Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

Quyết tâm và sự dũng cảm của hải quân VNCH trong trận đánh Hoàng Sa

Tài liệu tham khảo


Ngày 19.1 hàng năm lại đến. Nó là cái mốc thời gian, ít nhất cũng nhắc nhở mỗi người dân VN không được quên thời điểm quần đảo Hoàng Sa của Tổ quốc mất vào tay TQ, chưa biết bao giờ mới lấy lại được. Càng đáng lo ngại hơn khi nhiều ngư dân VN bây giờ không thể, không dám ra khơi nữa – một cách trực tiếp buông trôi chủ quyền. Điều đó đòi hỏi đất nước cần có những quyết sách phù hợp, chủ động đương đầu với tình hình trên biển Đông – tất nhiên, với một phong cách VN, phong thái VN từng được thế giới vị nể.

Năm mươi lăm năm trước, ngày 26.5.1956, Chính phủ VNCH chính thức ra tuyên bố trước thế giới nêu rõ, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của Nam VN. Ba ngày sau đó, Chính phủ TQ ủy nhiệm Bộ Ngoại giao ra tuyên bố, “quyết không cho phép xâm phạm chủ quyền của TQ đối với quần đảo Tây Sa và các đảo khác thuộc về TQ, yêu cầu Nam VN phải đình chỉ ngay tất cả mọi hoạt động khiêu khích”.
Tuy nhiên, Chính phủ VNCH tiếp tục có nhiều tuyên bố cũng như hành động để bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau khi đã đóng quân tại 6 đảo đá (TQ gọi là đánh chiếm), cuối tháng 8.1973, VNCH lại tuyên bố sẽ đưa hơn 10 đảo đá vào địa phận quản lý của tỉnh Phước Tuy. Hải quân VNCH thực hiện tuần tra vùng biển Hoàng Sa, ngăn cản ý định của TQ đòi chiếm quần đảo này.
Mâu thuẫn ngày một dâng cao tất yếu sẽ đưa đến hành động quân sự. Chúng ta biết, bối cảnh quốc tế khi đó rất phức tạp. Cuộc nội chiến đã kéo dài, gây nhiều đau thương. Lợi ích của nước nhỏ đã bị các nước lớn mang ra đổi chác. Bài học về độc lập, tự chủ không bao giờ cũ. Lịch sử đã chứng minh, trong trận đánh Hoàng Sa, TQ đã đi đêm với Hoa Kỳ để Hoa Kỳ đứng ngoài cuộc. Điều này là rõ ràng, không thể tranh cãi.
Chỉ huy cao nhất của trận đánh Hoàng Sa phía TQ là Đặng Tiểu Bình, người vừa được khôi phục công tác.
Tháng 12.1973, Mao Trạch Đông triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị tại phòng đọc sách của mình, quyết định bổ nhiệm Đặng Tiểu Bình làm Tổng Tham mưu trưởng.
Mao nói:
“Nay tôi mời đến một quân sư, tên là Đặng Tiểu Bình. Ông này có nhiều người sợ, nhưng làm việc tương đối quả đoán. Tôi xin tặng đồng chí hai câu: trong nhu có cương, trong bông có kim, bên ngoài hòa khí một chút mà bên trong là cả một công ty gang thép”.
Đặng là người có uy vọng rất cao trong quân đội TQ. Rõ ràng, trận đánh Hoàng Sa đã được TQ trù tính và chuẩn bị rất kỹ. Họ có cả tàu khu trục Komal và tên lửa Ukhơ. Ngược lại, phía Nam VN lại bị bất ngờ lớn. Và, phía Bắc VN cũng vậy.
Tuy nhiên, sự chỉ huy quyết đoán, từ cấp cao nhất của VNCH, sự dũng cảm của hải quân VNCH thì ngay cả TQ cũng phải công nhận.
Đây là mô tả của họ:
“Sáng ngày 18.1, tàu Trần Khánh Dư và Trần Bình Trọng của Nam VN trong mấy ngày qua vẫn lởn vởn ở vùng biển gần đảo Cam Tuyền, lại đến gần tàu cá số 407 của TQ, dùng loa gào thét, buộc tàu cá TQ phải ra khỏi vùng biển này. “Không đi, chúng ta sẽ tiêu diệt cả tàu lẫn người bây giờ” – sỹ quan Nam VN nói.
Trong không khí đe dọa không có kết quả, tàu Trần Khánh Dư mở hết tốc lực, lao thẳng vào tàu cá 407, phá hủy buồng lái của tàu.
Đêm 18.1, sóng gió ầm ầm.
Hải quân Nam VN quyết tâm đọ sức với hải quân TQ bảo vệ Tây Sa, đã cử thêm tàu hộ vệ mang tên Sóng Gầm (chắc là họ chỉ hộ tống hạm Nhật Tảo) đến vùng biển cụm đảo Vĩnh Lạc, hội tụ với 3 tàu khu trục mang tên Trần Khánh Dư, Lý Thường Kiệt, Trần Bình Trọng đã xâm nhập trước đó.
Sáng sớm ngày 19.1, sau một ngày “thi gan” với hải quân TQ, hải quân Nam VN quyết tâm lợi dụng tàu chiến hòng nuốt chửng các tàu tuần tiễu có trang bị kém hơn của hải quân TQ (?), tiến tới chiếm cả cụm đảo Vĩnh Lạc.
Hai tàu Lý Thường Kiệt và Sóng Gầm giàn sẵn thế trận từ vùng biển phía bắc đảo Quảng Kim tiếp cận biên đội tàu hải quân TQ. Còn hai tàu Trần Khánh Dư và Trần Bình Trọng thì từ phía Nam tiếp cận hai đảo Tham Hàng và Quảng Kim.
Tàu Lý Thường Kiệt giương cao nòng pháo, lao thẳng vào biên đội hải quân TQ. Ỷ vào thế có lớp vỏ thép dày, tàu Lý Thường Kiệt không những không thay đổi hướng đi, ngược lại còn dùng mũi tàu húc thẳng vào tàu 396, làm hỏng cột đài chỉ huy, lan can mạn trái và máy quét mìn.
Tàu Lý Thường Kiệt  ngang nhiên đi giữa 2 tàu hải quân TQ, lao về phía đảo Tham Hàng, Quảng Kim, sau đó thả 4 xuồng cao su, chở hơn 40 tên sỹ quan binh sỹ Nam VN đổ bộ lên đảo ngay trước mặt tàu chiến TQ.
Sau khi chiếm lĩnh vị trí có lợi ở vòng ngoài, cả 4 tàu chiến hải quân Nam VN bỗng nhiên đồng loạt nổ súng vào 4 tàu chiến của biên đội hải quân TQ. Dưới làn pháo dày đặc của tàu địch, tàu chiến của hải quân TQ liên tiếp bị trúng đạn, một số nhân viên bị thương”…
Sau khi kết thúc trận đánh Hoàng Sa, Nam VN dồn dập điều động máy bay, tàu chiến sẵn sàng phục thù. Hải quân Nam VN ngoài việc cử 2 tàu khu trục từ Vũng Tàu và Nha Trang ra tập kết Đà Nẵng, còn cử 6 tàu chiến từ Đà Nẵng cơ động về hướng Hoàng Sa, đồng thời lệnh cho không quân và hải quân ở khu vực này chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tiếc rằng, bối cảnh khi đó không cho phép tiếp tục trận đánh.
Được thua trong một trận đánh là chuyện bình thường. Nhưng trong trận hải chiến Hoàng Sa, ta thấy quyết tâm và sự dũng cảm rất cao của sỹ quan và binh sỹ VNCH. Họ đã làm theo lời tiền nhân, đối với một tấc đất của Tổ quốc, phải kiên quyết giữ gìn. Đó là một bài học lớn – bài học lịch sử mà không một ai được phép quên.

Không có nhận xét nào: