Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Trường Sa - Khúc bi tráng trên biển

 

Sự hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa và nhà giàn DK 1 đã tô thắm thêm lá cờ tổ quốc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu của đất nước
Những dòng lệ đã tuôn trào, ướt nhòa trên khuôn mặt của tất cả những người tham dự lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc ở Trường Sa và nhà giàn DK 1.
Tô thắm lá cờ Tổ quốc
“Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng”. Đó là tiếng thét vang của Anh hùng liệt sĩ, thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trong cuộc chiến đấu bảo vệ đảo ngày 14-3-1988.
Những nén hương tưởng nhớ các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo
Trong cuộc chiến ấy, quyết giữ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển đảo thiêng liêng, thiếu úy Trần Văn Phương đã cuốn chặt lá quốc kỳ, biểu tượng chủ quyền của Tổ quốc trên đảo. Ngã xuống trong cuộc chiến không cân sức, máu thịt của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương đã quyện chặt với mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc.
Cùng với Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân là những tấm gương sáng về sự hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu cách đây hơn 23 năm. Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy tàu HQ 505 vừa chiến đấu với tàu địch vừa nhanh chóng đưa tàu lao lên bãi ngầm Cô Lin để biến con tàu thành chiến hạm nổi chiến đấu đến cùng, bảo vệ bằng mọi giá chủ quyền Tổ quốc.
Để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển đảo, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân đã chấp nhận hy sinh xương máu của mình. Đó là những hành động cao đẹp của liệt sĩ, đại úy Vũ Quang Chương, Chỉ huy trưởng nhà giàn Phúc Nguyên; thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, Phó Chính trị viên nhà giàn Phúc Tần...
Trước sự tàn khốc và hung dữ của cơn bão số 8 năm 1999, đại úy Vũ Quang Chương cùng đảng viên Nguyễn Văn An tình nguyện ở lại thu dọn tài liệu, cuốn lá quốc kỳ vào người và rời nhà giàn sau cùng. Đại dương gầm thét với những con sóng cao hàng chục mét đã cướp đi tính mạng các anh.
Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng trong sự cận kề của sự sống và cái chết đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội để rồi mãi mãi ở lại biển đảo vào chiều 5-12-1990.
Mãi mãi nằm lại với biển khơi còn là sự hy sinh đầy quả cảm của các liệt sĩ như thượng úy Phạm Tảo, đại úy Nguyễn Văn Tư, trung úy Lê Tiến Cường, thượng sĩ Ngô Sỹ Nga...
Hãy để chúng tôi được khóc
“Hôm nay, đứng ở nơi đây, giữa biển trời lạnh trắng, biển đã có lúc bình yên song lòng chúng tôi thì lắng lại. Đồng đội ơi, hãy để cho chúng tôi được thầm khóc với những giọt nước mắt nhớ thương, cảm phục, tự hào, để nhắc nhở chúng tôi, dưới đáy biển lạnh giá nơi đây còn có những đồng đội đang nằm…”.
Sau những lời cất lên tự đáy lòng của đại tá Hoàng Ngọc Dương, Trưởng Phòng Dân vận (Cục Chính trị, Quân chủng Hải quân) là những tiếng nức nở vang khắp boong tàu QH 996. Gần 200 người con đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam đã cùng nghẹn ngào thả xuống mặt biển xanh ngắt vòng hoa kết hình quốc kỳ.
Chị Rơ Châm H’Yéo, cứ nghẹn ngào suốt lễ tưởng niệm những cán bộ, chiến sĩ hy sinh ngày 14-3-1988 ở Trường Sa cũng như lễ tưởng niệm tại khu vực nhà giàn DK 1.
 Trong chuyến thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK 1 cùng đoàn đại biểu 54 dân tộc, chị đã được nghe tiếng khóc của trẻ sơ sinh trên đảo Trường Sa; tiếng trẻ học bài cùng cuộc sống bình yên của bà con trên đảo Song Tử Tây; thấy ánh sáng điện lung linh giữa biển của các “thành phố” đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn giữ biển; những mẻ lưới nặng trĩu của ngư dân đánh cá xa bờ...
“Sự hy sinh đầy khâm phục của cán bộ, chiến sĩ hải quân đã góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, cuộc sống hôm nay trên huyện đảo và nhà giàn DK 1” - chị H’Yéo nói. 
Trường Sa mãi mãi trường tồn
“Kính cẩn nghiêng mình và xin được thắp nén hương thơm, thả vòng hoa tưởng nhớ tới hương hồn các đồng chí. Mong các đồng chí thanh thản yên nghỉ, cùng chúng tôi canh giữ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc để Trường Sa mãi mãi trường tồn”. Lời nhắn gửi của đại tá Hoàng Ngọc Dương đến các đồng đội đã anh dũng hy sinh của mình cũng là lời thề chung của những người con đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK 1.
 
Bài và ảnh: Hồng Kỳ

Không có nhận xét nào: