Bauxite Việt Nam
SGTT.VN - Bên lề hội nghị Tổng kết công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt – Trung sáng 12.5 tại Hà Nội, thứ trưởng bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn cho biết, hiện “Thoả thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển” giữa hai nước chuẩn bị đàm phán vòng thứ 6 và có thể ký kết trong năm nay.
Thưa thứ trưởng, hồi cuối tháng 4 vừa qua, khi Việt Nam tuyên bố đang đàm phán với Trung Quốc về thoả thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa hai nước, có một số ý kiến băn khoăn rằng Việt Nam có quay trở lại đàm phán song phương. Xin ông làm rõ hơn điều này?
Trong tranh chấp ở Biển Đông có những vấn đề thuộc song phương và có những vấn đề thuộc đa phương. Vấn đề song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc là ở quần đảo Hoàng Sa và cửa vịnh Bắc Bộ.
Do đó thoả thuận nói trên là để giải quyết các vấn đề song phương.
Nhưng với quần đảo Trường Sa, không chỉ là vấn đề giữa Việt Nam – Trung Quốc, mà còn liên quan đến Malaysia, Philippines, Indonesia, Đài Loan, Trung Quốc. Việt Nam đã tuyên bố với cả Trung Quốc và các nước ASEAN có liên quan là phải cùng nhau giải quyết, có ý kiến đồng thuận.
Với các nước trong ASEAN, hiện Việt Nam cũng đang có những đối thoại rất tốt. Ví dụ như với Malaysia, chúng ta đã hợp tác xây dựng báo cáo về ranh giới thềm lục địa, chúng ta cũng đang bàn với Indonesia để giải quyết ranh giới vùng đặc quyền kinh tế. Với Philippines thì chúng ta cũng thúc đẩy hợp tác nghề cá, hợp tác về biển, thời gian qua bị gián đoạn thì sẽ thúc đẩy tiếp.
Đồng thời chúng ta đang chuẩn bị, thăm dò các bên để mở ra các vấn đề khác nữa, ví dụ như hợp tác ở vùng chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia, tiến tới đối thoại ba bên Việt Nam – Malaysia – Thái Lan về vùng chồng lấn giữa ba nước…
Chủ trương của Việt Nam là giải quyết hoà bình, đối thoại hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc năm 1982.
Vậy tiến trình đàm phán thoả thuận này đang ở giai đoạn nào? Và Việt Nam theo đuổi nguyên tắc nào, thưa ông?
Đến nay hai bên đã đàm phán được năm vòng rồi, dự kiến vòng sáu sẽ họp tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào cuối tháng này hoặc đầu tháng sau. Chúng tôi hy vọng thoả thuận này có thể sớm đạt được, có thể là trong năm nay. Hiện nay còn một vài tồn đọng về kỹ thuật mà hai bên chưa giải quyết được và đang tìm cách xử lý.
“Những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo” là những nguyên tắc cơ bản nhất đã được pháp luật quốc tế công nhận, được cộng đồng quốc tế công nhận, cũng như là những thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Vì thế những nguyên tắc rất cơ bản là phải tuân thủ Công ước Luật biển 1982 của Liên hiệp quốc, cùng tuân thủ DOC (tuyên bố của các nước về ứng xử trên Biển Đông), không để những tranh chấp cụ thể làm ảnh hưởng đến quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Tranh chấp lãnh thổ là vấn đề hết sức phức tạp, đòi hỏi thời gian rất dài. Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt – Trung mất hơn 30 năm mới giải quyết được. Vấn đề trên biển còn phức tạp hơn, không thể trông chờ một thời gian ngắn được. Do vậy, trong quá trình đàm phán, chúng ta sẽ giải quyết từng bước, nguyên tắc là giải quyết từ đơn giản đến phức tạp, trong khi chờ đợi giải pháp cơ bản lâu dài thì chúng ta cũng có thể tính đến các hợp tác cùng có lợi mà không ảnh hưởng đến yêu sách chủ quyền của mỗi bên.
Khi Việt – Trung ký được thoả thuận nói trên, chúng ta sẽ có cơ sở để chỉ đạo đàm phán, sẽ mở ra một số diễn đàn tiếp theo. Tôi cho rằng có thể mở diễn đàn về phân định khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ, thậm chí cũng có thể đàm phán về hợp tác cùng phát triển ở những khu vực tranh chấp mà hai bên đều có thể chấp nhận được.
Nói cách khác, ở khu vực nào đó mà tranh chấp chưa giải quyết được, hai bên có thể hợp tác với nhau vì lợi ích chung, không ảnh hưởng tới yêu sách chủ quyền của mỗi bên. Tất nhiên hợp tác đó phải ở khu vực tranh chấp, không thể là hợp tác ở các khu vực hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Phải đúng là khu vực mà hai bên thừa nhận đó là khu vực tranh chấp.
Giai đoạn 2012 – 2013 Hoàn tất phân giới cắm mốc đường biên đất liền với Campuchia và Lào Theo thứ trưởng Hồ Xuân Sơn, toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia sẽ được hoàn thành vào năm 2012, với tổng số 314 vị trí mốc. Trước đó, hai nước đã từng tiến hành phân giới từ hồi những năm 1980 nhưng bị gián đoạn và đến 2005 mới khởi động lại. Từ cuối năm 2010, Việt Nam và Campuchia đã đẩy mạnh công tác này và thu được kết quả tốt. Với Lào, hai bên có kế hoạch tăng dày cột mốc, toàn tuyến biên giới Việt – Lào sẽ có gần 800 cột, dự kiến hoàn thành vào năm 2013 (sớm hơn so với kế hoạch 2014). Việc hoàn tất đường biên đất liền giữa Việt Nam với Trung Quốc (2008), Lào và Campuchia sẽ tạo thuận lợi cho giao lưu và hợp tác hơn nữa, thứ trưởng nói. |
Vậy thoả thuận có bàn về ngư dân trên biển không, thưa thứ trưởng, bởi đây là một trong những vấn đề gây chú ý trong dư luận thời gian gần đây.
Đã gọi là thoả thuận những nguyên tắc giải quyết các vấn đề trên biển thì những vấn đề gì liên quan chúng ta đều bàn tới.
Tôi muốn nói rằng, trong năm vừa qua, ngoài đàm phán với Trung Quốc về giải quyết tranh chấp chủ quyền thì chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi với nhau về vấn đề bảo vệ ngư dân. Chúng ta biết hiện nay vấn đề ngư dân bị bắt trên các vùng biển đang hoạt động bình thường là một vấn đề rất nhạy cảm. Nó không những ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, mà còn ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của người dân đối với mỗi nước. Nếu giải quyết không tốt việc này cũng phần nào ảnh hưởng tới quan hệ chính trị hai nước, thậm chí có thể gây khó khăn cho đàm phán về giải quyết tranh chấp. Cho nên đây cũng là vấn đề mà hai bên thường xuyên trao đổi với nhau.
Đáng chú ý, vừa rồi hai bên đã nhất trí sẽ cố gắng xây dựng một cơ chế hợp tác để xử lý vấn đề ngư dân. Về phía Việt Nam, Chính phủ đã giao cho bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện. Tôi biết hiện nay bộ Nông nghiệp cũng đang tích cực đàm phán, trao đổi với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc, để sớm xây dựng một cơ chế xử lý vấn đề ngư dân.
Thứ trưởng có nhắc đến việc hợp tác ở vùng tranh chấp, vậy Việt Nam và Trung Quốc công nhận khu vực nào là vùng tranh chấp?
Hiện nay hai bên vẫn đang đàm phán. Và như tôi đã nói, hợp tác chỉ thực hiện ở khu vực tranh chấp mà hai bên chấp nhận được. Lập trường của chúng ta là phải ở ngoài khu vực 200 hải lý, thềm lục địa và vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sau này hai bên sẽ bàn cụ thể với nhau, hiện chưa đến giai đoạn bàn chuyện này mà phải tập trung vào những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo đã.
Thưa thứ trưởng, ngày 11.5 mới đây, Trung Quốc lên tiếng phản đối Việt Nam tổ chức bầu cử ở Trường Sa. Quan điểm của Việt Nam như thế nào?
Quan điểm của chúng ta về Biển Đông rất rõ ràng và nhất quán. Chúng ta có đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn để khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Từ xa xưa, chúng ta đã có quyền chủ quyền hoàn toàn ở hai quần đảo này. Việc chúng ta tiến hành bầu cử ở Trường Sa cũng là để thực hiện quyền chủ quyền của chúng ta ở đó.
VIỆT ANH (GHI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét