Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

Gạ tình đổi cái gì?

Nguyễn Quang Thân

Từ ngày vụ thầy giáo Đ. ở trường cao đẳng nọ gạ tình một sinh viên và bị em này ghi băng rồi tung lên mạng, cụm từ “gạ tình đổi điểm” được mọi người nói tới và lan truyền rất nhanh. Có nhà văn viết cả một cuốn tiểu thuyết về đề tài này.
 Rồi đến vụ Hà Giang với ông hiệu trưởng hư hỏng, ông chủ tịch tỉnh thân bại danh liệt, và mới đây, vụ một cán bộ công an gạ tình vợ nghi can vụ án mình đang tham gia thụ lý…
 Chắc chắn những hiện tượng ta biết được chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Từ lâu người ta đã biết tình dục là món hàng hóa đặc biệt, đã được mua bán, trao đổi một cách bí mật hay công khai, bị pháp luật cấm đoán ở một số nước, được cho phép ở một số nước khác. Thời phong kiến, ở một số nước châu Âu, lãnh chúa được quyền “sơ dạ”, ngủ đêm đầu để phá trinh con gái nông nô, tá điền. Ở châu Á, ngay cả nước ta một thời chưa xa, tuy không có luật đó nhưng nhiều quan lại, cường hào và địa chủ vẫn tìm mọi cách để làm chuyện đó và nhiều người đã thực sự làm mà vẫn giữ được bộ mặt “đạo đức”.
 Điều làm chúng ta sửng sốt và phẫn nộ là những chuyện đồi bại đau lòng như thế lại có thể xảy ra khá nhiều và có vẻ như ngày một nhiều ở nước ta. Hiện tượng sinh viên bị thầy “gạ tình đổi điểm” hoặc tình nguyện “đi thầy xin điểm” bằng nhiều cách, nhiều phương tiện, trong đó có tình dục, không hiếm. Phụ nữ thường là nạn nhân, nhưng không ít trường hợp, chính họ là chủ thể. Nhân viên thử việc ở một số cơ quan nhà nước hay công ty “thơm tho” có lương cao, thường bị quấy rối tình dục ở công sở hoặc phải trả giá để được nhận vào làm hoặc được đề bạt, bố trí công việc tốt hay thuyên chuyển theo ý muốn. Trong giới diễn viên thường có tiếng xầm xì khá phổ biến về “hợp đồng không thành văn” giữa ngôi sao đang say mê đóng phim hoặc chưa nổi tiếng, cần lăng-xê, với những vị có quyền sinh sát chọn vai. Nghệ thuật cũng nhuốm mùi tục lụy.
 Một câu hỏi “tại sao” to tướng trên bình diện đạo đức.
 Về phía những kẻ tha hóa có trong tay quyền lực thì câu trả lời khá rõ ràng. Đó thực sự là biến tấu cuối cùng của nạn tham nhũng. Người ta có vẻ như đã đủ tiền, đủ biệt thự, đất đai, đã kịp phủ ân huệ cho đời con đời cháu, nhưng tuổi xuân đang trôi qua, cái ghế ngồi quyền lực có thể sụp lúc nào không biết, cho nên hưởng lạc tình dục là chén ngọt cuối cùng không thể bỏ qua. Họ càng dễ thực hiện dục vọng khi có sẵn ê kíp lo cho mình mọi thứ từ A đến Z. Ăn bánh sẽ được trả bằng tiền công quỹ và những chiếc ghế ngồi.
 Nhưng tại sao các cô gái trẻ, nhất là sinh viên và những người có học, kể cả những kẻ tưởng là mệnh phụ “tiết hạnh khả phong” thời nay lại có thể dễ dàng đưa cái ngàn vàng ra đổi chác như thế? Phải chăng họ đã quen coi chuyện trinh tiết, phẩm hạnh, tình dục là “chuyện nhỏ như con thỏ”, có thể sử dụng để đạt mục đích riêng? Thay vì học ra học, làm ra làm, thăng tiến bằng năng lực và trách nhiệm, họ buông thả trong lười biếng và lấy luôn cái thứ vẫn được coi là quý giá nhất của cuộc đời làm phương tiện tiến thân?
 Tình dục vốn là chuyện bình thường, là vẻ đẹp của con người. Nhưng mua bán, đổi chác tình dục luôn được coi là phi đạo đức ở ngay cả những xã hội cởi mở, tự do nhất của mọi thời. Suy cho cùng, “gạ tình đổi điểm” hay đổi bất kỳ cái gì khác đều là chuyện cùng đánh đổi nhân cách, với cả người nhận lẫn người cho. Và khi nhân cách có vết thì chẳng ai nhận được gì ngoài sự nhục nhã.

 

Không có nhận xét nào: