(GDVN) - Vụ việc tàu Hải giám Trung Quốc xâm phạm vùng biển chủ quyền Việt Nam và cắt đứt cáp thăm dò của tàu Bình Minh ngày 26/5 vừa qua đang thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận. Trái ngược hoàn toàn với thực tế, một số học giả Trung Quốc vẫn khăng khăng luận điệu "khẳng định chủ quyền" của nước này đối với vùng lãnh hải của Việt Nam, đồng thời lái dư luận theo một hướng chú ý khác.
Ngày 30/5 đài truyền hình Phượng Hoàng - Hồng Kông tổ chức một chương trình tọa đàm trực tuyến với Pham Kim Nga, một người được cho là chuyên gia về các vấn đề Việt Nam thuộc viện Khoa học xã hội Trung Quốc và Kim Vĩnh Minh, giáo sư thuộc Viện khoa học xã hội Thượng Hải để cùng mổ xẻ vấn đề sau những phản ứng từ Bộ Ngoại giao về hành vi vi phạm trắng trợn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam của tàu Hải giám Trung Quốc. Bà Phan Kim Nga lý giải xu thế nóng lên của tình hình tranh chấp biển Đông gồm có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân vì Việt Nam và Trung Quốc đã giải quyết xong tranh chấp biên giới trên đất liền và vịnh Bắc Bộ, vấn đề biển Đông tất yếu sẽ trở thành điểm nóng. Mặt khác, bà Nga cho rằng do sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ, Nga và một số nước khác theo hướng chuyển trọng tâm về châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là quan hệ Trung - Mỹ có ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh khu vực biển Đông.
Nhằm đánh lạc hướng dư luận xã hội Trung Quốc và quốc tế, phản đối của Bộ Ngoại giao Việt Nam được bà Nga lý giải là nhằm gây sự chú ý của cộng đồng ASEAN và các nước lớn về vấn đề biển Đông khi thời điểm diễn ra hội nghị an ninh ASEAN tại Singapore đã cận kề. Trong khi đó cả thế giới đều biết đây lại chính là một trong những mục tiêu của giới chức Bắc Kinh nhằm thăm dò phản ứng của Việt Nam và các bên liên quan khi Trung Quốc tiếp tục lấn sân và có hành động can thiệp sâu hơn vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Có cái nhìn cực đoan hơn bà Phan Kim Nga, giáo sư Kim Vĩnh Minh thuộc Viện khoa học xã hội Thượng Hải nhận định "không loại trừ việc Việt Nam dùng biện pháp quân sự" để bảo vệ chủ quyền, đồng thời lên tiếng kêu gọi Trung Quốc cũng cần "chuẩn bị tốt" để đối phó với khả năng này. Ngay trước khi xảy ra sự kiện tàu Hải giám xâm phạm chủ quyền lãnh hải và ngang nhiên cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh - Việt Nam, giới chức cấp cao Bắc Kinh cũng đã có những cuộc tiếp xúc với Mỹ và các nước Đông Nam Á. Chuyến công du Washington sau 7 năm của một Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc vừa qua được báo giới Trung Quốc và phương tây đưa tin rằng hai bên có đề cập đến vấn đề biển Đông.
Gần như đồng thời, tại Đông Nam Á, người đứng đầu bộ Quốc phòng Trung Quốc, Lương Quang Liệt cũng có chuyến công du Indonesia, Singapore và Philipine sau khi đã tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan tại Bắc Kinh, trong đó biển Đông là một nội dung quan trọng của nghị trình. Tờ Minh báo - Hồng Kông ngày 24/5 có bài nhận định, động thái của giới chức quân sự Bắc Kinh nhắm tới mục đích xoa dịu sự lo ngại của các nước láng giềng xung quanh sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, đồng thời "trao đổi" với các bên liên quan về vấn đề biển Đông và sau đó không lâu tàu Hải giám Trung Quốc ngang nhiên tiến vào vùng biển chủ quyền Việt Nam. Điều đó cho thấy hành động của Trung Quốc đã nằm trong dự tính từ trước và không loại trừ khả năng căng thẳng trên biển Đông có thể diễn biến theo hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn nếu Trung Quốc không tôn trọng chủ quyền của các nước trong khu vực. |
Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011
Cac hoc Gia Bac Kinh noi gi ?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét