Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

QUAN HỆ GIỮA ĐẢNG-NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN: AI PHẢI CẢM ƠN AI ?

Phạm Viết Đào-Nguyễn Huy Canh.


Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, của nhân dân, đó là một mệnh đề, một khẩu hiệu do Lê Nin đặt ra; khẩu hiệu được trương lên khi Đảng muốn lôi kéo nhân dân ủng hộ mình làm cách mạng, lật đổ chế đội cũ để chính quyền vào tay Đảng. Và khi chính quyền vào tay mình rồi thì các đảng viên đã trở thành những “ông quan cai trị” nhân dân…Bởi vì lãnh đạo Nhà nước là độc quyền của Đảng ( Điều 4 Hiến pháp )...
Nói theo ngôn ngữ giáo điều thời thượng hiện nay, Đảng là người lãnh đạo nhân dân ta đã làm cách mạng: xoá bỏ chế độ phong kiến, lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Kết quả, nhân dân giành được quyền lực chính trị danh nghĩa là về tay mình nhưng thực chất quyền lực chính trị ấy đã rơi vào tay Đảng; Đảng đứng ra tổ chức thành lập nhà nước; cử người vào nắm giữ các trọng trách trong bộ máy nhà nước và buộc dân phải bầu, phải thừa nhận...
Nhưng khi nói quyền lực chính trị về tay Đảng, thực chất là về tay Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng và các thường vụ cấp ủy các đảng bộ địa phương…Về danh nghĩa, về “ luật đảng “ ( Điều lệ ) thì các cơ quan này do đảng viên bầu ra và chịu sự giám sát, quản lý của đảng viên nhưng thực chất hiện nay: một đảng viên thường quyến lực, khả năng tác động chi phối đối với các cấp ủy đảng nhiều khi không hơn gì quần chúng ??? Đối với cấp ủy địa phương còn vậy huống hồ tới Bộ Chính trị- là cơ quan mà ông Nguyễn Văn An có lần mệnh danh là “ông vua tập thể “…
Vì sao dẫn tới tình cảnh này; điều này có nguồn gốc sâu xa bắt nguồn trong cơ cấu tổ chức và nguyên tắc điều hành, quản lý các hoạt động của Đảng theo quy định của Điều lệ…Đó là nguyên tắc “ tập trung dân chủ “. Nguyên tắc tập trung dân chủ là gì: thiểu số phục tùng đa số; cá nhân phục tùng tập thể; cấp dưới phục tùng cấp trên…Đây là nguyên tắc, là nguyên lý vận hành trong hoạt động của đảng nhiều khi đã biến cỗ máy đảng thành những cơ quan quan liêu, xơ cứng mất sự nhạy cảm, tiền phong của một đảng tự nhận mình là đội quân tiên phong dẫn dắt sứ mạng dân tộc…
Trong chiến tranh, khi phát lệnh xung phong, thậm chí có lệnh rút lui, nhưng nếu một người lính nào đó lao lên đầu hoặc lùi lại quyết sống mái với kẻ thù thì rất dễ trở thành anh hùng nếu anh ta lập được công trạng lớn. Còn trong sinh hoạt của Đảng hiện nay, do bị bó cứng trong cái nguyên tắc tổ chức tập trung dân chủ xơ cứng nên ai đó bất thần lao lên hay lùi lại, khác, trái với số đông đôi khi sẽ bị lãnh đủ, sẽ bị xóa sổ vì hành động tiên phong hay cầm cự đến cùng vì chân lý…
Do bị chi phối nặng nề bởi cái cơ chế này, cái cơ chế bảo hiểm an toàn cho ai đó do chưa hẳn có tài đức thực sự nổi  trội, hơn người nhưng do nắm được cờ nên cứ phất đại đi và buộc mọi người, đôi khi cả dân tộc phải chấp hành lao theo…Rất nhiều vụ việc xảy ra trong các hoạt động điều hành kinh tế xã hội trong thời gian gần đây đã cho thấy cái mặt trái của cái nguyên lý, cái nguyên tắc tập trung dân chủ; một nguyên tắc rất dễ dẫn tới thủ tiêu sáng tạo cá nhân, thủ tiêu đấu tranh nội bộ, một động lực làm tiến hóa môi trường xã hội…
Do vậy, hiện nay nói Đảng và nhà nước là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đang có nguy cơ chỉ là khẩu hiệu và chí trên danh nghĩa và cương lĩnh trong các văn kiện của Đảng. Do đó Đảng, Chính phủ ( hiểu theo nghĩa nhà nước) phải biết ơn nhân dân. Đây không phải là một mệnh đề đạo đức mà là một logic chính trị, có theo logich đó thì đó mới là một Đảng biết ăn ở với dân. Nếu không có nhân dân đứng lên làm cách mạng, làm sao Đảng có được quyền lực chính trị trong tay; thậm chí còn rũ tù trong các nhà tù của các thế lực thù địch...
Còn hiện nay nếu nhân dân không lao động, làm ra của cải để đóng thuế nuôi bộ máy nhà nước, bộ máy Đảng thì các vị sống bám vào đâu, các vị làm gì ra của cải vật chất ?
Thế thì tại sao đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn khi nhận được sự trợ giúp của chương trình xoá đói giảm nghèo lại nói: ơn Đảng, ơn Chính phủ ?
Phải chăng đây là một trạng thái tâm lí còn sót lại của cư dân nông nghiệp cổ xưa? Nhưng điều đáng tiếc là có nhiều tổ chức xã hội, nhà thơ, nhạc sĩ và cả các chính trị gia nữa đã đẩy trạng thái tâm lí này thành một mệnh đề của tư duy chính trị ? Xa hơn còn biến nó thành một thiết chế pháp lý trong quan hệ chính trị-kinh tế-xã hội ?
Tư duy mệnh đề chính trị này đã đi vào đường lối, chủ trương của Đảng và nhà nước ở các cấp trong rất nhiều năm. Nhân dân nghiễm nhiên trở thành như một đối tượng cần định hướng, chăn dắt và ban cho ? Tư duy chính trị này đã biến bộ máy Đảng, các đảng viên lý ra phải là lãnh tụ chính trị, lãnh tụ tinh thần nhưng lại tự biến thành các ông quan bụng phệ, ăn trên ngối trốc ?
Quan tâm, chăn dắt, ban cho… đó là điều quí nếu xuất phát từ sự thành tâm trong sáng và cao thượng của con người với con người. Nhưng người ta cũng đã phát hiện ra mặt trái của những chủ trương và chính sách này: nó đã tạo ra tâm lí ỉ lại, trông chờ vào lãnh đạo cấp trên, vào nhà nước; Lối tư duy đó đã làm thui chột đi những cố gắng tự thân vươn lên trong lao động, sản xuất và trách nhiệm với chính mình, với gia đình và cộng đồng của số lớn cư dân trong xã hội; trách nhiệm tự gánh vác và làm chủ lấy số phận của bản thân mình…
Xa hơn thế, tư duy chính trị cổ hủ đó thật sự hạn chế, thậm chí có khả năng đánh mất những cái quí hơn, tước đoạt mất (dù chỉ là một cách êm ái!) trong tư duy chính trị công dân của người dân: đó là con người phải được quyền đòi hỏi sự bình đẳng về mặt pháp lý-yếu tố  cơ bản cấu thành khía cạnh nhân quyền của công dân; đã là công dân thì phải được quyền chứ không phải là kiến nghị, hay đề đạt nguyện vọng hay phải đi cầu xin để được tự lo, tự quản và tự định hướng vươn lên cho chính mình trong việc tìm kiếm các giá trị…
Về mặt pháp lý, theo mặc định của Hiến pháp: Đảng, nhà nước phải có nghĩa vụ đáp ứng và tôn trọng những quyền cơ bản của công dân, của cư dân bằng việc tạo ra những điều kiện, những thiết chế, những cơ chế để công dân, cư dân được đáp ứng những điều kiện, cơ sở chính trị-vật chất để giúp họ tự vân động, tự phát triển để duy trì quyền sống của mình.
Đây là tiền đề cần được xác định lại. Bởi vì đó là một trong những điều kiện tiên quyết cho việc thay đổi cái nhìn về địa vị, vai trò của các nhà lãnh đạo trong mối quan hệ với nhân dân của xã hội hiện đại, cũng như cho quá trình đổi mới hệ thống chính trị.
Từ những con người, những lực lượng chính trị (trước đây) đóng vai trò phát hiện, định hướng, dẫn dắt, ban ơn, ban phát cho nhân dân phải trở thành đối tượng được nhân dân ( thông qua Hiến Pháp ) trao cho quyền lực chính trị bằng lá phiếu của mình.
Chừng nào mà cái thiết chế giữa Đảng-Nhà nước và Nhân dân còn được thiết kế theo mô hình Chủ-Tớ thì chừng đó mọi giá trị dân chủ, tự do, nhân quyền chỉ là hình thức nếu không muốn nói là bánh vẽ mang giá trị lừa mỵ nhiều hơn. 
Bởi trong đời sống xã hội, chẳng có “kẻ đầy tớ” nào lại có thể tử tế, trung thành với “ông chủ” nếu như kẻ đầy tớ đó không bị một cái uy nào đó của ông chủ chế ngự, một thiết chế nào đó do ông chủ đặt ra đủ mạnh, đủ sức răn đe đề kẻ đầy tớ kia không dám phản chủ, không lừa chủ và không ăn gian, ăn bẩn của ông chủ ?
Bởi vì đã là đầy tớ thì thường xuất thân từ các thành phần thấp kém trong xã hội, nhân cách hèn hạ, học hành không đâu vào đâu…chỉ có giỏi gian manh và ăn tham vì cái đói cố hữu, bản năng, tiền kiếp….
 
P.V.Đ-N.H.C.

Không có nhận xét nào: