Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Lạm phát thử thách quyết tâm cải cách

 Nam Nguyên, Phóng viên RFA

clip_image002 
Giá thực phẩm tươi sống tăng cao do lạm phát làm ảnh hưởng đời sống người dân, ảnh chụp tháng 2/2011 tại quận Gò Vấp, TP HCM. RFA PHOTO
 
Quyết tâm của chính phủ Việt Nam đang bị thử thách trong việc thực hiện Nghị quyết 11 ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội.
Một cuộc chiến giả tạo
Tình trạng lạm phát tháng 5 lên tới gần 20% so với một năm trước, cho thấy rất ít kết quả đạt được sau ba tháng, từ khi chính phủ loan báo cương quyết thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, cắt giảm đầu tư công 97.000 tỉ đồng. Nhiều người đã đặt dấu hỏi về chuyện chính quyền các cấp có thực sự triển khai và áp dụng các biện pháp mạnh mẽ của gói giải pháp trong Nghị quyết 11 hay không.

Báo chí Việt Nam có thể do định hướng nên đã đặt tựa những bài viết theo lối làm người đọc dễ hiểu lầm rằng, Nghị quyết 11 đang mang lại kết quả khả quan. Chỉ khi nào độc giả đọc hết cả bài báo, thì mới thấy những ẩn dấu bộc lộ, về tình trạng hiểm nguy của lạm phát phi mã chưa ghìm được cương. Trong khi đó trên tờ thời báotài chính Financial Times ấn hành ở Anh Quốc, nhà báo Ben Bland ghi nhận là nhiều nhà đầu tư nghi ngờ về sự thay đổi trong chính sách, được gọi là Nghị quyết 11. Từ chỗ tán dương lúc ban đầu nay họ coi đó là một thứ “phoney war” - một cuộc chiến giả tạo. 
   
Chưa bao giờ khốn đốn như lúc này, khủng khiếp quá! Nhưng mà ai cũng phải chấp nhận thôi, nghĩa là coi như giựt lại, thí dụ mua 3 lạng thịt thì bây giờ chỉ mua 2 lạng thôi.
Người dân TP HCM
Người dân Việt Nam cảm nhận mức tăng vật giá từ bữa ăn hàng ngày và bà nội trợ là người nắm trong tay chiếc cặp sốt [cặp nhiệt độ], ghi nhận sớm nhất tình trạng giá cả leo thang liên tục từ đầu năm đến nay. Một phụ nữ TP HCM phát biểu:
“Chưa bao giờ khốn đốn như lúc này, khủng khiếp quá! Nhưng mà ai cũng phải chấp nhận thôi, nghĩa là coi như giựt lại, thí dụ mua 3 lạng thịt thì bây giờ chỉ mua 2 lạng thôi. Nói chung cái gì cũng đắt cũng lên giá khủng khiếp, chỉ có nước thắt lưng buộc bụng lại, ăn uống bớt đi, ăn mắm mút giòi thôi, cái gì cũng lên kinh khủng, cái gì cũng đắt những gia đình đông con kêu la dữ lắm”.    
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội nói rằng tình hình lạm phát là đáng lo ngại. TS Doanh kêu gọi chính phủ tập trung hỗ trợ người nghèo một cách thiết thực. Theo lời ông, chương trình bình ổn giá ở TP HCM cho thấy không phát huy được tác dụng mong muốn và nên dùng số tiền này để trực tiếp giúp đỡ cho bữa ăn của những người nghèo, bữa ăn cho những bệnh nhân ở bệnh viện với tình trạng quá tải nhiều người nằm chung một giường. TS Lê Dăng Doanh phát biểu:
clip_image004
Giá thực phẩm chế biến tăng cao do lạm phát, ảnh chụp tháng 2-2011 tại quận Gò Vấp, TP HCM. RFA PHOTO
“Gần đây đã có tin về tình trạng thiếu đói và chính phủ phải xuất gạo để cứu trợ đồng bào bị thiếu đói. Còn người nghèo, công nhân ở các khu công nghiệp, các em sinh viên thì đời sống rất là khó khăn và họ đã phải tiết chế tối đa sự tiêu dùng của họ. Vì vậy có thể nói thị trường tiêu dùng của người nghèo đã thay đổi hẳn, việc mua thịt cá của họ đã bị giảm đi nhiều. Họ cũng hoàn toàn không còn khả năng để mua các mặt hàng tiêu dùng lâu bền nữa”.  
Cuộc sống người nghèo thay đổi?
Thời báo kinh tế Việt Nam tường trình trên trang mạng: “Để cắt giảm chi tiêu, người lao động thường chọn giải pháp tiết kiệm cho cho dinh dưỡng gia đình, bản thân họ và con cái, đầu tiên là sữa cho trẻ em”. Đây rõ ràng là một nguồn tin khả tín vì được trích từ báo cáo ‘đánh giá tác động của tăng giá đối với đời sống người nghèo, người làm công ăn lương’ do Vụ Lao động-Văn hóa-Xã hội thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện. Người lãnh đạo cơ quan này là ông Nguyễn Quang Thắng xác định với tờ báo là bản báo cáo đã được gởi lên lãnh đạo Bộ.
Đây là lúc cần phải có sự đánh giá một cách nghiêm túc, khoa học và tỉnh táo bằng những biện pháp cụ thể nào có thể làm cho lạm phát giảm đi một cách có hiệu quả hơn.
TS Lê Đăng Doanh
Bản báo cáo có những đánh giá rất đáng quan tâm: “Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tác động rất khác nhau đến các nhóm hộ gia đình trong xã hội, nhưng người có thu nhập thấp chịu tác động trực tiếp và nhanh hơn người có thu nhập cao;dân vùng nông thôn chịu tác động nặng hơn thành thị; và công nhân chịu tác động lớn hơn nông dân.”
Chúng tôi nêu câu hỏi với ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM là, những công nhân điển hình như công nhân dệt may có được các doanh nghiệp điều chỉnh lương bổng theo kịp mức tăng vật giá gần 20% so với cùng kỳ năm trước hay không. Ông Diệp Thành Kiệt đáp: 
“Theo thông lệ của các doanh nghiệp, thông thường sau Tết người ta có điều chỉnh lương, một mặt để thu hút những lao động có ý định nghỉ của năm trước; một mặt là sau một năm đã có đầy đủ thông tin với tỷ lệ lạm phát của trong năm, tình hình vật giá sau Tết,.v.v. Thường thường việc điều chỉnh được tiến hành hồi đầu năm rồi, bây giờ tình hình lạm phát lại diễn ra thì đó là một bài toán khó cho ngành dệt may. Qua các buổi làm việc với ban chấp hành, tiếng nói chung đối với ngành dệt may TP HCM, mục tiêu chính của chúng tôi vẫn là đáp ứng giải quyết phần nào khó khăn về đời sống của người lao động. Dĩ nhiên cũng không thể chạy theo đúng mức lạm phát của năm, các chuyên gia đưa ra nhiều dự báo khác nhau có thể 15%, 17% có thể hơn nữa. Khả năng của các doanh nghiệp dệt may TP HCM có thể bảo đảm mức tăng thu nhập bình quân 15% của người lao động so với năm ngoái”.
Tuy nhiên, ông Diệp Thành Kiệt nhấn mạnh rằng trách nhiệm lo toan cho đời sống của công nhân, thành phần làm công ăn lương nghèo nhất nước là trách nhiệm chung của toàn thể cộng đồng.
clip_image006
Một phiên chợ ở Lạng Sơn, ảnh chụp năm 2011. RFA PHOTO
“Việc này không chỉ là trách nhiệm của ngành dệt may mà là của toàn xã hội, nói thẳng ra là của chính phủ. Vừa rồi chính phủ có chương trình bình ổn giá, TP HCM có chương trình vận động các chủ nhà cho thuê không tăng giá cho thuê, chỉ lấy giá điện đúng giá chính thức còn ngành điện thì thâm nhập vào những hộ này để bảo đảm công nhân được hưởng điện đúng giá. Tôi nghĩ rằng mỗi nhóm thành phần xã hội sẽ cố gắng một chút, doanh nghiệp cố gắng đáp ứng lạm phát 15%-20%; bản thân người lao động cũng sẽ tiết kiệm và còn các ngành bên ngoài nữa. Người lao động sẽ bớt khó khăn chứ còn kỳ vọng họ giữ nguyên được sức mua như năm rồi, hay tốt hơn thì đối với năm 2011 này là hơi khó”.
Khó đạt mục tiêu giảm nghèo
Trở lại bản báo cáo ‘đánh giá tác động của lạm phát, tăng giá đối với đời sống người nghèo, người làm công ăn lương’ do VnEconomy đưa tin. Báo cáo ghi nhận, khi CPI tăng cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mức giảm tỷ lệ hộ nghèo, làm cho tốc độc giảm nghèo có xu hướng chậm lại. Trong năm 2011 này nếu chỉ số giá tiêu dùng tăng đến 14% thôi, thì mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% là khó đạt được. Theo đó những hộ đã thoát nghèo sẽ vẫn là hộ nghèo về bản chất.
Nhóm nghiên cứu ghi nhận là, người nghèo chi tiêu 56% tổng thu nhập cho lương thực, để có bữa ăn tối thiểu trong điều kiện vật giá leo thang, các hộ nghèo sẽ phải cắt giảm những khoản chi tiêu khác, dẫn tới giảm phúc lợi của hộ gia đình.
Một sự kiện đáng lưu ý, bản báo cáo cho rằng nông dân chịu thiệt nhiều hơn khi vật giá gia tăng, trái với quan niệm cho rằng tăng giá lương thực thực phẩm có thể đem lại thêm lợi tức cho nông dân. Do chi phí nông nghiệp đầu vào cao dẫn tới tình trạng doanh thu nhiều khi không đủ bù đắp chi phí và công sức.
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long thực sự bức xúc đối với tình trạng vật giá leo thang không ngừng:
Ông chính phủ nói chống lạm phát, chống sao mà chỉ có đè được mặt hàng của nông dân thôi, còn mấy mặt hàng của doanh nghiệp không đè được đưa về tới tay nông dân thì giá quá cao.
Nông dân ĐBSCL
“Ông chính phủ nói chống lạm phát, chống sao mà chỉ có đè được mặt hàng của nông dân thôi. Nông dân sản xuất ra lúa gạo, các mặt hàng để xuất ra nước ngoài thì đè được, còn mấy mặt hàng của doanh nghiệp không đè được đưa về tới tay nông dân thì giá quá cao, nông dân mình bức xúc chuyện đó”.
Không che dấu, bản báo cáo đánh giá tác động của tăng giá đối với đời sống người nghèo, người làm công ăn lương của nhóm nghiên cứu Bộ Kế hoạch Đầu tư nhấn mạnh rằng: “Trong 2 tháng đầu năm nay, số lượt nhân khẩu nông nghiệp thiếu đói đã tăng gấp 2 lần so với cùng thời điểm năm 2010. Đây là số lượng nhân khẩu thiếu đói nhiều nhất kể từ năm 2007 trở lại đây”.
TS Lê Đăng Doanh trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi tỏ ra quan tâm đặc biệt đến những hiệu ứng ngược trong gói biện pháp Nghị quyết 11, như chuyện lãi suất cho vay quá sức chịu đựng của doanh nghiệp; hoặc thực hư về việc cắt giảm đầu tư công.
“Tôi nghĩ, đây là lúc cần phải có sự đánh giá một cách nghiêm túc, khoa học và tỉnh táo bằng những biện pháp cụ thể nào có thể làm cho lạm phát giảm đi một cách có hiệu quả hơn và những hiệu ứng phụ của những biện pháp đó đối với doanh nghiệp và người dân sẽ được giảm thiểu đến mức thấp nhất”.
Diễn biến tình trạng kinh tế tài chính trong 5 tháng đầu năm, chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh khi trả lời báo mạng VnEconomy dự đoán kịch bản lạm phát tăng vật giá sẽ vượt 20%, trong ba tháng tới sẽ lên đến 22-23% thậm chí 25%. Như vậy sẽ lập lại kịch bản 2008, lạm phát cuối năm khoảng 20%.
Nếu dự báo này trở thành sự thực, thì những thay đổi chính sách lớn để ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội ghi trong Nghị quyết 11, sẽ có thể bị đánh giá tương tự như bài viết của Financial Times “một cuộc chiến giả hiệu”.
N. N.

Không có nhận xét nào: