Ngày 20-5, ông Dominique Strauss-Kahn (DSK), tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sẽ ra hầu tòa và đối mặt với mức án tối đa 74 năm 3 tháng tù nếu bồi thẩm đoàn xét thấy phạm đủ 6 tội
Đêm 17-5, bản tin trực tuyến đài truyền hình Mỹ NBC dẫn một nguồn tin riêng cho biết đêm thứ hai ở trong phòng biệt giam của nhà tù Rikers Island, sau một cuộc nói chuyện với bác sĩ tâm lý học, ông DSK đã được một đội y tế của nhà tù áp dụng những biện pháp “chống tự tử”. Vì lẽ này, ông phải mặc áo tù đặc biệt, mang giày không dây và bị giám sát mỗi 15-30 phút. Được hỏi có phải đây là biện pháp đặc biệt đối với ông DSK, một nhân vật có tầm cỡ thế giới, cơ quan quản lý các nhà tù thành phố New York nhấn mạnh rằng đây là “biện pháp chung áp dụng với tất cả tù phạm chứ không riêng gì ông DSK”.
Ông Dominique Strauss-Kahn. Theo kết quả thăm dò dư luận của Công ty CSA ngày 17-5, 57% người Pháp
tin rằng ông DSK là “nạn nhân của một âm mưu thâm độc”. Ảnh: AFP
Ngày 18-5 (giờ Mỹ), lần đầu tiên ông DSK sẽ được phép tiếp người thân. Có tin bà Anne Sinclair, vợ ông DSK, sẽ có mặt tại New York để thăm chồng.
Trong vụ xì-căng-đan tình dục nổi đình nổi đám này, có nhiều tình tiết đáng ngờ sẽ được các luật sư bảo vệ ông tổng giám đốc IMF nêu ra để chứng minh tình trạng ngoại phạm của ông DSK. Đây sẽ là một trong ba phương án mà nhóm luật sư của ông DSK đang cân nhắc.
Phương án thứ hai là nhìn nhận có quan hệ tình dục với sự đồng thuận của bà hầu phòng nhưng sau đó do hiểu lầm hoặc cãi cọ nên bà hầu phòng làm to chuyện. Phương án thứ ba là thương lượng, thừa nhận những tội danh nhẹ nhất rồi chấp nhận đền bù thiệt hại. Ở Mỹ đây là cách phổ biến để tránh ra tòa và nhận những hình phạt nhẹ nhàng.
Bằng chứng ngoại phạm?
Theo phương án một, có mấy vấn đề như sau: Thứ nhất, giờ giấc xảy ra sự cố “cưỡng dâm”. Nguồn tin ban đầu của Sở Cảnh sát New York cho biết vụ việc xảy ra lúc 13 giờ ngày 14-5. Nhưng theo luật sư chính Benjamin Brafman, ông DSK đã làm thủ tục trả phòng lúc 11 giờ 45 phút để đi ăn trưa với con gái ông (Camille, 26 tuổi, sinh viên Trường Đại học Columbia) lúc 12 giờ 15. Sau đó ông mới bắt taxi ra sân bay John F. Kennedy. Vì vậy, không thể có vụ cưỡng dâm lúc 13 giờ như cảnh sát New York nói. Tuy nhiên, ngày 16-5, Paul Browne, người phát ngôn của Sở Cảnh sát, đã “nói lại” vụ việc xảy ra “khoảng trưa thứ bảy”.
Chi tiết trả phòng, theo nhật báo Pháp Le Parisien, đã được một người giấu tên của Accor, tập đoàn quản lý chuỗi khách sạn Sofitel khắp thế giới, xác nhận rằng ông DSK đã trả phòng và thanh toán tiền lúc 12 giờ 28 hoặc 12 giờ 38 phút.
Người này cũng xác định rằng sau khi trả phòng, ông DSK không thể trở về phòng vì chiếc thẻ từ dùng để mở cửa phòng đã bị vô hiệu hóa. Nguồn tin trên cho biết thêm “trong 18 tháng qua, ông DSK chỉ đến ở khách sạn Sofitel New York 6 lần, trong đó có 5 lần hồi năm ngoái”.
Thứ hai, trước khi đến New York, ông DSK đăng ký mướn phòng giá 525 USD. Tuy nhiên, khách sạn giới thiệu ông vào ở phòng VIP số 2806 giá 3.000 USD/đêm còn trống. Nguồn tin trên nói rõ “ông DSK không phải là khách hàng thường xuyên dùng phòng VIP”. Hơn nữa “cô hầu phòng tố cáo ông làm bậy bình thường cũng không được chỉ định phục vụ phòng VIP”. Đây có phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không? Câu hỏi này chắc chắn sẽ được luật sư đoàn bào chữa cho ông DSK yêu cầu làm rõ.
Một chi tiết nữa không kém phần quan trọng: Nội quy của khách sạn quy định rõ nhân viên khách sạn phải bấm chuông trước khi vào phòng. Tuy nhiên, theo ông Paul Dubrule, người đồng sáng lập Tập đoàn Accor, do tính chất cấu trúc căn phòng 2806 (bao gồm lối vào, phòng khách và phòng ngủ) hơi bất tiện ở chỗ “người ở trong phòng không nghe tiếng nữ nhân viên khách sạn vào phòng”.
Riêng chi tiết bà hầu phòng Nafissatou Diallo, 32 tuổi, một người mẹ đơn thân nuôi con đến từ Guinea năm 1998, nói không biết ông DSK là ai thì chỉ đúng một phần. Theo thông tín viên của nhật báo Le Figaro, Diallo phải biết ông DSK là khách VIP của khách sạn vì ảnh ông này đã được dán trong phòng thay đồ của các hầu phòng trước khi ông DSK đến khách sạn.
Bà Nafissatou Diallo (trùm khăn trắng) được đưa ra khỏi đồn cảnh sát Harlem ngày 15-5. Ảnh: TF1
DSK không chạy trốn?
Theo báo cáo của Sở Cảnh sát New York, “sau khi phạm tội”, ông DSK đã bỏ chạy ra sân bay, vội vã đến nỗi quên cả chiếc điện thoại di động BlackBerry, một tình tiết tăng thêm tội. Nhưng theo nhóm luật sư bào chữa ông DSK, việc ông DSK ăn cơm trưa với con gái khoảng 12 giờ 15 phút theo hẹn trước cho thấy ông không hề chạy trốn. Hơn nữa khi ra đến sân bay JFK, lúc 15 giờ 40 phút ông còn điện thoại về khách sạn Sofitel yêu cầu giữ máy điện thoại để trả lại cho ông sau.
Nếu cố tình chạy trốn thì ông DSK sẽ không bao giờ “lạy ông tôi ở bụi này” như vậy để cảnh sát dễ dàng phát hiện ông đang ở sân bay và bắt được “nghi can” 10 phút trước giờ bay. Đây chắc chắn là một điểm mấu chốt trong cuộc điều tra của cảnh sát New York và trong phần tranh luận của nhóm luật sư của ông DSK.
6 tội danh chống DSK 1. Hành vi tình dục phạm pháp cấp độ 1. Hình phạt tối đa: 25 năm tù. Ông DSK bị cáo buộc vi phạm hai lần cho nên có thể lãnh 50 năm tù. 2. Cưỡng dâm cấp độ 1. Hình phạt tối đa: 15 năm tù. 3. Tấn công tình dục cấp độ 1. Hình phạt tối đa: 7 năm tù. 4. Nhốt người trái phép cấp độ 2. Hình phạt tối đa: 1 năm tù. 5. Dùng bạo lực sờ mó. Hình phạt tối đa: 1 năm tù. 6. Tấn công tình dục cấp độ 3. Hình phạt tối đa: 3 tháng tù. (Nguồn: Văn phòng Công tố cấp quận huyện New York) |
Kỳ tới: Một ngày trong nhà tù Rikers
THẢO HƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét