Mai Thanh Hải
"...Nếu Dân đói, rét, dốt, bệnh, thì chính sách của ta, dù có hay mấy cũng không thực hiện được". (Chủ tịch Hồ Chí Minh, 13-6-1955)
Mình đã định không đề cập đến tình trạng "đói xuôi, đói ngược" với con số hàng vạn người, đã được chính quyền địa phương tỉnh Thanh Hóa, cực chẳng đã, phải công khai. Đơn giản vì gần 70 năm sau ngày thành lập nước, cái ước nguyện của Hồ Chủ Tịch từ năm 1946 (“Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”), tưởng như đã được thực hiện từ rất lâu, không ngờ vẫn chưa được tròn vẹn và gây ra dư luận chẳng lấy gì làm tốt đẹp, ngay trước ngày bầu ra những "Đại biểu của nhân dân", từ Trung ương xuống địa phương.
Thế nhưng, hôm nay, đọc văn bản số 2747/UBND-CN (12-5-2011), do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Ngọc Hồi ký về việc "Đầu tư xây dựng trụ sở Ban Bảo vệ - Chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh Thanh Hóa", thì mình chịu không nổi.
Cuối tuần trước, Sở Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TBXH) tỉnh Thanh Hoá công bố: 21/27 huyện, thị xã, TP của tỉnh với 93.283 hộ (241.558 nhân khẩu) đang thiếu đói lương thực. Cụ thể: huyện Bá Thước 14.072 nhân khẩu, Cẩm Thuỷ 12.671, Mường Lát 9.049, Quan Sơn 8.200, Quảng Xương 21.940, Thạch Thành 19.906, Ngọc Lặc 16.667, Nga Sơn 16.284, Tĩnh Gia 15.915...
Nhận gạo cứu trợ |
Như vậy, không chỉ các huyện miền núi - vùng cao đói, mà ngay người dân ở miền biển, đồng bằng, trung du của xứ Thanh cũng thiếu đói lương thực. Câu chuyện "chạy ăn từng bữa", "bát cháo bát cơm", "ăn độn- ăn giặm" và đặc biệt là không có gạo nấu cơm, phải thay bằng các loại rau củ quả khác... tưởng như chỉ tồn tại trong những năm 70-80 của thế kỷ trước, với cái tên dân gian "thời bao cấp", đã xuất hiện trở lại, trên diện rộng.
Tại huyện vùng cao Mường Lát - địa danh đẹp huyền ảo trong mắt những chàng trai Hà Nội như Quang Dũng trong đoàn quân Tây Tiến, nay là địa phương trọng điểm của thiếu đói ở Thanh Hoá, với gần 1/3 số người của huyện đang thiếu đói gay gắt. Mường Lát có xã Mường Lý được "phong" là xã nghèo nhất tỉnh, với tỷ lệ hộ đói nghèo còn trên 80%. Những ngày này, tỷ lệ đói giáp hạt đạt đủ 100%...
Đường HCM qua Thanh Hóa dùng phơi sắn |
Câu chuyện "đứt bữa, đói ăn" có thể xa lạ với nhiều người, nhất là người sống ở các đô thị, thành phố lớn. Nhưng với Thanh Hóa, chuyện này hình như đã quen từ lâu, ở nhiều địa phương trong tỉnh. Một minh chứng rất đơn giản: Truy cập trang Trang Thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa, gõ các từ khóa liên quan, sẽ ra khối văn bản chỉ đạo điều hành liên quan. Ví dụ: Gõ chữ "cứu đói", sẽ có các văn bản cứu đói của UBND tỉnh, gõ "thiếu đói" cũng có hàng loạt văn bản thiếu đói của tỉnh, gõ "cứu trợ" cũng cho các văn bản cứu trợ, tìm "đời sống khó khăn" cũng có đủ văn bản đời sống khó khăn... Đặc biệt, khi gõ từ "hỗ trợ", "nghèo" thì số văn bản hỗ trợ, nghèo dài dằng dặc.
Bao năm thiếu đói, khổ quá cũng thành... quen. Chẳng thế mà cứ đến mùa vụ, Tết nhất là lại vác rá xin "cứu trợ" và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và một số tỉnh khác (cũng có tình trạng thiếu đói tương tự, nhưng không nhiều) đã dần... chai mặt. Chính vậy, trước con số thiếu đói kỷ lục, lãnh đạo tỉnh vẫn coi là chuyện bình thường, không có chuyện gì đáng lo ngại. Thấy rõ nhất điều này là: Khi họp Tổng kết công tác tháng 4 và bàn phương hướng tháng 5-2011, những người đứng đầu tỉnh Thanh Hóa vẫn khẳng định "KTXH tháng 4 tiếp tục tăng trưởng và có chuyển biến tiến bộ" mà không đề cập một chữ nào đến tình trạng đói kém (Xem tại đây)...
Cảnh thường gặp ở miền Trung sau mùa mưa lũ, giáp hạt |
Đã vậy, trong khi Sở LĐ-TBXH tỉnh đề xuất xin Trung ương 3.700 tấn gạo để cấp cho gần 240.000 nhân khẩu đang thiếu ăn, thì lãnh đạo tỉnh chỉ làm công văn xin 2.048 tấn gạo để cấp cho các hộ dân đặc biệt khó khăn. Số gạo còn lại, các địa phương phải tự cân đối ngân sách để hỗ trợ cho nhân dân. Điều này đồng nghĩa với việc, hàng chục nghìn người dân vẫn tiếp tục... đói dài, vẫn cứ chờ đấy (bởi cấp tỉnh đã giao việc cứu đói cho cấp huyện, thị), ngồi đấy để tỉnh lo những việc khác, ví như "Đầu tư xây dựng Trụ sở Ban Bảo vệ - Chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh Thanh Hóa" vừa được UBND tỉnh phê duyệt...
Tại Hội nghị Sản xuất cứu đói, ngày 13-6-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Tục ngữ có câu: “Dân vĩ thực như thiên”, nghĩa là dân lấy ăn làm trời, nếu không có ăn là không có trời. Lại có câu: “Có thực mới vực được đạo”, nghĩa là không có ăn thì chẳng làm được việc gì cả. Vì vậy chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân" và khẳng định: "Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi" (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 461, 572).
Sung sướng nhận cứu trợ |
Bác cũng nhấn mạnh: "Cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân... Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được" và đặc biệt chú ý đến vấn đề tiêu cực trong cứu trợ (đang rất thời sựu hiện nay): "... Tham ô, lãng phí là có tội. Mà tham ô lãng phí gạo cứu đói, tội càng lớn hơn. Không khác gì gián điệp giết hại đồng bào. Đó là tội thật to...".
Tối nay, nghe anh gì đẹp giai đọc trên Thời sự VTV toàn văn Chỉ thị của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mình cứ lẩn mẩn không hiểu những lời Bác dạy trong Hội nghị sản xuất Cứu đói 1955, đã được học tập, thực hiện ra sao mà tình trạng dân đói ở nhiều địa phương vẫn không hề thuyên giảm. Thi thoảng lại thấy báo chí rộn ràng đăng tin thông báo Chính phủ mở kho dự trữ, "phát chẩn" cho tỉnh này ít gạo, địa phương kia ít mỳ, cứ như... ông Tiên.
Câu chuyện dân đói ở Thanh Hóa, không chỉ phản ánh thực tại và trách nhiệm xã hội, mà còn đặt ra vấn đề: Bao nhiêu kế hoạch, định hướng phát triển 5 năm, 10 năm, 20 năm của tỉnh - Trung ương đã hướng vào đâu, ngoài chăm lo cuộc sống người dân? Những khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp và doanh nghiệp "điểm nhấn" đã phát huy hiệu quả ra sao?... Bấy lâu nay, người ta công kênh Thanh Hóa "thay da đổi thịt", "ông này bà khác", "chức tước - đại gia". Thế nhưng bây giờ, nhìn xuống những cảnh đời thực hiện trên màn hình VTV quốc gia, ối người giật mình: Người dân Thanh Hóa không lười, không dốt, nên cái câu "ăn rau má, phá đường tàu", bao năm qua thành câu đùa vui dĩ vãng, nay chợt quay lại, nhức nhối. Lỗi này thì của ai?
M.T.H
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét