài khơi Guyana và Suriname được đề cập dưới đây.
Vụ CGX năm 2000[2]
Guyana và Suriname là hai quốc gia nhỏ bé Nam Mỹ[3] bên bờ Đại Tây Dương. Do là hai quốc gia liền kề nên vùng biển, kể cả thềm lục địa, mà Guyana và Suriname được hưởng theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (Công ước Luật biển) chồng lấn lên nhau và cần phải phân định. Trong khi giữa hai nước chưa có một đường ranh giới trên biển rõ ràng, vào những thập niên cuối của thế kỷ XX, cả Guyana và Suriname đều lần lượt cấp phép cho các công ty dầu khí nước ngoài tiến hành các hoạt động thăm dò tại vùng biển chồng lấn.
Trong số các nhà thầu của Guyana có Tập đoàn Tài nguyên CGX (CGX Resources Inc. - gọi tắt là CGX) của Canada từ năm 1999 bắt đầu tiến hành thăm dò địa chấn tại khu vực tranh chấp. Tháng 5 năm 2000, Suriname nhiều lần yêu cầu Guyana chấm dứt việc thăm dò tại khu vực chồng lấn. Đặc biệt, ngày 31/5/2000, Suriname yêu cầu riêng CGX chấm dứt toàn bộ hoạt động thăm dò địa chấn vượt quá một đường được gọi là đường 10o được Suriname sử dụng làm ranh giới cấp phép dầu khí của mình dù Guyana không công nhận đường này.[4]
Đỉnh điểm của tranh cãi giữa hai bên là sự việc diễn ra ngày 03/6/2000 khi hai tàu hải giám của lực lượng hải quân Suriname tiến đến gần tàu C.E. Thornton của CGX (vụ việc này sau thường được biết đến là "Vụ CGX"), yêu cầu tàu này không được thăm dò địa chấn và áp giải tàu này rời khỏi khu vực mà CGX đã được Guyana cấp phép.
Năm 2004, Guyana đơn phương việc dẫn cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc theo quy định của Công ước Luật Biển để phân định vùng biển chồng lấn với Suriname. Một Tòa trọng tài gồm năm luật gia quốc tế nổi tiếng được thành lập để giải quyết tranh chấp phân định biển theo đề nghị của Guyana do cả Guyana và Suriname đều đã là thành viên của Công ước Luật biển và không quốc gia nào có bảo lưu việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc này. Tòa trọng tài đã ra phán quyết của mình tại La Hay ngày 17/9/2007 (án lệ Guyana - Suriname).
Điểm đáng chú ý trong án lệ Guyana - Suriname là ngoài việc yêu cầu Tòa trọng tài tiến hành phân định biển, Guyana cũng cáo buộc Suriname trong Vụ CGX đã vi phạm một số nghĩa vụ quốc tế. Cụ thể đó là Suriname đã sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ của Guyana và chống lại công dân cùng các pháp nhân đang hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Guyana. Theo Guyana, sự vi phạm này cũng dẫn đến việc Suriname vi phạm thêm các quy định của Công ước Luật Biển, Hiến chương Liên hợp quốc cũng như luật pháp quốc tế nói chung về việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Guyana cũng yêu cầu Tòa trọng tài ra phán quyết về trách nhiệm quốc gia, yêu cầu Suriname bồi thường thiệt hại nảy sinh sau Vụ CGX.
Tòa trọng tài bằng phán quyết ngày 17/9/2007 của mình cho rằng trong Vụ CGX, Suriname đã vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực theo Công ước Luật biển, Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế nói chung. Hơn nữa, Tòa cũng cho rằng việc vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực cũng dẫn đến việc vi phạm nghĩa vụ không được cản trở việc tiến đến thỏa thuận phân định cuối cùng theo quy định Điều 74(3) và 83(3) của Công ước Luật biển - còn được gọi là nghĩa vụ "tự kiềm chế". Tòa trọng tài cho rằng nghĩa vụ "tự kiềm chế" là một phần trong nghĩa vụ lớn hơn của các quốc gia thành viên Công ước Luật Biển theo Điều 74(3) và 83(3) về việc đạt được các thỏa thuận tạm thời có tính thực tiễn liên quan đến vùng biển tranh chấp trong khi hai bên chưa phân định. Cần nói thêm rằng thỏa thuận tạm thời có tính thực tiễn phổ biến nhất chính là thỏa thuận "khai thác chung".
Tuy nhiên, riêng đối với yêu cầu của Guyana về tránh nhiệm quốc gia liên quan đến Vụ CGX thì Tòa cho rằng vùng biển xảy ra Vụ CGX đã được phân xử là thuộc về Guyana nên đã bảo đảm rằng Suriname sau này sẽ không có các vi phạm nghĩa vụ quốc tế tương tự như Vụ CGX. Tòa sau đó thấy rằng yêu cầu về thiệt hại của Guyana liên quan đến Vụ CGX không được thành lập nên từ chối không ra phán quyết về việc việc bồi thường. Hơn nữa Tòa trọng tài cũng cho rằng bản thân Guyana cũng vi phạm nghĩa vụ về việc đạt thỏa thuận tạm thời có tính chất thực tiễn đối với khu vực tranh chấp, góp phần dẫn đến Vụ CGX.
Một điểm đáng chú ý khác trong án lệ Guyana - Suriname đó là Tòa đưa ra phân tích về tác hại của hoạt động thăm dò địa chấn đối với môi trường đáy biển và hệ quả của việc này đối với nghĩa vụ "tự kiềm chế" hay nghĩa vụ về việc đạt thỏa thuận tạm thời có tính chất thực tiễn. Tòa trọng tài nhắc lại án lệ trước đây của Tòa án công lý quốc tế cho rằng hoạt động thăm dò địa chấn sử dụng âm thanh nên không có tác động "cơ học" đối với đáy biển và do vậy không làm ảnh hưởng hay thiệt hại đối với quốc gia tranh chấp khác nếu như vùng biển được thăm dò sau đó có được phân định là thuộc về quốc gia tranh chấp khác đó. Nói cụ thể hơn, Tòa cho rằng việc thăm dò địa chấn là được phép tiến hành trong vùng biển thực sự có tranh chấp.
Nhìn vẻ bên ngoài, những diễn biến của vụ CGX có nhiều điểm đồng với Vụ tàu Bình Minh 02 và như thế phán quyết của Tòa trọng tài trong Án lệ Guyana - Suriname có thể áp dụng trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Nhưng ...
mọi sự so sánh đều là khập khiễng
Trước hết để biết phán quyết của Tòa trọng tài trong Án lệ Guyana - Suriname có áp dụng được với Trung Quốc và Việt Nam không cần hiểu bối cảnh của Vụ CGX và Vụ Bình Minh 02. Như đã trình bày ở trên, Vụ CGX xảy ra tại vùng biển thực sự có tranh chấp giữa Guyana và Suriname do đặc thù địa lý của hai quốc gia này là hai quốc gia liền kề và do đó các vùng biển của họ theo Công ước Luật biển cũng liền kề và chồng lấn lên nhau. Điều này bắt nguồn từ nguyên tắc: "đất thống trị biển" - nguyên tắc cơ bản trong việc xác định vùng biển theo pháp luật quốc tế. Nội hàm của nguyên tắc này đó là quốc gia nào có bờ biển ở đâu thì sẽ có vùng biển ở đó. Có thể minh hoạ một cách sinh động nguyên tắc này bằng "hình" và "bóng": không có hình (bờ biển) thì làm sao có bóng (vùng biển)?
Chỉ khi đáp ứng được tiêu chí đầu tiên và cơ bản nói trên, đó là có bờ biển, thì một quốc gia mới có thể nói đến chuyện có được các yêu sách vùng biển theo quy định của Công ước Luật biển - thông thường không quá 200 hải lý.[5] Với thực tế địa lý của mình (xem bản đồ bên dưới), Trung Quốc không thể có yêu sách về vùng biển theo quy định của Công ước Luật Biển tại khu vực xảy ra Vụ tàu Bình Minh 02, nơi cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 340 hải lý.[6] Thậm chí nếu Trung Quốc có sáng kiến cho rằng vị trí hoạt động của tàu Bình Minh 02 sáng ngày 26/5/2011 nằm trên thềm lục địa kéo dài vượt ra ngoài 200 hải lý thì cũng không phù hợp nguyên tắc đó là yêu sách về thềm lục địa kéo dài ngoài 200 hải lý không được chồng lấn lên vùng biển nằm trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia khác. Nguyên tắc này là nguyên tắc tiến bộ của của luật biển quốc tế hiện đại hình thành sau khi thông qua Công ước Luật biển - Công ước mà Trung Quốc cũng là một thành viên. Tính bất hợp lý của một yêu sách về thềm lục địa kéo dài (trên cơ sở đặc thù địa chất) để tạo tranh chấp tại một khu vực hoàn toàn nằm trong phạm vi 200 hải lý của quốc gia ven biển khác từ lâu đã được công nhận bởi Tòa án công lý quốc tế - cơ quan tư pháp uy tín nhất trên thế giới về pháp luật quốc tế. Cụ thể năm 1985, trong án lệ phân định thềm lục địa giữa Libya và Malta, Tòa đã bác bỏ lập luận của Libya cho rằng đường phân định cần tuân thủ tiêu chí về địa chất và cho rằng tiêu chí về khoảng cách, 200 hải lý, có giá trị cao hơn.[7]
Như vậy, điều quan trọng đó là cần xem xét thực sự vị trí hoạt động của tàu Bình Minh 02 khi bị cắt cáp sáng ngày 26/5/2011 là ở đâu? Theo các số liệu công bố trên phương tiện thông tin đại chúng thì nơi xảy ra Vụ tàu Bình Minh 02 nằm cách mũi Đại Lãnh không đến 120 hải lý.[8] Cần nhớ rằng mũi Đại Lãnh nằm trên bờ biển của Việt Nam và như vậy nếu có xác định các vùng biển của Việt Nam theo cách "khiêm tốn" đó là dùng đường cơ sở thông thường - tính theo ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển[9] - thì vị trí mà tàu Bình Minh bị cắt cáp vẫn hoàn toàn nằm trên thềm lục địa của Việt Nam theo giới hạn 200 hải lý - một thềm lục địa mà Việt Nam đương nhiên có mà không cần phải tuyên bố với bên ngoài theo quy định của Công ước Luật biển.[10]
Tuy nhiên, khác với vùng biển Đại Tây Dương ngoài khơi Guyana và Suriname, khu vực Biển Đông cũng có một đặc thù riêng và cần phải tính đến, đó là sự tồn tại của những nhóm đảo nhỏ giữa biển khơi, cụ thể là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quần đảo Hoàng Sa đang là đối tượng tranh chấp giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc còn quần đảo Trường Sa thì là đối tượng tranh chấp của năm nước, gồm Bru-nây, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Trung Quốc và Việt Nam. Tất nhiên, đối với Trung Quốc, họ sẽ nghĩ rằng họ có thể yêu sách các vùng biển tính từ các quần đảo này và thực tế họ cũng tuyên bố là các quần đảo này có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng.[11]
Với những phân tích như trên, ngay cả những bộ óc giàu trí tưởng tượng nhất cũng khó có thể nghĩ ra được cơ sở nào trong pháp luật quốc tế hiện đại về biển mà dựa vào đó Trung Quốc có thể đưa ra một yêu sách đối với khu vực mà tàu Bình Minh 02 hoạt động sáng ngày 26/5/2011.
Về cái gọi là "yêu sách theo đường 9 đoạn"
Tháng 5 năm 2009, khi Malaixia và Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên Công ước Luật biển về việc đệ trình báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa của mình ở Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới ngoài Thềm lục địa, Trung Quốc đã ngay lập tức gửi hai công hàm để phản đối.[14] Trong hai công hàm này, Trung Quốc cho rằng mình có yêu sách về "chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và vùng nước phụ cận" và về "các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ở đó". Trung Quốc cũng tuyên bố rằng yêu sách này của mình "được biết đến rộng rãi trong cộng đồng quốc tế". Đi kèm với mỗi công hàm phản đối của Trung Quốc là một tấm bản đồ trong đó lần đầu tiên Trung Quốc giới thiệu công khai với cộng đồng quốc tế một đường đứt nét gồm 9 đoạn (thường được gọi là "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò") chạy sát bờ biển một số quốc gia ven Biển Đông. Nhưng cả hai công hàm cũng không giải thích rõ ràng đường 9 đoạn của Trung Quốc có ý nghĩa cụ thể gì đối với các yêu sách về biển nói trên của Trung Quốc.
Trước đây, đường 9 đoạn từng được lưu truyền trong các bản đồ nội bộ của Trung Quốc nhưng chưa bao giờ Trung Quốc nói rõ ý nghĩa của đường này. Điều này làm cho ngay cả các học giả Trung Quốc cũng tranh cãi lẫn nhau về giá trị pháp lý cũng như ý nghĩa của đường 9 đoạn này.[15] Giới học giả bên ngoài Trung Quốc thì có quan điểm chung đó là đường 9 đoạn không thể thể hiện bất kỳ một yêu sách hợp pháp nào về vùng biển hay quyền lợi liên quan đến biển của Trung Quốc tại Biển Đông.[16]
Dù thế nào đi chăng nữa, một nguyên tắc cơ bản để giải quyết tranh chấp quốc tế như đã được khẳng định ở nhiều phán quyết khác nhau của tòa án quốc tế đó là khi một bên tranh chấp tuyên bố rằng tồn tại một thực tế nào đó thì họ cũng có nghĩa vụ chứng minh thực tế đó thực sự tồn tại.[17] Trung Quốc tuyên bố rằng yêu sách của mình "được biết đến rộng rãi trong cộng đồng quốc tế" thì cũng có nghĩa vụ phải chứng minh điều đó. Và có lẽ, điều đầu tiên Trung Quốc cần làm để chứng minh điều họ cho là "thực tế đó" là nói rõ cho cộng đồng quốc tế hiểu mình định yêu sách gì, nếu có, bằng đường 9 đoạn. Chừng nào cộng đồng quốc tế vẫn còn "mơ hồ" về việc Trung Quốc định yêu sách gì trong đường 9 đoạn thì làm sao có sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế với yêu sách của Trung Quốc chứ đừng nói đến yêu sách đó có giá trị hay không.
Cuối cùng, nhìn vào lịch sử phát triển của luật biển có thể thấy, Công ước Luật biển - kết tinh của sự phát triển tiến bộ của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực này - đã mở rộng đáng kể các vùng biển của quốc gia với hai khái niệm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nhằm chấm dứt sự bất ổn định trong quan hệ quốc tế do những yêu sách đơn phương "quá đáng" của các quốc gia trước đây. Trung Quốc dường như cũng hiểu rõ điều này nên khi phê chuẩn Công ước Luật biển đã chỉ khẳng định họ được hưởng các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và thềm lục địa mà không đề cập gì đến những quyền lợi về biển không phù hợp với các quy định của Công ước.[18]
Như vậy, nếu đường 9 đoạn trong tấm bản đồ đính kèm công hàm của Trung Quốc tháng 5/2009 nói trên định thể hiện một yêu sách về vùng biển hay quyền lợi biển nào của Trung Quốc ở Biển Đông trái những tiêu chuẩn của Công ước Luật biển thì đó sẽ là một bước thụt lùi lạc lõng trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế hướng tới việc xây dựng một trật tự pháp lý thống nhất về biển và đại dương. Tất nhiên, bước thụt lùi đó không có giá trị pháp lý vì nó đi ngược lại tinh thần và quy định của Công ước Luật biển. Và để tránh những hiểu lầm sau này, các nước, dù có hay không có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, đã bày tỏ quan điểm của mình đối với đường 9 đoạn của Trung Quốc.[19] Đáng chú ý là dù các quốc gia có cách hiểu khác nhau về đường 9 đoạn, họ đều tìm được những cơ sở pháp lý để bác bỏ nó. Điều này một mặt thể hiện sự "mơ hồ" và mặt khác cũng thể hiện sự không giải thích nổi theo các quy định của pháp luật quốc tế của đường 9 đoạn.
Thay lời kết - quay lại vụ CGX
Quay lại với vụ CGX, một điều có thể nhận rõ đó là bối cảnh pháp lý của vụ việc này khác biệt hoàn toàn với bối cảnh pháp lý của Vụ tàu Bình Minh 02. Nói cụ thể hơn, khu vực xảy ra Vụ tàu Bình Minh 02 nằm hoàn toàn trên thềm lục địa của Việt Nam; Trung Quốc không thể có các yêu sách với vùng biển này theo đúng các tiêu chuẩn của Công ước Luật biển. Từ trước cho đến nay, Trung Quốc cũng chưa chính thức nói đến và do đó có thể coi là không tồn tại một yêu sách về vùng biển hay quyền lợi biển ở Biển Đông khác với những tiêu chuẩn của Công ước Luật biển.
Mặt khác, ở góc độ quan hệ quốc tế và pháp luật quốc tế,[20] quan hệ giữa Suriname và Guyan là giống quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Điều này bắt nguồn từ nguyên tắc tối cao, có tác dụng bảo đảm sự ổn định của trật tự thế giới đó là nguyên tắc "bình đẳng". Nguyên tắc "bình đẳng và cùng có lợi" là nguyên tắc cuối cùng trong năm nguyên tắc về cùng tồn tại hòa bình mà Trung Quốc là một trong những quốc gia khởi xướng đầu tiên.[21] Trong quan hệ với Việt Nam, năm nguyên tắc về cùng tồn tại hòa bình từ lâu cũng đã được được khẳng định trong quan hệ hai nước.[22]
Từ cơ sở trên, cả bốn nước Guyana, Suriname, Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên của Công ước Luật biển và đều được hưởng những quyền lợi cũng như cần thực hiện các nghĩa vụ thành viên của mình như nhau. Tất nhiên, vì Trung Quốc không công nhận cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước Luật biển[23] nên sẽ không có việc Việt Nam đem Vụ tàu Bình Minh 02 ra trước một cơ quan tài phán quốc tế giống như Guyana đã làm với Suriname. Cơ chế giải quyết những tranh chấp liên quan đến biển của Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu vẫn sẽ là đàm phán và có thể có sự hỗ trợ của ủy ban hòa giải theo quy định của Công ước Luật biển.[24] Tuy nhiên, việc thiếu một cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc không làm giảm giá trị của nghĩa vụ quốc tế của quốc gia khi mà nền tảng của luật pháp quốc tế là nguyên tắc thiện chí.
Cuối cùng cũng cần nhớ rằng, nếu Trung Quốc cho rằng mình "có quyền" đối với vùng biển mà tàu Bình Minh 02 hoạt động thì Trung Quốc cũng cần tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Luật biển và Hiến chương Liên hợp quốc. Chỉ khi đó nguyên tắc thiện chí mới có ý nghĩa và phát huy để góp phần duy trì bình ổn trong quan hệ quốc tế cũng như thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia. Ở góc độ này, phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong án lệ Guyana - Suriname sẽ là "chuẩn mực" để Trung Quốc hành xử trong các vấn đề mà họ cho rằng đang có tranh chấp, kể cả nghĩa vụ giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế và không sử dụng vũ lực trên biển.[25] Đặc biệt, phán quyết đó nói rõ những gì mà quốc gia có thể làm và không được làm để bảo đảm tuân thủ nghĩa vụ "tự kiềm chế" trong khi theo đuổi nghĩa vụ lớn hơn về việc đạt được thỏa thuận tạm thời có tính thực tiễn - nghĩa vụ mà Trung Quốc vẫn viện dẫn để thúc đẩy ý tưởng "gác tranh chấp, cùng khai thác" tại khu vực mà họ cho rằng có tranh chấp./.
* © Nguyễn Đăng Thắng, Nghiên cứu sinh luật tại Vương quốc Anh, Thành viên không thường trú, Trung tâm Nghiên tâm ngiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam. Tác giả xin cám ơn một số bạn bè và đồng nghiệp đã góp ý cho bản thảo ban đầu của bài viết. Bài viết này là bản chỉnh sửa và bổ sung từ của bài viết cùng tên đăng trên trang Nghiên cứu Biển Đông lúc 00:35 Chủ Nhật, 29 tháng 5 năm 2011. Tất cả các trang mạng trích dẫn trong bài đều hoạt động cho đến ngày 28 tháng 5 năm 2011.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét