Bút Lông
Cơ khổ, Cái thế “trên đe dưới búa” này biết làm sao mà tránh được? Cơ chế nói dối đã hình thành từ lâu, lâu lắm, mang tính quốc tế mất rồi, mà vụ Chernobyl như một bài BVN đưa lên gần đây là minh chứng rõ rệt nhất. Việc cố tình bưng bít trong vụ đó đưa đến cái chết cho bao nhiêu dân chúng còn hé lộ thêm một thực tế là cơ chế nói dối này lại còn coi rẻ tính mạng con người, chẳng “vì dân, do dân” như mình vẫn luôn luôn lớn tiếng. Làm cách nào xóa bỏ được cơ chế ấy để cho những ai sản sinh trong “khuôn” của nó không bị tha hóa? Thật vô kế khả thi. Nếu người ta dám nói thật, dám cảnh báo những điều mình biết thì vụ Vinashin có đến nước tóe loe ra khi đã lụn bại thê thảm như đã thấy hay không? Chết nỗi, ai mà không gờm những con báo mắt láo liên ngồi chồm chỗm trên ngọn cây, sẵn sàng cắn xé mình ngay nếu mình dám “hở mồm nói ngược”? Cho nên, thật tình mà nói, bạn phóng viên trẻ về thực tập ở Đài huyện Yên Thành dám can đảm lên tiếng về nguy cơ sập lò mỏ đá Lèn Cờ là một hiện tượng hiếm có, do chỗ là “ma mới” chưa húc đầu vào đá nên còn hăng hái hết mình vì sự thật đấy thôi. Ấy là còn giữ được tính trời. Chỉ sau dăm ba kinh nghiệm cay đắng, bạn ấy sẽ dẫm đúng vào cái vết của Nguyễn Quế Văn cho mà coi. Cứ nhìn đó nhìn đây mọi việc đang diễn ra khắp nơi rồi ngẫm nghĩ khắc tìm ra đáp số. Bauxite Việt Nam |
Tại buổi Tọa đàm “Thức tỉnh trách nhiệm – Truyền thông với đạo đức và trách nhiệm của doanh nghiệp” do RED tổ chức (26/4/2011 tại Trụ sở VUSTA), một ví dụ đáng chú ý về trách nhiệm của giới truyền thông đã được đưa ra. Đó là bài viết “Lèn Cờ, chuyện u sầu kể nốt…” của tác giả Đỗ Doãn Hoàng đăng trên báo Lao động số ra ngày 25/4/2011.
Theo bài viết thì trước khi xảy ra vụ tai nạn thương tâm khoảng hơn 4 tháng, có một phóng viên thực tập ở Đài huyện Yên Thành đã phát hiện ra sự nguy hiểm chết người của mỏ đá Lèn Cờ, anh này đã tiếp xúc với doanh nghiệp Chín Mến, tiếp xúc với chính quyền địa phương và viết bài cảnh báo gửi mấy báo, trong đó có báo Công an Nghệ An.
Các tờ báo trên (trong đó có Công an Nghệ An) đã không đăng tải nội dung cảnh báo, mà ngược lại ngày 29/11/2010 báo Công an Nghệ An còn đăng bài “An toàn lao động ở mỏ đá Lèn Cờ” của tác giả Nguyễn Quế Văn số ra ngày 29/11/2010 với nội dung ca ngợi việc chú trọng an toàn lao động ở mỏ đá Lèn Cờ.
Thực tế ngày 1/4/2011 tại Lèn Cờ đã xảy ra vụ sập mỏ đá khiến 18 người chết trong đó phần lớn là phụ nữ, 6 người bị thương nặng, để lại 54 trẻ mồ côi. Nguyên nhân được xác định là phương pháp khai thác không đúng (khoét hàm ếch), người lao động thiếu các thiết bị an toàn và không được đào tạo về an toàn lao động.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia pháp luật, truyền thông cho rằng tác giả Nguyễn Quế Văn và báo Công an Nghệ An đã đăng tin bài sai sự thật, có thể gián tiếp dẫn tới sự chủ quan của cơ quan quản lý Nhà nước trong giám sát doanh nghiệp dẫn tới tai nạn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản đối với người lao động ở mỏ đá Lèn Cờ. Tác giả và cơ quan báo chí nêu trên đã có biểu hiện vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí, Nghị định của Chính phủ.
Căn cứ chức năng nhiệm vụ và trách nhiệm của tổ chức, ngày 28/4/2011, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Truyền thông phát triển đã ký Công văn Đề nghị Thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông xem xét kiểm tra, xử lý trách nhiệm tác giả, báo Công an Nghệ An theo quy định của pháp luật.
Công văn đề nghị trên được gửi đến 17 Cơ quan ban ngành có liên quan và thông tin đến 13 cơ quan báo chí TƯ để tiện theo dõi.
B.L.
Nguồn: Butlong.multiply.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét