Sau thành công từ cây nấm bào ngư, ông Phạm Văn Thành (khối phố 7, phường An Xuân, TP. Tam Kỳ) bắt tay vào nuôi bò cạp, tắc kè hoa, thằn lằn núi Tây Ninh với hy vọng sẽ tìm ra hướng đi mới...
Ông Thành kiểm tra, phân loại các cặp bò cạp bố mẹ. |
Hằng ngày, sau khi xong việc chăm sóc các bầu nấm - nguồn thu nhập chủ lực của gia đình thì hầu hết thời gian còn lại, ông Thành dành để chăm sóc các con vật lạ. Ông tỉ mẩn chăm bẵm chúng với hy vọng các giống nuôi thử nghiệm này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể như trước đây ông thực hiện mô hình nấm bào ngư.
Ông kể, trước kia mình là công nhân Xí nghiệp Chế biến thức ăn chăn nuôi thị xã Tam Kỳ (cũ), xí nghiệp giải thể, ông chuyển sang nghề buôn bán. Đi buôn có đồng ra đồng vào, kinh tế gia đình ổn định nhưng quanh năm chỉ luẩn quẩn với việc bán mua nên ông thấy không “sướng”. Ông quyết định khoác áo lão nông khi trong tay chẳng có tấc đất… nhốt gà. Năm 2001, ông mua 250m2 đất tại thôn 4 (xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) để mở cơ sở trồng nấm với 3 dòng nấm chủ đạo đang được thị trường ưa chuộng là nấm sò Nhật, bào ngư xám, bào ngư trắng. Sau giai đoạn sản xuất thử nghiệm, ông gặt hái thành công với mô hình kinh tế này. Hiện mỗi ngày ông Thành cung cấp cho siêu thị Co.opMart Tam Kỳ hơn 15kg nấm (giá từ 20 - 35 nghìn đồng/kg tùy loại). “Tiền đó đủ cho vợ tôi đi chợ, lo hai con ăn học, chuyện lễ nghĩa. Còn tôi vẫn thích bầu bạn với các con vật nuôi “phi truyền thống” như sâu, tắc kè hoa và cả thằn lằn núi Tây Ninh. Đây là những con vật còn mới mẻ với thị hiếu của thị trường Tam Kỳ nên tôi chưa tính toán đến giá trị kinh tế thu lại từ chúng” - ông Thành tâm sự.
“Thành phố Tam Kỳ ngày càng phát triển năng động với diện mạo cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại; thu hút nhiều dự án lớn đầu tư thì một bộ phận nông dân sẽ phải nhường đất sản xuất nông nghiệp để phục vụ cho chiến lược này. Vì thế bài toán giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho nông dân luôn được địa phương quan tâm chú trọng. Ông Thành là một nông dân điển hình về làm ăn kinh tế hiệu quả với cách nghĩ, cách làm hết sức táo bạo và tính khả thi rất cao”. (Ông Nguyễn Phú Quý - Chủ tịch Hội Nông dân phường An Xuân, TP.Tam Kỳ) |
Còn nhớ khoảng 7 năm trước, lần đầu tiên đưa con dế cơm thương phẩm đi chào hàng ở một số quán nhậu trên địa bàn TP.Tam Kỳ, ông Thành đâm nản chí khi nhiều chủ quán lắc đầu ngại ngần. Ông hóm hỉnh: “Nói suông không thuyết phục được, tôi mua rượu, trổ tài chế biến món dế chiên giòn ngay tại bàn nhậu, lai rai cùng thực khách. Sau bận chào hàng ấn tượng ấy, con dế cơm trở thành thức nhắm khai vị khoái khẩu của thực khách tại các quán nhậu bình dân trên địa bàn thành phố. Giờ thì khỏe, nhu cầu tiêu thụ dế cơm thương phẩm rất mạnh. Gom thêm từ các mối, mỗi ngày tôi cung cấp 5kg dế cơm thương phẩm cho thị trường với giá từ 200 - 250 nghìn đồng/kg mà vẫn không đủ cung ứng”. Ngoài ra, nắm bắt được xu hướng giải trí bằng thú chơi chim kiểng, ông Thành còn bắt tay vào nuôi sâu đất làm thức ăn cho chim. Có cầu ắt có cung, từ chỗ bỏ mối một vài lon sâu đất, đến nay ông cung cấp cho các đại lý chim kiểng hàng chục lon sâu tươi (giá 20 nghìn đồng/lon) mỗi ngày.
Nhưng điều hài lòng nhất với ông Thành lúc này là việc ông đưa vào nuôi 3 loại con vật “độc”, có gốc gác lạ đó là bò cạp, tắc kè hoa và thằn lằn núi Tây Ninh. Sau gần 5 năm mày mò, chăm bẵm, đến nay các loài vật này đã thích ứng với môi trường nuôi nhốt nhân tạo, nối tiếp nhau cho ra những cá thể con khỏe mạnh. Ông Thành say sưa nói về các đặc tính, cách thức nuôi nấng từng loài từ khi chúng còn ở giai đoạn phôi trứng cho đến lúc trưởng thành. Theo ông, bò cạp, tắc kè, thằn lằn núi đều là những vị thuốc quý, là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng. Qua thăm dò, thị trường đang có nhu cầu tiêu thụ nguồn thực phẩm này, nhưng mô hình chỉ mới nuôi thực nghiệm, số lượng chưa nhiều (50 cặp bố mẹ/mỗi loài). “Nhưng đó là chuyện của hiện tại, còn trong tương lai không xa, khi đã xây dựng được các vệ tinh nuôi theo hướng thương phẩm thì con bò cạp, tắc kè, thằn lằn núi sẽ có chỗ đứng vững vàng như con dế cơm thuở nào” - ông Thành chia sẻ.
HÀN GIANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét