Thanh Phương
Petro Việt Nam khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam (DR)
Cũng như Philippines, Việt Nam đang đẩy mạnh thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Điều đó có thể dẫn đến nguy cơ xung đột với Trung Quốc ở khu vực này.
Theo Bloomberg News hôm qua, công ty Talisman Ernergy của Canada, tức là đối tác của tập đoàn dầu khí Petro Vietnam, dự tính vào năm tới sẽ tiến hành khoan thăm dò tại một lô mà Trung Quốc đã ký hợp đồng với một công ty Mỹ và đang được bảo vệ bằng tàu võ trang.
Trong khi đó, theo lời phát ngôn viên của tổng thống Benigno Aquino, Philippines cũng dự tính khai thác dầu khí tại một khu vực mà tàu tuần tra của Trung Quốc đã quấy nhiễu tàu Philippines vào tháng 3 vừa qua.
Theo hãng tin Bloomberg News, công ty Exxon Mobil của Mỹ cũng có kế hoạch thăm dò dầu khí ngoài khơi Việt Nam trong năm nay. Tờ Vietnam News ngày 31/3 vừa qua cho biết là công ty Mỹ đang hoạt động ở lô 119, nhưng không cho biết là lấy nguồn tin từ đâu. Một phần của lô này là nằm trong vùng biển mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền.
Một cựu tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ và nay là chủ tịch một công ty tư vấn doanh nghiệp ở bang Virginia, ông James Lyons, nhận định là, với giá dầu tăng vọt lên gần 100 đôla/thùng, Việt Nam và Philippines buộc phải kiếm thêm nguồn dầu khí đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng kinh tế ít nhất 7% trong năm nay. Theo thẩm định của Ngân hàng Thế giới, nhu cầu khí đốt ở Việt Nam sẽ tăng gấp ba vào năm 2025. Còn Philipìnes thì có kế hoạch tăng nguồn dự trữ dầu khí thêm 40% trong hai thập niên tới để giảm mức độ phụ thuộc gần như hoàn toàn của nước này vào nhiên liệu nhập khẩu.
Về phía Trung Quốc, theo các số liệu do Bloomberg tổng hợp, nguồn dự trữ dầu của nước này đã sụt giảm gần như 40% kể từ năm 2001. Cho nên, nhu cầu khai thác dầu khí Biển Đông càng thêm cấp thiết.
Bắc Kinh đã xác quyết chủ quyền trên phần lớn khu vực Biển Đông, bao gồm cả những mỏ dầu khí nằm cách xa bờ biển Trung Quốc gấp hơn ba lần so với bờ biển Việt Nam. Ngày 12/5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố xem việc thăm dò dầu khí trong vùng lãnh hải của Trung Quốc là “xâm phạm chủ quyền và quyền lợi” của nước này, và là “bất hợp pháp”.
Các tranh chấp chủ quyền trên biển có thể sẽ được thảo luận tại diễn đàm an ninh thường niên ở Singapore khai mạc ngày 3/6 tới. Tại hội nghị này vào năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đã từng tuyên bố Hoa Kỳ chống lại mọi hành động hù doạ các công ty hoạt động ở vùng biển này. Còn tại diễn đàn an ninh khu vực ở Hà Nội tháng 10 năm ngoái, Ngoại truởng Hillary Clinton đã khẳng định rằng bảo đảm tự do lưu thông hàng hải ở vùng Biển Đông là vấn đề “quyền lợi quốc gia” của Hoa Kỳ.
Theo lời ông Michael Green, nguyên là một chuyên gia của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, tuyên bố nói trên của bà Clinton đã khiến các nước Đông Nam Á “tự tin hơn một chút”. Nhưng Trung Quốc trong thập niên qua đã tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự và đặc biệt là hải quân, để tuần tra thường xuyên hơn, nhằm bảo vệ chủ quyền mà họ xác quyết trên Biển Đông.
Vụ các tàu tuần tra của Trung Quốc gây hư hại thiết bị của tàu điạ chấn Bình Minh ngay trong lãnh hải của Việt Nam hôm qua có thể sẽ chỉ là khúc dạo đầu cho những hành động quyết liệt hơn của Bắc Kinh đối với các nước tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và như vậy, nguy cơ xung đột vũ trang ở khu vực này ngày càng lớn.
T. P.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét