Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

Trung Quốc : Động lực chia rẽ ASEAN ?

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN -Trung Quốc ngày 29/10/2010. Ảnh tư liệu
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN -Trung Quốc ngày 29/10/2010. Ảnh tư liệu
REUTERS/Na Son Nguyen/Pool
Trọng Nghĩa
Dù phương châm của mình là "Một Tầm nhìn, Một Bản sắc, Một Cộng đồng", nhưng do ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng mạnh tại Đông Nam Á, ASEAN hoàn toàn có thể bị phân đôi thành hai khối “lục địa” và “hải đảo”. Đây chính là phân tích của sử gia Geoff Wade trong bài “ASEAN có thể phân đôi hay không ?” (Could ASEAN Drift Apart ?) đăng trên trang mạng YaleGlobal của Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa của Đại học Yale (Hoa Kỳ) ngày 25/02/2011.
Năm ngoái (2010), Hiệp hội các nước Đông Nam Á tổ chức kỷ niệm 43 năm ngày thành lập một cách hoành tráng, nhưng lại để lộ nhiều vết nứt. Do sự phát triển thiếu cân xứng của Tiểu vùng sông Mêkông, được Trung Quốc thúc đẩy với sự giúp đỡ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khu vực dọc theo biên giới với Trung Quốc đã biến thành một vùng riêng biệt - một xu hướng có thể vĩnh viễn chia cắt ASEAN.
Tiểu vùng Mêkông, hoặc GMS, bao gồm Cam Bốt, Lào, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam, cũng như hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong thực tế, chính Trung Quốc mới là thành viên , với các chuyên viên cấp quốc gia tham gia vào mọi sáng kiến do GMS đề ra, và thông qua hệ thống thành viên mất cân xứng nghiêm trọng đó, đất nước 1,3 tỷ dân đã lấn át các chính thể và nền kinh tế của các nước trên lục địa Đông Nam Á.
Khoảng 11 tỷ đô la đã được đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong khu vực GMS trong thập kỷ qua, với một phần ba đến từ Ngân hàng Phát triển châu Á. Khoản tài trợ này đã được chuyển thành ba cái gọi là hành lang kinh tế - các trục giao thông đa quốc gia hiện đang được xây dựng trên lục địa Đông Nam Á.
Hành lang kinh tế Bắc-Nam nối liền Côn Minh với Bangkok, trong khi hành lang Đông-Tây nối bờ biển Ấn Độ Dương của Miến Điện với các hải cảng của Việt Nam trổ ra biển Đông. Hành lang kinh tế phía Nam thì gắn liền Bangkok với Phnom Penh, Thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu. Trung Quốc công khai tuyên bố rằng GMS là cơ chế kinh tế hiệu quả nhất trong khu vực.
Bản thân sông Mêkông – vốn đã được nhóm này lấy làm tên – lại là một đầu mối gây tranh chấp. Trung Quốc đã xây bốn con đập trên vùng thượng nguồn của con sông, và hiện đang đầu tư vào ba dự án đập thủy điện tại Lào và một tại Cam Bốt, và có kế hoạch làm thêm 12 con đập khác ở vùng hạ nguồn.
Theo một sáng kiến mới do Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đưa ra vào tháng 07/2009, tỉnh Vân Nam đã được chỉ định là đầu cầu nối Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á, thông qua các tuyến đường giao thông vận tải, hầm mỏ, cơ sở hạ tầng năng lượng và cơ sở thương mại xuất khẩu tại Đông Nam Á.
50% thương mại giữa ASEAN với Vân Nam dùng đồng yuan để thanh toán
Hiệp định tự do thương mại Trung Quốc-ASEAN, có hiệu lực từ ngày 01/01/2010, đã giúp Trung Quốc gia tăng mạnh mẽ trao đổi thương mại và đầu tư vào các quốc gia Đông Nam Á. Trong bối cảnh giao thương ngày càng tăng, một trong các mục tiêu mà Trung Quốc nhắm tới là phát huy việc dùng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch thương mại giữa các đối tác GMS.
Hồi nửa đầu năm 2010, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc bắt đầu một chương trình dùng đồng nhân dân tệ làm đơn vị thanh toán cho các giao dịch thương mại xuyên biên giới với vùng Vân Nam. Đây là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc muốn quốc tế hóa đồng tiền của mình. Hiện nay, khoảng 50% thương mại xuyên biên giới với Vân Nam được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.
Kinh phí để phát triển kinh tế các nước Đông Nam Á lục địa xuất phát từ cả ngân quỹ của ADB lẫn các khoản tín dụng và đầu tư của Trung Quốc, vốn thường khó phân biệt. Trung Quốc đã thiết lập quỹ Hợp tác đầu tư Trung Quốc-ASEAN trị giá 10 tỷ đô la để hỗ trợ việc phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực. Các biện pháp kết nối bao hàm lãnh vực thông tin liên lạc và cơ sở hạ tầng giao thông.
Một mạng lưới đường sắt hòa nhập, sẽ nối kết tất cả các nước thuộc Tiểu vùng Sông Meekoong GMS vào khoảng năm 2020, với Trung Quốc đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp kỹ năng và kinh phí. Hệ thống đường sắt cao tốc và đường bộ do Trung Quốc tài trợ sẽ kết nối Côn Minh với Yangon, Bangkok, Vientiane và Phnom Penh, trong khi một hệ thống đập thủy điện, mạng lưới truyền tải điện và đường ống dẫn năng lượng cũng sẽ gắn các quốc gia lục địa Đông Nam Á vào Trung Quốc. Khi được hoàn thành vào năm 2013, đường ống dẫn dầu khi Kyaukphyu-Côn Minh, chạy từ bờ biển Miến Điện đến Vân Nam, sẽ giảm sự lệ thuộc của Trung Quốc vào eo biển Malacca để nhập khẩu các loại nhiên liệu mà họ rất cần.
Các khoản đầu tư cũng đã từ Trung Quốc chảy vào các nước Đông Nam Á với khối lượng lớn hơn nhiều. Hơn 8 tỷ đô la đã được Trung Quốc đầu tư vào Miến Điện kể từ tháng Ba năm 2010 trong các ngành thủy điện, dầu khí, và khai thác mỏ. Tính đến tháng Bảy 2010, Cam Bốt đã có 360 dự án đầu tư Trung Quốc, tổng trị giá cam kết khoảng 80 tỷ đô la. Vào tháng Mười một năm 2010, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Ngô Bang Quốc đã đến thăm Cam Bốt và ký kết 16 thỏa thuận với tổng giá trị hơn 6,4 tỷ đô la.
90% hợp đồng tổng thầu EPC tại Việt Nam về tay các công ty Trung Quốc
Quy mô quyền lợi mà Trung Quốc đang giành được trên hầu hết đầu vào của các ngành công nghiệp tại Việt Nam, được thể hiện rõ qua những ước tính chính thức, theo đó có khoảng 90% Hợp đồng tổng thầu EPC (thiết kế, mua sắm, trang bị kỹ thuật và xây dựng) về tay các công ty Trung Quốc.
Số lượng người Trung Quốc di chuyển qua các nước Đông Nam Á đang gia tăng. Tại Lào, một quốc gia 7 triệu dân, ước tính có đến 400.000 người Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp. Trong lĩnh vực văn hóa, các quốc gia trong khu vực ghi nhận hiện tượng giáo dục bằng tiếng Hoa gia tăng, với Cam Bốt hiện tự nhận là nước có chương trình giảng dạy tiếng Trung tốt nhất Đông Nam Á với hàng trăm giáo viên đến từ Trung Quốc.
Các cường quốc trong khu vực cũng đã nhận thấy đà phát triển ồ ạt dọc theo biên giới Trung Quốc và sự can dự ngày càng tăng của nước này vào các quốc gia Đông Nam Á – với hệ quả là chia rẽ ASEAN. Nhật Bản đã gặp riêng các quốc gia vùng lưu vực sông Mekong là Cam Bốt, Lào, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam, mà không mời Trung Quốc tham gia, để bảo đảm là sẽ trợ giúp các nước này. Viện trợ phát triển chính thức ODA của Nhật Bản cam kết cho khu vực sông Mekong trong ba năm tới lên đến 5,9 tỷ đô la, và các khoản đầu tư tư nhân của Nhật Bản vào khu vực GMS được khuyến khích.
Hàn Quốc cũng đã tuyên bố ý định tham gia phát triển vùng GMS, đặc biệt là trong việc chuyển đổi các hành lang vận tải thành hành lang kinh tế và giải quyết các vấn đề môi trường.
Trong một bài phát biểu vào tháng 07/2010 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nói về lợi ích của Mỹ trong vùng biển Đông và ghi nhận rằng Hoa Kỳ đã thấy rằng quan hệ với Việt Nam "không chỉ quan trọng về giá trị tự thân, mà còn quan trọng với tư cách là một phần của chiến lược nhằm tăng cường sự dấn thân của Mỹ vào châu Á-Thái Bình Dương và đặc biệt là vào Đông Nam Á." Sự kiện Mỹ gần đây gia nhập Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á một phần cũng nhằm mục đích chống lại điều được xem là quyền bá chủ của Trung Quốc ở khu vực lục địa Đông Nam Á.
Ý tưởng về “tính chất trung tâm của ASEAN" trong cấu trúc khu vực, đang được phương Tây thúc đẩy, dựa trên hai điều kiện: ASEAN phải đủ sức để tạo thành một khối, và các thành viên sẽ có lập trường chung trên các vấn đề quan trọng.
Trong một tương lai gần, không một điều kiện nào có thể được thực hiện, thậm chí chưa chắc đã được duy trì. Các quốc gia ASEAN hiện cho thấy là họ không muốn chuyển giao bất cứ chủ quyền nào cho một chính quyền trung ương. Họ cũng chứng tỏ sự bất lực trong việc thống nhất quan điểm về các vấn đề quốc tế.
Quan hệ chính trị và quân sự mật thiết với Trung Quốc : một yếu tố chia rẽ ASEAN lục địa với hải đảo
Ngược lại, việc được kết nối chặt chẽ với nhau về mặt hạ tầng cơ sở vật lý, quan hệ tương tác với nhau về mặt kinh tế, và quan hệ mật thiết về mặt chính trị và quân sự với Trung Quốc, các nhân tố này ngày càng tách biệt các nước Đông Nam Á lục địa ra khỏi các quốc gia ASEAN hải đảo.
Miến Điện, Cam Bốt và Lào đã mặc nhiên trở thành các quốc gia khách hàng của Trung Quốc, trong khi Việt Nam và Thái Lan cũng đang chịu ơn chàng khổng lồ Trung Quốc về mặt kinh tế.
Phản ứng gần đây nhất của ASEAN đối với mối đe dọa chia rẽ là một lời kêu gọi "kết nối" nhiều hơn giữa các thành viên. Một kế hoạch tổng thể - công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 17 ở Hà Nội vào tháng 10 năm 2010, kêu gọi thiết lập sự kết nối về mặt địa lý, định chế và con người – đã công khai thừa nhận hiện tượng chia rẽ đang manh nha : "Hành trình không hẳn là suôn sẻ, nhất là kể từ khi hai chương trình [ASEAN và GMS] đã theo đuổi các nỗ lực song song và đã đánh chìm nhiều khoản đầu tư đáng kể trong một số lĩnh vực hợp tác."
Với khoảng cách ngày càng tăng giữa các quốc gia lục địa và các nước hải đảo, khả năng của một Cộng đồng ASEAN ra đời vào năm 2015 ngày càng mong manh.
Cùng với Trung Quốc, các nước Đông Nam Á lục địa đang hình thành một khu vực Đại Mêkông, và các mối liên kết đang được phát triển sẽ lấn át những gì hiện có và đang được dự kiến giữa các nước ASEAN. Trong thực tế, ASEAN đang chia rẽ. Những thay đổi này có thể chỉ đơn thuần phản ánh sự gần gũi về địa lý giữa các nước Đông Nam Á với Trung Quốc, hoặc có thể là một biểu hiện của một truyền thống lâu đời của Trung Quốc là chia rẽ chính thể của các lân bang hoặc kết hợp chúng vào chính thể của Trung Quốc.
Trong cả hai trường hợp, một hệ thống phân cấp thứ bậc đang hồi sinh trong vùng Châu Á lục địa, một hiện tượng mà một số người cảm nhận như là một dấu hiệu cho thấy là châu Á không thích hợp với hệ thống tổ chức nhà nước theo mô hình Westphalia.

Không có nhận xét nào: